Chùm ảnh: Tàu thủy Khương Hạ còn đến Trung thu nào?
16:51' 13/09/2008 (GMT+7)

- Bây giờ, mỗi độ Tết Trung thu đến, làng Khương Hạ (Hà Nội) không còn tiếng búa, tiếng đục khắp đầu làng cuối xóm nữa. Không còn mấy người theo cái nghề vất vả mà lại ít tiền này, cũng ít thấy trẻ con còn hứng thú với những chiếc tàu thủy xinh xắn – niềm mơ ước của đám trẻ con hơn chục năm về trước.


Nhu cầu luôn thay đổi, trẻ em bây giờ thích những đồ chơi mới lạ nên những loại đồ chơi truyền thống dần bị đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc đa dạng về chủng loại, mẫu mã chiếm lĩnh thị trường.


Hơn chục năm về trước, những chiếc tàu thủy đẹp mắt này là mơ ước của nhiều trẻ em


Ở làng Khương Hạ, đến nay chỉ còn 3 người con của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhâm và một vài gia đình nữa là còn kỳ cạch sản xuất tàu thủy chạy bằng hơi nước bán vào mỗi dịp Tết Trung thu.


“Ngày xưa, cả làng Khương Hạ này sống bằng nghề thiếc, không chỉ sản xuất đồ chơi Trung thu mà từ những chiếc chậu tôn, thùng tôn, ô doa dùng tưới hoa, rau, hòm xiểng… Mỗi dịp gần Tết Trung thu, cả làng lại tập trung làm đồ chơi đủ loại: đèn cù, bươm bướm, hoa quay, thỏ gõ trống, tàu thủy chạy bằng hơi nước... bán đi khắp cả nước. Đến nay đồ chơi Trung thu chỉ làm tàu thủy thôi vì những loại kia không ai mua” - ông Nhâm nói.


Những người con của ông Nhâm đều có nghề nghiệp khác, sản xuất đồ chơi chỉ như là một thói quen, một ý thức cố giữ lấy nghề truyền thống.


Cùng những nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề sản xuất đồ chơi Trung thu dân gian, Bảo tàng Dân tộc học hàng năm đều tổ chức Lễ hội Trung thu cho thiếu nhi, trong đó trưng bày và dạy trẻ em làm những loại đồ chơi này. Những nghệ nhân, thợ thủ công dạy cách làm và bán luôn những đồ chơi cho du khách đến Bảo tàng.

Đây là nỗ lực của Bảo tàng nhằm gìn giữ những trò chơi, đồ chơi dân gian truyền thống đã tồn tại bao đời.

Chùm ảnh làm đồ chơi tàu thủy:



Chỉ bằng những miếng kẽm cắt ra từ những ống bơ bỏ đi cùng những dụng cụ kéo, đục... người dân làng Khương Hạ đã tạo nên những chiếc tàu thủy đồ chơi nổi tiếng một thời






Qua các công đoạn: cắt, uốn, hàn thiếc, sơn... rất tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì của người thợ




"Năm nay hai vợ chồng sản xuất hơn 300 chiếc tàu thủy chủ yếu bán cho Bảo tàng Dân tộc học trong dịp Tết Trung thu" - con dâu nghệ nhân Nguyễn Văn Nhâm cho biết trong khi vẫn chăm chú sơn chiếc tàu thủy.






Anh Nguyễn Văn Tâm (con trai ông Nhâm) cùng vợ đang thử tàu thủy trước khi đưa đi bán ở chợ Tết Trung thu




Anh Nguyễn Văn Tâm hy vọng đứa cháu đích tôn sẽ là người gìn giữ và phát triển nghề của tổ tiên mà anh đang duy trì




Năm nào chị Nguyễn Thị Mai, con gái ông Nhâm cũng chọn một chỗ tại chợ Hàng Mã để bán tàu thủy. Chị cho biết mấy ngày hôm nay cũng bán được bốn năm chục chiếc mỗi ngày








Còn chị Nguyễn Thị Thuyết, con dâu ông Nhâm thì tham dự Lễ hội Tết Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học, vừa hướng dẫn cách làm, cách chơi cho trẻ em, vừa bán cho ai có nhu cầu




Tại Lễ hội Tết Trung thu chỉ toàn đồ chơi dân gian nên cũng có nhiều trẻ em chọn mua những chiếc tàu thủy của làng Khương Hạ




Một chiếc tàu thủy khá to luôn được đặt tại góc nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Nhâm như một lời nhắc nhở ông và các thế hệ con cháu về cái nghề nổi tiếng khắp thiên hạ của Khương Hạ



Lê Anh Dũng