Điều gì bảo vệ VN qua biến cố ngặt nghèo?

Chính lòng yêu nước, chính nội lực dân tộc đã bảo vệ mảnh đất này qua những biến cố ngặt nghèo của lịch sử. Lòng yêu nước là thứ vượt qua cả tôn giáo, vượt qua cả ý thức hệ.

LTS: Tiếp nối mạch bài Lòng yêu nước khi Tổ quốc nguy biến, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Trung Quốc - họ là ai?

Có một suy nghĩ luôn ám ảnh tôi: dân tộc Việt Nam quả thực là một dân tộc không may mắn. Đất nước ta có 1.000 năm Bắc thuộc, thêm 1.000 năm nữa kiên trì chiến đấu với giặc ngoại xâm hết thế kỷ này sang thế kỷ khác. Hết địch hoạ đến thiên tai, chưa bao giờ tôi thấy đất nước mình được yên ổn.

Trong thế kỷ 20, Việt Nam là tâm điểm của những xung đột về mặt tư tưởng, là nơi diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt nhất giữa hai phe CNTB và CNXH. Khi cuộc xung đột ấy lắng xuống, chúng ta lại phải đối mặt với tham vọng bành trướng của nước Trung Quốc láng giềng - một đất nước mà sự lớn mạnh của họ đang khiến cả thế giới e ngại, một đất nước chưa bao giờ từ bỏ khát khao bá chủ. Đất nước đó ngày hôm nay đang đe doạ chủ quyền lãnh thổ của ta, khi ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và trắng trợn tuyên bố chủ quyền với vùng biển đó.

Cái thiếu may mắn nhất của Việt Nam về mặt địa lý là phải ở bên cạnh một đất nước mà tư tưởng bành trướng chưa bao giờ nguội đi suốt nhiều thế kỷ. Sự thiếu may mắn ấy càng rõ ràng hơn bao giờ hết khi đất nước đó đang ngày một trở nên mạnh hơn, mà như một số học giả nước ngoài chỉ ra, là trở thành một siêu cường lớn nhất nhì thế giới.

Lẽ thường, một đế quốc lớn mạnh đương nhiên sẽ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình. Nhưng chỉ có đế quốc kiểu cũ mới có khái niệm mở rộng lãnh thổ, như cách mà đế quốc Anh và Pháp từng làm trong lịch sử. Những đế quốc lớn kiểu mới ngày nay thường không như thế.

Thế nhưng nghiệt ngã ở chỗ, khác với những nước khác, TQ chứa đựng trong lòng nó hơn 1 tỷ người, và như vậy, tham vọng lãnh thổ của nước này hẳn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đó là lý do chính khiến lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc chưa bao giờ thực sự bình yên.

Có một sự thật có thể nhìn thấy rất rõ là Trung Quốc có vấn đề về lãnh thổ với gần như tất cả những nước láng giềng, từ Nga, đến Nhật, từ Ấn Độ đến Philippines, từ biên giới đất liền đến biên giới biển. Nên việc Trung Quốc nhìn về phía Nam, về biển Đông, về lãnh thổ của chúng ta là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc là cái đã ăn sâu vào máu họ qua hàng nghìn năm, dù dưới chế độ nào.

Ngoài việc là những nước láng giềng, có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển, Việt Nam và Trung Quốc còn có chung ý thức hệ. Khi những cuộc đụng độ về vấn đề chủ quyền thường xuyên xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, tôi đã nghe có những người nói rằng "nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn là đồng chí". Nhưng, đừng ai mơ hồ về điều đó. Đừng ai mơ hồ những người mà chúng ta gọi là đồng chí sẽ nương tay với chúng ta, sẽ bớt tham vọng bá quyền với lãnh thổ của ta.

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng biển của nước ta, thì có lẽ đã đến lúc người Việt Nam buộc phải nhận ra đối thủ của mình là ai. Chúng ta không thể ru ngủ rằng trong những cuộc đối đầu về quyền lợi, những người cùng ý thức hệ với chúng ta sẽ nương tay cho chúng ta. Không bao giờ chúng ta được ảo tưởng về điều đó nữa, nếu không muốn mắc thêm những sai lầm.
Trong lịch sử hiện đại, chúng ta đã có nhiều cuộc đối đầu với các đế quốc lớn. Nhưng cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc đối đầu khác biệt so với các cuộc đối đầu trước đó với Pháp, Nhật, Mỹ. Năm đó, TQ tuyên bố (như báo chí đã dẫn lời), rằng "dạy cho Việt Nam một bài học". Không ai có quyền tuyên bố như thế với một dân tộc. Vì con người với con người là bình đẳng, dân tộc với dân tộc là bình đẳng.

Khi mà một dân tộc tuyên bố như thế với một dân tộc khác, thì nó chứa đựng rất nhiều vấn đề ở trong đó. Nó cho thấy ý thức hệ của những con người lúc nào cũng mang trong lòng tham vọng bá quyền.
Lịch sử loài người đã trải qua những giai đoạn khi một dân tộc tự cho rằng mình có quyền sống hơn các dân tộc khác, văn minh hơn các dân tộc khác và đã gây ra những thảm hoạ.
Và khi phải đương đầu với lực lượng này, ta phải làm gì? Đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta sẽ phải cùng nhau trả lời.

Bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Ảnh: Kiên Trung
Trong lúc nguy nan, nghĩ về lòng yêu nước của người Việt

Từ nhiều năm nay, những câu chuyện mà tôi nói nhiều nhất với gia đình tôi, với những đứa con của tôi, với những người bạn của tôi mỗi ngày luôn là câu chuyện về lòng yêu nước.
Điều đó không có nghĩa là tôi nghĩ mình yêu nước hơn người khác. Tôi chỉ hiểu mình yêu nước như bất cứ người Việt Nam nào được sinh ra trên mảnh đất này. Yêu nước là quyền, là nghĩa vụ, là thứ tình cảm bản năng và thiêng liêng. Hôm nay, khi đất nước phải đối mặt với những nguy cơ từ biển Đông, tôi càng muốn nói về câu chuyện đó - một câu chuyện mà tôi tin sẽ không bao giờ cũ với dân tộc này.

Kể từ thời điểm thoát khỏi 1.000 năm Bắc thuộc, lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta đã đi qua tất cả những cuộc chiến đó, với những chiến thắng mà người Việt Nam nào cũng có quyền tự hào.
Tôi không biết có ở nơi nào trên thế giới này có câu nói "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" như ở Việt Nam nữa hay không? Nhưng tôi biết chắc rằng ở đất nước tôi, khi giặc đến nhà thì kể cả trẻ con, đàn bà, người già đều sẵn sàng đứng lên đánh giặc. Chính lòng yêu nước, chính nội lực dân tộc đã bảo vệ mảnh đất này qua những biến cố ngặt nghèo của lịch sử.

Lòng yêu nước là thứ vượt qua cả tôn giáo, vượt qua cả ý thức hệ: có thể tôi là đạo Phật, ông là đạo Thiên Chúa, nhưng chúng ta cùng chung một lòng yêu nước. Có thể ông là Cộng sản, tôi không phải, nhưng nếu là những người yêu nước thực sự, chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ đất nước trước những thế lực thù địch bên ngoài.

Chúng ta phải hiểu ngoài giang sơn này ra, thì lòng yêu nước là tài sản quý báu vô cùng của dân tộc này. Dù lịch sử địa lý của chúng ta không may mắn, nhưng trong cái không may đó, lòng yêu nước của người Việt đã được sản sinh, tôi luyện.

Dân tộc nào cũng yêu nước. Không có dân tộc nào, không có con người nào là không yêu đất nước mình sinh ra. Nhưng lòng yêu nước của người Việt Nam trở nên đặc biệt là vì những biến cố lịch sử đó. Nhận biết và trân trọng lòng yêu nước, nuôi dưỡng và bảo vệ nó là điều mà những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các lực lượng trong xã hội phải đặt lên hàng đầu.

Lê Kiên Thành(còn nữa)