Thiếu Lâm tự - huyền thoại & sự thật

Kỳ 1
Huyền thoại về “ngôi sao Bắc Đẩu”


(TuổiTrẻ )- Với bề dày lịch sử 1.500 năm, Thiếu Lâm tự - Trung Quốc là kho tàng võ công thâm hậu vang danh khắp thiên hạ. Các nhà nghiên cứu võ học trên thế giới đều phải thừa nhận rằng Thiếu Lâm tự là cội nguồn của nhiều môn phái.


Những đòn tuyệt kỹ của Thiếu Lâm tự luôn là những huyền thoại trước mắt người đam mê võ thuật - Ảnh tư liệu

Một chuyến đi về cái nôi võ thuật để tìm một chân dung thật về ngôi sao huyền thoại...

Kẻ tu học trên mạng!

Tôi lên mạng với lời rao: “Muốn đi đến chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc, ai biết chỉ giúp?”. Chỉ trong nửa ngày đã có hàng tá lời hồi đáp: đường đi nước bước đến Thiếu Lâm tự mỗi người mách bảo một phách, người thì bảo Thiếu Lâm tự ở Châu Nam, tỉnh Phúc Kiến; kẻ đoan chắc chân truyền kungfu ở Bàn Sơn, Hà Bắc; có kẻ lại bảo: “Anh cứ đến Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội, ở đó dạy Thiếu Lâm tự Liễu Đôi - Hà Nam, chân truyền chính gốc, cần gì mò sang Tàu?” (!?).

Rối quá tôi lại rao: “Muốn đi tu chùa Thiếu Lâm chính gốc bên Trung Quốc, ai đã từng tu, muốn tu, sắp tu, xin liên hệ email nguyenbnus... xin hậu tạ!”. Hai ngày sau thư điện tử đã có hồi âm: “Em là Hưng, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, từng sang chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, Hà Nam, Trung Quốc hai lần, đầu tháng giêng em sẽ sang nhập học, nếu cần anh bay ra Hà Nội, em sẽ giúp...”. Tôi thu xếp bay ra Hà Nội ngay.

Hưng với thân hình đúng nhà võ - cao lớn, vai u thịt bắp, rất am hiểu Thiếu Lâm tự - kể cho tôi biết: Đúng là bên Tàu có đến ba ngôi chùa mang tên Thiếu Lâm, nhưng chính gốc chân truyền chỉ có một là Tung Sơn Thiếu Lâm tự ở thị trấn Đăng Phong, tỉnh Hà Nam.

Chính nơi này, năm 527 (sau Công nguyên) tổ sư Bồ Đề Đạt Ma - con vua Nam Thiên Trúc (miền nam Ấn Độ) đã lên đường vượt biển sang Trung Hoa và đến Tung Sơn, chọn động Thiếu Thất để tham thiền diện bích (nhìn vào vách đá) suốt chín năm liền.

Từ đó, ông đúc kết tinh yếu ra môn phái Thiếu Lâm tự với năm bộ sách bí truyền tuyệt thế võ công chấn động giang hồ và là nền tảng cho hầu hết các môn võ khác như Nga Mi, Không Động, Võ Đang, karatedo, taekwondo, judo, kiếm đạo Nhật Bản và cả Vovinam… cũng đều xem Bồ Đề Đạt Ma là thủy tổ.

Kungfu Trung Hoa hay võ Thiếu Lâm tự vang danh giới võ lâm giang hồ từ hơn ngàn năm qua bởi 72 tuyệt kỹ kungfu như thương đao bất nhập pháp (binh khí không thể chém vào người), bích hổ du tường công (leo tường), tù thủy công (chạy trên mặt nước), phi tiềm tẩu bích (chạy trên vách, bay trên mái)…

Chỉ cần luyện thành công một trong 72 tuyệt kỹ cũng đủ tư cách để lập ra một võ phái danh trấn giang hồ!... Chỉ nghe Hưng kể về những huyền thoại thôi mà tôi đã rạo rực muốn nhập môn trở thành võ tăng rồi... Hưng hẹn tôi về thu xếp, đúng mồng mười tháng giêng sẽ ra Bắc cùng nhau cất bước “tiếu ngạo giang hồ”...

Đọc những bộ sách kiếm hiệp như Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ Thiên Đồ Long ký , Thần điêu đại hiệp… tôi đã quá mê mẩn những thần công lực của các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm. Trong lịch sử Trung Hoa, dấu ấn các cao thủ chùa Thiếu Lâm cũng rực rỡ không kém.

Từ đời Đường, tuyệt đỉnh võ học Thiếu Lâm tự đã chấn động giang hồ khi 13 vị cao tăng chùa Thiếu Lâm giúp vua Đường Thái Tông phá trận Vương Thế Sung (mà vừa qua Đài truyền hình TP.HCM đã cho trình chiếu bộ phim nhiều tập San bằng Thiếu Lâm tự. Lịch sử võ học cũng lưu danh các cao tăng như Chí Tháo, Huệ Dương, Đàm Tông… đã đóng góp cho nền võ học thế giới những huyền công tuyệt kỹ.

Tinh hoa của Thiếu Lâm là võ đạo. Võ động, đạo tịnh - tinh thần Thiếu Lâm là mượn cái động để trở về cái tịnh. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho đến giờ vẫn chưa khám phá hết kho tàng nội công và khí công của võ đạo. Đi đến chân truyền tuyệt kỹ của Thiếu Lâm tự là một con đường khổ ải. Các tiểu tăng thường được đưa vào chùa từ tuổi lên 5, lên 7, học từ tấn pháp, thân pháp, quyền pháp, cước pháp... rồi la hán quyền, mai hoa quyền.

Bước vào trung cao thì tùy vào thể trạng, nhỏ con thì luyện báo quyền, cao gầy thì hạc quyền, to cao thì long quyền... Không phải ai cũng có thể bước vào hàng cao thủ Thiếu Lâm, vì phải có căn duyên, phải đạt khí lực và nội lực thâm hậu mới có thể luyện tuyệt kỹ, bằng không sẽ phản đòn nội thương. Để đạt đến vô vi quyền (vô chiêu thắng hữu chiêu), dùng khí lực nuôi thao tác liên kết hệ thống thần kinh và huyệt đạo để dẫn khí lực ra chiêu thì mới gọi là thượng thừa, mới có thể gọi là Đạt Ma khí công…

Với một kẻ ngoại đạo như tôi, kho tàng võ thuật Thiếu Lâm tự quả như ngọn núi Thái Sơn mà mới một vài bài quyền của các tiểu tăng đánh võ như múa trong đoàn võ thuật Thiếu Lâm Tinh Anh - Bắc Kinh vừa qua Sài Gòn hồi tháng mười hai cũng đủ khiến tôi choáng ngợp...


Chuyến tàu tốc hành phương bắc

Đúng hẹn với Hưng, tôi vác balô ra Hà Nội. Vừa xuống sân bay trời lạnh 100C, nhưng cảm thấy lạnh hơn khi điện thoại cầm tay của Hưng “ò…í…e…”. Mới ngày hôm trước còn liên lạc, Hưng vẫn dặn: rét lắm đấy, hôm qua đài báo ở Bắc Kinh, Trịnh Châu lạnh đến âm 180C. Hưng còn dặn nên cạo đầu để bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc cao tăng… Vậy mà…

Tiếng còi tàu tốc hành liên vận Hà Nội - Bắc Kinh trong đêm nghe sao não lòng. Kẻ tu học qua mạng vẫn biệt tăm, đường xa vạn dặm biết đâu mà lần, chẳng lẽ quay về? Nhưng tóc đã xuống, tâm đã tịnh, tiệc chia tay vợ con đã tàn... nào có thể thối lui?

“Gió hiu hiu sông Dịch lạnh tê, tráng sĩ ra đi chừ không trở về...”. Con tàu liên vận nối liền thủ đô hai nước phóng vào màn đêm hun hút, trên tàu chỉ có đúng 11 người VN - mùa này đang vào tiết đại hàn, người phương bắc ùn ùn kéo xuống phương nam chứ có ai ngược lên phương bắc!

Ông soát vé tàu ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại nhiều lần khi biết tôi sẽ xuống ga Trịnh Châu - Hà Nam (cách Bắc Kinh 500km về phía nam) để đi Thiếu Lâm tự, bởi mùa này không ai đi viếng chùa Thiếu Lâm lại càng không thể tin là đi học võ, vì thời tiết năm nay vô cùng khắc nghiệt, trung bình cũng âm 100C, miền núi Tung Sơn luôn có bão tuyết.

Quả như lời ông soát vé nói, tàu chỉ mới đến Quế Lâm, bắc tỉnh Quảng Tây, giáp VN, tuyết đã rơi dày đặc; làng mạc, những cánh rừng phủ trắng một màu tuyết - hiện tượng này ngay chính người Trung Quốc cũng cho là khác thường, bởi vùng Hoa Nam cả 20 năm qua chưa có tuyết rơi!

Tàu vượt sông Trường Giang trong đêm tối, tôi tiếc là không có dịp để ngắm một trong những dòng sông lớn nhất Trung Hoa - nơi mà ngàn năm trước tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã rời nước Lương để đến Thiếu Lâm tự của Bắc Ngụy chỉ bằng một cọng lau đạp nước qua sông (cước đạp lô điệp quá giang) để từ đó “cửu niên diện bích” (chín năm thiền mặt quay vào trong vách đá) trong động Thiếu Thất trở thành tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công và sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.

Tàu vào ga Trịnh Châu chỉ đỗ đúng năm phút cho hai người khách xuống: tôi và anh Kim Sơn - người phiên dịch. Trên tàu có lò sưởi nên chưa cảm thấy cái lạnh, vừa ra khỏi tàu đôi tai tôi gần như đóng băng (!), nhiệt độ bên ngoài âm 100C, nhưng khi lên xe đò về đến thị trấn Đăng Phong, cách Trịnh Châu 80km về phía đông bắc mới biết mình vẫn còn may mắn vì trước đó hai ngày một cơn bão tuyết đã ập vào Trịnh Châu, làm tắc nghẽn giao thông suốt hai ngày. Chuyến xe đò mà tôi đi về Đăng Phong là chuyến đầu tiên sau cơn bão tuyết!

Dãy Tung Sơn đang dần hiện ra, huyền thoại về tuyệt kỹ Thiếu Lâm tự đã ở sau lưng, trước mắt là một thế giới khác về Thiếu Lâm tự đang mở ra…

BINH NGUYÊN