"Tâm linh"... chẳng siêu hình tý nào!

Có anh bạn bảo tôi: Người Việt mình không có tâm thức tôn giáo triệt để mà chỉ hay tin các "điềm". Một cụ lão thành, 57 năm tuổi Đảng, sáng ra đi đâu vẫn ngại gặp cô hàng xóm nặng vía. Thấy cô là cụ quay vào chờ một lúc sau mới đi.


Cháu gái 19 tuổi, đoàn viên, võ sĩ Teakwondo gọi điện giật giọng: "Bác ơi hôm qua cháu nằm mơ thấy cắt móng tay, có sao không bác?". Bác bảo: "Theo sách giải đoán giấc mơ thì mơ thấy cắt móng tay là điềm báo sẽ cãi nhau vặt với mấy đứa cùng lớp". "Ôi thế thì chả sao, cháu cứ lo bố đi công tác xa có chuyện gì!".

Chuyện các quan lớn, quan bé các đại gia, tiểu gia có "bốc sư" tư cũng không hiếm. Nhất cử nhất động, "phi vụ" nào cũng phải xin một quẻ. Thấy bảo rút thẻ xăm, bấm giờ, bấm quẻ, tính tuổi các đối tác rồi phán như thần: Được! Đại phát! Nếu phi vụ đó thắng đậm thì đãi thầy vài vé, thắng nhạt thì một chầu bia ôm. Thua thì thầy sẽ lý giải rành rẽ tại sao để lần sau biết mà né.

Vừa gặp bạn cũ làm cấp vụ ở trung ương đi cùng một đại văn sĩ, thầy phán luôn: Ông không được đi dép có quai, phải đi giày, đen, nâu là hỏng. Còn ông cắt ria đi cho gọn, đầu tóc cầm kiểu đinh thế kia, mất hết lộc có khi còn ốm đau nữa ấy chứ, mình ăn ở cái oai "xuất giá công khanh" kia mà. Thế mà rồi hai vị kia cũng đổi giầy sửa tóc thật! Thôi cứ theo cụ Khổng: Với quỷ thần cứ kính nhi viễn chi. Kính cẩn vẫn hơn. Chả biết có quỷ thần hay không? Nhưng nhỡ có thì sao!

Nhiều gia đình ngân sách chi cho "tâm linh": Cúng vái ngày sóc vọng, ngày giỗ, cúng sao đầu, giữa, cuối năm, xem bói, đi đền, đi chùa, có khi cả "tua" liên hoàn 10 chùa thiêng một lượt, có khi tour quốc tế tâm linh sang tận Tây Tạng hay Myanmar vài ngàn USD một người... cộng lại chắc còn hơn ngân sách chi cho sinh hoạt văn hoá nghệ thuật. Nói gì nữa, tâm linh mà không là văn hoá à?

Danh lam thắng cảnh là nguồn thu của quốc gia và môi trường văn hoá tâm linh của quốc dân. Thí dụ chùa Hương, chùa Bà, điện Hòn Chén... chẳng là một nguồn thu ngân sách quan trọng của địa phương sao.

Vụ cáp treo chùa Hương từng gây ra một cuộc chiến kinh tế giữa mấy công ty. Sở Thừa Thiên-Huế thu mỗi thẻ xăm tre có số và lời giải ở Hòn Chén 2.000đ, chùa Bà An Giang bỏ 8 tỉ đồng làm một trại điêu khắc quốc tế cho du lịch tỉnh nhà.

Còn hàng vạn chùa, đền, miếu thiêng khắp nước là nơi hành hương của mấy chục triệu người quanh năm chi thu không biết có tính cho ngành công nghiệp không khói hay không.

Người ta khánh thành chùa Đồng mới lớn nhất Việt Nam. Một đại gia chi không biết mấy trăm tỉ cho một Đại Nam Quốc Tự xem ảnh thấy hoành tráng hết ý. Các danh lam còn thu nhập cao, dân chi nhiều tiền vì gắn với các lễ hội.

Du lịch - văn hoá - tâm linh thành ba trong một ở môi trường danh lam thắng cảnh. Tôi tự hỏi đây có phải là một quốc sách văn hoá và kinh tế của nước ta hay không; tự phát hay có chiến lược; hay Nhà nuớc và nhân dân cùng làm?

Tôn giáo đang là chuyện quá lớn, bao trùm toàn cầu. Tôi chẳng dám lạm bàn vì căng thẳng tôn giáo gần kề với súng đạn, bạo loạn và đủ sự bất an. Chỉ biết rằng sự an bình của tôn giáo, tự do tín ngưỡng và tự do tâm linh chính là một rường cột của mọi xã hội.

May cho đất nước nào có được sự hài hoà tôn giáo - không cực đoan. Nhà nước và tôn giáo, tôn giáo và văn hoá từng, đang và sẽ là những vấn đề chiến lược "cốt tử" của mỗi quốc gia. Ai ai, làng nào, huyện nào, tỉnh nào, nuớc nào cũng có hai phận đạo và đời. Hài hoà được thì tốt nhất. Quá đà u mê-tín hay thực dụng trắng trợn tàn bạo đều làm mất cân bằng đạo và đời.

Dân gian hay đùa vui khi nói mong muốn của mình: Hoà hợp giữa đạo và đời, giữa chính quyền và tôn giáo, giữa tâm linh với tiền bạc.

Tâm linh có lẽ chẳng siêu hình tý nào!

Theo Lao Động