kết quả từ 1 tới 19 trên 19

Ðề tài: Phật và chư Thiên-Thế giới quan của Đạo Phật

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Phật và chư Thiên-Thế giới quan của Đạo Phật

    Phật và chư Thiên
    Lược qua ý nghĩa Thiên Nhân Sư
    Một trong mười danh hiệu của Phật là "Thiên Nhân Sư," có nghĩa là bậc Thầy của loài trời và loài người. Theo Đại Trí Độ Luận giải thích, thì Phật là Thầy của tất cả mọi loài chúng sinh chứ không riêng gì của Trời và người mà thôi. Song thông thường thì phải có giáo hóa dạy dỗ mới gọi là Thầy, mà phương tiện giáo hóa theo thói thường thì vẫn là bằng cách thuyết giảng qua âm thanh ngôn từ chữ nghĩa. Trên phương diện thuyết giảng và giáo hóa này chỉ có loài trời và người mới có đủ điều kiện để thọ nhận mà theo đó tu tập tuân hành. Tại sao? Vì các loài địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh bị nghiệp chướng và báo chướng quá nặng nên không thể nào nghe Pháp được: dưới địa ngục và trong ngạ quỷ, các hữu tình bị hành hạ liên tục không có thời gian và không có chỗ nào gọi là đạo tràng để nghe Pháp hết, còn súc sinh thì không hiểu được tiếng thuyết Pháp của đức Phật. Thế nên trong các cảnh giới này chư Phật thường dùng "Thân giáo," tức dùng thân tướng của Ngài với 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, để nhiếp các hữu tình ấy quy hướng về các Ngài mà cứu độ họ. Hoặc dùng "Danh giáo," tức dùng danh hiệu của các Ngài mà nhiếp độ họ, vì danh hiệu vốn rất đơn giản chỉ cần nghe lọt vào tai rồi khởi tâm quy hướng vào đó là được cứu độ, không cần phải có đạo tràng để tu tập, không cần phải có thời gian học hỏi suy nghĩ ghi nhớ v.v...
    Do đó, chỉ có loài trời và người mới chính thức được nghe Pháp âm của Phật, nơi cõi trời người mới dễ thành lập các đạo tràng để học hỏi và tu tập, mới dễ có thời gian để lắng nghe Pháp, để tư duy quán sát về Pháp v.v... Nơi đây, ý nghĩa Thầy trò mới hiển hiện rõ rệt qua sự thuyết giảng của Thầy và qua sự lắng nghe, suy xét và quán sát của trò. Thế nên danh hiệu Thiên Nhân Sư của chư Phật chỉ nhắc đến loài trời và loài người thôi là vậy.
    Song chúng ta cũng đừng nên quyết chắc rằng cứ hữu tình thuộc về trời người là có đủ điều kiện thuận lợi để nghe Pháp. Theo đạo Phật, loài người ở Bắc Câu Lô Châu và loài trời ở Trường Thọ Thiên vì không biết và không thấy được một chút khổ nào hết, chỉ mải lo hưởng thọ phước đức thù thắng của mình, tâm họ không thấy cần thiết gì đến Đạo hay chân lý gì nữa, thế nên phước đức ấy trở thành một chướng ngại hoàn toàn cho họ không được nghe Pháp và không có được Đạo nữa. Ngay cả loài người ở Nam Thiệm Bộ Châu, tuy là có nhiều khổ đau để dễ thấy Đạo, song những kẻ có phước đức được đầu óc thông minh nhớ nhiều, kiến thức rộng, và lý luận gì cũng thông, vì đó mà thành cao ngạo, tự tin mình là toàn hảo, chẳng chịu lắng nghe ai và chẳng chịu tin tưởng gì hết. Những kẻ ấy cũng bị phước đức của họ chướng ngại hoàn toàn không cho họ vào Đạo nữa. Tất cả các trường hợp kể trên đều thuộc về "tám nạn" vậy.
    Lại nữa, chúng ta cũng đừng quả quyết rằng hễ cứ ở trong ba ác đạo là không thể nghe Pháp được. Rồng và khẩn na la, tức kim xí điểu, đều thuộc loài súc sinh, song vì đây là các loài thú linh, có năng lực và công đức đặc biệt siêu việt lên trên mọi loài thú vật khác, hai loài này hiểu được Pháp âm của Phật và thường có nguyện hộ Pháp, thế nên luôn có mặt trong các hội thuyết Pháp của đức Phật. Các loài quỷ thần khác như dạ xoa, a tu la, càn thát bà, ca lâu la, ma hầu la già, cũng vậy. Cho đến các loài ngạ quỷ cũng đều luôn có dịp để nghe và hỏi Pháp với đức Phật hay với các thánh đệ tử của Ngài, như các ngạ quỷ và ngài Mục Kiền Liên luận và hỏi pháp cùng nhau, hay như ngạ quỷ Diện Nhiên mách cho ngài A Nan thọ học phương pháp Du Già Diễm Khẩu để tế độ ngạ quỷ và cứu độ chính ngài.
    Như vậy, chúng ta đủ thấy trong danh hiệu Thiên Nhân Sư ấy, hai chữ "thiên" và "nhân" cũng bao gồm rất nhiều loài khác vào và loại bớt một số bị chướng ngại ra. Ngoài ra, chữ "Sư," tức là Thầy, ở đây không đơn giản chỉ là người giáo hóa dạy dỗ, hay chỉ là "người chỉ đường," mà chính yếu còn là người duy trì và bảo vệ cho các cõi nhân thiên được vững mạnh và trường tồn nữa. Theo đó vị Thầy ở đây chính là nguồn gốc và nền tảng của hai cõi này, tức chính là nơi "nuơng tựa" cho hai cõi này vậy. Danh hiệu Thiên Nhân Sư này không phải chỉ nói lên sự siêu việt của đức Phật hơn hẳn hai loài hữu tình này trên phương diện trí huệ, mà đồng thời còn nói rõ lên sự gắn bó mật thiết giữa đức Phật với hai loài ấy qua ý nghĩa Thầy trò. Đức Phật thuyết Pháp cho loài hữu tình nào đây? Loài nào có khả năng và thuận duyên để thọ nhận giáo pháp ấy, sẽ duy trì và thực hành giáo pháp ấy? Loài nào sẽ đạt được lợi ích từ giáo pháp ấy, và sẽ nối tiếp sự nghiệp thuyết Pháp lợi sinh ấy của đức Phật, không để cho đoạn tuyệt? Đó chính là những hữu tình ở trong hai cõi trời và người này.
    Thông thường, chúng ta chỉ cảm thấy đức Phật là của riêng loài người mình, và cũng chỉ để ý đến những phương diện nào trong giáo pháp của Phật có liên quan đến phạm vi hạn hẹp của thế giới loài người. Thậm chí có nhiều người gạt bỏ hết tất cả những gì không liên quan đến con người trong các kinh Phật để chỉ giữ lại một phần rất nhỏ hẹp thuộc về thế giới con người mà thôi. Họ cho những phần nói về các loài khác cũng như các cõi Trời chỉ là những phóng đại của truyền thống tôn giáo, và cố gắng nhấn mạnh rằng đức Phật chỉ là một "con người" và như thể rằng chỉ của riêng con người mà thôi! Nhưng, danh hiệu Thiên Nhân Sư lại cho thấy rõ rằng đức Phật là vị Thầy bình đẳng của cõi người cũng như của cõi Trời không khác.
    Thực ra, khi chúng ta đọc cho kỹ các Kinh Phật, chúng ta có thể phát hiện ra một điều rất đặc biệt, đó là đức Phật có một liên hệ rất mật thiết với chư Thiên hơn là loài người chúng ta rất nhiều! Và chúng ta còn có thể thấy rõ lý do tại sao như thế: chính là ở điểm con người không đủ khả năng hiểu và biết về đức Phật như chư Thiên hiểu và biết về đức Phật vậy. Con người biết về đức Phật rất ít, và nếu như đức Phật im lặng không nói ra, thì chúng ta hoàn toàn không biết đến Phật là gì hết! Nhưng loài Trời thì không phải vậy, mà có thể nói rằng loài Trời như thể là "tri âm tri kỷ" của đức Phật vậy. Để nhận xét về điểm này, chúng ta có thể lấy tạm một bộ kinh tương đối đơn giản nói về "cuộc đời" của đức Phật để dựa vào đó mà nhận xét và suy luận về điểm nêu trên, thì đó là kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả. Đây là một trong nhiều kinh nói về cuộc đời của đức Phật. Các kinh thuộc loại này tuy đôi khi chi tiết có khác nhau đến đâu đi nữa, song sự có mặt và hoạt động tích cực của chư Thiên trong cuộc đời đức Phật là điều rất hiển nhiên trong mọi kinh về loại ấy.
    Hoạt động tích cực của chư Thiên trong cuộc đời của đức Phật
    Những ghi nhận sau đây rút từ trong Kinh cho thấy chư Thiên hoạt động ra sao trong suốt quãng đời của đức Phật từ lúc giáng thai cho đến khi Tam Bảo được thành hình qua sự đắc đạo của nhóm năm ngài Kiều Trần Như. Quãng đời ấy sẽ được phân thành nhiều giai đoạn như sau:
    1) Giáng thai: Trước khi giáng thai, đức Phật là Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ có tên là Thiện Huệ, trụ trên trời Đâu Suất và thuyết pháp cho vô lượng chư Thiên. Khi đã đến lúc để giáng sinh, Ngài cưỡi voi trắng sáu ngà giáng xuống để nhập vào thai mẹ, Kinh kể vô lượng chư thiên trổi các âm nhạc, thắp các hương thơm, rải diệu hoa trời, đi theo Bồ Tát đầy khắp hư không...
    2) Nhập thai: Lại khi Bồ Tát vừa giáng thai xong, thời có đến chín mươi chín ức chư thiên đều cùng hạ sinh xuống nhân gian vào tất cả mọi dòng tộc và mọi giai cấp, với tâm tưởng như sau: "Bồ Tát đã sinh vào cung vua rồi, ta cũng phải hạ sinh nhân gian thôi. Bồ Tát thành Phật, ta sẽ là quyến thuộc của Ngài, sẽ được cúng dường nghe Pháp trước hết." Lại không phải chỉ riêng chư Thiên ở trời Đâu Suất, Kinh còn nói từ trời Tha Hóa Tự Tại cho đến Tứ Thiên Vương hạ sinh xuống không đếm kể hết được, còn có Thiên vương ở cõi Sắc cùng các quyến thuộc cũng đều hạ sinh xuống làm các tiên nhân...
    3) Trụ thai: Kinh kể Bồ Tát khi ở trong thai mẹ, sáng sớm thuyết pháp cho chư Thiên cõi Sắc, giữa ngọ thuyết cho chư Thiên cõi Dục, lúc mặt trời lặn thì thuyết cho chư quỷ thần. Ba thời ban đêm cũng y như vậy...
    4) Xuất thai, tức đản sinh: Khi đức Phật đản sinh, trong Kinh ghi Tứ Thiên Vương lấy lụa trời đón lấy thân Thái Tử đặt lên giường báu, Thích Đề Hoàn Nhân (vua cõi trời Đao Lợi thuộc cõi Dục) tay cầm lọng báu, Đại Phạm Thiên Vương (vua cõi trời Đại Phạm Thiên thuộc sơ thiền cõi Sắc) cầm phất trần trắng, đứng hầu hai bên phải trái, Nan Đà Long Vương và Ưu Ba Nan Đà Long Vương từ trên hư không tuôn nước thanh tịnh, dòng ấm dòng mát, rót tắm thân Thái Tử... Trời rồng tám bộ ở trên hư không trổi âm nhạc trời, ca ngâm tán tụng, xông các hương thơm, rải các diệu hoa, mưa xuống y trời cùng với anh lạc lả tả tung bay, đếm không hết nổi...
    5) Qua bốn cửa thành: Bốn lần Thái Tử ra bốn cửa thành để dạo chơi, vua cha ban lệnh làm sạch và trang nghiêm tất cả mọi đường phố và dẹp hết tất cả những kẻ nghèo cùng khổ sở không cho xuất hiện trên đường phố, song chính nhờ trời Tịnh Cư đã hóa hiện ra bốn cảnh già, bệnh, chết và xuất gia thanh tịnh cho Thái Tử thấy biết mà khơi dậy tâm xuất gia của Thái Tử. Do đó mà mọi nỗ lực của vua cha đều thất bại.
    6) Xuất gia: Vào đêm Ngài xuất gia, trong Kinh ghi: Đến cuối đêm, vua trời Tịnh Cư và chư thiên cõi dục tràn đầy hư không, cùng nhau bạch Thái Tử rằng: "Quan quân trong ngoài đều đã say ngủ, nay chính đúng lúc để mà xuất gia." Và sau đó những cố ý to tiếng khóc lóc của Xa Nặc nhằm đánh thức Da Du Đà La và các cung nữ dậy để giữ Thái Tử lại cũng đều thất bại, Kinh nói tất cả đều do lực của chư Thiên. Rồi để ra khỏi hoàng cung và kinh thành, Kinh kể: Chư Thiên nâng bốn chân ngựa, đón lấy Xa Nặc bay lên, Thích Đề Hoàn Nhân cầm lọng tháp tùng. Tức thì chư Thiên khiến cửa bắc thành tự động mở toát mà không một tiếng động. Thái Tử theo cửa thành ấy mà ra, chư Thiên trên không tán thán và tháp tùng theo... Đến lúc sáng trời thì đã đi qua được ba thâu xà na đường. Chư Thiên tháp tùng Thái Tử đến nơi đây rồi, đã xong nhiệm vụ, bỗng nhiên biến mất...
    7) Thế phát và đổi lấy cà sa: Khi Thái Tử xuống tóc và phát nguyện xong, Kinh ghi: Thích Đề Hoàn Nhân đón lấy tóc mang đi, chư Thiên trên không xông hương rải hoa, dị khẩu đồng âm cùng tán thán rằng "Lành thay, lành thay!"... Thời trời Tịnh Cư hóa làm thợ săn, thân mặc cà sa, hiện trước Thái Tử... Thái Tử liền thoát y báu đưa cho thợ săn, tự mình đắp cà sa đúng theo pháp thức của quá khứ chư Phật, còn trời Tịnh Cư hiện lại thân phạm bay lên hư không trở lại về trời.
    8) Trên đường học Đạo: Khi Thái Tử sau khi đã xuất gia, trên đường tìm đến tiên nhân A La La để hỏi đạo, Kinh ghi: Khi ấy chư Thiên nói với tiên nhân rằng: "Tát Bà Tất Đạt xả bỏ đất nước, từ biệt mẹ cha để cầu con đường vô thượng chính chân, muốn cứu bạt cho chúng sinh chấm dứt mọi khổ đau. Nay người đã hạ cố đến nơi đây rồi!" Tiên nhân nghe chư Thiên nói rồi, tâm tràn ngập hoan hỉ.
    9) Tu khổ hành: Khi đức Phật định tu tuyệt thực, trong Kinh Mahasaccaka của nam truyền có ghi như sau: Khi ấy chư Thiên đến bên tai và nói như sau: "Này hiền giả, chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Nếu Ngài tuyệt thực chúng tôi sẽ rót các món ăn của cõi trời vào Ngài qua các lỗ chân lông, để nhờ đó Ngài vẫn sống [chứ quyết không để cho Ngài vì tuyệt thực mà tuyệt mạng.]" Chính vì lẽ ấy mà đức Phật đã không tuyệt thực mà chỉ giảm thiểu lượng ăn uống xuống mức độ thấp nhất, tức một ngày chỉ ăn một hạt gạo hay một hạt mè mà thôi.
    10) Bỏ khổ hành, thọ thực lại: Kinh ghi khi Ngài bỏ tu khổ hành, đi đến sông Ni Liên Thiền, xuống sông tắm rửa, tắm xong vì thân thể gầy yếu không lên bờ nổi, khi ấy thiên thần phải giáng xuống kéo cành cây xuống cho Thái Tử nắm lấy cành mà ra khỏi dòng sông... Rồi trời Tịnh Cư hiện xuống trước cô gái chăn bò tên Nan Đà Bà La mách bảo rằng: "Thái Tử hiện đang ở trong rừng, ngươi hãy mau đến mà cúng dường" ... Khi ấy từ dưới đất bỗng nhiên nẩy sinh đóa sen ngàn cánh, trên hoa có cháo sữa. Cô gái chứng kiến tâm sinh hi hữu vô cùng, mới lấy cháo sữa ấy đem đến đảnh lễ Thái Tử dâng lên cúng dường.
    11) Trên đường đến Bồ Đề Đạo Tràng: Sau khi hồi phục thân lực thể lực, Kinh ghi: Bồ Tát một mình độc hành đến dưới cây Tất Bát La... Khi đi đến dưới cây ấy, Bồ Tát đức trọng đất không đỡ nổi, nên mỗi bước đi đều chấn động phát tiếng vang rền. Khi ấy Rồng mù nghe tiếng đất động, lòng rất vui nừng, hai mắt mở sáng. Rồng từng chứng kiến các Phật đời trước đều có điềm lành như vậy, nên từ dưới đất vọt lên lễ dưới chân Bồ Tát, rồi nói kệ tán thán...
    12) Trải tòa ngồi Đạo Tràng: Đến dưới cây rồi, Bồ Tát suy nghĩ lấy gì làm tòa để thành đạo vô thượng?... Thích Đề Hoàn Nhân liền hóa làm người phàm cầm cỏ mềm sạch gọi tên là Cát Tường... Bồ Tát xin cỏ ấy trải làm tòa ngồi.
    13) Bồ Tát hàng Ma: Khi Ma Vương vặn hỏi Bồ Tát rằng do công đức bố thí trong một đời trước của Ma nên quả báo đời nay được làm Ma Vương đã có Bồ Tát chứng biết, vậy còn bao nhiêu công đức bố thí của Bồ Tát trong vô lượng đời trước thì ai làm chứng đây? Bồ Tát trả lời: "Quả báo của Ta chỉ có mặt đất này mới biết được." Khi lời ấy vừa thốt ra, đại địa chấn động sáu cách, tức thời địa thần cầm bình thất bảo chứa đầy hoa sen từ dưới đất vọt lên nói với Ma rằng: "Bồ Tát bao lâu nay đem cả đầu não tủy mắt để thí cho người. Máu Ngài đổ ra thấm khắp đại địa. Quốc thành, thê tử, voi ngựa, châu báu, mà Ngài đem ra bố thí nhiều kể không hết được, chỉ để cầu con đường vô thượng chính chân. Thế nên, ngươi không thể nào não loạn Bồ Tát được." Khi Ma tập trung rốc hết lực lượng tấn công Bồ Tát lần cuối, Kinh ghi: Hộ pháp thiên nhân, chư rồng quỷ loại, trọn đều tức giận ma chúng, nên sân khuể tăng thịnh, chân lông rỉ máu. Chúng trời Tịnh Cư thấy các ác ma não loạn Bồ Tát, do từ bi tâm xót thương chúng ma, thế nên hạ xuống ở bên, đầy nghẹt hư không. Rồi thần Phụ Đa ẩn thân nhắc nhở làm Ma Vương hổ thẹn, xả bỏ kiêu mạn, thối chí lui trở về thiên cung...
    14) Bồ Tát thành Đạo: Sau khi chứng đắc tam minh, đức Phật thành đạo, khi ấy Kinh ghi: Chư thiên trổi nhạc trời, rải hoa xông hương, ca ngâm tán thán, cầm lọng báu trời cùng tràng phan trời, đầy ắp hư không cúng dường Như Lai. Rồng thần tám bộ sắp đồ cúng dường cũng y như vậy... Năm trời Tịnh Cư vốn không còn bị hỉ lạc lay động nữa, vậy mà cũng không sao kềm nổi niềm hoan lạc vào lúc ấy... Lại các người hành thập thiện được sinh cõi trời, đều dùng thần thông hiện đến cây Bồ Đề, ở trong hư không chắp tay hoan hỉ tán thán...
    15) Thỉnh chuyển Pháp luân: Sau khi thành đạo, đức Phật không muốn thuyết pháp vì Pháp thì thâm sâu khó hiểu mà chúng sinh lại si mê khó độ. Kinh kể: Đại Phạm Thiên Vương... liền rời khỏi thiên cung... đến chỗ Như Lai, đầu mặt lễ dưới chân, nhiễu trăm ngàn vòng, rồi tránh sang một bên, hồ quỳ, chắp tay thỉnh cầu Phật thuyết pháp... Thích Đề Hoàn Nhân lên đến Tha Hóa Tự Tại Thiên cũng vậy, đều khuyến thỉnh Như Lai vì các chúng sinh mà chuyển đại Pháp luân... thỉnh đến ba lần, Phạm Thiên Vương và các Trời biết Phật nhận lời rồi, đầu mặt lễ chân Phật, rồi quay trở về trời.
    16) Thọ cúng dường và truyền Tam Quy: Hai thương gia đầu tiên thuộc loài người cúng dường bánh mật cho đức Phật và sau đó thọ Tam Quy với Phật để trở thành hai Ưu bà tắc đầu tiên là cũng do nơi chư Thiên mách bảo. Và khi đức Phật muốn có bát để thọ nhận đồ ăn, thời Kinh kể: Tức thời Tứ Thiên Vương biết tâm niệm của Phật, mỗi vị hiện xuống đem bát dâng lên Phật... Phật nhận hết bốn bát của bốn vua, để chồng lên tay ép lại thành một bát... lại trên đường đi, đến bên sông A Xà Bà La thì mưa bão nổi lên liền trong bảy ngày, Kinh ghi: Trong dòng sông ấy có đại long vương tên Mục Chân Lân Đà, thấy Phật ngồi nhập định, bèn lấy thân mình bao quanh Phật bảy vòng để che mưa gió...
    17) Thuyết pháp lần đầu: Sau khi đến Lộc Dã, thuyết pháp độ cho nhóm năm ngài Kiều Trần Như, đầu tiên khi ngài Kiều Trần Như đắc pháp nhãn thanh tịnh, thời Kinh kể: Thời ở trong không tám vạn na do tha chư Thiên cũng lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy địa thần thấy Như Lai chuyển Pháp luân trong địa giới của mình, hoan hỉ không cùng, lớn tiếng xướng vang "Như Lai tại đây chuyển diệu Pháp luân!" Chư Thiên trong không nghe lời cáo ấy càng thêm vui mừng hớn hở, truyền nhau xướng khắp "Như Lai hôm nay tại vườn Lộc Dã, nước Ba La Nại, chuyển đại Pháp luân mà tất cả thế gian trời người, Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn, không ai chuyển nổi!"... Trời rồng tám bộ ở trong hư không tấu trổi âm nhạc, trống trời tự vang, xông các hương thơm, rải các diệu hoa, bảo trang, phan lọng, ca ngâm tán thán, toàn thể thế giới bỗng nhiên sáng rực...

    Nhận định tóm kết
    Qua những ghi nhận ở trên chúng ta có thể đưa ra những nhận định như sau về sự liên hệ giữa cõi trời và đức Phật vô cùng mật thiết hơn hẳn sự quan hệ giữa đức Phật với loài người:
    1) Theo đạo Phật, cõi trời và kể cả quỷ thần đã luôn theo dõi tiến trình tu đạo của đức Phật kể từ những kiếp lâu xa về trước. Lý do là bởi vì cõi trời có thiên nhãn và tuổi thọ trên cõi trời rất lâu dài. Như trời Tứ Thiên Vương là trời thấp nhất trong sáu cõi trời thuộc cõi Dục, nên tuổi thọ cũng ngắn nhất là 500 năm. Nhưng một ngày trên ấy bằng 50 năm ở cõi con người, nên nếu tính theo năm tháng của con người, thì tuổi thọ trên ấy khoảng 9 triệu năm. Tuổi thọ của mỗi cõi trời cao hơn lại gấp đôi cõi trời kế dưới, như trời Đao Lợi thọ gấp đôi trời Tứ Thiên Vương, tức một ngàn năm, song một ngày trên ấy lại bằng một trăm năm ở cõi người, nên trời Đao Lợi thọ khoảng 36 triệu năm. Theo đó mà tính thì trời cao nhất là Tha Hóa Tự Tại sẽ có tuổi thọ là 18 tỉ 432 triệu năm. Ngoài ra, tuổi thọ của các cõi Sắc và Vô Sắc là phải tính theo kiếp số, chứ không tính theo năm tháng được nữa. Như cõi Sắc có tất cả 18 tầng trời, tầng trời thấp nhất, tức Phạm Chúng Thiên, tuổi thọ là 20 tiểu kiếp, và tầng cao nhất, tức Tịnh Cư Thiên, là 16 ngàn đại kiếp. Với tuổi thọ kéo dài như thế nên chư Thiên biết rất rõ về nhân quả tu tập của đức Phật trong những đời trước. Trong khi loài người không sao có thể thấy biết được như vậy.
    2) Cũng vì thế loài trời thấy rất rõ về nhân quả ba đời, tức họ nhận chân ra được giá trị của nghiệp thiện, đồng thời họ còn thấy rõ giá trị siêu việt của "nghiệp đạo" nữa, tức các nghiệp công đức lễ bái cúng dường tán thán chư Phật. Thế nên, dù xu hướng của họ vẫn là hưởng thụ ngũ dục, song sáu cõi trời dục (trừ Thiên Ma Ba Tuần) luôn ủng hộ tích cực cho sự xuất gia giải thoát khỏi ái dục của đức Phật. Họ biết giá trị vô thượng của một vị Phật, họ biết giá trị của sự ủng hộ, tán thán, cúng dường một vị Phật có công đức vô lượng vô biên như thế nào. Trong khi con người, không thấy rõ về nhân quả ba đời, nên luôn mù mịt và đa nghi về nhân quả, về giá trị tối thượng của một vị Phật, còn muốn cười chê các hành động cúng dường tán thán chư Phật là hình thức vô dụng và mê tín nữa! Thế nên trong khi chư Thiên ủng hộ và nhắc nhở Thái Tử đi xuất gia, thì toàn nước Ca Tỳ La Vệ tìm cách cầm chân Thái Tử ở lại. Trong khi chư Thiên tán thán tâm nguyện xuất gia của Thái Tử thì loài người tràn ngập lo âu và sợ hãi, sợ Thái Tử đi xuất gia! Trong khi chư Thiên cung kính tôn trọng và gần gũi nhưng vị xuất gia chân chính, thì loài người luôn thấy xa lạ và thấy những người ấy là kỳ quái, đi ngược dòng đời!
    3) Trong suốt các giai đoạn ghi nhận bên trên, chư Thiên luôn có mặt bên đức Phật, ngay từ lúc Ngài còn trụ thai, để tán thán, cúng dường và nghe Pháp, thì loài người có ai hay biết gì chăng? Có ai biết tán thán, cúng dường, và nghe Pháp được gì chăng? Khi tiên nhân A Tư Đà đoán tướng cho Thái Tử, nói rằng nếu Thái Tử xuất gia sẽ thành bậc Chính Giác, thì loài người có ai nghe lời tiên đoán ấy mà vui mừng không? Có ai ở trong loài người chúng ta khi có con mà mong rằng con mình sẽ thành Phật hay không? Chẳng những đã không mừng mà còn tìm đủ cách để ngăn chặn nữa! Xét kỹ lại, loài người chúng ta rất xa lạ với đức Phật và rất "kỵ" đức Phật. Trong suốt giai đoạn Thái Tử xuất gia tu đạo, Ngài hoàn toàn cô đơn không một bóng con người nào bên cạnh, nhưng lúc nào bên Ngài cũng có chư Thiên theo dõi và ủng hộ. Tất cả những tâm niệm và biến chuyển trong sự tu tập của Ngài, loài người cũng lạnh lùng chẳng cần hay biết, nhưng cõi trời lại luôn có mặt để tán thán và ủng hộ với tất cả sự hào hứng và vô lượng hân hoan. Khi Ngài bỏ tu khổ hành vì đó không phải là chính đạo, thì năm đồng đạo loài người của Ngài cũng chẳng hiểu gì hết mà còn bài bác và lánh xa Ngài luôn, nhưng chư Thiên thì hoan hỉ tán thán không cùng. Khi Ngài độc bộ tiến bước về gốc cây Bồ Đề, giây phút quan trọng nhất của muôn loài, vô lượng kiếp mới có một lần, mà loài người vẫn chẳng ai hay biết chút gì! Lúc ấy cũng chỉ có chư Thiên hớn hở tháp tùng đầy ắp hư không. Khi Ngài bị Ma Vương tấn công, loài người say ngủ chẳng màng, trong khi chư Thiên nổi giận quở mắng ma quân, và ủng hộ tán thán Ngài không hết lời. Khi Ngài thành Chính Giác vào cuối đêm, toàn thể loài người vẫn chìm đắm mê mệt trong giấc ngủ tối mò đầy mộng mị thấp kém của mình, thì toàn thể chư Thiên tụ hết về quanh cây Bồ Đề để đại ăn mừng một biến cố vô cùng hy hữu và quý giá vô thượng... Rồi khi Ngài muốn nhập niết bàn, cũng chính vì Ngài hoàn toàn thất vọng trước cái căn tính quá thấp kém của loài người, thì cũng chính là chư Thiên đã khẩn khoản thỉnh cầu Ngài vì loài người mà thuyết pháp.

    Từ đầu đến cuối, loài người không có một công lao gì hết trong tiến trình thành đạo của đức Phật. Nói thẳng ra, một chút quan tâm thôi cũng không hề có chứ nói đến gì khác. Mà tất cả đều do công đức của chư Thiên ủng hộ và trợ duyên cho đức Phật trong suốt giai đoạn ấy. Trong lúc ấy, nếu có ai thuộc loài người mà liên quan gì đến đức Phật thì cũng là do chư Thiên dẫn dắt vậy, như cô gái mục đồng cúng cháo sữa cho Ngài sau khi bỏ tu khổ hành cũng là do chư Thiên mách bảo (theo một thuyết khác thì cô ta tưởng đâu Ngài là thần cây!). Hai vị thương gia ưu bà tắc đầu tiên cúng dường bánh mật cho Ngài sau khi thành đạo cũng do chư Thiên báo cho biết. Nếu không có chư Thiên cho hay, thì có gặp cũng như không, như vị đạo sĩ bà la môn đầu tiên gặp Ngài trên đường Ngài đến Ba La Nại để chuyển Pháp luân lần đầu, dù nghe chính Ngài tự tuyên thuyết Ngài là bậc vô thượng Chính Giác, cũng chỉ tán thán ca ngợi rồi vẫn đi theo đường của mình, theo thuyết bên Nam truyền, thì ông ta không hề tin lời Ngài, chỉ nói một câu lịch sự xã giao rồi bỏ đi! Rõ ràng trong lúc loài người hoàn toàn chẳng biết gì hết về Pháp, chẳng hiểu gì hết về thế nào là một vị Phật, thì chư Thiên đã quá quen thuộc với Phật rồi, đã làm tất cả những gì mà chúng sinh cần phải làm đối với ân đức của một vị Phật, như quy hướng, lễ kính, nghe pháp, xưng tán, cúng dường, tùy tùng hộ vệ v.v.. và còn tiếp tục làm cho đến không cùng.
    Như vậy trong hai loài được nghe pháp của Phật tức loài trời và loài người, không phải loài trời rõ ràng mới là "tri âm tri kỷ" của đức Phật đó hay sao? Loài người theo Phật, kính Phật rất khó, mà theo rồi cũng rất dễ nghi, dễ "phản!" Cứ xét lại trong suốt hơn bốn mươi năm thuyết pháp của Phật trong cuộc sống loài người, biết bao nhiêu biến cố phiền toái diễn ra thì đủ thấy. Cũng đồng thời trong bốn mươi mấy năm ấy, theo truyền thống của Đại Thừa, đức Phật song hành liên tục thuyết pháp cho chư Thiên các cõi trời, cho các quỷ thần, và cho các Bồ Tát tại cõi này cũng như từ tha phương các Phật độ khác tìm đến, những Pháp hội ấy mà các kinh điển đại thừa ghi lại luôn luôn tuyệt vời và toàn hảo, không chút phiền não, luôn tương ưng với chân lý tối thượng, luôn hiển hiện ra toàn thể chân lý cứu cánh đại an lạc.
    4) Một điểm đặc biệt mà chúng ta nên ghi nhận là nhiệm vụ của mỗi cõi trời riêng biệt rất là rành mạch. Như Phạm Thiên nhiệm vụ chính là thỉnh Phật thuyết pháp. Tại sao? Vì do tu Tứ Vô Lượng Tâm, tức Từ Bi Hỉ Xả đối với vô lượng chúng sinh, mà thành vua trời Phạm Thiên, thế nên Phạm Thiên đặc biệt lo lắng cho chúng sinh không có người cứu vớt, nên nếu Phật không thuyết pháp thì Phạm Thiên phải lo cầu thỉnh mà thôi. Trời Tịnh Cư phải lo việc khơi lên tâm xuất gia của Thái Tử. Tại sao? Vì trời Tịnh Cư đều là các bậc thánh A Na Hàm, các vị chỉ còn một bước nữa là thành quả A La Hán, giải thoát khỏi ba cõi luân hồi. Các cõi trời khác vẫn còn muốn hưởng thụ trong cõi luân hồi này, thế nên việc xuất gia giải thoát khỏi ba cõi của Thái Tử đều do trời Tịnh Cư chủ động, như hóa ra người già, bệnh, chết và sa môn xuất gia, rồi thúc nhắc Thái Tử đã đến giờ xuất gia, rồi hóa làm thợ săn để đổi áo ca sa cho Thái Tử. Ngoài ra, các cõi trời khác vì vẫn còn lưu luyến trong luân hồi nên cần phải có công đức thù thắng mà tránh các khổ đau, và cần phải có nơi nương tựa để giữ chắc thiện căn giải thoát không mất, nên chủ động trong các việc công đức như tán thán, cúng dường, hộ Phật, hộ Pháp và nghe Pháp v.v... Lại khi các cõi trời cùng hạ sinh xuống cõi người này cùng với đức Phật để sau này được cúng dường và nghe pháp, thì trong Kinh ghi là các cõi trời thuộc cõi Dục thì sinh vào trong mọi dòng tộc và mọi giai cấp, riêng chư thiên cõi Sắc thì sinh ra sẽ là các tiên nhân tu hành trong rừng núi. Tại sao? Vì chư Thiên cõi Dục còn theo đuổi ngũ dục, trong khi chư Thiên cõi Sắc đều do tu thiền định mà được sinh về đó, nay sinh trở lại nhân gian, thì cũng sẽ theo con đường lìa dục tu hành kham khổ trong núi rừng là vậy.

    Đặc biệt về vấn đề hộ Pháp, vì Phật thuyết pháp cả cho hai loài trời và người, nên Pháp Phật cần phải được giữ ở trong khoảng biên giới giữa hai cõi trời người để dễ lợi ích cho cả hai, song vì loài người thì không mấy ai có tâm hộ Pháp, và cũng không đủ công đức và năng lực để hộ, thế nên công việc hộ Pháp ấy sẽ được giao cho hai cõi trời ở gần loài người nhất, tiếp giáp với thế giới loài người, tức trời Đao Lợi ở ngay trên đỉnh núi Tu Di và Tứ Thiên Vương ở lưng chừng núi, cùng với chư quỷ thần ở nơi đó và ở lẫn trong cõi loài người, đảm trách. Và vì cõi trời vốn an ổn không có ác pháp, nên việc hộ Pháp thực sự lại không nhằm cho cõi trời mà lại nhằm cho loài người vậy. Như trong các kinh điển đại thừa, mỗi phen các quỷ thần như kim cương, dạ xoa, la sát, cùng chư Thiên như Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, và súc sinh như loài rồng, phát nguyện thiết tha hộ Pháp, thì thực sự là họ hộ cho Pháp được trường tồn trong cõi con người, và luôn luôn chính yếu là hộ cho những ai thuộc loài người mà biết theo pháp tu tập vậy. Cũng chính vì thế, nhìn theo truyền thống đại thừa, kinh điển của đại thừa, là các kinh điển được nói chung cho cả hai loài trời người, mà còn có mặt trong cõi loài người chúng ta cho đến ngày nay là đều do nơi công đức hộ Pháp của trời, rồng, và quỷ thần, nên mở đầu các kinh điển ấy, các pháp hội đại thừa ấy, không thể nào lại không có các vị Hộ Pháp gọi chung là "Thiên Long Bát Bộ" đó được. Và sự thờ tự trong Đại Thừa, cũng không thể nào lại thiếu không thờ các Hộ Pháp, và lơ lửng không ghi nhận công ơn của họ được.
    5) Điểm sau cùng chúng ta cần chú ý là Kinh ghi: khi Phật từ cung trời Đâu Suất giáng thai, thì có 500 thiên tử cùng sinh vào dòng họ Thích, và có đến 99 ức thiên tử khác sinh vào các dòng tộc khác thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Đó là kể các thiên tử từ Đâu Suất sinh xuống. Còn các cõi trời khác sinh xuống thì kể đếm không hết được, các thiên tử cõi Sắc thì sinh xuống để trở thành các tiên nhân tu đạo... Họ sinh xuống đều với tâm nguyện là đi theo Phật, để được làm thân quyến Phật mà cúng dường và nghe pháp. Điều này chứng tỏ thân quyến và đệ tử của Phật tuy là loài người nhưng gốc đều từ các cõi trời sinh xuống. Thế nên, quan điểm của Đại Thừa mới cho rằng những ai, thuộc loài người, mà nghe được và tin nhận được Phật pháp, nhất là Phật pháp đại thừa, thì phải biết là người ấy đã nhiều kiếp ở trong vô lượng cõi Phật, gặp được vô lượng chư Phật mà gieo trồng công đức gần gũi phụng sự cúng dường và nghe pháp. Theo đó, với Đại Thừa, một con người thì dĩ nhiên là không thể nào tin nhận nổi Phật pháp rồi, nên nếu đã tin nhận được, thì chắc chắn là phải có gốc gác từ các cõi Phật hoặc ít ra là từ chư Thiên mà ra vậy.

    Tóm lại, Phật không phải chỉ là Thầy của loài người, mà chính yếu lại là Thầy của loài trời, mà cho dù vậy đi nữa, Pháp của Phật vẫn là chân lý chung để cứu độ mọi loài, thế nên Phật mới được gọi là "Thiên nhân chi Đạo Sư, tứ sinh chi Từ Phụ" là vậy.
    Thế Giới Quan Của Đạo Phật
    1. Nhận định sơ lược
    Thế giới của Đạo Phật là những thực tại chân thực nhất, song nói theo lối nhận định thông thường, thì nó có tính cách tâm linh chứ không thuần túy tôn giáo và hoàn toàn không khoa học. Khi nói "không khoa học" không có nghĩa rằng thế giới ấy chỉ là một biểu tượng của tinh thần, hay chỉ là những hình ảnh tưởng tượng để nói lên những hoạt động của tâm thức. Thí dụ như một số người lầm lẫn cho rằng địa ngục chỉ là những hình ảnh tưởng tượng để nói lên mọi tâm trạng dày vò của các tâm thức xấu ác của cá nhân, hay cho rằng thần cây thì chỉ là một hình ảnh được nhân cách hóa của các năng lực vật chất tự nhiên phát ra từ cây ấy. Trái lại, thế giới của Đạo Phật hoàn toàn "thật có" khách quan ngoài tâm thức cá nhân. Nhưng, nếu chúng ta hỏi rằng nếu núi Tu Di là thật có thì sao khắp quả địa cầu này tìm đâu cũng không ra núi Tu Di hết? Đạo Phật sẽ trả lời nếu tâm thức của chúng ta được tôi luyện một cách đúng đắn và chân chính, nếu nó đạt đến được trạng thái hoàn toàn chân thực và khách quan vô ngã, nó sẽ nhìn thấy ra được ngọn núi Tu Di ấy với tất cả các cảnh giới mà trong Đạo Phật đã diễn tả.
    Theo Đạo Phật, những gì mà loài người chúng ta đang nhận thấy về thế giới của chính mình đây không hề thực có, nên nó không hề phải là tiêu chuẩn để dựa vào đó mà đánh giá các "thế giới" của các loài khác là sai, hay chỉ là tưởng tượng. Cũng như với loài người thì trên mặt đất là chỗ sống của mình, với loài cá thì ở trong nước là chỗ sống của cá. Chúng ta không thể lấy mặt đất là tiêu chuẩn để đánh giá sự sống trong nước chỉ là tưởng tượng, chỉ là biểu tượng nào đó của tâm thức con người. Chúng ta không thể nói rằng không hề có một đời sống ở trong nước, đời sống trong nước không hề có thực ngoài tâm mình, mà chỉ là khi nào tâm chúng ta chìm đắm trong sầu đau thương tiếc, thì mới gọi đó là đời sống trong nước! Và chúng ta đừng vội chủ quan cho rằng những người tin có một đời sống trong nước là ngây ngô, mà thực sự ra chính chúng ta mới đúng thực là ngây ngô.
    Theo Đạo Phật, con mắt của loài người, thế giới của loài người, và qua con mắt người và thế giới người ấy phát sinh tri thức của loài người, ba thứ ấy chỉ do nghiệp thức loài người mà có ra. Nếu một người chuyển nghiệp thức mình sang nghiệp thức của loài vật, thì con mắt họ, thế giới họ và nhận thức họ, sẽ chuyển sang lãnh vực súc sinh. Nếu họ lại chuyển sang nghiệp thức của cõi trời, thì tất cả những gì họ thấy biết sẽ trở thành tri thức của thế giới cõi trời. Theo đó, mọi tri thức chỉ theo nghiệp duyên mà khởi lên, tất cả các tri thức chỉ tương đối trong nhân duyên nghiệp thức của mình, thì tại sao lại chỉ lấy tri thức của loài người để làm tiêu chuẩn thực có mà bác bỏ các tri thức khác là không hề thực có mà chỉ là biểu tượng hay tưởng tượng mà thôi?
    Nếu bảo rằng vì chúng ta là loài người, thế nên chúng ta phải lấy tri thức loài người làm tiêu chuẩn. Đúng, song chỉ lấy đó làm tiêu chuẩn để nhận biết một cách tương đối về các thế giới khác, và phải chấp nhận các thế giới đó là thực có, chứ đâu được quyền bác bỏ thực tại của các thế giới khác, chỉ vì nghiệp thức của mình không cho con mắt nghiệp của mình nhìn thấy các thế giới ấy. Với Đạo Phật, nếu chúng ta biết sử dụng tri thức người của mình để nhận ra được sự có mặt của nhiều thế giới loài khác mà mắt chúng ta không thấy được, thì đó là một dấu hiệu của "trí huệ," một dấu hiệu tốt đẹp cho thấy trong tâm thức của chúng ta có một khả năng siêu việt lên trên nghiệp thức của mình để thấy ra chân lý và đạt được cảnh giới giải thoát cứu cánh. Còn nếu chỉ biết nhận biết trong phạm vi nghiệp thức loài người, và hễ cứ nghiệp thức loài người không nhận ra được, con mắt người không nhìn thấy được, là kết luận cái đó chỉ là tưởng tượng, không hề thực có ngoại tại, thì kẻ ấy hoàn toàn là chủ quan, nông cạn và thiển cận.
    Lại, theo Đạo Phật, vì tri thức của mọi loài đều bị quy định bởi nghiệp duyên, nên không một tri thức của loài nào được coi là tiêu chuẩn tương ưng với chân lý, mà chỉ có tri thức giác ngộ của chư Phật mới nói lên được chính xác cảnh giới chân thật của chân lý cứu cánh. Tâm thức của chư Phật vượt ra khỏi bên ngoài mọi quy định của mọi nghiệp duyên, thế nên tâm thức ấy giác ngộ và thấy rõ ra hết mọi biến chuyển từ nhân đến quả của tất cả mọi cảnh giới của mọi loài. Giác ngộ tức giác ngộ ra lý duyên khởi của mọi loài hữu tình, và thấy ra được hết cảnh giới của mọi loài hữu tình hiển hiện ra theo lý duyên khởi. Điểm đặc biệt hơn nữa của lý duyên khởi ở đây là tính chất "bản thể Không, không có tự tính" của mọi loài và mọi cảnh giới hữu tình do duyên khởi. Do vì loài người không có tự tính, thế nên là người không có nghĩa là bản lai vốn là người và vĩnh viễn luôn là người, mà chẳng qua chỉ do nhân duyên lúc ấy nên mới là người, trước kia nhân duyên súc sinh nên là loài vật, và sau này do nhân duyên loài trời nên thành loài trời. Cảnh giới mình sống do đó cũng thay đổi theo, thành loài nào thì cũng thành luôn cảnh giới ấy, cũng thành luôn tri thức của loài ấy.
    Do đó, từ bản thể Không không có tự tính mà theo duyên khởi lên thành muôn loài muôn cảnh giới, được gọi là các cõi đến đi (gati, thú) của luân hồi (samsara).
    Hình ảnh thế giới của Đạo Phật xuất phát từ chỗ thấy chân thật này mà ra. Theo Đạo Phật, thế giới là một nơi liên hệ hết các loài hữu tình lại với nhau qua sự luân hồi qua lại với nhau vô cùng tận, chứ không phải chỉ là một thế giới của một loài người, hay thế giới loài nào là thế giới loài ấy không thể chuyển biến qua lại tương thành lẫn nhau được. Tri thức đúng nhất về thế giới phải là tri thức về sự luân hồi của mọi loài hữu tình tương thông tương thành lẫn nhau, hình ảnh chân thật nhất của thế giới phải là hình ảnh các cảnh giới hữu tình tương thân tương hệ dính chùm lại với nhau qua ngọn núi Tu Di. Không có loài nào đứng riêng rẽ, không có cảnh giới của loài nào đứng riêng biệt, tất cả bắt buộc phải duyên vào nhau mà hỗ tương đồng khởi lên. Bởi vì tất cả đều không có tự tính. Ngoài hình ảnh này ra, ngoài cái thấy này ra, ngoài tri thức này ra, mọi tri thức khác riêng biệt của mỗi loài hoàn toàn là thiên kiến, thuộc nghiệp thức riêng của mỗi loài thấy ra như vậy, và chỉ có tác dụng trong phạm vi nghiệp báo của từng loài mà thôi. Một ví dụ điển hình mà các nhà Duy Thức thường đưa ra: cũng chỉ là nước, mà loài người thấy là nước, cõi trời thấy là lưu ly, ngạ quỷ thấy là lửa. Tri thức khoa học hiểu biết về nước là do bởi nghiệp thức của loài người thấy đó là nước. Nếu nhà khoa học ấy trở thành ngạ quỷ, thì tất cả mọi tri thức về nước của ông ta sẽ trở thành vô giá trị và không còn tác dụng để hiện hữu nữa, vì lúc ấy đối tượng nước của khoa học lại chính là lửa!
    Kể cả không gian và thời gian của mỗi loài cũng tùy theo nghiệp thức mà thấy ra khác hẳn nhau. Loài người thấy không gian vô tận, thấy trăng sao tinh tú, tri thức khoa học thấy đó là những tinh cầu cách xa quả đất này cả ngàn năm ánh sáng, nhưng chắc gì con cá trong nước cũng thấy không gian y như loài người thấy? Thế giới của con cá sẽ đưa lại một tri thức cho nó về một không gian khác hẳn với loài người thấy. Nếu vậy, thì không gian nào là chân lý đây? Không gian nào đúng và không gian nào sai? Với Đạo Phật, cả hai kiểu không gian đều từ nghiệp thức của riêng mỗi loài mà hiện ra như thế thôi. Do đó, vấn đề chính yếu không còn phải là tri thức của mỗi loài được khuôn theo nghiệp thức riêng biệt nữa, mà là làm sao thoát khỏi sự mù quáng trói chặt hữu tình vào trong các cảnh giới nghiệp thức không thật ấy, tạo thành cái diễn tiến luân hồi bất tận, với tất cả mọi sự đau khổ của sinh lão bệnh tử và toàn khối đau khổ của muôn loài đều hiện hành không cùng tận.
    Vì vậy, tri thức về thế giới của Đạo Phật sẽ không hề phải là một tri thức thần thoại của tôn giáo, cũng không hề phải là tri thức khoa học vật chất không hồn, mà là tri thức về nhân quả luân hồi, tức sự khổ đau không cùng, của tất cả các loài hữu tình, và đồng thời cũng chính là đầu mối của một tri thức siêu việt giải thoát khỏi mọi đau khổ và chứng thực ra được trọn vẹn cả hai mặt của chân lý cứu cánh, tức Chân Đế tính Không và Tục Đế duyên khởi.
    Hình ảnh cấu trúc về thế giới các loài hữu tình sau đây của Đạo Phật do đó là hình ảnh thực tại của chân lý cứu cánh cần được học hỏi và tu chứng, chứ không nên quan niệm một cách đơn giản coi đó chỉ là một hình ảnh tưởng tượng phong phú của văn hóa Ấn Độ đầy tính chất thần thoại, và không hề là một thực tại khách quan ngoại tại, để rồi ai tin vào đó sẽ bị cười chê là ngây ngô. Và càng không nên dựa vào tri thức khoa học hiện đại để thẩm định về tính cách thực tại của thế giới trong Đạo Phật được.
    2. Cấu trúc của thế giới hay khí thế gian:
    không luân, phong luân, thủy luân, kim luân
    Theo Đạo Phật, thế giới không phải chỉ của riêng loài người hay loài nào khác, mà là của chung các loài hữu tình với nhau. Thế giới trước hết là một cái "khuôn" không gian, và thời gian nếu muốn nói cho đủ, trong đó các loài hữu tình tụ tập lại với nhau, hay đúng hơn được nối kết lại với nhau theo định luật nhân quả duyên khởi. Vì là duyên khởi, cái này có là do cái kia có cũng như ngược lại, nên sự nối kết này hoàn toàn thiết yếu và chặt chẽ tuyệt đối đến mức trở thành một sự trói buộc vào nhau căng thẳng không cùng và sự giải thoát ra khỏi đó là một điều khó khăn lớn lao nhất. Đạo Phật gọi cái tình trạng các loài hữu tình cùng với các cảnh giới hữu tình trói buộc thắt chặt vào nhau để đồng thời khởi lên đến vô cùng như thế là luân hồi. Thế giới như vậy là cái sân khấu nơi sự luân hồi bất tận của các loài hữu tình được diễn ra.
    Cái khuôn hay sân khấu này được gọi là "khí thế gian (hay khí thế giới)" (bhajana loka). Chữ "khí", có nghĩa là cái khí cụ để đựng hay chứa các đồ vật khác, thí dụ như cái bát chẳng hạn, để đựng nước hay đựng đồ ăn. Chữ khí là dịch ngữ của chữ Phạn bhajana, và chính chữ bhajana này vốn có nghĩa là chia sẻ với nhau, tham dự vào nhau, liên hệ với nhau hay tùy thuộc vào nhau. Thế giới như vậy là chỗ mà các hữu tình và các cảnh giới của hữu tình chia sẻ chung với nhau, liên hệ tùy thuộc hoàn toàn vào nhau. Cái "chỗ" ấy là gì?
    Đạo Phật trả lời: cái "chỗ" mà gọi là khí thế gian hay là thế giới ấy vốn chỉ là "hư không." Hư không giản dị là một khoảng trống. Nhờ khoảng trống ấy mà các hữu tình có chỗ tụ lại với nhau hay trói vào nhau qua sự liên hệ duyên khởi. Cái lực thu hút hữu tình trói lại vào nhau để đồng khởi lên, được gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực tụ lại với nhau hay cuốn tròn thắt lại với nhau của các loài hữu tình này (thường gọi là "cộng nghiệp" của chúng sinh) làm cho khoảng hư không ấy không còn là một khoảng không gian trống vắng tản mát "vô tư" nữa, mà trở thành một nơi chỗ cho nghiệp lực của các loài hữu tình khởi lên hoạt động. Sự cuốn vào nhau để trói vào nhau hoàn toàn chặt chẽ này của nghiệp lực của các hữu tình tạo thành hình ảnh chuyển động xoay tròn được gọi là "phong luân (vayu mandala)" (phong là gió, luân là sự chuyển vận xoay vòng hình như bánh xe). Và khoảng không gian mà dựa vào đó phong luân này trải rộng ra được gọi là "không luân." Tức dựa trên không luân mà phong luân khởi. Phong luân cứ thế cuốn tròn vào nhau như vậy, từ từ làm cho các vi trần kết hợp dần lại với nhau, đầu tiên trong trạng thái lỏng lẻo chứ chưa được chắc chắn, được gọi là "thủy luân (jala mandala)." Phong luân tiếp tục vận chuyển làm cho thủy luân kết đọng lại dần để trở thành một lớp "váng" chắc chắn hơn ở mặt trên gọi là "kim luân (kancana mandala)," hay còn gọi là "địa luân," hay "kim địa (kancanamayi bhumi)." Kim có nghĩa là vàng, chất liệu "đặc" đầu tiên để từ đó mặt ngoài của thế giới có thể hiện thành. Trong Đạo Phật, khi nói đến các cảnh giới công đức, thời các kim loại như vàng, bạc hay các đá quý như thất bảo v.v... đều không hề có tính chất cứng chắc như đồng loại ấy trong cõi con người, mà chỉ cho tính chất công đức vừa quý giá vừa chói sáng và vừa hoàn toàn mềm mại êm dịu. Kim luân ở đây là kết tụ các công đức cộng nghiệp của hữu tình lại mà thành, nó hoàn toàn trong sạch, sáng chói, trong tình trạng đông kết lại một cách nhẹ nhàng mềm mại.
    Như vậy, thế giới bắt đầu từ hư không và từ nghiệp lực chung của các loài hữu tình chuyển vận cuốn vòng lại với nhau, mà từ hư không ấy bắt đầu hiển hiện ra phong luân. Cứ thế mà hình ảnh thế giới càng dần càng rõ ra qua thủy luân, và cuối cùng đến kim luân thì cái sân khấu cho các loài hữu tình xuất hiện hoạt động bắt đầu thành hình, thế giới bắt đầu hiện ra thành một nơi chỗ chắc chắn, một không gian hữu hình qua bốn tầng lớp xoay tròn "không, phong, thủy và kim."
    Phong luân vẫn tiếp tục chuyển vận để duy trì thế giới hữu hình được liên tục. Nếu nó ngưng lại, thế giới sẽ tan rã ra vào hư không vô hạn. Có nghĩa là thế giới này tự xoay chuyển vòng quanh chính nó liên tục ngay trong cốt lõi của nó, và dù mặt ngoài của nó có cứng rắn ra sao đi nữa thì trong trung tâm của nó vẫn là "hư không" và luôn chuyển động xoay vòng không ngừng. Và đừng quên rằng thế giới này không phải là của riêng quả địa cầu của loài người chúng ta, mà là cái khoảng không gian "cộng nghiệp" bao gồm hết mọi cảnh giới của mọi loài hữu tình liên hệ mật thiết vào nhau, luân hồi qua lại với nhau, trong ấy địa cầu và vũ trụ quan của chúng ta chỉ là một thành phần mà thôi.
    3. Sự sắp xếp nơi mặt ngoài của thế giới
    Núi Tu Di
    Phong luân tiếp tục chuyển vận như thế làm cho các mặt ngoài của thế giới bắt đầu được hiển hiện và thành hình. Trước tiên hết phải nói đến là trung tâm của thế giới, tức của bốn lớp "luân." Chính để cho mặt ngoài của thế giới này hoàn toàn vững chắc, thế nên cái cốt lõi hư không và nghiệp lực xoáy tròn (tức không và phong luân) bên trong hiển hiện ra thành ngọn núi Tu Di. Tức cộng nghiệp của mọi loài hữu tình luân hồi dựa vào hư không mà chuyển vận để kết tinh lại thành một cột trụ chính yếu ngay tại trung tâm, để cho các cảnh giới hữu tình có chỗ tựa vững chắc mà hiện hữu ra, rồi nương vào các cảnh giới ấy mà các loài hữu tình mới đủ điều kiện để xuất hiện. Cái cột trụ chấn ngay tại trung tâm thế giới ấy được gọi là núi Tu Di (Sumeru).
    Bảy vòng hương thủy, bảy vòng núi
    Bao xung quanh núi Tu Di là bảy lớp biển và bảy lớp núi, hay bảy vòng đai biển và bảy vòng đai núi xen kẽ nhau, nghĩa là một vòng biển thứ nhất bao quanh núi Tu Di, kế đến một vòng núi thứ nhất bao quanh vòng biển thứ nhất ấy, rồi lại đến vòng biển thứ hai bao quanh vòng núi thứ nhất, rồi vòng núi thứ hai bao quanh vòng biển thứ hai v.v... Bảy lớp biển này đều gọi chung là "hương thủy (Sita)" vì các nước biển này không hề mặn mà rất thơm, có đủ tám công đức. Riêng bảy lớp núi thì mỗi vòng núi đều có tên riêng, tuần tự là: (1) Song Trì (Sugandhara), (2) Trì Trục (Isadhara), (3) Đảm Mộc (Khadiraka), (4) Thiện Kiến (Sudarsana), (5) Mã Nhĩ (Asvakarna), (6) Chướng Ngại (Vinataka), (7) Trì Địa (Nimindhara). Bảy lớp núi này được cấu tạo bằng chất vàng, nên còn được gọi là bảy núi vàng (thất Kim Sơn).
    Như vậy Trì Địa Sơn là lớp núi thứ bảy ở vòng ngoài cùng hết bao vòng quanh lớp biển hương thủy thứ bảy ngoài cùng.
    Biển nước mặn và núi Thiết Vi
    Bao vòng bên ngoài lớp núi thứ bảy Trì Địa Sơn này lại có một lớp biển lớn, nhưng đây lại là biển nước mặn, nên được gọi là Đại Hàm Thủy Hải (hàm có nghĩa là mặn). Biển nước mặn này được gọi là "biển phía ngoài" (ngoại hải) so với bảy biển nước thơm kia là các "biển phía trong" (nội hải). Cuối cùng hết là vòng núi thứ tám bao quanh biển nước mặn này, được gọi là núi Thiết Vi (Cakravada). Núi Thiết Vi như thế chính là vòng ranh giới của một thế giới. Và như vậy, thế giới theo Đạo Phật nhìn là có biên giới.
    Bốn Châu
    Trong biển nước mặn này có bốn châu lớn nằm theo bốn hướng đông nam tây bắc của núi Tu Di. Châu phía đông có tên là Tì Đề Ha (Videha), tức đông Thắng Thân Châu. Phía nam có tên là Thiệm Bộ (Jambudvipa). Phía tây là Cù Đà Ni (Godaniya), tức tây Ngưu Hóa Châu. Và phía bắc là Câu Lô (Kuru). Kèm hai bên mỗi châu đều có hai châu phụ, và mỗi châu phụ lại có năm trăm châu nhỏ bao quanh.
    Mặt trời, mặt trăng và tinh tú
    Mặt trời, mặt trăng và tinh tú đều chạy vòng quanh núi Tu Di từ đông sang tây, và ở độ cao khoảng giữa núi Tu Di. Và như vậy mặt trăng, mặt trời và các tinh tú này là chung cho mọi loài hữu tình. Một thế giới như thế chỉ có một mặt trời và một mặt trăng mà thôi.
    Tổng quát lại hình ảnh của thế giới
    Tóm lại, thế giới này được hình thành do nghiệp lực của các loài hữu tình, cuốn vào nhau mà cấu kết thành phong luân, thủy luân và kim luân. Trên vòng kim luân ấy, nghiệp lực của chúng sinh tiếp tục cấu tạo nên cột trụ chính của thế giới là núi Tu Di, với bảy lớp biển nước thơm xen kẽ bảy lớp núi vàng bao vòng quanh núi Tu Di, và một lớp biển nước mặn ở ngoài cùng hết được bao quanh bởi một lớp núi cuối cùng là núi Thiết Vi. Thế giới ấy là chỗ cư ngụ "chung" và là nơi hoạt động của các loài hữu tình, được gọi là khí thế gian. Bất cứ hữu tình thuộc loài nào cũng đều ở trong thế giới ấy mà hiện hữu, mà sinh mà tử, kiếp thì sinh làm súc sinh và ở trong cảnh giới của súc sinh, kiếp thì sinh làm loài người và ở trong cảnh giới của loài người, cứ thế mà luân hồi qua lại, không sao thoát ra khỏi thế giới ấy được.
    4. Hữu tình thế gian
    Khí thế gian hay thế giới có là do nghiệp lực của các loài hữu tình cộng tác lại mà tạo nên. Nghiệp lực hữu tình tạo nên thế giới như thế là để các loài hữu tình có chỗ mà ra đời, mà sinh thành, để sống và hoạt động, để tạo tác nhằm thỏa mãn các khao khát bên trong tâm thức mình. Thế nên đã có thế giới là phải có hữu tình xuất hiện. Hữu tình có nhiều loại khác nhau tùy theo nghiệp thức riêng của mỗi loại, đúng ra là vô lượng loài, nhưng để tiện cho việc học hỏi và tu tập, Phật Pháp gom lại vào một số loài tiêu biểu thường gọi là "lục đạo luân hồi," tức sáu nẻo luân hồi, đó là: thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
    Vị trí các cảnh giới hữu tình trong thế giới
    Thiên: địa cư thiên
    Đạo Phật chia ra làm nhiều cõi trời, nhưng tổng quát thì gồm hai loại: (1) địa cư thiên và (2) không cư thiên. Địa cư thiên là chỉ cho các cõi trời còn ở trên mặt đất, không cư thiên là chỉ cho các cõi trời ở trên hư không. Tuy nói ở trên mặt đất, song không có nghĩa là mặt đất của loài người chúng ta, mà là ở trên núi Tu Di, trên bề mặt của núi Tu Di. Núi Tu Di dựa trên kim luân nhô lên khỏi biển nước thơm (hương thủy hải) và vươn lên cao vào hư không đến tám vạn do tuần (khoảng 640.000km), phần núi chìm trong biển cũng tám vạn do tuần. Hình thể của núi: chân núi và đỉnh núi rộng lớn vuông vức bằng nhau. Chỉ có từ mặt biển lên đến giữa núi là từ thân núi chĩa ra bên ngoài làm thành bốn tầng cấp bằng phẳng rộng rãi, tầng dưới rộng và các tầng lên cao hẹp lại dần. Ba tầng dưới là nơi cư ngụ của các dạ xoa và tầng trên hết là nơi cư ngụ của trời Tứ Thiên Vương (Caturmaharajika): phương đông là Trì Quốc Thiên Vương, phương nam là Tăng Trưởng Thiên Vương, phương tây là Quảng Mục Thiên Vương, phương bắc là Đa Văn Thiên Vương. Các thần dạ xoa ở ba tầng cấp kia đều do Tứ Thiên Vương cai quản. Và lãnh thổ của Tứ Thiên Vương còn bao trùm luôn cả bảy núi vàng, nghĩa là trên đỉnh bảy núi vàng kia đều có các tiên nhân, quỷ thần cư ngụ, và đều thuộc vào sự cai quản của Tứ Thiên Vương. Tiếp theo là trên đỉnh Tu Di, mặt đất bằng phẳng khoảng khoát, là nơi cư ngụ của trời Đao Lợi. Vua của cõi trời này là Đế Thích (Sakra), còn gọi là Thích Đề Hoàn Nhân. Thực ra trời này có đến ba mươi ba vị vua, bốn phương có tám vị vua như chư hầu, tổng cộng là ba mươi hai vị, cộng với Đế Thích là vị vua chính ở trung tâm thành ba mươi ba vị, nên còn gọi là trời ba mươi ba (Tam Thập Tam Thiên, Trayastimsa).
    Vua trời Đế Thích và Tứ Thiên Vương có liên hệ mật thiết với loài người như chúng ta sẽ thấy sau này.
    Không cư thiên
    Từ đỉnh núi Tu Di, tức trời Đao Lợi, trở lên là hư không, không còn mặt đất nữa, nhưng vẫn còn có bốn tầng trời từ thấp lên cao là: (1) trời Dạ Ma (Yama), (2) trời Đâu Suất Đà (Tusita), (3) trời Lạc Biến Hóa (Nirmanarati), (4) trời Tha Hóa Tự Tại (Paranirmitavasavartin). Trời Đâu Suất Đà là nơi các Bồ Tát cư trụ trước khi sinh xuống cõi người để thành Phật, nên hiện giờ Bồ Tát Di Lặc đang trú tại đó để thuyết pháp cho chư Thiên. Còn trời Tha Hóa Tự Tại Thiên là nơi Ma Vương Ba Tuần ngự trị, tức vị Ma Vương quấy phá đức Phật Thích Ca đến cùng, trước khi Ngài thành Đạo. Chư thiên thuộc bốn tầng trời này vẫn ở trong các cung điện trang nghiêm vô cùng, song các cung điện này đều trụ ở trong hư không, chứ không dựa trên mặt đất, nên được gọi là "không cư thiên."
    Như vậy là có đến sáu cõi trời, kể từ Tứ Thiên Vương lên đến Tha Hóa Tự Tại. Sáu cõi trời này thuộc về cõi Dục. Vượt qua khỏi trời Tha Hóa Tự Tại là bắt đầu vào đến cõi Sắc. Về cõi Sắc và Vô Sắc chúng ta sẽ bàn đến sau. Ở đây chỉ kể ra tầng trời đầu tiên của cõi Sắc là Phạm Thiên (Brahmakayika), Vua trời Phạm Thiên này chính là người đã thỉnh đức Phật chuyển Pháp Luân thay vì nhập niết bàn sau khi Ngài giác ngộ.
    Người
    Kế đến là loài người. Loài người ở đâu trong thế giới này? Bốn châu trong biển nước mặn chính là nơi cư ngụ của loài người. Hình thể của mỗi châu có khác nhau, và theo đó khuôn mặt loài người ở mỗi châu cũng thành khác nhau. Loài người chúng ta là ở châu phía nam, tức nam Thiệm Bộ châu hay thường gọi theo phiên âm khác là Diêm Phù Đề (Jambudvipa). Nói về sự sướng khổ, thì châu Câu Lô ở phương bắc là hoàn toàn sướng không có khổ, và châu Diêm Phù Đề ở phương nam tương đối là khổ hơn hết. Tuy thế, chư Bồ Tát đều chọn châu Diêm Phù này để sinh xuống mang thân loài người tại đó mà thành Phật. Vì Câu Lô châu thuần sướng nên không thể giác ngộ để mà thành Đạo được.
    A tu la
    Theo trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn thì loài a tu la ở bốn hướng quanh núi Tu Di trong biển nước thơm. Cách núi khoảng một ngàn do tuần, bốn phương đông tây nam bắc có bốn vua a tu la ngự trị. Loài này có nhiều phước đức, song rất cứng cỏi ương ngạnh, dứt khoát không chịu phục tùng cõi trời như các loài quỷ thần khác, mà hễ có cơ hội là tạo chiến tranh đem binh tấn công cõi trời. Theo đó, cõi trời cũng chưa phải là hoàn toàn yên ổn thái bình.
    Tam ác đạo:
    Địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh
    Vị trí của địa ngục, theo Câu Xá Luận, nằm dưới lòng đất của châu Diêm Phù, sâu xuống khoảng hai vạn do tuần. Địa ngục tối khổ là ngục "vô gián," ngoài ra còn bảy địa ngục nóng khác, gọi chung là "bát đại địa ngục." Mỗi đại địa ngục này lại có thêm mười sáu địa ngục phụ thêm, gọi là "tăng địa ngục" ở xung quanh bốn cửa của đại địa ngục. Và ngược lại với tám địa ngục nóng này còn có tám địa ngục lạnh.
    Tuy các địa ngục ấy là ở dưới lòng đất, song luận Bà Sa còn cho hay là bên trên mặt đất còn có các "biên địa ngục" và "độc địa ngục." Và ngay cả trong thung lũng, trên non cao, nơi hoang dã, cũng đều có các địa ngục ở đó. Đặc biệt chỉ có châu nam Diêm Phù Đề mới có các đại địa ngục, còn ba châu kia thì chỉ có "biên địa ngục" và "độc địa ngục" mà thôi. Vì nghiệp thiện ác của loài người ở châu nam Diêm Phù này là mạnh mẽ dữ tợn hơn hết. Ngoài ra theo kinh Địa Tạng cho hay, thì địa ngục vốn ở trong núi Thiết Vi, và ngay trong biển nữa.
    Còn cảnh giới của ngạ quỷ (preta) là ở đâu? Nói đến ngạ quỷ thì không phải chỉ là các loài quỷ đói mà thôi, mà còn nói chung hết cho mọi loài quỷ thần nữa. Quỷ thần gồm có hai loại, một loại có phước đức và một loại vô phước. Chỗ ở của quỷ thần có thể nói là khắp mọi nơi, song chỗ ở chính là trong dẫy núi Thiết Vi, ở dưới mặt đất khoảng năm trăm do tuần trong thành của Diêm La Quỷ Vương. Ngoài ra ngạ quỷ còn ở trong hư không, giữa núi non, bên bờ biển, những nơi dơ bẩn, chỗ mồ mả hay nơi cây cỏ, như trong Kinh Trường A Hàm có nói: "Nơi nhà cửa của tất cả loài người đều có quỷ thần ở, không chỗ nào là trống không hết. Tất cả các ngõ hẻm, đường phố qua lại, nơi hàng thịt quán xá và gò đống mồ mả, đều có quỷ thần ở, không hề trống không. Chư quỷ thần nương vào đâu mà ở thì lấy tên nơi ấy mà gọi... Tất cả cây cối dù là nhỏ nhất như trục xe cũng đều có quỷ thần ở đó, không chỗ nào là trống không hết." Ngay đến trên cõi trời cũng có đầy các quỷ thần, nhưng điểm đặc biệt là quỷ thần trên cõi trời chỉ là tôi tớ hoặc là tướng tá hay quân binh cho chư thiên cõi trời, như dạ xoa, la sát, kim cương thần v.v... Kể cả các nhạc thần như Ma Hầu La Già hay kiến trúc thần như Ma Hê Thủ La cũng đều là các quỷ thần ở cõi trời. Còn súc sinh thì như chúng ta đã biết, vì loài người vốn ở chung với loài súc sinh vậy. Song theo Đạo Phật thì súc sinh có mặt khắp mọi nơi, từ địa ngục lên đến cõi trời, Chính Pháp Niệm Kinh nói là có đến bốn mươi ức loại súc sinh (tức bốn tỉ loại...)
    5. Tóm kết lại về thế giới:
    thế giới là của chung
    Ở trên chỉ là những phác họa rất sơ lược về hình thể của thế giới với vị trí cảnh giới của các loài hữu tình trong đó. Theo đó, thế giới gồm hai thành phần: một là khí thế giới và hai là hữu tình thế giới. Và những đặc điểm của thế giới theo Đạo Phật là như sau:
    1. Thế giới, dù là khí thế giới hay hữu tình thế giới đều do nghiệp lực chung của hữu tình tạo ra. Nghiệp lực chung hay cộng nghiệp không phải chỉ là của riêng mỗi loài với nhau, mà chính là nghiệp lực của mọi loài cùng hợp tác lại với nhau. Có nghĩa là cảnh giới của loài người muốn thành hình thì không phải chỉ cần cộng nghiệp chung của loài người là đủ rồi, mà cần phải có luôn cộng nghiệp của năm loài kia (thiên, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) hỗ tương phối hợp chặt chẽ lại với nhau thì con người và cảnh giới của con người mới hiện hữu được. Ngược lại cảnh giới của mỗi loài trong năm loài kia cũng vậy. Nghiệp lực này là gì? Là động năng khao khát hiện hữu, là năng lực ái nhiễm bám chặt vào "hữu" của hữu tình (tức khát ái, tham dục, tham ái vào sáu cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Động năng cố hữu này làm cho hữu tình miễn được hiện hữu, được sinh ra đời là được rồi, bất chấp đời sống ấy có khổ đến đâu, bất chấp cái thân thể mà mình mang lấy là thuộc loài nào đi nữa. Thế nên trong động năng này nó có đủ hết tiềm năng để trở thành mọi loài hữu tình và mọi cảnh giới tương ưng, nói cách khác là hữu tình nào cũng đều có thể trở thành bất cứ loài nào khác và do đó ở trong bất cứ cảnh giới nào khác. Tôi không phải vĩnh viễn chỉ là hữu tình thuộc loài người, mà tôi hoàn toàn có thể là hữu tình thuộc loài trời hoặc hữu tình thuộc về ba ác đạo, tôi không là của riêng loài nào và cảnh giới nào, mà tất cả các loài và các cảnh giới đều là của chung của mọi hữu tình trong đó có tôi. Trong khi tôi đang là loài người, đang ở trong cảnh giới của loài người đây, thì tận dưới đáy sâu, nơi đầu nguồn hiện hữu của tôi, tôi vẫn luôn luôn có những liên hệ với mọi loài khác, và chỗ ấy chính là cái "huyệt đạo" ăn thông ra hết mọi cảnh giới của mọi loài, nói cách khác, nó là cửa ngỏ để đi đến các cảnh giới khác, để mang lấy thân tướng của các loài khác: tức là cửa ngỏ để đi luân hồi!
    Thế giới là luân hồi
    2. Như vậy, theo Đạo Phật, thế giới là của chung vì thế giới ấy là thế giới của luân hồi. Sự sống, cuộc đời hay lẽ hiện hữu của tôi không phải chỉ là một đời sống hiện tại thuộc về một loài duy nhất nào đó, mà là một chuỗi hiện hữu không cùng khi là loài này thuộc cảnh giới này, khi là loài khác thuộc cảnh giới khác, cứ thế luân lưu qua lại không cùng, luân hồi bất tận. Thế giới luân hồi với đầy đủ hết cảnh giới của mọi loài ấy mới chính thực là thế giới của tôi, chứ không phải chỉ là cảnh giới hiện tại thuộc một loài cá biệt nào đó. Như đất nước của chúng ta là của chung mọi người chúng ta, chứ không phải chỉ là "cảnh giới" riêng của gia đình mỗi người, chúng ta có quyền tự do đi khắp hết các lãnh thổ ấy và được quyền xây dựng sự nghiệp ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ ấy. Đất nước ví cho thế giới. Mái nhà riêng, xóm làng riêng của mình ví cho cảnh giới của mỗi loài. Các nơi khác trên đất nước ví cho cảnh giới của các loài khác. Và sự được quyền xây dựng sự nghiệp ở bất cứ nơi đâu ví cho sự luân hồi của nghiệp lực.
    Thế giới do nghiệp chung
    Cảnh giới do nghiệp riêng
    3. Thế giới tuy chung cho tất cả mọi loài, nhưng mỗi loài vẫn có một cảnh giới riêng của mình để hiện hữu và sống ở trong đó với nhau, cách biệt hẳn các loài khác đến mức như không hề hay biết gì về nhau. Lý do tại sao ở chung một thế giới mà không hề thấy biết gì về nhau hết, là bởi do nghiệp riêng của mỗi loài mà ra. Như đôi khi cũng cùng là loài người, sống trong cùng một cảnh giới, mà chúng ta vẫn không hề hay biết gì về vô số đời sống của các người khác, điều này cũng do nghiệp duyên mà ra, thì huống gì là các loài khác ở trong một cảnh giới khác hẳn. Mỗi loài hữu tình và cảnh giới riêng của họ lại do nghiệp chung của họ tạo ra. Thế nên, chúng ta có thể nói như sau: thế giới này là do nghiệp riêng của mỗi loài hữu tình cộng chung lại với nhau mà thành. Khi thành rồi, thì mỗi loài hữu tình lại do nghiệp riêng của họ mà thành cảnh giới riêng của họ.
    Chia sẻ cảnh giới
    4. Tuy nhiên, vẫn có sự chia sẻ cảnh giới với nhau, như loài người và loài vật cùng chung cảnh giới với nhau nên tiếp xúc được với nhau, sống dựa vào nhau, như loài người ăn thịt loài vật mà sống, nuôi loài vật để mua vui hay để làm việc cho mình v.v... Hay như loài trời "địa cư thiên" với loài quỷ thần và a tu la, quỷ thần vẫn thường phục dịch cho cõi trời và a tu la thường gây hấn tạo chiến tranh với cõi trời. Ngoài ra loài nào nghiệp phước đức nhiều hơn thì loài phước đức ít hơn phải chịu thiệt thòi, như quỷ thần phải hầu hạ phục dịch cho cõi trời, loài vật bị loài người chi phối khống chế đủ thứ. Cũng như loài phước đức nhiều có thể thấy biết loài phước đức ít trong khi loài phước đức ít lại không hề thấy biết về loài phước đức cao hơn mình, như loài trời thấy biết rõ về loài người trong khi loài người không thấy biết gì hết về cõi trời, như sáu ngày trai trong mỗi tháng, trời Tứ Thiên Vương giáng xuống loài người để tra xét về hành động thiện ác của mỗi con người, mà loài người vẫn không sao thấy biết được. Cũng như loài người thấy biết rõ về loài vật trong khi loài vật không biết gì hết về loài người, quá lắm chỉ thấy được loài người mà thôi. Và trong khi loài vật chỉ lo cuộc sống của mình, không màng và cũng không biết gì về cuộc sống con người, thì loài người luôn theo dõi và xen vào đời sống của loài vật.
    Lợi ích liên hệ đến nhau
    5. Nếu chúng ta hỏi tại sao lại như vậy? Thì bởi vì cùng chia sẻ cảnh giới với nhau nên sự phát triển và hoạt động của các loài đều có ảnh hưởng lẫn nhau, chẳng hạn nếu sâu bọ phát triển mạnh, thì loài người sẽ bị nguy hại vì mùa màng hư hỏng; nếu cọp beo đầy khắp mọi nơi thì loài người sẽ bị ăn thịt hết chẳng còn. Thế nên loài người sẽ dùng năng lực phước đức của mình qua trí năng thông minh và khôn ngoan hơn loài vật để khống chế và chi phối trọn vẹn loài vật, nhờ đó loài người được an toàn và còn thu hoạch được nhiều lợi ích từ loài vật nữa. Con vật nào hiền và ăn thịt được thì loài người nuôi dưỡng, con vật nào dữ thì giết đi hoặc khống chế hoàn toàn, con vật nào không nguy hiểm và làm việc được thì nuôi cho làm việc, con vật nào vô ích song dễ thương thì nuôi để mua vui, làm kiểng. Tương tợ vậy, loài trời để tâm xem xét đến loài người là bởi vì loài người có thể mang lại lợi ích cho loài trời. Tại sao? Loài trời thuộc về nghiệp thiện, song cảnh giới cõi trời chỉ là để hưởng lấy quả báo, chứ không phải để tạo tác thêm thiện lực mà duy trì cảnh giới cõi trời. Thế nên nếu trong loài người có ai làm thiện, thì người ấy sẽ trở thành "đồng minh" của cõi trời, vì chính người ấy trở thành cộng nghiệp với cõi trời, nghĩa là người ấy đóng góp thêm phần vững mạnh và duy trì cho cõi trời ngay trong hiện tại, mà sau khi chết đi họ lại sinh về cõi trời và làm cho cõi trời thêm đông đảo sung túc. Do đó mà loài trời luôn luôn ủng hộ những người tốt trong loài người. Những người tốt này chính là những người duy trì chính yếu cho cõi trời được tồn tại và vững mạnh. Và cũng vì rất cần có nghiệp phước đức để duy trì cảnh giới và mạng sống mình được trường thọ, thế nên loài trời rất sẵn sàng ủng hộ và cúng dường các bậc thánh, đặc biệt là đức Phật, bậc phước điền của nhân thiên. Đôi khi, nếu không có một bậc giác ngộ để cúng dường mà gây thêm phước đức, và cũng không có một người nào trong loài người biết tin tưởng làm thiện để trông cậy vào, thì phải chăng chính loài trời phải tự tạo lấy phước đức bằng cách sinh vào loài người để làm thiện và để dạy loài người làm thiện, phát huy lòng tin vào điều thiện vào đạo đức? Và lúc đó họ trở thành những bậc thánh nhân, những nhà đạo đức của loài người, được loài người tôn thờ, đồng thời nhờ đó cõi trời thêm trường tồn và sáng lạn?
    Nghiệp là đầu mối của tất cả
    6. Theo Đạo Phật, nghiệp lực của chúng sinh là một trong năm thứ "bất khả tư nghì." Thế giới là thế giới chung cho mọi loài hữu tình là do nghiệp chung của các loài hữu tình mà thành, cảnh giới của mỗi loài hữu tình là do nghiệp riêng của mỗi loài mà thành. Dù có chia sẻ chung một cảnh giới với nhau, như loài người với loài vật, song vì nghiệp riêng khác nhau, nên vẫn được coi là hai cảnh giới riêng rẽ. Thật vậy. Chúng ta không thể nói được rằng do mình biết bơi thì có nghĩa là mình vào được cảnh giới của loài cá, do mình tạo được phi cơ bay trên trời thì có nghĩa là mình vào được cảnh giới của loài chim. Không hề phải như vậy. Mà cho dù chúng ta có bơi dưới nước hay có bay trên trời, chúng ta vẫn chỉ là loài người, vẫn ở trong cảnh giới loài người. Bởi khi bơi dưới nước rõ ràng chúng ta thấy là chúng ta "bơi" dưới "nước!" Nước là cảnh giới của nghiệp riêng con người thấy đó là nước, chứ còn loài cá nó đâu có thấy đó là nước đâu. Khi xuống nước chúng ta thấy là chúng ta bơi chứ đâu có đi, con cá nó đâu có thấy nó bơi đâu, có thể nó chỉ thấy là nó đi mà thôi. Điều nữa, chúng ta phải tạo đủ hết mọi điều kiện sống còn của loài người, như máy bay, tàu ngầm, phi thuyền, rồi thì chúng ta mới xuống nước được, bay lên trời được, hoặc ra ngoài không gian được. Song con cá hay con chim nó đâu cần phải có những điều kiện như vậy để đi trong nước hay đi trong không đâu. Bởi vì nghiệp của nó làm cho nước trở thành cảnh giới sống của nó, làm cho hư không trở thành chỗ đi của nó. Và cũng bởi vì nghiệp của loài người nên làm cho chỗ đi lại của cá thành nước, chỗ đi lại của chim thành hư không, và chỗ chết của cá, tức trên mặt đất, thành chỗ ở của người. Thế nên, muốn biết cảnh giới thật của loài khác, chúng ta cần phải sinh vào loài đó, mang thân thể, cảm giác và nhận thức của loài đó, tức mang lấy nghiệp của loài đó, có thế cảnh giới thực sự của loài đó mới hoàn toàn hiển lộ ra rõ ràng.
    Lại nữa, trong khi con cá nó thấy nó sống rất tự tại trong cảnh giới của nó, thì chúng ta lại thấy là con cá sống trong nước. Con chim nó đâu có thấy hư không là một khoảng trống không, không thể đi lại được và có muốn đi lại thì phải chế ra phi cơ v.v... Vậy trong khi chúng ta thấy mình sống tự tại trong một không gian bao la trên một quả địa cầu, thì biết đâu loài trời lại chỉ thấy cái khoảng không gian của chúng ta là một khối lưu ly, và thấy loài người chúng ta đang sống tù túng trong khối lưu ly ấy?! Có thể con giun nó thấy nó ở trong một thế giới bao la không cùng, đi hoài không cùng tận, mà chúng ta thì cười nó chịu tối tăm dưới đất dơ dáy, làm sao thì làm cũng chẳng mấy khi ngoi lên nổi trên mặt đất. Thì biết đâu loài trời cũng đang cười chúng ta chịu tối tăm trong cái cảnh giới tối mò chật hẹp mà cứ cho đó là vũ trụ bao la không cùng, nên chẳng bao giờ ngoi đầu lên nổi!
    Theo đó, không phải mình thấy cảnh giới của loài mình ra sao thì đúng thực nó là vậy, và cũng không phải mình thấy cảnh giới các loài khác ra sao, thì đương nhiên đó phải là cảnh giới thật của loài đó đâu. Cái thấy nào cũng bị hạn cuộc và thiên lệch trong nghiệp thức của mình, nên không sao thấy ra được thực sự thế giới này ra sao? Chỉ có trí giác ngộ mới thấy ra được hết tận đầu nguồn của "nghiệp" của tất cả hữu tình muôn loài, lúc đó hình ảnh thực sự về thế giới này mới hiển lộ ra hết được, để cho thấy sự liên hệ của các cảnh giới trong thế giới ấy ra sao vậy.
    Kết luận: thế giới duyên khởi
    Tại sao thấy như vậy lại là thấy đúng nhất? Bởi vì chân lý của bất cứ hiện hữu nào cũng chỉ là duyên khởi, cho nên ai thấy ra duyên khởi là người đó thấy đúng nhất, hình ảnh nào trung thực nhất với duyên khởi sẽ là hình ảnh đúng nhất, thế giới nào là thế giới của tất cả mọi duyên khởi sẽ là thế giới chân thực nhất. Và duyên khởi tức có nghĩa là do vì tự thể của tất cả là Không, nên tất cả phải cùng nương vào nhau, cùng tham dự vào nhau để mà cùng khởi lên mà hiện thành cho nhau và cho chính mình. Hình ảnh về thế giới trong Đạo Phật chính là hình ảnh duyên khởi này, trong đó loài người không "cô đơn" trên một quả địa cầu nằm trong hư không vô tri giác, mà thế giới của loài người là một hải đảo giữa biển nước mặn, liên hệ chặt chẽ vào với núi Tu Di, từ đó hình thành một liên hệ với mọi loài khác trong luân hồi qua lại. Đó là thế giới thực sự của mọi loại hữu tình, sinh sống luân hồi qua lại với nhau bất cùng tận. Thế giới với ba tầng "luân" làm nền tảng, với cột trụ Tu Di làm trục chính, với cảnh giới cư ngụ của các loài ở xung quanh, thế giới này chính là đơn vị chính yếu và nhỏ nhất để thành lập nên một đơn vị còn khổng lồ vĩ đại hơn nhiều được gọi là Phật độ, hay tam thiên đại thiên thế giới, và tiến đến cùng để trở thành thế giới Hoa Tạng hay thế giới trùng trùng duyên khởi như Đế võng của Hoa Nghiêm Kinh vậy.
    Last edited by Cửu Phẩm Liên Hoa; 12-10-2011 at 11:25 AM.
    "Đừng cố sử dụng kiến thức Phật học để thành tín đồ; hãy sử dụng nó để bạn trở nên tốt hơn"

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. NHÀ TRỪ QUỶ KỂ CHUYỆN
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 87
    Bài mới gởi: 24-07-2012, 09:28 PM
  2. Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 01-06-2012, 11:51 AM
  3. Dành cho người hữu duyên
    By nguoi_mu in forum Đạo Phật
    Trả lời: 101
    Bài mới gởi: 24-04-2011, 07:54 PM
  4. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 13-04-2011, 11:41 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •