Thần Zeus và cây phả hệ rối ren

06/10/2011 0729


Zeus (tên La Mã: Jove, hoặc Jupiter).

Theo tích Zeus là vua của các vị thần, cai quản thiên đường, điều khiển sấm chớp, điều khiển mây… Do tài phép như vậy nên Zeus rất dễ đáng chán. Hết truyện này đến truyện khác, Zeus không có gì làm nên cứ hay ngó xuống mặt đất, khi ngó thấy cô nào đẹp (hoặc cậu nào đẹp – trong xã hội Hy Lạp cổ thì giới tính là thứ mập mờ), Zeus sẽ tìm cách cưỡng bức. Vị vua này đi hết với người nọ đến người kia, và có một đàn con cái ngoài giá thú.


Trong hình, Zeus đang ngồi trên ngai ở đỉnh Olympia, tay trái cầm cây trượng sấm sét (trên đầu cây trượng có gắn con đại bàng - biểu tượng của Zeus), tay phải giữ thần Nike - thần Chiến thắng.


Cái duy nhất thú vị về Zeus là tích về sự ra đời của ông, vì nó gắn liền với phả hệ của thần thoại Hy Lạp. Tranh vẽ liên quan đến tích này cũng khá nhiều.

Theo truyện dân gian, và theo nhà thơ Hesiod thì vào thời xa xưa, vũ trụ là một thứ lung tung không hình thù. Vị thần duy nhất, Chaos, không có mặt mũi gì (Chaos có nghĩa là hỗn độn). Sau đó, ở một mình mãi cũng chán, Chaos sinh ra Gaia (Mặt Đất), Tartarus (Âm phủ), Eros (Tình Yêu), Erebus (Bóng Tối), và Nyx (Màn Đêm). Đến lượt Gaia, mang tiếng làm “đất mẹ”, tự thân mang bầu rồi sinh: Uranus (Trời), Ourea (Núi), Pontus (Biển).

Tiếp đến, Gaia cưới con mình là Uranus (theo đúng nghĩa của “Trời và Đất”, loạn luân là yếu tố luôn đi kèm với tích Hy Lạp cổ, nên hình dung các vị thần này như thể họ là “thiên nhiên”), cả hai tạo ra một giống thần mới, gọi là Titans. Mười hai Titans đầu tiên bắt đầu thay thế bố mẹ mình và cai quản vũ trụ. Họ bao gồm: Oceanus, Tethys, Hyperion, Theia, Coeus, Phoebe, Cronus, Rhea, themis, Mnemosyne, Crius, và Iapetus.

Một trong các Titans là Cronus phản lại cha là Uranus, cắt của quý của ông và tống cổ ông khỏi thiên đàng.

Cronus sau đó lấy em gái Rhea. Nhưng chưa kịp vui, Gaia tiên đoán rằng một trong những đứa con của Cronus sẽ phản lại ông, y như cách ông đã phản lại Uranus trước đây. Rhea sinh được người con nào, Cronus nuốt ngay đứa đó vào bụng. Tới lúc Cronus nuốt đứa thứ năm, vợ ông chịu hết nổi, và khi bà mang thai đứa thứ sáu, bà mon men đến nhờ Gaia giúp đỡ.

Đứa thứ sáu đó là Zeus. Khi Zeus vừa lọt lòng, Rhea lén đưa Zeus cho Gaia, rồi lấy chiếc khăn bọc một tảng đá để giả làm em bé, Cronus nuốt ngay lấy hòn đá vì tưởng đó là Zeus!

Sau đó thì Zeus cứ thế lớn lên, chờ ngày đủ mạnh để phản lại cha mình.

Về quá trình khôn lớn ấy, có rất nhiều thuyết về việc ai làm má nuôi của Zeus. Nhưng cơ bản nhất là ba thuyết này:

- Zeus được Gaia nuôi

- Zeus được một con dê – hay thần dê – có tích nói đó là con dê, có tích nói đó là một cô tiên của loài dê tên Amalthea nuôi

- Zeus được một cô tiên núi (Mountain nymph) tên Adamanthea (tên tuổi thường thay đổi, lúc là Adamanthea, Adrastia, Melissa) nuôi.


Tác phẩm "Zeus thời trẻ", Jacob Jordaens, 1640. Cô tiên Amathea đang vắt sữa dê để cho Zeus uống. Faun (quái vật nửa dê nửa người) đứng ở bên trái.



Tác phẩm: "Zeus bú sữa Amalthea", Poussin, 1638.


Vì Cronus cai quản đất, biển, và trời, Adamanthea mắc một cái võng trên ngọn cây và đặt Zeus nằm đấy, Zeus lửng lơ giữa ba thứ nên không bị Cronus phát hiện.

Khi Zeus lớn thì chuyện không còn gì ngạc nhiên nữa. Zeus đánh nhau với cha là Cronus, bắt Cronus phải nôn hết anh em của mình từ trong bụng ra. 5 anh em đó bao gồm: Hades, Demeter, Poseidon, Hestia, và Hera. Tuy không cắt của quý của Cronus như chính Cronus đã từng làm với cha mình, Zeus giam Cronus cùng với toàn bộ dòng dõi thần Titan xuống âm phủ ở dưới lòng đất, rồi lên làm vua. Zeus cùng Hades và Poseidon bốc thăm trúng thưởng xem ai cai quản cái gì, kết quả: Zeus bốc được trời, Hades bốc âm phủ, Poseidon bốc biển. Hera trở thành vợ của Zeus, Demeter thành thần cai quản vụ mùa, Hestia – chắc do không biết làm gì – trở thành thần của trinh nữ.

Theo Soi.com.vn