Những Thánh Địa

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại dấu chân Ngài trên toàn lãnh thổ Ấn và hình bóng Ngài đã khắc sâu trong tâm tư nhân loại. Trong thời kỳ chánh pháp hưng thịnh, các địa danh quan trọng đều được nhắc tới. Bốn thánh địa nổi tiếng của Phật Giáo nói riêng và của Ấn Độ nói chung là: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Đức Phật giáng sanh, Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya) nơi Đức Phật thành đạo, Lộc Uyển (Sarnath) nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, và Câu Thi Na (Kusinagara) nơi Đức Phật nhập diệt.

Bốn địa danh quan trọng khác cũng được đề cập đến trong lịch sử Phật Giáo là bốn nơi Đức Phật đã thi triển thần thông để giáo hoá điều phục chúng sanh. Những địa danh đó là: Sravasti (thủ phủ của Kosala) nơi Đức Phật đã thi triển thần thông điều phục Ca Diếp (Puruna Kasyapa), người lãnh đạo phái Tirthika (đạo thờ thần lửa). Nơi thứ hai là Sankasya, Đức Phật đã lên tầng trời thứ 33 để giáo hoá cho hoàng hậu Ma Gia (mẫu thân của Ngài). Nơi thứ ba là Rajagriha (thủ phủ của Ma Kiệt Đà), nơi đây Đức Phật đã điều phục con voi say do Đề Bà Đạt Đa sai khiến ra giết Đức Phật. Nơi thứ tư là Vệ Sá Ly (Vaisali), nơi đây Đức Phật đã thọ dụng bát mật ong do đàn khỉ dâng cúng.

Những địa danh nổi tiếng này và những biến cố trong cuộc đời Đức Phật đã là đề tài cho hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo từ xưa cho đến nay.

Những địa danh này đã lôi cuốn không biết bao nhiêu khách thập phương đến chiêm bái, và nhiều ngôi đền, tháp, bia ký cũng được xây dựng chung quanh những thánh địa này. Tuy nhiên, trong thời kỳ đïạo Phật suy tàn tại Aán Độ, một vài thánh địa đã bị hoang phế tàn rụi theo cát bụi và thời gian. Bodh Gaya hay Bodhgaya, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Đây là địa điểm nổi tiếng do là nơi đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề.
Tâm điểm thu hút khách hành hương ở Bodh Gaya chính là Tháp Đại giác, mà người dân địa phương gọi là Chùa chính (Main Temple). Tháp có hình chóp nhọn với chiều cao 52 m được xây dựng vào thế kỷ thứ 2. Bốn mặt tháp được chạm trổ rất tinh vi tập trung vào hai chủ đề tôn giáo và thiên văn. Đây là nơi đã thu hút hàng triệu tín đồ đến chiêm bái suốt hơn nghìn năm qua, cho đến khi đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ.

Bên trong tháp, đầy chật những khách hành hương thành kính lễ bái trước tượng Phật Thích Ca bằng đá mạ vàng cao khoảng 2 m, được tạc vào năm 380 với nét mặt thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Đông giống y tư thế khi ngài tựa bên cội bồ đề năm xưa.

Bên ngoài là dòng người hành hương đến bên cội bồ đề linh thiêng, cành lá xanh tươi dưới ánh nắng ban mai, được bao bọc bởi một vòng tường bằng đá. Ngay dưới chân cây bồ đề rợp bóng mát là phiến đá phủ tấm lụa đỏ được gọi là Kim Cương Tòa, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Theo nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh Alexander Cunningham, người vận động trùng tu lại thánh địa Bodh Gaya vào năm 1871, cây bồ đề hiện nay được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka vốn là một nhánh của cây nguyên thủy, được trồng đúng ngay gốc bồ đề mà Đức Phật đã tọa thiền hơn 2.500 năm trước.

Khác với vẻ tĩnh lặng trầm mặc bên trong, khu vực bên ngoài ngôi tháp ồn ào náo nhiệt với những quầy san sát bán đủ các mặt hàng, từ đồ trang sức bằng đồng lẫn bằng đá, áo quần sặc sỡ đủ màu của các dân tộc vùng cao, đến tượng thần, tượng Phật đủ mọi kích cỡ và chất liệu.

Bodh Gaya ngày nay thường được ví von là một "Liên Hợp Quốc Phật tự" vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam...

Đối với Phật giáo, Bodh Gaya là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni, còn 3 nơi khác đó là Kushinagar, Lumbini và Sarnath. Vào năm 2002, ngôi đền Mahabodhi (Đại giác ngộ tự) ở Bodh Gaya đã trở thành Di sản thế giới.
Kushinagar là một nơi mà Đức Thế Tôn chọn cho việc nhập Niết Bàn, hay xả bỏ sanh thân cuối cùng của Ngài trên cõi đời này . Kushinagar hay Kushinara được coi như là thủ đô của cộng hoà Malla, một trong những nước cộng hoà thuộc miền bắc ấn, suốt thế kỷ thứ 6 và thứ 5 BC. Kushinagar được nhận dạng hiện nay với ngôi làng Kasia, 51 kms từ thị xã Gorakhpur ở miền đông của bang Uttar Pradesh, Ấn độ.

Suốt thời gian đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã vân du khắp vùng đồng bằng của thung lũng sông Hằng (Ganga valley) rày đây mai đó khất thực để sống qua ngày và tạm dừng lại nghĩ ngơi suốt ba tháng mùa mưa. Vào năm 543 BC trong một đêm trăng tròn của tháng Magh ( tháng 4) Đức Thế Tôn đã tuyên bố đến Tăng già tại làng Beluva gần Vaishali trên luật vô thường của vạn vật ngài sẽ sớm xả bỏ sắc thân, chấm dứt cuộc sống trên trái đất này.

Từ Vaishali Đức Thế Tôn đã đi đến Pava, nơi đây người thợ rèn Chunda đã mời Đức Phật một bữa ăn. Ngài thọ dụng thực phẩm và ngay lập tức Đức Phật nhận ra rằng thực phẩm đã bị thiêu và bảo Chunda nên đổ thức ăn đó đi để mà người khác sẽ không bị bệnh vì nó. Chunda cảm thấy hối hận và đau buồn khi nhận ra rằng sự cúng dường của ông khiến cho Đức Phật bị bệnh. Nhưng Đức Phật đã an ủi ông ấy và nói rằng người nào mà cúng dường cho Đức Thế Tôn bữa ăn cuối cùng sẽ đạt được công đức vô lượng.

Đức Thế Tôn ước muốn xã bỏ thân tứ đại tại vường Sal trên bờ sông Hiranyavati ở Kushinagar. Đạo Sư hỏi tăng già có ai thắc mắc điều gì thì cứ hỏi. Sau đó Đức Phật tuyên bố những từ sau cùng : ‘ Bây giờ, này các Tỳ kheo, ta tuyên bố đến các ông tất cả mọi sự mọi vật trên đời có sanh tức phải có diệt…’

Trên một cái giường mà Ngài Anan đã sửa soạn dưới hai cây Sal (sala) Đức Thế Tôn nhập định không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ…

Vua và dân chúng, dân làng và người thành thị, từ xa cho đến gần kéo về đãnh lễ Ngài trong 6 ngày. Ngày thứ 7 nhục thân của Đức Thế Tôn được trang hoàng với những vòng hoa và hộ tống với âm nhạc đến nơi hoả thiêu tại Tu Viện Mukutabandha ( tháp Rambhar) trong Kushinagar. Ngày nay nơi đây không còn lại nhiều ngoại trừ một mô gạch lớn chiều cao khoảng chừng 15 mét được bảo quản bên trong một công viên.

Ngay sau đó, có một cuộc chiến xảy ra giữa 8 nước của Bắc Ấn Độ, vì họ tranh giành xá lợi Phật. cuối cùng xá lợi Phật được phân chia và được bảo quản trong 8 cái tháp trên nhiều nơi khác nhau của đất nước Ấn Độ.Thánh địa thứ 3. thánh địa Isipitana hay Sarnath (Vườn Lộc Uyển)
Một thánh địa đáng ghi nhớ nữa trong lịch sử Phật Giáo là thánh địa Isipitana hay Sarnath. Nơi đây, trong sự tĩnh lặng của vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài. Nội dung bài thuyết pháp nói về những khổ đau của kiếp người và những phương cách giải hóa những thống khổ đó. Sự kiện này đã được mệnh danh là "Chuyển Pháp Luân," có nghĩa là Đức Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên đánh dấu một kỷ nguyên huy hòang rực rỡ của một tôn giáo kéo dài bền vững trên 2500 năm cho đến nay.

Sarnath là nơi xuất phát tôn giáo do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Vì thế, Sarnath đã trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất tồn tại trên 1500 năm. Trong những thế kỷ đầu tiên của thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, dưới triều đại vua A Dục, Sarnath đã trở thành một nơi tranh luận nổi tiếng giữa các tông phái và đạo giáo. Hai ngài Pháp Hiền và Trần Huyền Trang đã đến chiêm bái thánh tích này vào thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Hai ngài đã để lại cho chúng ta nhiều tài liệu giá trị về lịch sử thánh địa này. Nơi đây, vua A Dục cũng đã sai người xây dựng một cột trụ đánh dấu khu vực ẩn cư trong nhiều tòa nhà lớn nhỏ khác nhau của hơn 1500 vị tăng sĩ Phật giáo đến Sarnath. Trong những di tích còn sót lại đó, người ta phải nhắc đến một ngôi đền tuyệt mỹ có tượng Phật bằng đồng trong hình tướng chuyển Pháp luân, một ngôi cổ tháp và một cột trụ bằng đá. Tất cả đều do vua A Dục xây dựng. Thánh địa này đã phát triển rực rỡ trong nhiều triều đại và cũng đã được trùng tu lại nhiều lần. Theo bia ký và những chứng cứ khảo cổ, người ta biết rằng ngôi đền có tượng Đức Phật Chuyển Pháp Luân đã được trùng tu lại theo lệnh của hòang hậu Kumaradevi vào phân nửa đầu thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên. Chẳng bao lâu sau, địa danh này bị quân đội của Muhammad Ghori, của đạo quân Huns và Mahmud Ghazni phá hủy hòan tòan, nhưng Sarnath lại được trùng tu do công sức của các tín đồ Tăng Ni Phật giáo khắp nơi. Tuy nhiên về sau, vì đạo Phật đã suy tàn tại Ấn Độ, Sarnath, một địa danh lịch sử nổi tiếng và huy hòang một thời đã bị tiêu hủy mất dấu trong đổ nát hoang tàn của cát bụi thời gian.