Những ngôi mộ "treo"

Lao Động Cuối tuần số 37 Ngày 12/09/2008 Cập nhật: 12:11 AM, 14/09/2008

Một ngôi mộ treo.
(LĐCT) - Những chiếc quan tài nhỏ làm bằng đất nung hoặc bằng gỗ đã mục ruỗng nằm trơ ra. Dưới đất, nhiều mảnh gỗ nằm ngổn ngang giữa nhiều thứ vật dụng chia cho người chết.
Đó là những nhà mồ của người Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều... ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên-Huế.

Người dân tộc ở đây có tập tục là sau khi người thân chết 3-5 năm thì họ phải bốc hài cốt rồi tạ lễ và đưa lên bỏ trong những nhà mộ mà không cần chôn xuống dưới đất. Theo họ, tập tục này đã có lâu đời, đó là thể hiện sự hiếu nghĩa của con cháu đối với đấng sinh thành.

Tạ ơn sinh thành

Dọc quốc lộ 49 qua các xã Hưng Nguyên, xã Nhâm, xã A Roàng, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Bắc, Hồng Vân và cả thị trấn A Lưới của huyện miền núi A Lưới - nơi có người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi sinh sống - đều có những khu mộ "treo" như thế này.


Các hình thức piêng (lăng) ở khu mộ treo của người Pa Cô thôn Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế.
Khu mộ "treo" ở thôn Đụt, xã Hồng Trung là nơi tập trung hàng trăm ngôi mộ của cả thôn. Ông Hồ Văn Xếp, năm nay đã 64 tuổi, là người am hiểu nhất về những ngôi mộ "treo" đây. Ông bảo rằng tập tục đó đã có từ rất lâu của người dân tộc sống ở dãy núi đi qua huyện A Lưới. Ông đa được cha mẹ dạy khi còn sống. "Trước đây ở làng mình có tục huyền táng, chỉ đào huyệt mộ rồi bỏ quan tài xuống chứ không lấp đất. Chừ thì không còn nữa, chỉ còn cải táng mộ sau khi chết 3-5 năm rồi để lên trên thôi", ông Xếp kể.

Theo tập tục, sau khi người thân chết từ 3-5 năm phải làm lễ cải táng, những hài cốt được đưa đến một chỗ thờ mới. Hài cốt được bỏ trong những cỗ quan tài làm bằng gỗ hoặc bằng đất sét nung gọi là tiểu và để trên đất mà không chôn xuống. Mỗi lần cải táng, trong họ hoặc trong làng họp bàn lại với nhau, phải có ít nhất 3 ngôi mộ được cải táng một lần.

Người con trai cả trong gia đình chịu trách nhiệm thông báo cho chị em gái đã đi lấy chồng xa, chuẩn bị rượu thịt và ăn uống cho những ngày làm lễ. Nếu gia đình đó không có con trai thì họ hàng phải đứng ra lo liệu. Theo cách gọi của người Pa Cô ở đây, lăng được gọi là piêng, chi phí cho việc xây piêng, mua tiểu và những vật lễ tế như con heo (ít nhất 10kg), 10 cái chén, bộ quần áo, chiếc chiếu được chia đều cho những người con gái. Ngày làm lễ cải táng, người anh cả trong gia đình phải mời bằng được họ hàng bên vợ, họ hàng của những chị em gái đã lấy chồng. Lễ cải táng diễn ra trong hai ngày một đêm, tất cả việc ăn ngủ của họ hàng, khách khứa đều phải lo hết.

Những hài cốt được thầy "ma" bốc lên, bỏ vào trong những cái tiểu rồi tập trung lại ở gần khu nghĩa địa mới. Đám thanh niên trong làng được tiếp đãi rượu, thịt. Họ làm nhiệm vụ đánh trống, chiên và bảo vệ những bộ hài cốt không bị phá hoại cho đến khi xong lễ. Nếu họ để cho người ngoài vào phá hoại hay làm hỏng những thứ được giao thì sẽ bị phạt tội nặng. Ngoài ra còn có bạn bè, thanh niên của các làng bản khác đến dự, cùng uống rượu, hát hò trong ngày làm lễ cải táng.

Người dân tộc ở đây quan niệm rằng sau khi cải táng không được chôn xuống đất nữa mà chỉ bỏ vào trong piêng để linh hồn của người khuất sau bao năm bị đày dưới âm phủ được siêu thoát, linh hồn đó hoà nhập với tiết âm dương. Nếu thời hạn 3-5 năm sau khi cha mẹ chết mà không làm như vậy thì gia đình mình sẽ xui xẻo, làm ăn không ra và luôn ốm đau. Có gia đình nào bị như vậy chưa? Cả ông Xếp cũng không tin. Nhưng theo ông, cái cốt yếu là đạo đức con cái đối với cha mẹ: "Cơ bản là tình bố con, mẹ con. Không lấy thì có tội với cha mẹ, với tổ tiên, âm phủ".

Đời ông Xếp đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần dân làng cải táng, chính tay ông cũng bốc từng nắm xương để vào trong tiểu rồi đưa lên nghĩa địa mới. Ông kể rằng có lần cả dân làng ăn không ngon, ngủ không yên khi cải táng phần mộ mà hầu như bộ xương vẫn còn nguyên vẹn. Để làm sao cũng không vào được cái tiểu nhỏ bé nên phải bỏ vào cái quan tài làm bằng gỗ dành cho người mới chết rồi để trên đất như vậy. Trong ba ngày, cả dân làng phải góp gạo, góp heo làm lễ cúng. "Chết sau 3 năm mà còn xương nguyên vẹn coi như cái hồn chưa thoát được. "Hắn" vẫn ở trong làng, sẽ về phá làng. Phải cúng lớn mới yên được", ông Xếp kể.


Các hình thức piêng (lăng) ở khu mộ treo của người Pa Cô thôn Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế.
Nghĩa địa "treo" và quan niệm về người chết

Cách đây vài năm về trước, người Pa Cô ở thôn Đụt rất sợ ma. Sau khi chôn người chết họ không còn ra thăm viếng piêng hay thờ cúng trong nhà. 3-5 năm sau, họ làm lễ cải táng để đưa hài cốt lên mặt đất, từ đó nghĩa vụ đền đáp ơn sinh thành coi như đã trọn phận làm con. Ông Xếp kể rằng, chính ông là người đầu tiên học theo người Kinh thường xuyên vào nhang khói, vệ sinh cho piêng mỗi ngày lễ tết. Bây giờ bà con học ông nên chỉ có ngày cận tết ra thắp nén nhang cho người khuất. Những tháng ngày còn lại của năm không một bóng người lui tới nghĩa địa.

Khi chúng tôi nói muốn vào thăm khu nghĩa địa "treo", ông Xếp tỏ ra dè dặt và hơi chút ép buộc. Ông bảo rằng người lạ không được vào thăm piêng bởi sợ mang xui xẻo đến cho gia chủ. Sau một hồi thuyết phục và cam kết sẽ làm theo sự chỉ dẫn của dân làng, ông Xếp im lặng một lúc, ông nói: "Để tôi đi hỏi ý kiến của những gia đình xem họ có đồng ý không đã. Nếu tôi tự ý dẫn vào, có chuyện chi là tôi không chịu hết tội với họ".

Sau một hồi đi quanh xóm, ông Xếp cũng xin được dân làng để cho chúng tôi vào. Ông căn dặn: "Vào đó không được nói bậy, không được chạm vào bất cứ thứ chi hết. Muốn làm việc chi phải hỏi ý kiến của tôi vì đây là nơi linh thiêng của cả làng".

Theo chân ông vào khu nghĩa địa "treo" nằm bên đường Hồ Chí Minh khi mặt trời gần lặn xuống bên kia dốc núi. Nghĩa địa nằm im ỉm trên một gò đồi cao, phía dưới là con suối vào mùa cạn nước. Chẳng có con đường nào lên trên những cái piêng, chỉ còn cách vạch cây mà đi. Như vấp vào cái gì đó dưới chân, ông Xếp quay lại nói: "Ơ đây toàn là những huyệt mộ lúc trước chôn người chết, chừ đã cải táng. Trời tối rồi phải đi chậm, không thì vấp vào cái hố, giẫm phải chén bát, nắp quan tài".

Trong ánh sáng lờ mờ, những cái nắp quan tài đã mục ruỗng, nhiều chiếc bát có cái đã sứt mẻ, những bộ áo quần... nằm ngổn ngang trong khu nghĩa địa. Sau hơn 30 phút, chúng tôi đã bước chân lên nghĩa địa. Hàng chục cái piêng hiển hiện ra trước mắt với đủ sắc màu của sơn, có cái dựng tạm bằng gỗ, nhiều cái đã mục, xiêu vẹo, nằm lô nhô không theo một trật tự gì cả. Có piêng phía trong có hai cái tiểu, có cái có tới 6-7 cái tiểu đựng hài cốt. Tất cả nằm trơ trơ trên mặt đất và sắp đặt ngay ngắn theo thứ tự lúc đang sống.

Ông Xếp bảo rằng trong những cái tiểu đó có cái không có hài cốt vì lúc chết người thân không tìm được xác. Ông Xếp kể về quan niệm của tập tục dân làng mình và theo ông chắc có lẽ vì cái quan niệm này mà bây giờ vẫn tồn tại những nghĩa địa "treo": người Pa Cô làng này quan niệm về cái chết là chết khô hay là chết tươi. Chết khô nghĩa là chết mà không chảy máu, chết do bệnh tật. Còn chết tươi là chết do con hổ, con thú rừng ăn thịt, hay bị tai nạn giao thông mà chết. Nếu chết không tìm thấy xác thì sau 3 năm, muộn nhất 5 năm người thân phải làm lễ cải táng. Luật tục cải táng cho người chết mất xác cũng ly kỳ, nó báo cả điềm xui hoặc sự may mắn cho gia đình.

Ngày cải táng, họ lên chỗ người đó chết, trải chiếc chiếu ra và bắt con châu chấu bỏ vào giữa. Sau khi thầy ma cúng xong, họ bắt nhốt con châu chấu vào một ống tre bịt kín hai đầu, chỉ chừa một lỗ nhỏ bằng cái kim cho châu chấu thở. Sau một tuần mở ra, nếu con châu chấu chết thì gia đình sẽ gặp xui xẻo, còn nếu sống thì gia đình rất may mắn. Ông Hồ Văn Xếp bảo rằng chẳng biết hên xui thế nào nhưng phải làm để kêu hồn người chết trở về, để cho cái bụng được yên.

Quang Nhất