kết quả từ 1 tới 8 trên 8

Ðề tài: Giá trị thâm diệu của Bát Nhã Tâm Kinh

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Giá trị thâm diệu của Bát Nhã Tâm Kinh

    Giá trị thâm diệu của Bát Nhã Tâm Kinh



    Ý nghĩa thâm diệu Bát Nhã Tâm Kinh, cần phải đề cập đến mấy luận điểm cơ bản như lý thuyết duyên sinh, vô ngã, vô thường, tính không...







    LỜI NÓI ĐẦU



    Bát Nhã Tâm Kinh là bản kinh thâu tóm mọi ý nghĩa thâm yếu và cao siêu của bộ Đại tạng Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Do bộ kinh Đại Bát Nhã này quá lớn, quá đồ sộ, nên các vị Tổ Phật giáo từ xưa đã cố gắng tóm lược cho ngắn lại, rút từ 300 quyển với 25.000 câu qua nhiều lần đến mức chỉ còn 260 chữ thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay.


    Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh mà Phật tử Việt Nam thường đọc tụng hằng ngày là bản phiên âm chữ Hán nên có nhiều Phật tử tuy đọc tụng thuộc lòng nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của lời Phật dạy. Có người hiểu thì ứng dụng, còn có người chưa hiểu thì chỉ tụng để tụng mà thôi. Tụng như vậy, tuy có công đức nhưng do chưa hiểu hết giá trị và lợi ích lớn lao của Bát Nhã Tâm Kinh, sẽ hạn chế thành tựu công phu tu hành của mình.


    Bản khảo luận này trình bày những hiểu biết qua quá trình tu học của tác giả nhằm phát tâm góp phần giúp cho những ai có cơ duyên đọc đến, có thể tìm hiểu thâm sâu ý nghĩa vi diệu của Bát Nhã Tâm Kinh, nhằm thực hiện việc hành trì tu tập được thuận lợi.


    Tự nghĩ rằng do trình độ có hạn, chỉ do tự nghiên cứu, tự học tập các giáo lý của Đức Phật qua các bản kinh, luật, luận và với tấm lòng nhiệt thành muốn góp phần vào công việc hoằng dương Phật pháp, nên mới mạnh dạn viết ra tài liệu này. Thâm tâm không dám coi bản khảo luận này như một bài giảng pháp mà các vị Pháp sư và các Thầy lên giảng tòa thuyết pháp. Kính mong chư Tôn thiện đức hoan hỷ xá cho và ngưỡng mong chư Phật tử vui lòng đón nhận.


    Tác giả kính ghi


    PHẠM ĐÌNH NHÂN (Pháp danh Chánh Tuệ Định)


    GIÁ TRỊ THÂM DIỆU CỦA BÁT NHÃ TÂM KINH

    Trước khi hồi hướng và kết thúc khóa lế tụng kinh, hàng tăng ni và Phật tử thường tụng bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Đa số Phật tử, nếu không nói là hầu hết, đều tụng bản Bát Nhã Tâm Kinh bằng bản phiên âm chữ Hán, bản này do Tam tạng Pháp sư đời Nhà Đường là Ngài Huyền Trang (595 - 664) dịch từ thế kỷ thứ VII từ chữ Phạn sang chữ Hán. Vì là bản phiên âm chữ Hán (còn gọi là bản Hán Việt), nên một số Phật tử không rõ hết nghĩa từng chữ, dù ngày nào cũng tụng thuộc lòng và vì thế sự am hiểu sâu xa ý nghĩa của bản kinh đó có phần bị hạn chế.


    Phật tử thuộc lòng Bát Nhã Tâm Kinh nhưng ứng dụng được lại là điều khác. Có người hiểu thì ứng dụng, còn có người chưa hiểu thì chỉ tụng để tụng mà thôi. Tụng như vậy sẽ không thấy được giá trị và lợi ích lớn lao của Bát Nhã Tâm Kinh và sẽ hạn chế thành tựu công phu tu hành của mình.


    Do đó tụng Bát Nhã Tâm Kinh cần phải hiểu nghĩa ý nghĩa câu kinh. Đức Phật đã dạy: “Học không cần nhiều, chủ yếu là thực hành những điều đã học. Người đọc tụng nhiều mà không hiểu nghĩa thì chỉ uổng công nhọc trí mà thôi”. Ngoài ra Đức Phật khi còn tại thế, thường dạy các đệ tử của mình rằng: “Các ngươi phải truyền bá đạo Phật bằng chính ngôn ngữ của địa phương mình, của dân tộc mình”. Ở nước ta đã có nhiều bản dịch ra tiếng Việt để nhiều Phật tử Việt Nam tụng, trên cơ sở đó mới hiểu hết ý nghĩa thâm sâu của bản kinh mà hành trì, tuy đã có nhiểu vị sa môn dịch bản kinh đó ra tiếng Việt, nhưng chưa thuần nhất. Có bản dịch chưa lột tả hết nghĩa thâm sâu. Mặt khác lại có nhiều bản dịch sang tiếng Việt khác nhau, nên cuối cùng đa số Phật tử thường tụng bản kinh phiên âm chữ Hán do Ngài Huyền Trang dịch, gồm 260 chữ. Đây là bản phổ biến nhất trong số 13 bản dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Vả lại trong chương trình đào tạo tăng ni và hướng dẫn Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chưa hoàn toàn Việt hóa hết các bản kinh chữ Hán.


    Bản kinh này gọi đúng là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Ngày nay chúng ta thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh hay nói gọn hơn là Tâm Kinh. Chữ Tâm ở đây có nghĩa là cốt lõi, là trọng tâm, là toát yếu, là cô đọng. Từ xa xưa, ngay từ khi đạo Phật rất thịnh hành ở nước ta, thời Nhà Trần, bản Tâm Kinh này thường được gọi là Kinh Lòng. Chữ Lòng ở đây, tiếng Việt cổ cũng có nghĩa là lòng ruột, là cốt lõi vậy.


    Vị anh hùng dân tộc và là người sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử thuần túy Việt Nam, tức vua Trần Nhân Tông hiệu Trúc Lâm Đầu Đà (1258 – 1308) cũng đã gọi Tâm Kinh là Kinh Lòng như Người đã viết trong Cư trần lạc đạo phú, một bài phú nổi tiếng của Người nói về học Phật, viết bằng chữ Nôm, trong câu sau đây:


    Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi

    Nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc

    Thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726), đời thứ 36 dòng Lâm Tế Đàng Ngoài cũng có bài ca ngợi năng lực thâm diệu của kinh này và cũng gọi là Kinh Lòng, trong tác phẩm Nam Hải Quán Âm của Ngài có các câu sau:


    Công chúa thấy thốt thương song

    Bèn chuyển Kinh Lòng động đến hoàng thiên

    Bảo hoa bay khắp bốn bên

    Hào quang thấu lọt dưới trên cửa thành

    Những điều ấy cho ta thấy bản kinh này đã được dân tộc ta từ xa xưa đã gọi là Kinh Lòng và bản kinh đó đã được chư tôn thiện đức tăng ni, Phật tử đọc tụng rộng khắp như thế nào! Điều này cũng không có gì lạ, vì Tâm Kinh Bát Nhã đã cô kết lại một cách trọn vẹn tất cả giáo nghĩa siêu việt của bộ Đại tạng kinh Bát Nhã là bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, bộ kinh đầu tiên và chủ yếu của Phật giáo Đại thừa. Muốn hiểu Phật giáo Đại thừa, cũng như muốn thực hành phương pháp tu trì của Phật giáo, ta không thể nào không biết, không tụng, và không hiểu ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh.


    Tài liệu khảo cứu này sẽ giúp cho những ai có cơ duyên đọc đến, có thể tìm hiểu thâm sâu ý nghĩa vi diệu của Bát Nhã Tâm Kinh, nhằm thực hiện việc hành trì tu tập được thuận lợi.



    Phần thứ nhất.


    LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA BÁT NHÃ TÂM KINH

    Ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Uyển, trước năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật đã giảng giải về Tứ Thánh Đế và Ngũ uẩn giai không.


    Từ đó, tư tưởng Bát Nhã hay Ngũ uẩn giai không đồng quyện với giáo lý Tứ Thánh Đế và Duyên Khởi, Tính Không…khi ẩn khi hiện suốt khắp mọi thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn, kể từ vườn Lộc Uyển đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng đến ngay cả rừng Sa La song thọ tại Kusinara, nơi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.


    Ta biết rằng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử của Phật đã tiếp tục sự nghiệp của Người, đi khắp nơi hoằng truyền giáo lý của Đức Phật, và tư tưởng Bát Nhã luôn luôn được đề cập đến, thể hiện qua các thời kỳ kết tập kinh điển nhằm tập hợp lại những lời dạy của Đức Phật giảng dạy khi người còn tại thế. Trong khoảng 600 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, có đến 4 lần kết tập kinh điển khác nhau, thể hiện sự phát triển của Phật giáo nói chung và của Phật giáo Đại thừa nói riêng. Trong đó 3 kỳ kết tập kinh điển đầu tiên vẫn chưa có văn kinh Đại thừa ra đời.


    Kỳ kết tập kinh điển thứ nhất được tổ chức vào khoảng bốn tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn do Ngài Ma Ha Ca Diếp là đệ tử thứ nhất của Đức Phật đứng ra triệu tập. Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất có khoảng 500 đại đệ tử họp ở thành Vương Xá (Rajagrika), khoảng năm 544 trước Công nguyên, nhằm tụng lại những giáo lý mà Đức Phật đã dạy, và chỉ tụng hai tạng là tạng kinh do Ngài A Nan tụng và tạng luật do Ngài Ưu Bà Ly tụng, chứ chưa có đầy đủ ba tạng kinh điển là kinh, luật, luận. Ta cũng cần biết rằng trong kho tàng kinh điển giáo lý Phật giáo có ba phần hay còn gọi là ba tạng: tạng kinh ghi những lời Đức Phật và Bồ Tát nói ra, tạng luật ghi những giới luật nghiêm cấm trong các hàng tăng ni Phật tử và tạng luận những văn bản ghi những điều mà các Tổ luận bàn, nghiên cứu trình bày cho rõ nghĩa những giáo lý của Đức Phật.


    Kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức vào khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, tức vào khoảng năm 444 trước Công nguyên. Thời kỳ này do có sự xâm nhập về tư tưởng của ngoại đạo từ bên ngoài và có sự phân hóa về tư tưởng trong tăng đoàn, nên kỳ kết tập kinh điển lần này ngoài việc ôn tụng lại những lời Phật dạy trong đó có phần nói về Bát Nhã thì chủ yếu là giải quyết sự phân chia thành hai bộ phái: phái Nguyên thủy hay Thượng tọa bộ và phái Tiến thủ hay Đại chúng bộ. Việc kết tập kinh điển cũng phân chia theo bộ phái và cũng chỉ tụng ôn lại mà chưa có văn tự kinh điển.


    Kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba xảy ra vào khoảng hơn hai thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, vào năm 274 trước Công nguyên. Kỳ kết tập này do Hoàng đế A Dục, một vị vua rất sùng kính đạo Phật đã triệu tập 1.000 vị Đại trưởng lão uyên thâm. Sau chín tháng làm việc, ngoài việc tụng ôn lại những kinh điền về kinh, luật, hội nghị còn đạt được việc thanh lọc trong tăng đoàn, loại trừ những phần tử ngoại đạo lợi dụng tăng đoàn làm mất đi thể thống cao thượng của tăng đoàn. Đến thời kỳ này cũng chưa có văn tự kinh điển ra đời và văn tự Bát Nhã chưa hình thành. Cả 3 lần kết tập kinh điển nói trên mới chỉ ôn tụng lại những điều giáo lý của Đức Phật dạy ở hai tạng kinh và luật mà cũng chưa có văn tự, nghía là chưa viết thành sách kinh.


    Kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên dưới sự hộ trì của vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska), một vị Đại đế Ấn Độ. Trong kỳ kết tập này, văn tự (chữ Pali và chữ Phạn) đã được dùng để ghi chép kinh điển trên những phiến bằng đồng hoặc trên lá bối, trên gỗ, và cũng từ đây văn học Đại thừa cùng với văn tự Bát Nhã trên văn kinh ra đời. Trong thời kỳ này tức là khoảng 100 năm trước Công nguyên, Tiểu phẩm Bát Nhã với 8.000 câu là một bản kinh đầu tiên của văn tự Bát Nhã, tức của văn tự Đại thừa ra đời. Mãi đến hơn 200 năm sau, tức là vào cuối thế kỷ thứ Nhất sau Công nguyên mới có bộ Đại phẩm Bát Nhã (tức bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa) ra đời với 600 quyển, gồm 25.000 câu và một Đại phẩm Bát Nhã khác nữa với 18.000 câu. Như vậy hệ thống tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa đã được hoàn thiện trong vòng hơn 200 năm kể tử khi Tiểu phẩm Bát Nhã ra đời. Sau đó, Ngài Long Thọ (Nãgãrjuna), một vị đại luận sư Ấn Độ sống vào khoảng thế kỷ thứ 1 và thứ 2 sau Công nguyên mới luận giải bộ Đại Bát Nhã 600 quyển 25.000 câu thành ra bộ luận Đại Trí Độ đồ sộ nhất trong kho tàng tạng luận của văn học Đại thừa, mở đầu cho kho tạng luận của Bát Nhã Đại thừa. Bộ Đại Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ được xem như một Bách khoa toàn thư về văn học Đại thừa.


    Tư tưởng Bát Nhã phát triển lên được là do “Nhi thập nhị niên Bát Nhã đàn” mới có, tức là khi còn tại thế, Đức Phật đã thuyết pháp 16 hội trong thời gian 22 năm ở Kỳ Viên tịnh xá và Trúc Lâm tịnh xá về giáo lý bản kinh Bát Nhã này.


    Ở nước ta, đến nay đã có 2 bộ kinh Đại Bát Nhã dịch ra tiếng Việt. Bản thứ nhất là bản kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật do Ngài Cưu Ma La Thập (344 -413), một vị đại sư người Ấn Độ sang Trung Hoa hoằng truyền Phật pháp từ năm 401 đến năm 413, dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Bản này do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt từ năm 1963, gồm 3 tập, 30 quyển. Bản thứ hai là bản kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 24 tập 600 quyển do Ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602–664) dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm và Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch từ chữ Hán ra chữ Việt, xuất bản năm 1998.


    Do bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahà-prajnà-pàramità) quá lớn, quá đồ sộ và tư tưởng bộ Đại Bát Nhã quá thâm yếu và cao siêu, nên các vị Tổ Phật giáo từ xưa đã cố gắng tóm lược cho ngắn lại, rút từ 25.000 câu qua nhiều lần đến mức chỉ còn 260 chữ thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức bản Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay. Bản Bát Nhã Tâm Kinh này chỉ với 260 chữ mà đã thâu tóm được ý nghĩa nội dung tư tưởng giáo lý cả 600 quyển của bộ Đại Bát Nhã.


    Bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là bản kinh thu gọn, cô đặc, chọn lấy cái tinh túy, cái cốt lõi của bộ Đại Bát Nhã. Nên nó có một tầm quan trọng đặc biệt và vì vậy nên trong bất cứ một thời kinh nào, trước khi kết thúc và hồi hướng, tăng ni và Phật tử cũng phải tụng Bát Nhã Tâm Kinh.




    Nếu chúng ta hiểu thấu được Bát Nhã Tâm Kinh tức là chúng ta đã nắm được phần trọng yếu của hệ tư tưởng Bát Nhã. Vì vậy, chư Tổ luôn luôn khuyên Phật tử đêm nào cũng phải tụng một hay ba biến Bát Nhã Tâm Kinh. Cũng cần nói thêm rằng Bát Nhã Tâm Kinh không phải là kinh bổ khuyết, mà chính là cái cốt lõi của kinh Đại Bát Nhã tức bộ kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.


    Bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, hay còn gọi là Bát Nhã Tâm Kinh, đã được nhiều dịch giả Trung Hoa và Ấn Độ dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Có đến khoảng 13 bản dịch ra chữ Hán khác nhau kể tử năm 402 sau Công nguyên đến năm 980 đời Nhà Tống bên Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam ta, bản của Ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang dịch vào năm 649 đời Nhà Đường tức bản có 260 chữ là phổ biến hơn cả. Từ trước tới nay, chư tăng ni, Phật tử vẫn tụng theo bản chữ Hán của Ngài Huyền Trang. Đó là bản dịch hay, gọn và lột tả được tất cả những tư tưởng của Đại thừa trong bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 600 quyển.


    Như vậy lịch sử ra đời của Bát Nhã Tâm Kinh chính là lịch sử phát triển hệ tư tưởng Bát Nhã, tư tưởng Đại thừa từ khi Phật còn tại thế đến nhiều thế kỷ về sau, qua các lần tập kết kinh điển mới hình thành các bộ Đại Bát Nhã và qua nhiều lần thu gọn, giản lược chọn lấy cái cốt yếu, tinh túy nhất mới hình thành bản Bát Nhã Tâm Kinh.


    Ở nước ta, tuy bản Bát Nhã Tâm Kinh của Pháp sư Huyền Trang cũng đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng hầu như bản phiên âm chữ Hán vẫn được sử dụng một cách rộng rãi nhất.


    Giờ đây, sau khi trình bày con đường lịch sử phát triển đi đến bản kinh cốt lõi này, và để hiểu rõ ý nghĩa thâm diệu Bát Nhã Tâm kinh, cần phải đề cập đến mấy luận điểm cơ bản như lý thuyết duyên sinh, vô ngã, vô thường, tính không, lý thuyết bát bất, văn tự bát nhã, phép quán chiếu bát nhã, lý luân phủ định và khẳng định…ta bắt đầu đi sâu vào bản kinh này.

    Last edited by Bin571; 06-05-2014 at 11:38 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Những giáo lý cơ bản để tìm hiểu Bát Nhã Tâm Kinh



    Bát Nhã Tâm Kinh đã sử dụng học thuyết tính không để phủ định tất cả sự vật và hiện tượng hay nói khác đi là cả thế giới và chúng sinh.




    Có thể nói Phật giáo vừa là một nền triết học, vừa là một tôn giáo, lại vừa là một hệ thống giáo dục.

    Là một nền triết học vì các hệ thống tư tưởng trong nền triết học này có thể đánh đổ mọi quan niệm tư tưởng của các nền triết học khác từ phương Đông sang phương Tây, tử cổ chí kim về những quan niệm cơ bản về vũ trụ quan và nhân sinh quan.


    Là một tôn giáo vì nó đã đem lại cho một bộ phận loài người có niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt và sâu xa để vun trồng cuộc sống tốt đẹp hơn.


    Là một nền giáo dục vì tất cả các tư tưởng, giáo lý, kinh luận của đạo Phật có tác dụng giáo dục con người ta sống với chân thiện mỹ, với từ bi và trí tuệ để đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và cho tất cả mọi người.


    Hệ thống tư tưởng và giáo lý ấy của đạo Phật có rất nhiều, đã đề cập đến mọi sự vật và hiện tượng, đến thế giới và chúng sinh. Ở đây ta hãy khảo sát một số vấn đề cơ bản sau đây có liên quan đến tư tưởng Bát Nhã khi nghiên cứu Bát Nhã Tâm Kinh. Tất nhiên giáo lý của đạo Phật còn nhiều yếu lĩnh khác cần phải được để cập khi đi sâu vào nội dung cụ thể từng phần của Bát Nhã Tâm Kinh.


    1. Về quan niệm không gian và thời gian trong Phật giáo:


    + Trước hết nói về không gian: Phật giáo quan niệm không gian là vô cùng vô tận, vô thủy vô chung, không có bắt đầu, không có kết thúc. Con người ta hiện nay đang sống trong một không gian, trong đó quả đất là một trong những hành tinh của hệ thống thái dương hệ. Với khoa học hiện nay, các nhà khoa học mới chỉ đang khảo sát những vệ tinh và hành tinh trong hệ thống này như mặt trăng, sao hỏa, sao kim…chưa ra ngoài hệ thống thái dương hệ. Còn Phật giáo thì cho rằng loài người chúng ta đang sống trong một Thế giới nhỏ mà thái dương hệ chỉ là một bộ phận.


    Phật giáo cho rằng một nghìn Thế giới nhỏ ấy hợp lại thành một Tiểu thiên thế giới, một nghìn Tiểu thiên thế giới hợp lại thành một Trung thiên thế giới, một nghìn Trung thiên thế giới hợp lại thành một Đại thiên thế giới. Như vậy một Đại thiên thế giới gồm có 1.000 triệu thế giới nhỏ, tức là một tỷ thế giới nhỏ mà ta đang sống. Thế giới Ta Bà của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đại thiên thế giới trong vô số Đại thiên thế giới, nhiều không thể kể hết được. Cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà cách đây mười vạn ức (10 tỷ) đất Phật. Nếu đi bằng tốc độ ánh sáng, (300.000 km/giây) thì phải đi mất 150 năm ánh sáng. Như vậy, Phật giáo quan niệm Không gian là vô cùng vô tận, vô thủy vô chung, mênh mông rộng lớn. Trái đất mà loài người đang ở chỉ có thể là một hạt cát bé nhỏ trong vô lượng hạt cát sông Hằng của vô lượng Đại thiên thế giới trong vũ trụ.



    + Về thời gian: Phật giáo cũng quan niệm thời gian là vô thủy vô chung, không có bắt đầu và không có kết thúc. Ta hãy cho rằng con người ta sống nhiều lắm là 100 năm. Trên thực tế, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc năm 2010, đời sống bình quân của con người trên thế giới là 71 năm, của nước Việt Nam ta là 75 năm, của Thái Lan là 69,3 năm, của Nhật Bản là 83 năm, của Philippines là 72,3 năm… thì cái thời gian sống ấy của loài người cũng chỉ rất ngắn ngủi so với chuỗi thời gian vô cùng vô tận của các kiếp. Nếu thời gian sống một ngày của chư thiên trên cõi Thiên được xem bằng 100 năm sống của con người ta thì thời gian trên các cõi Phật khác lớn hơn rất nhiều. Kinh Hoa Nghiêm trong Phẩm Thọ Lượng, nói rằng một kiếp ở cõi Ta Bà của Ðức Thích Ca bằng một ngày đêm ở cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

    Theo kinh Vô Lượng Thọ thì ở vô lượng vô số kiếp về đời quá khứ lâu xa có Đức Phật xuất thế hiệu là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai thuyết giảng đạo lý. Có một vị vua tên là Thế Nhiêu, sau khi nghe Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai thuyết pháp thì lập tức giác ngộ và từ bỏ ngai vàng mà đi theo Phật lấy pháp danh là Pháp Tạng và đã thành Phật, hiệu là A Di Đà cách ngày nay một khoảng thời gian là một a tăng tỳ kiếp. Với quan niệm này, 16 triệu 800 ngàn năm là một tiểu kiếp, 20 tiểu kiếp bằng 1 trung kiếp, 4 trung kiếp (thành, trụ, hoại, không) bằng một đại kiếp, một a tăng kỳ kiếp là 10140 đại kiếp (10 lũy thừa 140 đại kiếp) .


    Như vậy thời gian ở các cõi đều khác nhau. Trong dân gian có câu chuyện Cái rìu của người tiều phu, truyện kể rằng một người tiều phu vào rừng đốn củi. Vì mệt ông để lại chiếc rìu dưới gốc cây, đi tản bộ và dần dần đi sâu vào trong rừng. Ông bỗng thấy hai cụ già đang ngồi đánh cờ dưới gốc cây, bên cạnh một túp lều nhỏ. Ông tiều phu thích đánh cờ và đánh rất giỏi. Ông đứng bên cạnh xem hai ông gìa đánh cờ, hai cụ mời ông ngồi xuống đánh. Tất nhiên ông nhận lời, ngồi xuống và bắt đầu ra quân. Ðánh được một lúc, chưa phân thắng bại, ông bỗng nhớ đến gánh củi nên cần phải về sớm để bán kẻo trễ. Khi ra đến bìa rừng, tìm lại gốc cây thì thấy cái cán rìu đã mục nát. Về đến nhà, thấy cảnh vật đều đã thay đổi. Sau một thời gian tìm kiếm tông tích gia đình, ông mới biết rằng ông bà cha mẹ, và vợ con của ông đã chết cách đây cả trăm năm!

    Một câu chuyện dân gian khác kể rằng: Hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu người Diễm Khê, đời Đông Hán, nhân tiết Đoan Ngọ, vào núi Thiên Thai hái lá thuốc, gặp hai tiên nữ và ở lại. Ở trong núi được nửa năm, Lưu Nguyễn xin trở về nhà. Đến nơi thì trần gian đã qua bảy đời người. Sau đó, hai người trở lại Thiên Thai thì không còn tìm thấy dấu vết nữa. Các nhà khoa học hiện nay cũng đã có thuyết nói về sự khác nhau của thời gian. Đó là thuyết tương đối.


    Vì vậy, vể mặt thời gian, đạo Phật cho rằng cuộc sống của con người dù dài hàng trăm năm cũng chỉ dài như một sát na. Sát na là đơn vị đo thời gian nhỏ nhất của Phật giáo nó chỉ bằng cái gảy móng tay hay như là một hơi thở nhẹ. Và như vậy chuỗi ngày tháng sống trong một đời người trên trần thế dưới hình hài một thân xác con người bằng xương bằng thịt thật là rất ngắn so với toàn bộ các kiếp sống của người ấy trong quá khứ và trong tương lai của họ. Và như vậy đời người thật là ngắn ngủi, còn thời gian là vô thủy vô chung, không bắt đầu và không kết thúc.


    2. Lý thuyết Duyên sinh hay duyên khởi:


    Trong bài kinh Nhân Duyên của bộ kinh Trung A-hàm, Phật dạy rằng: “Ai hiểu thấu được lý nhân duyên thì người đó sẽ thấy đạo”. Nếu chúng ta nghiền ngẫm kỹ, sẽ thấy lý nhân duyên là nguồn gốc để tiến lên tinh thần Bát-nhã sau này.


    Chẳng những lý nhân duyên phát sanh ra hệ Bát Nhã, mà cũng chính lý nhân duyên này phát sanh ra hệ trùng trùng duyên khởi. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Tất cả pháp trên thế gian liên hệ chằng chịt với nhau, lớp này đến lớp khác, đó là nhân duyên hay duyên sinh, duyên khởi”.


    Đạo Phật quan niệm rằng tất cả mọi sự vật trên trần thế và trong vũ trụ này đều do các duyên tạo nên mà thành. Ai nghiên cứu Phật giáo cũng đều biết rằng tinh hoa của Phật pháp chỉ tụ tại một điểm này. Ðó là duyên khởi, cũng gọi là duyên sinh hay nhân duyên sinh. Lời Phật dạy không lỗi thời. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm tới giờ, những lời Phật dạy đều là chân lý, là sự thật. Ví dụ Phật dạy các pháp do nhân duyên sinh, ngày nay có ai bác được lý này không? Mọi sự thành công thất bại đều do nhân và quả. Nhân tốt sẽ được quả tốt là thành công, nhân xấu bị quả xấu là thất bại. Đó là lẽ thật không chối cãi được. Như có hai hạt đỗ, một hạt để trên bàn, một hạt vùi xuống đất ẩm.
    Do có duyên đất ẩm, hạt đỗ nảy mầm, rồi do duyên vun trồng chăm sóc của người nông dân, do có duyên gặp nước và ánh nắng mặt trời, hạt đỗ trưởng thành thành cây, ra hoa kết quả. Còn hạt đỗ để trên bàn không có đủ duyên như đất ẩm, nước, ánh nắng mặt trời và công chăm sóc thì không trở thành cây và ra hoa kết quả được.

    Mọi vật trên đời đều do duyên tạo nên: Một quyển vở mà ta viết cũng là do nhiều duyên tạo thành như phải có các cây có chất sợi được bàn tay con người đưa về, gia công bằng công nghệ gồm tri thức của người sáng tạo, máy móc, điện, nước, sức nóng mới thành bột giấy rồi seo ra giấy, tiếp theo là đóng thành quyển vở. Nếu không có những duyên trên thì không thành quyển vở. Ngôi nhà cũng vậy, nếu tách bỏ các duyên hợp thành ngôi nhà như gạch, cát, đá, thép, gỗ, xi măng, công thợ và người thiết kế thì không thành ngôi nhà được. Con người cũng vậy, con người là do các duyên như tinh cha huyết mẹ và thần thức hợp lại nên thành thai và được nuôi dưỡng bằng tứ đại qua thức ăn, nước uống, hơi thở và sức ấm của người mẹ. Đến khi lớn lên, già bệnh rồi chết, thân tứ đại rã rời, không còn con người ta nữa. Như vậy, tất cả cái gì mà ta thấy hiện hữu đều không có tự thể, nghĩa là tự nó không có, mà đều do các duyên hợp lại mà thành, khi không còn duyên nữa thì nó không còn tồn tại nữa.

    Tất cả những ví dụ trên mới chỉ là lớp nhân duyên thứ nhất. Lớp thứ hai, ví dụ người ta hỏi người thợ mộc làm nhà rằng gỗ, bào, đục, đinh từ đâu có? Nếu hỏi nguyên liệu để làm giấy từ đâu mà có, thì phải xét đến nhiều duyên mới hợp thành các loại cây có sơ sợi, phải có nhiều duyên mới hình thành cỗ máy làm giấy. Và nếu xét đến cùng thì sự liên hệ đó trùng trùng điệp điệp, không thể nào nói một hai chặng mà hết được. Vì vậy mà gọi là trùng trùng duyên khởi. Đã là trùng trùng duyên khởi thì giữa chúng ta và mọi người, mọi sự vật đều có liên hệ với nhau.


    Con người ta có áo mặc, có cơm ăn, có xe cộ đi lại, thì phải liên hệ với biết bao nhiêu người làm ra những thứ ấy. Trên thế gian này vạn vật đều tương quan, con người hay nói chung là chúng sinh đều tương quan, vì vậy người ta ai cũng đều mang nợ nhau hết, ai cũng có công đóng góp cho mình. Do đó mọi người không tách rời nhau được. Vì thấy được sự liên hệ trùng trùng duyên khởi, nên với tâm Bồ Tát, mọi người đều là ân nhân của mình.



    3. Vô ngã (không có cái ta):

    Chính vì mọi sự vật là do duyên khởi, kể cả con người, nên không có những cái duyên ấy kết hợp thì không còn cái ta (ngã) nữa. Vì vậy tất cả là vô ngã (không có cái ta). Vô ngã ở đây không chỉ biểu hiện ở con người, ở chúng sinh mà ở tất cả các sự vật và các pháp. Đối với hữu tình thì là nhân vô ngã, đối với sự vật và các pháp là pháp vô ngã.


    Con người hay nói rộng hơn là chúng sinh nói chung, không có biết bao nhiêu duyên hợp lại mới hình thành con người. Con người được sinh ra, lớn lên, bệnh tật rồi chết, không tồn tại nữa. Bản thân con người không tự nó sinh ra, không có tự thể mà phải do tinh cha huyết mẹ và thần thức hợp lại và được nuôi dưỡng lớn lên rồi chết đi, khi chết thì không còn tồn tại cái ta nữa. Nên nói con người hay chúng sinh là vô ngã. Đó là nhân vô ngã.


    Ta nhìn một cái bát ăn cơm, nó là không có tự thể, nghĩa là nếu không có đủ duyên như đất sét, kỹ thuật của con người, máy móc, bàn tay khéo nặn và khéo vẽ, lửa trong lò nung… thì không thể thành cái bát. Bản thân cái bát không tự nó có và không tồn tại lâu dài vĩnh cửu, do đó nó không có tự thể, đó là pháp vô ngã. Bất cứ vật gì trong cuộc sống mà ta có thể sờ mó được đều là vô ngã vì vật đó bản thân nó không tự có mà phải do các duyên khác tạo thành. Vậy thế giới sự vật và chúng sinh cũng không có tự thể, nghĩa là đều vô ngã.


    4. Vô thường:


    Ngoài ra sự vật và con người hay nói rộng ra thế giới và chúng sinh còn chịu sự thay đổi liên tục theo thời gian theo từng sát na, mỗi giờ một khác, mỗi ngày một khác, không bao giờ đứng yên một chỗ, không bao giờ không thay đổi. Đó là lẽ vô thường.


    Cái hiện thực của lát giây trước, không phải là cái hiện thực của lát giây sau. Con người của bản thân ta hôm nay không phải là ta của ngày hôm qua mà cũng không phải là ta của ngày mai. Một con người cách đây mấy năm vốn là một đứa trẻ, lớn lên được nuôi dưỡng, được theo học, được truyền bá kiến thức trở thành nhà bác học, về già thì bệnh tật, chân chậm, mắt mờ, nghĩa là luôn luôn thay đổi theo lẽ vô thường. Nghĩa là con người cụ thể ấy đều có biến đổi liên tục theo thời gian theo luật sinh lão bệnh tử. Hôm nay và ngày mai đã khác nhau, thậm chí con người ấy khác nhau theo từng sát na một. Đó là lẽ vô thường, về con người gọi là nhân vô thường.


    Mọi sự vật trong thế giới này cũng thế, cũng phải chịu biến đổi theo thời gian. Những công trình kiến trúc lịch sử nguy nga từ nhiều thế kỷ trước cũng phải chịu biến đổi theo năm tháng, bản thân nó hoặc sẽ bị đổ vỡ hoặc bị chiến tranh tàn phá hoặc bị chôn vùi dưới đất sâu. Những đồ vật ta dùng hàng ngày từ quần áo mặc, cái bàn để ngồi viết, cái bát để ăn cơm cũng chịu biến đổi theo quy luật thành trụ hoại không nghĩa là biến đổi và không tồn tại vĩnh viễn. Tất cả đều chịu sự chi phối của lẽ vô thường về các sự vật hay các pháp gọi là pháp vô thường.


    Do vậy thế giới và chúng sinh đều chịu sự chi phối của quy luật biến đổi gọi là lẽ vô thường


    5. Học thuyết Tính Không trong Bát Nhã Tâm kinh:


    Nói rõ ra, tất cả mọi sự vật trong đó gồm cả thế giới, chúng sinh, con người, đều là vô ngã, tức là không có tự thể, không tự có và không tồn tại mãi mãi. Nó là không, không đây không phải là không khác với có. Trường phái Bát nhã triển khai lý luận về hai thứ vô ngã ấy, tức vô ngã về con người, vô ngã về sự vật, và lý lẽ vô thường mà thành lập thuyết tính không. Đó là tư tưởng chủ đạo trong Bát Nhã Tâm Kinh.


    Vì đã do nhân duyên sinh, nên cả thế giới và chúng sinh hay con người đều không có thực thể, hay nói khác đi là không có tự thể, không tự mình mà có, thảy đều giả hữu, đều vô ngã, hết thảy đều không và đều chịu sự chi phối của luật biến đổi tức vô thường. Không ở đây phải hiểu là không có tự thể, là tính không có tự thể của mọi sự vật hiện tượng, không đây không phải là không ngược với có. Mà với cái không của tính không ấy, nó vẳng lặng trong suốt. Thuật ngữ Phật giáo gọi cái không ấy là Thuấn nhã đa, tức phiên âm chữ Sùnyatà, dịch và gọi là Tính không.


    Hiểu rõ giáo nghĩa tính không thì may ra mới tạm có một khái niệm tương đối rõ ràng về Bát nhã. Chỉ khái niệm mà thôi, còn thực chất ra sao, thì phải tu mới chứng được..




    Phật giáo sở dĩ khác với các thần giáo ở một điểm này. Và ai đã thừa nhận luật duyên khởi hay nhân duyên thì không thể nào thừa nhận một đấng tạo hóa sáng thế nữa. Người đó trên hình thức, dù có theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, cũng đã là Phật tử trên bình diện tư tưởng rồi. Ngược lại, dù là tăng sĩ, nhưng không thông suốt duyên khởi, luật luân hồi thì đó cũng chỉ là ngoại đạo trá hình. Nói thế, cốt để nhấn mạnh vai trò chủ đạo, vai trò tiên quyết của lý nhân duyên, hay duyên khởi, luật luân hồi trong toàn bộ giáo pháp Phật. Không có duyên khởi, không có Phật giáo, cũng như không có Bát nhã thì không có Ðại thừa, như đã khẳng định ngay trong câu mở đầu.


    Khi đã thừa nhận duyên khởi thì đương nhiên phải thừa nhận hai hệ luận gắn liền với duyên khởi, đó là vô ngã và vô thường. Ðã là vô thường thì tác dụng do nó gây ra là khổ. Còn vô ngã thì đương nhiên các sự kiện tự nó là không. Không, đây cần nhắc lại, là không có tự thể. Từ những cái mắt thấy tai nghe, cho đến những cái ý thức suy nghĩ, hết thảy đều không có tự thể dù chúng đang hiện hữu trước mặt. Ví dụ làm gì có mây nếu không có hơi nước bốc hơi lên, làm gì có mưa nếu những đám mây không có duyên gặp lạnh, hoặc làm gì có sóng nếu trong sông hồ ao biển không có nước và trong không trung không có gió. Tất cả những cái đó tự nó không có tự thể mà phải do các duyên hợp lại mà thành. Như vậy tính nó là không, không có tự thể.


    Đó là vấn đề tính không trong Phật giáo. Giáo nghĩa tính không bắt nguồn từ đâu? Vị trí nó trong giáo lý Phật như thế nào? Ðó là những điều cần nghiên cứu thì may ra mới tạm có một khái niệm tương đối rõ ràng về Bát nhã. Chỉ khái niệm mà thôi, Còn thực chất ra sao, thì phải tu mới chứng được.


    Bát Nhã Tâm Kinh đã sử dụng học thuyết tính không để phủ định tất cả sự vật và hiện tượng hay nói khác đi là cả thế giới và chúng sinh. Tính không này được vận dụng như thế nào, phần luận giải về Bát Nhã Tâm Kinh trong các phần dưới sẽ diễn giải cụ thể.


    Nhưng cần phải nói thêm, phần trên đây chỉ trình bày những giáo lý cơ bản của đạo Phật để minh chứng cho phần luận giải Bát Nhã Tâm Kinh, chứ không thể nào để cập đến hết mọi giáo lý của đạo Phật. Để đi sâu vào một số giáo lý khác, rất có thể sẽ được trình bày trong phần tìm hiểu nội dung của Bát Nhã Tâm Kinh.

    Phạm Đình Nhân
    Last edited by Bin571; 06-05-2014 at 11:47 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Xin các đạo hữu hoan hỷ cho L_D xin link hoặc ebook của bản kinh

    "Đại tạng Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa" dài 300 quyển với hơn 25.000 câu như bài viết nêu với ạ!!!

    Vì sở học còn ngu muội, Trí lại mờ mịt nên tha thiết mong được đủ duyên, đủ phước được đọc ngọn ngành bộ kinh này lắm lắm thay!!!

    Thân chào!!!

    Ps : Cảm ơn chư hộ pháp, sau khi viết bài này, mình đã search từ khóa là "Đại Tạng Kinh Bát Nhã" Thì đã tìm được bộ kinh như sở nguyện. Chân thành cảm ơn quý đạo hữu đã có lòng quan tâm. Đặc biệt cảm ơn bạn Bin, mình đang tha thiết cầu kinh Bát Nhã thì chờ mãi hôm nay mới đủ duyên, để được đọc bài này.

    Diễn đàn nhà mình giống như 1 cái chợ vậy. Có hàng giả, hàng thật... Có người mua hớ, có người mua lầm, lại có người mua đúng giá, cũng có người mua xong không quay trở lại... Nên mình cầu chúc các Đạo Hữu có tín tâm, luôn tìm được hàng thật, vừa túi tiền (Chánh pháp, hợp với cảnh duyên của chính mình, để đời đạo song tu hoặc xuất gia tùy hỷ nhé)
    Last edited by Lac_Duong; 07-05-2014 at 12:10 AM.
    Còn Duyên Lại Đến Lời Thưa

    Hết Duyên Cứ Thế Chơn Xưa Trở Về

  4. #4

    Mặc định

    Xin hỏi có thể cho mình xin thỉnh một cuốn để đọc kg?

  5. #5

    Mặc định

    Nếu còn tại thế , Đạt Ma Sư Tổ sẽ nói : " Bin ơi ráng lên , ngươi sẽ được phần lông của ta " .
    Theo một truyền thuyết thì Bồ-đề-đạt-ma về lại Ấn Độ sau chín năm lưu lại Trung Quốc.

    Đạt Ma Tổ Sư có ý muốn hồi hương, trước khi về, gọi đệ tử trình bày sở đắc: "Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".
    Đạo Phó bạch: "Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự."
    Sư đáp: "Ông được lớp da của tôi rồi."
    Ni Tổng Trì nói: "Chỗ giải của tôi như cái mừng vui thấy nước Phật (tâm) bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa."
    Sư nói: "Bà được phần thịt của tôi rồi."
    Đạo Dục, một đệ tử khác, bạch: "Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của tôi là không một pháp nào khả được."
    Sư đáp: "Ông được bộ xương của tôi rồi."
    Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái Sư rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Sư bảo: "Ngươi đã được phần tuỷ của ta."
    Rồi ngó Huệ Khả, Sư nói tiếp: "Xưa Như Lai trao 'Chánh pháp nhãn tạng' cho Bồ tát Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho ngươi; nhà ngươi khá nắm giữ, luôn với áo cà sa để làm vật tin. Mỗi thứ tiêu biểu cho một việc, ngươi nên khá biết."
    Huệ Khả bạch: "Thỉnh Sư chỉ bảo cho."
    Sư nói: "Trong, truyền pháp ấn để khế chứng tâm; ngoài, trao cà sa để định tông chỉ. Đời sau, trong cảnh cạnh tranh, nếu có người hỏi ngươi con cái nhà ai, bằng vào đâu mà nói đắc pháp, lấy gì chứng minh, thì ngươi đưa bài kệ của ta và áo cà sa ra làm bằng. Hai trăm năm sau khi ta diệt rồi, việc truyền y dừng lại. Chừng ấy, đâu đâu người hiểu đạo và nói lý rất nhiều, còn người hành đạo và thông lý rất ít, vậy ngươi nên cố xiển dương đạo pháp, đừng khinh nhờn những người chưa ngộ. Bây giờ hãy nghe bài kệ của ta:"
    "吾本來玆土
    傳法救迷情。
    一華開五葉
    結果自然成 "

    " Ngô bản lai tư thổ
    Truyền pháp cứu mê tình.
    Nhất hoa khai ngũ diệp
    Kết quả tự nhiên thành."

    "Ta đến đây với nguyện,
    Truyền pháp cứu người mê.
    Một hoa nở năm cánh,
    Nụ trái trổ ê hề. "
    trích dẫn http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB...1%E1%BA%A1t-ma

  6. #6
    Đai Đen
    Gia nhập
    Nov 2011
    Nơi cư ngụ
    TN PĐS, TTHN
    Bài gởi
    655

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi binhthuongtam Xem Bài Gởi
    Nếu còn tại thế , Đạt Ma Sư Tổ sẽ nói : " Bin ơi ráng lên , ngươi sẽ được phần lông của ta " .

    trích dẫn http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB...1%E1%BA%A1t-ma
    Lâu lâu nghe bạn nói một câu quá ư là chuẩn men. Nhưng bạn bin gì đó đừng có tự ái nha bạn. Vì người này nói sự thật đó. Dù bạn có đọc hết tất cả các kinh đi chăng nữa, thậm chí có thể thấu hiểu nó, đó có lẽ tóm gọn lại là một cộng lông vậy.

  7. #7

    Mặc định

    Đang chờ huynh Bin 571 post tiếp.
    Nhớ rằng khi muốn qua Sông
    Những đồ mang gánh lòng thòng bỏ đi!

  8. #8

    Mặc định

    Trí bát nhã có 4 cấp bậc tu chứng.

    1. Công đức hữu lậu. Khi sung mãn thành công đức vô lậu. (Chỉ có bồ tát mới đi vô lậu nổi)
    2. Trí tuệ căn bản. Đắc pháp này thì nhớ quá khứ tiền kiếp và con người rỗng rang, thoải mái từ đây đi trong khổ mà không sợ, không nản, bền chí.
    3. Trí tuệ cứu cánh. Giao cảm Phật lực, giao cảm với chư thiên, chư thần, long thần hộ pháp, khi có lệnh chư vị cung kính vâng lời giúp đỡ.
    4. Hành thâm bát nhã ba la mật đa. Đây là của bồ tát ma ha tát thực hành rốt ráo đến Diệu Quả Phật.

    Thời Pháp
    Bát Nhã Trí
    Thiền Sư Bồ Tát Di Như Thuyết Giảng

    Tâm Nhất

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Triết lý Phục vụ trong Kinh Thánh và Kinh Doanh
    By minhthai in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 8
    Bài mới gởi: 19-01-2013, 11:08 PM
  2. kinh lang ngiem va kinh phap hoa
    By tritinh in forum Tịnh Độ Tông
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 01-09-2012, 05:21 PM
  3. 107. Kinh Ganaka Moggallàna - Trung Bộ Kinh
    By do anh tuan in forum Thiền Tông
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 01-08-2011, 05:40 PM
  4. Kinh Lăng Nghiêm Tuyệt ðối Là Bộ Chơn Kinh
    By tuyenhoa1985 in forum Thiền Tông
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 25-11-2009, 07:17 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •