Gia đình hạnh phúc của Giáo sư- Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh

(Khám phá) - Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh là một trong 72 người được vinh danh trong cuốn bách khoa toàn thư “Những con người thiên niên kỷ chúng ta”, đứng cạnh các tên tuổi như Tổng thống Nga V.Putin, thị trưởng Matxcova Y.Luzkovhellip;

Là một trong 72 người được vinh danh trong cuốn bách khoa toàn thư “Những con người thiên niên kỷ chúng ta”, đứng cạnh các tên tuổi như Tổng thống Nga V.Putin, thị trưởng Matxcova Y.Luzkov… đồng thời cũng là người có nhiều đóng góp cho mối quan hệ Việt - Nga, anh chính là giáo sư - viện sĩ - võ sư - bác sĩ Lương Ngọc Huỳnh.


“Dị nhân” Lương Ngọc Huỳnh và con đường bang giao

Lương Ngọc Huỳnh sinh 1966 tại làng Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Nội. Mở đầu cuộc trò chuyện với tôi, anh cười thân thiện: “Nhiều khi ví mình giống như những chuyến đi, ở trên máy bay thì nhiều mà thời gian dành cho bản thân gia đình thì cứ bị thu hẹp lại”.
Trong câu chuyện của mình, anh hay nhắc đến bà nội - người có ảnh hưởng lớn nhất với cuộc đời anh. Bà không chỉ nhiều lần cứu anh trở về từ cõi chết mà còn là người trực tiếp dạy dỗ cho anh những kiến thức đầu tiên về võ thuật cũng như y học.


Lúc mới sinh, do bị đẻ rơi trong chuồng trâu, khi cắt rốn sơ sài, cậu bé Huỳnh bị nhiễm trùng uốn ván, tới bệnh viện thì các bác sĩ đều chẩn đoán cậu đã chết, bàn giao lại cho người nhà về làm hậu sự.
Người nhà đem về chôn cất thì đúng lúc bà nội từ Hải Phòng lên đến nơi, thậm chí bà còn đòi “bới mộ” lên để trông thấy đứa cháu. Nhờ đó mà cậu bé chết lâm sàng có được cơ hội sống sót mong manh cuối cùng.


Giáo sư- Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh
May mắn có được thầy thuốc giỏi, cậu bé được cứu sống nhưng lại mắc bại liệt toàn thân. Một lần nữa, bà nội lại là người cất công đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, lặn lội tìm kiếm những bài thuốc quý để cứu cháu.
Dù thương cháu nhưng bà rất nghiêm khắc với Huỳnh. Từ việc truyền dạy y đức cho tới võ thuật đều phải tuân thủ gắt gao.


17 tuổi, cậu đã có thể khám bệnh bốc thuốc cho bà con. Cũng chính bởi sự ảnh hưởng của bà mà năm 27 tuổi, Huỳnh lặn lội sang Trung Quốc để học hỏi tinh hoa võ thuật bên ngoài. Khi đó, anh đã là trưởng môn sáng lập ra môn phái Lâm Sơn Động nức tiếng trong làng võ thuật.


Cuộc đời Lương Ngọc Huỳnh cũng có nhiều ly kì. Anh và gia đình cũng đã có thời lập nên một ban nhạc dân tộc đi biểu diễn khắp nơi nhưng có lẽ không có duyên nên phải giải tán sau đó không lâu. Ban đầu, anh mở lò võ chiêu sinh đệ tử cũng chỉ nhằm mục đích sinh nhai.


Về sau khi môn phái đã có tiếng, số lượng học trò kéo đến ngày càng đông. Năm 1990, khi mới 24 tuổi, anh đã khấn tổ để xin thành lập nên môn phái của riêng mình.
Mấy năm đầu, võ đường của anh không lúc nào vắng người đến thách đấu. Với thành tích bách chiến bách thắng của mình, anh khiến cho nhiều võ sư tên tuổi cũng phải ngả mũ cúi chào.
Nhận vai trò là phái viên của một công ty đông dược, anh sang Nga để phụ trách việc phân phối sản phẩm của hãng ra thị trường.


Lúc bấy giờ, hội võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga được thành lập, anh được mời đồng thời với tư cách Phó chủ tịch thường trực, ủy viên Hội người Việt tại Liên bang Nga. Sau khi ngừng hợp tác với công ty, Lương Ngọc Huỳnh bắt đầu mở lò võ.


Lương Ngọc Huỳnh nhớ lại: “Mình là người nước nhỏ, tiếng tăm không nhiều, muốn khẳng định buộc phải thắng tất cả các lời thách đấu mới làm người ta tin được. Mà những lời thách đấu thì nhiều không kể hết”.
Đến 1/6/2002, liên hoan võ thuật toàn Nga được tổ chức, anh trở thành khách mời duy nhất người Việt tham dự liên hoan. Chính trong dịp này, anh đã làm rạng danh người Việt khi lập nên kỉ lục thế giới bằng biểu diễn động lực giáp pháp công.


Đây là phương pháp hít bát vào bụng để nhấc mình lên khỏi mặt đất dưới sự hỗ trợ của cần cẩu. Kỉ lục của Việt Nam trước đó là 3 phút 35 giây thì lần này anh phá kỉ lục lên tới 15 phút.
Các kênh truyền hình giải trí của Nga rầm rộ phát lại buổi biểu diễn. Đây có thể coi là bước thuận lợi đầu tiên trên con đường lập nghiệp của anh ở xứ sở Bạch Dương.


Gia đình hạnh phúc của Giáo sư- Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh
Lương Ngọc Huỳnh dần được các tổ chức an ninh của Nga mời dạy cho các binh sĩ của mình. Anh lại kết hợp với các bệnh viện ở Nga mở hệ thống chữa bệnh bằng Đông y.
Đặc biệt kể từ khi có lời giới thiệu của Đại sứ toàn quyền Việt Nam tại Liên bang giới thiệu, anh bắt đầu chữa bệnh cho một số chính khách của Nga. Tài năng y thuật của anh cứ thế lan truyền trong giới chính khách.


Cũng nhờ những cơ hội chữa trị này mà anh được mở rộng hiểu biết về chính trường thông qua các bệnh nhân đặc biệt của mình, có thể kể đến những tên tuổi như Tổng thống Nga V.Putin, thị trưởng Matxcova Y.Luzkov, tỉ phú Abramovick, Tổng thống nước cộng hòa Canmuc…
Năm 2006, anh trở về nước chữa bệnh cho một số nguyên thủ quốc gia Việt Nam.
Tới năm 2007, sau 5 năm học quy đổi, Lương Ngọc Huỳnh nhận được bằng bác sĩ dân tộc học của trường Y1- Maxcova, chứng nhận về thần kinh và dược học.


Với đề tài khoa học về cách chữa bệnh dựa trên phương pháp châm cứu và bấm huyệt theo dịch lý phương Đông, kiến thức về phong thủy truyền thống, quy luật tương sinh trong ngũ hành và những biến quái, biến quẻ…. được viện hàn lâm nhân dân thế giới chuyển về chi nhánh ở Culanbato - Mông Cổ. Nhờ đó, anh được phong làm viện sĩ hàn lâm Mông Cổ.


Cũng trong 2007, Lương Ngọc Huỳnh được tôn vinh là một trong 72 con người của thiên niên kỷ trong cuốn “Những con người của thiên niên kỷ chúng ta” do nhà xuất bản Tuyến đường mới của Nga ấn hành.
Tên tuổi của anh đã được đặt cạnh những nhân vật nổi tiếng như Tổng thống Nga V.Putin, Y.Luzkov - Thị trưởng Mátxcơva… nhằm tôn xưng những cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho cộng đồng nước Nga không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp và quốc tịch.


Sau sự kiện này, tên tuổi anh càng có uy tín cao trong giới chính khách tại Nga và một số nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Anh được mời về giảng dạy tại Học viện an ninh Nga, ngoài ra còn viết một số đề tài nghiên cứu chiến lược bảo vệ đất nước.
3/3/2012, anh được đích thân Đại tướng Tephanov - Trưởng Học viện an ninh Nga phong tặng học hàm Giáo sư.


Lương Ngọc Huỳnh cũng đã từng trao tặng lại con ngựa “vạn thọ vô cương” cho hoàng gia Campuchia và được đích thân vua Xihanuc kí tặng huân chương huân công dành cho những người có công bảo vệ hoàng gia Campuchia.
Việc làm này không chỉ thể hiện được tình bằng hữu giữa hai quốc gia mà còn cho thấy thái độ vô tư của anh trước những vật chất có thể có trong tầm tay. Có lẽ, chính sự vô tư đó đã tạo nên mối thiện cảm, cùng với tài năng và y đức khiến cho con đường chính trị cũng như y thuật, võ thuật của anh được thuận lợi.


Gia đình nhỏ và mong ước trở về của “dị nhân”


Hiện tại, cha mẹ anh em Lương Ngọc Huỳnh vẫn sống tại Việt Nam còn vợ chồng anh và cậu con trai năm nay lên 8 tuổi sinh sống tại Matxcơva. Ở xa nhưng năm nào vợ chồng con cái anh cũng bố trí một vài chuyến về thăm gia đình.


Hai anh chị cách nhau 15 tuổi, gặp nhau cũng tình cờ trên nước Nga. Lúc ấy, cô gái trẻ Nguyễn Thanh Quyên đang học dở dang trường Đại học Lomonoxop được 3 năm thì có một số lý do khách quan phải ngừng việc học. Anh Huỳnh đang tuyển nhân viên giúp việc cho văn phòng thì cô đến.
Trình độ tiếng Nga của cô đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giao tiếp khi đứng ở quầy thu ngân tại một trong số các phòng mạch của anh. Tính cô nhanh nhẹn, tháo vát và dễ gần đã vô tình tạo nên sức hút đối với người đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi này.


Cùng cảnh xa quê, lại có cơ hội gần gũi tiếp xúc nhiều, tình cảm đến với họ cũng rất tự nhiên. Năm 2003 thì đám cưới nhỏ được tổ chức, một thời gian sau thì con trai của họ chào đời.
Tuy rất bận rộn với lịch di chuyển dày đặc của mình nhưng anh chị vẫn luôn cố gắng dành hết thời gian có thể để chăm sóc con cái. Cả nhà thống nhất với nhau, mỗi đêm trước khi con trai đi ngủ, anh sẽ kể cho cháu nghe một câu chuyện cổ tích Việt Nam.


Trong những câu chuyện ấy có những cánh cò, đồng bãi, lũy tre,… với mong muốn đến khi lớn lên một chút, về nước, cháu không hề cảm thấy xa lạ với quê hương mình. Tuy giỏi nhiều thứ tiếng khác nhau như Anh, Pháp, Nga,… nhưng tiếng Việt vẫn được anh chị chú trọng dạy dỗ cháu một cách cẩn thận.
Xác định trước khi lấy nhau là phải chịu thiệt thòi nên chưa một lần, anh thấy vợ than thở. Anh cứ đi liên miên, lúc thì Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mỹ… để chữa bệnh cho các nguyên thủ quốc gia và các nhà chính khách.


Có khi đi cả tháng, ít ra cũng 20 ngày, vừa về đến nhà được 1 tuần lại có hội thảo ở nước khác là lập tức xách va li lên đường. Công việc ở võ đường và các phòng khám, anh giao cả cho vợ quản lý.
Biết vợ thiệt thòi, nên hễ có dịp là anh lại dành cho vợ con những kì nghỉ cả gia đình không ảnh hưởng bởi công việc.


Điều mong ước lớn của anh cho đến giờ vẫn là sau khi hoàn thành công việc của mình tại Nga, anh sẽ trở về Việt Nam sống một cuộc sống thanh bình. Dù được lời mời nhập quốc tịch từ rất nhiều quốc gia như Pháp, Nga nhưng anh vẫn kiên quyết không chịu bỏ quốc tịch Việt Nam.
Anh tâm niệm mình là người Việt thì mãi mãi là người Việt, vợ con anh cũng thế, mà đã là người Việt thì đều phải cố gắng và cống hiến cho đất nước mình tốt nhất trong khả năng có thể.



  • Hồng Hoa