Chuyện bùa yêu "thư ếm, cầu cơ" trướng bụng

Dân Việt - Sở trường của các “thầy” là làm “bùa yêu”. Khách hàng ruột không ai khác hơn những người có tâm trạng bất ổn, những bà bị chồng bỏ, chồng chê (mê vợ bé), nhất là thanh niên nam nữ mới bước vào tuổi yêu...

1.Thư ếm (hay thư) là một dạng của bùa phép, mà ngày trước các “thầy bùa”, “thầy pháp” đã ngầm câu kết nhau để gạt hại người nhẹ dạ cả tin, nhờ đó mà “vinh thân phì da”. Họ hoạt động công khai, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn hoang lạnh. Nói chung, họ hù thiên hạ đặng kiếm sống, vì vậy đây chỉ đề cập sơ đôi dòng để nhằm giúp các bạn tuổi nhỏ đời nay biết qua những chuyện khó tin của ngày trước.

Thư, tiếng Miên kêu là “thnup”. Người ta cho rằng đó là một “phép” làm cho đối tượng (kẻ bị thù ghét) bị trướng bụng thật to, rồi chết. Muốn thư ai phải tìm cách làm sao đưa được vật thư vào bụng người ấy.


Trướng bụng, da vàng (Ảnh minh họa, nguồn ảnh: Internet)
Vật thư thường được đồn thổi là một miếng da trâu, một khúc gỗ, thậm chí cây đinh 1 tấc (!). Ngoa truyền rằng, trước hết các thầy “làm phép” biến những món ấy nhỏ lại như hạt bụi, sợi tóc... rồi lén bỏ vào thức ăn, nước uống để khi "kẻ thù" đã nuốt vô bụng xong, họ mới làm phép cho nó lớn ra.

Thế là cái bụng có vật lạ ấy sẽ rất đau đớn và ngày càng trương lên, binh rỉnh, nằm chờ chết! (nay ai cũng biết đó là bệnh xơ gan cổ trướng). Rất ăn ý, thầy bùa “bỏ thư” xong thì ngầm điềm chỉ thầy pháp nào đó “lấy thư” (lấy vật lạ ra, bụng xẹp lại – thực tế chỉ là lời hứa ảo khi nhận trị để lấy tiền, vì sau đó thầy đã cao bay xa chạy). Các ngón xảo quyệt ấy đều lần lượt bị lật tẩy, do đó tất cả các “thầy bùa phép” đều không thể không giải nghệ.
Nay đôi khi người địa phương cũng có kể lại, nhưng không e dè, khiếp sợ mà kể để cười, để châm biếm.


Một dạng cầu cơ (Ảnh: Internet)
2.Cầu cơ có hai “trường phái”: cầu cơ tiên và cầu cơ ma. Cầu là cầu xin lời phán dạy của những người khuất mặt khuất mày (cõi âm); là cơ trời, hoặc “nút cơ” – khi đã có chữ quốc ngữ, người ta hiểu đó là miếng gỗ hình nút – một thứ “đồ nghề” để cầu xin thông qua sự chỉ dẫn từ cái chóp nhọn của nút cơ ấy.

Cầu cơ tiên chỉ dành cho những người “hay chữ” (nho), cầu xin các đối tượng là những “tiên ông” (không thấy đề cập “tiên bà”) chỉ dạy những điều cao siêu mà người phàm không biết. Còn cầu cơ ma thì dùng chữ quốc ngữ, vì đối tượng thuộc hạng không biết chữ nho.

Cơ thường là một miếng ván nhỏ được lấy từ miếng nắp hòm chôn người chết ít lắm cũng phải 30 năm mới linh nghiệm (có được do người ta đào “lấy cốt”), cưa lộng hình nút cơ (trái tim), và dùng bìa cứng làm một bảng chữ gồm 24 chữ cái Latinh, 10 chữ số từ 0 đến 9, và các dấu thanh. Có người còn ghi sẵn 2 chữ “Có” và “Không” để giúp hồn ma trả lời cho mau, đỡ mất thời gian.


Người ta còn làm sẵn bàn cầu cơ như thế này để bày bán! (Ảnh: Internet)
Khi hồn về nhập vào cơ thì đầu nhọn của cơ dịch chuyển đến từng chữ cái, người cầu cơ chỉ cần ráp lại mà đọc. Vì ma đói nên khi tiến hành nhứt thiết phải chọn nơi thanh vắng, đất nhị tỳ càng tốt, và phải có một ít bánh, rượu. Một người trong bọn thành khẩn mời hồn ma về dùng để sẽ cùng nhau trò chuyện. Lời mời thường được “diễn ca”, chẳng hạn như: "Hồn nào ở chốn non bồng/ Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi
Dầu hồn dạo khắp mọi nơi/ Ghé đây đàm đạo chuyện đời trần gian..."
Họ cho rằng vì là ma nên khi nhập cơ, chúng thường nói toàn chuyện bá xàm, bá láp. Cái chính là phải hết sức kiên nhẫn chờ, có khi chờ mòn mỏi cả đêm vẫn không thấy có động tĩnh gì. Nếu trong bọn có người hoài nghi thì sẽ được ai đó giải thích cho qua chuyện, rằng do trong số anh em mình có người “nặng bóng vía” nên "ma không dám nhập".
Còn đồ nghề trong việc cầu cơ tiên thì đươn (đan) bằng tre như cái rổ nhỏ (phải là loại tre mọc trên núi), có gắn vào một cái một “cái mỏ” dài cúp xuống làm bằng nhánh cây dương, nhưng phải là nhánh mọc ở hướng Đông.

Theo lời các bô lão, thời Pháp thuộc thuốc tây chưa phổ biến, nên khi có bệnh bà con chỉ cạo gió, cắt nẻ hoặc uống thuốc Bắc, thuốc Nam. Trường hợp bệnh nặng cũng ít khi đưa tới “nhà thương”, đơn giản vì chưa quen, xa và... sợ – lúc đó người dân gọi y sĩ ở bệnh viện là “quan thầy”!

Vậy phải liệu thế nào đây trong khi cả làng họa hoằn lắm mới có được một, hai thầy lang, mà đa phần trình độ chẩn trị của các thầy đều rất hạn chế, nhưng không ai dám chê, vì “Thầy dở cũng đỡ xóm giềng”. Thế thì phải cầu cứu lực lượng thần linh – những người khuất mặt khuất mày – để “xin toa” bằng cách “cầu cơ tiên”.

Chẳng biết có linh nghiệm chút nào hay không, nhưng thời ấy vùng này diễn ra thường xuyên những cuộc cầu cơ công khai để “xin toa”, tuyệt nhiên không đả động tới "thời sự – lính bắt".

Không chỉ Việt Nam, mà ở nước ngoài cũng “cầu cơ”. (Ảnh: Internet)
Cách cầu cơ mỗi nơi mỗi khác, kiểu “đại đồng tiểu dị”.
Những người tỏ ra hiểu biết thì, “ma thuật” này xuất hiện trước hết ở Thạch Động (Hà Tiên), Nhà Bàn (Tịnh Biên), và vài vùng phụ cận.
Tham gia cầu cơ tiên đều là những người tin theo đạo Lão, tu tiên, nên cũng gọi “cơ tiên”. Muốn cầu cơ tiên phải có hai “người đồng tử” ngồi hai bên. Họ phải buộc “chữ bùa” vào, rồi tay của hai người cầm hai bên cơ, dưới đó có lót cái mâm thau. Khi cầu thì đọc những bài cơ tiên (có trong cuốn Vạn pháp quy tôn – bí truyền). Đọc xong cây cơ liền chuyển động, gọi “lên”.

Ông chủ trì mời kẻ khuất mặt uống rượu, rồi hỏi tôn thần là ai, danh hiệu là gì. Cơ xưng danh tánh (có khi đối tượng đã qua đời cả ngàn năm, cũng có khi là Thổ thần nữa) xong thì bắt đầu đi vào nội dung. Cơ trả lời/ trao đổi bằng cách “viết” lên khơi khơi trong không trung, toàn bằng chữ Hán hoặc nôm mà người thường chả hình dung nổi! Người thư ký (phụ trách việc ghi lại) phải rất tài, chăm chú theo dõi cây cơ “vẽ bóng” mà viết ra. Nếu viết sai chữ thì cây cơ gõ trên mâm “cộp cộp”.

Cơ lên thường là một bài thi 4 câu. Từ 4 câu thi đó mà người ta bàn (luận) ra nội dung. Rõ là cả một sự tài! (?) Đặc biệt, kẻ lên cơ đều là thần, người ta gọi là tôn thần. Mà đã là "thần" thì việc chi cũng biết, cho nên hầu hết "thần" đều không phải thầy thuốc nhưng vẫn biết ra toa. Ta nghe “Đinh Công Chánh tôn thần” giải thích:

Công Chánh là ta, sanh nơi đời này sao dám biết việc trước mà bàn việc nơi sau, chẳng phải ta khi sanh tiền mà hay việc xưa, song ta cũng may mà đặng hiển thần đặng thửa tánh linh. Ấy là xuất tánh rồi mới đặng thông minh, mới biết điều quá khứ, ta tuy chẳng thông, xin tỏ thửa việc này đời nay đặng biết, ta tuy chẳng phải thông, xin bày sơ lược. Ngửa trông người quân tử chớ rẻ khinh ấy vậy”.
Khi cầu cơ có người hỏi vì sao thần chỉ nương theo những người tiên phong đạo cốt, dùng cơ bút mà phú thi bày tỏ cái lý thiệt giả chơn, thiệt có không làm sao biết?

Lời đáp như vầy: “Thần là nương theo người có tiên phong, thần nương theo cơ bút có nhơn do mới dùng thông đạt những điều chơn giả, những máy hư linh, là chỉ tại người có cách vật trí tri mới hiểu, có đâu gặp người ngu muội hắc ám, thì khó bày chưng mối mang. Có có không không, không có tinh thần đâu rõ, không hiển hích đâu hay. Đạo như vầy lẽ u hiển thấu đến thần kỳ là phải lý vậy”.
(Do Nguyễn Tứ Di tự Đình Phát phụng dịch quốc âm).

Nay nghe kể lại, người đả phá cho là mỵ, là dị đoan; nhưng cũng không ít người vẫn quả quyết là... có thật! Cho dù thế nào, chuyện thư ếm, cầu cơ... chỉ thịnh hành thời Pháp thuộc, và nó vẫn còn rơi rớt lại mấy chục năm sau đó. Nay không còn.