Thông Bạch

ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA, NHIẾP CHÍNH VƯƠNG THUKSEY RINPOCHE VÀ TĂNG ĐOÀN TRUYỀN THỪA DRUKPA VIẾNG THĂM VIỆT NAM
Thời gian: từ ngày 4/4/2014 đến ngày 6/5/2014

THÔNG TIN CHUNG

Được sự chấp thuận của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, ban tổ chức Drukpa Việt Nam xin trân trọng thông bạch chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa diễn ra từ ngày 4/4/2014 đến ngày 6/5/2014 tại khắp ba miền đất nước.

ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là bậc sáng lập Truyền thừa Drukpa khởi nguồn cách đây 1.000 năm từ Ấn Độ. Ngài được chúng dân nhiều quốc gia trên dãy Himalaya như Ấn độ, Nepal, Ladakh, Bhutan kính ngưỡng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại Thành Tựu Giả trứ danh như Đức Naropa, Đức Gampopa,… liên tục quay trở lại nhân gian để phổ độ chúng sinh. Truyền thừa giác ngộ của Ngài bắt nguồn từ Đức Phật Kim Cương Tổng Trì, được tiếp nối qua các Đại Thành Tựu Giả là các Ngài Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, Rechungpa, Phagmo Drupa và Lingchen Repa. Dòng Truyền thừa của Tâm Đại Từ Bi nổi tiếng với sự thanh tịnh, đức chân tu khổ hạnh cùng những pháp tu trì thâm diệu thành tựu Phật quả ngay trong một đời như “Sáu Yoga của Naropa”, giáo pháp khẩu truyền tâm yếu “Đại Thủ Ấn”, những pháp thiền định đặc biệt “Sáu Pháp Vị Bình Đẳng”, “Bảy Pháp Duyên Khởi”... Đây là truyền thống Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa với di sản lịch sử và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngày nay với hệ thống hàng ngàn tự viện tại các quốc gia vùng Himalaya cùng hàng chục trung tâm Phật pháp trên toàn thế giới. Ngạn ngữ dân gian vùng núi tuyết còn lưu truyền câu kệ sau:

“Một nửa người dân là đệ tử Truyền thừa Drukpa,
Một nửa đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả Yogi,
Một nửa hành giả Yogi là Đại Thành Tựu Giả”

Trong suốt 30 năm qua, với tâm nguyện đem tình yêu thương trong hành động vì một thế giới hòa bình, hòa hợp và an lạc, Đức Pháp Vương thường du hóa chia sẻ thông điệp Từ bi Trí tuệ của Đức Phật và khuyến khích thực hành thiện hạnh tại nhiều nơi. Những nỗ lực không mệt mỏi vì hạnh phúc an sinh và bảo vệ môi trường của Đức Pháp Vương đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng cao quý như “Vì Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ”, danh hiệu “Bậc Bảo Hộ của vùng Himalaya”, giải thưởng “South - South Awards” của Liên Hiệp Quốc, cúp “Anh Hùng Xanh” của Tổng thống Ấn độ…
Kể từ năm 2007, khi đất nước Việt Nam lần đầu tiên được phúc đức thắng duyên tiếp đón Đức Pháp Vương, Ngài đã năm lần từ bi quang lâm để cử hành Đại Pháp hội quán đỉnh cộng đồng cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai bão lụt, chia sẻ thông điệp hòa bình tiến bộ, từ bi trí tuệ của đức Phật, khơi nguồn cảm hứng giác ngộ vì lợi ích vô số người dân và hữu tình tại Việt Nam.

ĐỨC NHIẾP CHÍNH VƯƠNG THUKSEY RINPOCHE
Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II là bậc Thượng sư hóa thân chuyển thế, một trong hai Đại đệ tử chân truyền của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Ngài đản sinh tại Ladakh, Ấn độ năm 1986 và đã hoàn tất 9 năm tu học nhập thất miên mật tại Đại học Tự viện Tango trứ danh (Vương quốc Bhutan). Đức Nhiếp Chính Vương từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Thường niên Truyền thừa Drukpa, nơi vân tập của tất cả chư Thượng sư và hành giả thực hành của Truyền thừa Drukpa trên toàn thế giới. Ngài hiện trụ trì Tự viện Druk Thupten Sa-ngag Choeling, một trụ xứ quan trọng với hơn 500 chư Tăng tại Darjeeling (Ấn độ) và cũng đồng thời chịu trách nhiệm hệ thống Tự viện tại Tiểu Vương quốc Ladakh, nơi từ hơn bốn thế kỷ nay luôn duy trì dấu ấn và sự phát triển mạnh mẽ của Truyền thừa Drukpa. Với tâm nguyện hỗ trợ Đức Pháp Vương trong các thiện hạnh quốc tế, Ngài cũng đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường Druk Bạch Liên Hoa, ngôi trường nổi tiếng thân thiện với môi trường được kiến lập trên dãy Himalaya. Đặc biệt, Đức Pháp Vương tin tưởng giao phó cho Ngài trách nhiệm phụ trách hệ thống Trung tâm Phật pháp và Tự viện tại các quốc gia Châu Âu, kế tiếp hạnh nguyện và di sản tâm linh do hóa thân đời trước của Ngài để lại vì lợi ích Phật pháp và hết thảy hữu tình!

NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT
Pháp hội đại Mandala cầu nguyện Quốc thái dân an, Quán đỉnh và tu tập cộng đồng: Đại chúng tham dự Pháp hội không chỉ có thắng duyên đón nhận Giáo pháp, Khẩu truyền, Quán đỉnh mà còn thụ nhận phẩm vật gia trì ban phúc hộ thân cùng các phương pháp thực hành Kim Cương thừa dưới sự hướng đạo trực tiếp của chân hóa thân Quan Âm, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Tháp tùng Đức Pháp Vương là đệ tử chân truyền – Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II cùng chư Đại đức Tăng Truyền thừa Drukpa.
Nữ giới và Giác ngộ: Đức Pháp Vương luôn tâm nguyện mang lại cơ hội bình đẳng trong việc thực hành giáo pháp cho nữ hành giả và bảo trợ, nâng đỡ nhiều dự án nhằm nâng cao địa vị của nữ giới trong cộng đồng tâm linh. Ngài từng chia sẻ: “Giác ngộ không phân biệt giới tính, Đại trí tuệ không phân biệt giới tính, Đại từ bi không phân biệt giới tính và Chân lý cứu kính cũng không phân biệt giới tính”. Nữ giới và Giác ngộ sẽ là một trọng tâm Phật sự của Đức Pháp Vương trong chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm động viên, sách tấn nữ giới cũng như tất cả những ai mong nguyện tiến bước trên con đường tâm linh siêu việt hướng tới hạnh phúc tự do chân thật.
Vũ điệu Kim Cương Thừa linh thiêng triệu thỉnh Tứ đại Kim cương Hộ pháp Mahakala và các Bản tôn Dakini Hộ pháp: Vũ điệu Kim Cương thừa một lần nữa lại được chư Đại đức Tăng ni Truyền thừa Drukpa cử hành triệu thỉnh nhằm chuyển tải năng lực mạnh mẽ của trí tuệ gia trì, không chỉ lợi ích cho người tham dự và miền đất được cử hành nghi lễ mà còn giúp vô số chúng sinh giải trừ những điều không lành, tai nạn, tà khí, và giúp tăng trưởng cát tường phúc báo hướng đến thành tựu giác ngộ.
Vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật: là vũ điệu tương ứng với Mandala Kim Cương Giới và chư Phật Bồ tát được an vị tại Đại Bảo Tháp Mandala Ngũ Trí Phật (Tây Thiên, Vĩnh Phúc). Đức Phật dạy rằng tất cả những phẩm chất giác ngộ của chư Phật, Bồ tát vốn đều sẵn đủ trong mỗi chúng sinh và mối liên hệ với tự tính Phật ấy có thể được hiển lộ nhờ vào những vũ điệu linh thiêng tự thân hóa Phật để khơi dậy niềm cảm hứng và hiển hiện những phẩm chất ẩn tàng. Mục đích của Vũ điệu để hợp nhất tất cả các phương diện của tâm, giúp chứng ngộ được chân lý ngay nơi vạn pháp và trưởng dưỡng tâm Bồ đề hòa nhập vào cuộc sống với niềm cảm hứng bất tận. Vũ điệu múa rồng Pháp vũ Rồng thiêng cũng sẽ được trình diễn trong Pháp hội lần này, thể hiện sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ.
Đêm văn hóa Phật giáo: với màn trình diễn Vũ nhạc kịch Bát nhã Ba la mật và Kim cương Chứng đạo ca tái hiện cuộc đời và công hạnh của các Thượng sư chứng ngộ của Truyền thừa Drukpa, vũ điệu Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trong ánh sáng đèn rực rỡ lung linh cầu nguyện cát tường, quốc thái dân an, thế giới hoà bình, cho lợi ích vũ trụ vạn loài chúng sinh. Đây là sự giao thoa văn hóa Phật giáo Kim Cương thừa tuyệt hảo thông qua các màn trình diễn ấn tượng, sống động, đầy linh thiêng của những diễn viên chuyên nghiệp cùng Tăng đoàn Drukpa và các Tăng ni trong vai Daka, Dakini và Hộ Pháp… trên nền âm nhạc, vũ điệu, trang phục, đạo cụ và pháp khí truyền thống Mật thừa.
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Yêu thương trong hành động” bao gồm các tác phẩm nhiếp ảnh về cuộc đời, tâm nguyện cùng các hoạt động thiện hạnh của Đức Pháp Vương được các nhiếp ảnh gia quốc tế lưu lại trên hành trình hoằng dương Phật pháp, trải rộng Tình yêu thương Trí tuệ và lòng bi mẫn đến tất cả hữu tình chúng sinh của Đức Pháp Vương, hiện thân của Đức Phật Quan Âm, trên các vùng miền tại dãy Himalaya và nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là hoạt động chào mừng chuyến viếng thăm Việt Nam lần thứ năm của Đức Pháp Vương và cũng để tôn vinh thông điệp “Yêu thương trong hành động” vì một thế giới hòa bình an lạc.

Không gian nghệ thuật Phật giáo Kim Cương thừa sống động, linh thiêng và hoàn hảo: Nghệ thuật Kim Cương thừa bắt nguồn từ trí tuệ tự tính tâm, đó là sự chuyển hóa giác ngộ của thế giới bên trong và bên ngoài. Bên trong là những đức hạnh Từ, Bi, Hỉ, Xả, vô ngã vị tha để phụng sự nhân loại và chúng sinh. Bên ngoài là kho tàng nghệ thuật cao siêu thâm diệu chứa đựng toàn bộ tinh túy ý nghĩa của kinh điển thông qua các tranh tượng, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, pháp khí… Trong chuyến viếng thăm lần này, các Pháp hội đại Mandala cầu nguyện Quốc thái dân an do Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Drukpa cử hành sẽ được tổ chức trong quần thể tâm linh và không gian nghệ thuật Phật giáo Kim Cương thừa hoàn hảo, sống động, tràn đầy màu sắc, âm thanh đạo vị, với Đại Bảo tháp Mandala Ngũ Trí, tôn tượng Phật độc đáo, Mandala đá quý, pháp khí linh thiêng, và nghi thức lễ nhạc Mật thừa,… không chỉ để lại niềm hỷ lạc an bình mà còn truyền đến nguồn ân phúc gia trì và cảm hứng tâm linh giác ngộ cho người tham dự.
Các hoạt động phóng sinh từ thiện: Nhằm biến bi tâm thành hành động lợi ích, Đức Pháp Vương khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động từ thiện và xã hội như phóng sinh, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản, chăm sóc y tế, cứu trợ người nghèo,… để chúng ta có thể cùng chia sẻ những khó khăn, tương thân tương ái, sống trong hoà bình và an lạc.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA, NHIẾP CHÍNH VƯƠNG THUKSEY RINPOCHE VÀ TĂNG ĐOÀN TRUYỀN THỪA DRUKPA VIẾNG THĂM VIỆT NAM
Thời gian: từ ngày 4/4/2014 đến ngày 6/5/2014


4/4 (Thứ sáu 5/3 al): Buổi sáng: Đến Việt Nam – Sân bay Nội Bài;
5/4 (Thứ bảy 6/3 al): Buổi sáng: Viếng thăm Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Buổi chiều: Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Tăng Ích Quan Âm, Đại đàn hỏa tịnh Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Trung Hậu, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.
6/4 (Chủ nhật 7/3 al): Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Tức Tai Dược Sư Phật Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
7/4 (Thứ hai 8/3 al): Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Đức Phật Quan Âm, Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Trùng Khánh, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, Thành Phố Nam Định.
8/4 (Thứ ba 9/3 al): Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Liên Hoa Bộ, Liên Hoa Sinh Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Vân Sơn, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
9/4 (Thứ tư 10/3 al): Tham quan thành phố Hà Nội, Việt Nam.
10/4 (Thứ năm 11/3 al): Buổi sáng: Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Phật Di Đà Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Hoàng Long, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Buổi chiều-tối: Viếng thăm chùa Tây Thiên Cổ Tự (chùa Thượng) và Tịnh Thất Tây Thiên - Chùa Tây Thiên Phù Nghì, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
11/4 (Thứ sáu 12/3 al): Pháp thoại với Ni chúng tại chùa Tây Thiên Phù Nghì, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
12/4 (Thứ bảy 13/3 al): Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Ngũ Bộ Tài Thiên, Trí Tuệ Biện Tài Bản Tôn và Văn Thù Sư Lợi, Mandala 100 Phật Bản Tôn An Bình, Uy Mãnh, Triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ Pháp và Hải hội Cúng dàng Tuệ Đăng, Cầu nguyện quốc thái dân an tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
13/4 (Chủ nhật 14/3 al): Buổi sáng: Viếng thăm, gia trì nền chùa Báng Cổ Tự.
Buổi chiều: Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Cầu nguyện Mạn Đà La Lục Độ Phật Mẫu Tara và Mạn Đà La A Di Đà, Triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ Pháp, Cầu nguyện quốc thái dân an và Đại đàn Chuyển di Tâm thức cầu siêu anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai thảm họa tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
14/4 (Thứ hai 15/3 al): Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Phật Trường Thọ Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Hà Tiên, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

15/4 (Thứ ba 16/3 al): Đến thành phố Hồ Chí Minh
16/4 (Thứ tư 17/3 al): Buổi sáng: Tham dự Hội thảo giới thiệu sách, tại Trần Quốc Thảo trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật, thành phố HCM.
Buổi chiều: Đại Pháp Hội Quán Đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Quán Âm Thiên Thủ Thập Nhất Diện, Cầu nguyện quốc thái dân an tại Chơn Đức Thiền viện, 43/1 Ấp Thới Tây 2, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
17/4 (Thứ năm 18/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Tam Bộ Phật Vô Lượng Thọ - Tôn Thắng Phật Mẫu- Bạch Độ Mẫu Tara, Triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ Pháp, Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Vĩnh Nghiêm, 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
18/4 (Thứ sáu 19/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Dược Sư Phật Cầu nguyện quốc thái dân an tại Quan Âm Tu Viện, 384 Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
19/4 (Thứ bảy 20/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Di Đà Vô Lượng Thọ tại chùa Thiên Quang, 106/15 khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
20/4 (Chủ nhật 21/3 al): Đại Pháp Hội Quán đỉnh cộng đồng Cầu nguyện Mạn Đà La Quan Âm Tứ Thủ và Mạn Đà La A Di Đà, Triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ Pháp, Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Giác Lâm, 565 Lạc Long Quân, Phường 10, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
21/4 (Thứ hai 22/3 al): Đức Pháp Vương rời Việt Nam.

NHIẾP CHÍNH VƯƠNG THUKSEY RINPOCHE VÀ TĂNG ĐOÀN TRUYỀN THỪA DRUKPA VIẾNG THĂM VIỆT NAM

21/4 ( Thứ hai 22/3 al): Tham quan thành phố Hồ Chí Minh
22/4 (Thứ ba 23/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Liên Hoa Sinh Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Từ Quang, B1/7 ấp 2 Tân Kiên, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh
23/4 (Thứ tư 24/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Bản Tôn Kim Cương Thủ (Vajrapani) – Bi, Trí, Dũng; Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Quan Âm Tu Viện, 384 Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
24/4 (Thứ năm 25/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Phật Di Đà và Cầu siêu Jangwa anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai thảm họa Cầu nguyện quốc thái dân an tại Tịnh thất Từ Đức, ấp Ông Hương, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
25/4 (Thứ sáu 26/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Phật Di Đà, Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Giác Sanh, 103 Âu Cơ, Phường 14, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.

26/4 (Thứ bảy 27/3 al): Đến Thành phố Đà Nẵng.
27/4 (Chủ nhật 28/3 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Phật Dược Sư, Đại đàn hỏa tịnh Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Phổ Quang, đường Trần Hưng Đạo, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
28/4 (Thứ hai 29/3 al) : Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Phật Di Đà, Đại đàn hỏa tịnh Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Nam Hải, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiếu, thành phố Đà Nẵng.

29/4 (Thứ ba 1/4 al): Đến thành phố Hà Nội..
30/4-1/5 (Thứ tư 2/4 – Thứ năm 3/4 al): Đại Pháp hội Quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La, Chuyên tu cộng đồng, Triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ Pháp và chiêm bái Tôn Tượng Phật tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
2/5 (Thứ sáu 4/4 al): Pháp thoại cho Ni chúng tại chùa Tây Thiên Phù Nghì, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
3/5 (Thứ bảy 5/4 al): Pháp hội quán đỉnh cộng đồng Mạn Đà La Trí Tuệ Văn Thù Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
4-5/5 (Chủ nhật 6/4- Thứ hai 7/4 al): Tham quan thành phố Hà Nội
6/5 (Thứ ba 8/4 al): Nhiếp Chính Vương rời Việt Nam.

Ban tổ chức: Ni Sư Thích Đàm Tịnh
Điện thoại: 09 3455 1963 / 09 3333 1963 / 09 8833 1963
Email: drukpavietnam@gmail.com / Website: www.drukpavietnam.org /Facebook: www.facebook.com/drukpavietnam / www.drukpa.org

Các đoàn Phật tử trong nước có thể liên hệ với:
Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh để nhận được sự giúp đỡ về mặt tổ chức cho chuyến du lịch hành hương này.
ĐC: số 5 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội / ĐT: 04 38246770 / 0913070988 - 0904800699 / Email: vnt.ahnb@vnn.vn - vuoanhvnt@yahoo.com.vn

Drukpa Việt Nam kính mời chư Đại đức Tăng Ni, chư vị Phật tử, quý thiện hữu tri thức gần xa tham gia Pháp hội
(Thông báo này thay cho giấy mời, không yêu cầu phải đăng ký trước)