Thứ ba, 9/9/2008, 07:00 GMT+7
Những khoá học hè thật kỳ lạ khi sinh viên được dẫn đến tiếp xúc trực tiếp với những người hấp hối, những xác người mới chết, và những tù nhân phạm tội giết người. Chính những chuyến đi ấy giúp các em cảm nhận thấy cuộc sống thật mong manh và hãy biết trân trọng giá trị cuộc sống, chia sẻ cảm xúc và vị tha hơn.

Các sinh viên đại học Kean vào khu nhà xác lạnh thăm các xác chết, vào khu giường bệnh thăm những người hấp hối và vào nhà lao tồi tàn bang New Jersey đến ngồi cùng những kẻ giết người bị kết án tù . Dọc đường, họ được biết thêm về những giá trị mà họ đang có. Người chết nằm trên chiếc bàn kim loại, không mặc quần áo, trên người chỉ phủ một miếng vải nhỏ, miệng mở, tay cứng đờ ghếch lên. Nhân viên mổ phẫu thuật tử thi đi găng tay dùng lưỡi dao đưa vào ngực người chết, rạch lớp da để lộ lớp mỡ dày, rồi kéo phần thịt ra khỏi xương, tách ra lá phổi lốm đốm màu nâu đất do hút thuốc. Người chết 30 tuổi đã có gia đình và 3 con. Anh ta bị bắn vào đầu lúc 9 giờ tối hôm trước.
21 tuổi, chuyên ngành sinh học, Schmidt đứng bên cái xác, cùng các sinh viên đại học Kean bạn cô trong khoá học hè 8 tuần về viễn cảnh của cái chết. Cô giáo Bowe 49 tuổi giải thích: “Họ đang tìm viên đạn, các em lại đây xem”


Schmidt nghiêng người nhìn vết biến dạng trên tai trái nạn nhân. Cô thở qua chiếc khẩu trang đã được xịt nước hoa, chắn bớt mùi chết chóc. Cô đã nhìn thấy người chết nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhìn kỹ như thế này.

Sinh viên đăng ký lớp của Bowe do tò mò về những chuyến đi khác thường của cô. Nhưng một điều mạnh mẽ hơn cũng thu hút họ đến đây: nhu cầu muốn biết con người chết như thế nào và tại sao. Điều gì xảy ra đối với cơ thể chúng ta và có cái gọi là linh hồn không?

Nhà thơ, nhà triết học Khalil Gibran đã từng viết những vần thơ:

Bạn sẽ biết bí mật của cái chết

Nhưng làm thế nào tìm thấy trừ phi bạn tìm nó ngay tại trái tim của cuộc sống ?
Trên sàn cạnh chân Schmidt, đồ đạc của nạn nhân bị bắn nằm ngổn ngang trên tấm drap trắng: Chiếc áo phông đỏ và giày tennis, chiếc quần trắng đẫm máu, bao thuốc lá, mấy chiếc thẻ đi tàu điện ngầm và 211 USD

Bowe hỏi các sinh viên: Có ai có cảm nghĩ gì không? Các sinh viên im lặng. “Các em nói gì đi” Bowe khích lệ.

Một cô sinh viên gạt nước mắt, những sinh viên khác quay mặt đi. “Hãy lại đây em. Được sống thật là tuyệt vời phải không. Các em có biết các em mong manh thế nào không? Chúng ta không có cái gì để đảm bảo cho cuộc sống của chúng ta”

Buổi học đầu của khoá học mùa hè, Bowe ra đầu đề: “ Hãy viết một lá thư từ biệt với một người thân bị mất”. Bowe hướng dẫn: “ Các em hãy đi đến những chỗ rùng rợn, đến nơi mà mọi người chẳng muốn đến”.

Schmidt có một chuyện bí mật xảy ra khi cô 15 tuổi và điều đó đã làm cô thay đổi hoàn toàn.

Các thành viên trong lớp tự giới thiệu bản thân. Daniels 22 tuổi có khuôn mặt rất “baby” là sinh viên tâm lý. 7 năm trước cô đã mất người thân nhưng hiện cô chưa sẵn sàng chia sẻ điều này với mọi người. Cô tham gia lớp học này vì cảm thấy có vẻ thú vị.

Pante 24 tuổi có vẻ điềm tĩnh khi kể chuyện mình. Cô mất mẹ năm 4 tuổi. 2 năm sau bạn gái của cha cô chết vì ung thư. Ở trường trung học cô đã mất 2 người bạn do tai nạn giao thông

Một tuần sau, sau khi sinh viên viết bài đầu tiên, Pante nghẹn ngào khi đọc bức thư từ biệt mẹ. “ Hàng ngày con nghĩ về mẹ, và băn khoăn cuộc sống sẽ ra sao….”

Một cô gái khác viết thư cho người cha đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Một người khác thì chia sẻ về chuyện đã bị hãm hiếp. Nhưng cũng có người vẫn chưa sẵn sàng hé lộ bí mật.

Schmidt cất tập giấy của cô đi, tránh ánh mắt Bowe hy vọng Bowe không gọi cô lên. Cô đã đề nghị từ hôm trước là đừng gọi cô lên đọc. Daniels thì nhìn xuống bàn, biết rằng cô đã không thể viết bức thư từ biệt mà cô cần phải viết. Nỗi đau vẫn còn nguyên.


Bowe giảng bài về cái chết, 4 tuần trước khi chết vì tuổi già hay bệnh tật, cơ thể chúng ta cảm thấy lạnh. Miệng và ngón tay hơi xanh-vòng tuần hoàn của chúng ta đang biến đổi. 3 tuần trước khi chết, máu của chúng ta không còn tuần hoàn đều đặn nữa, chúng ta bị kém ăn, gan bắt đầu kém hoạt động. Các mao mạch ở mũi dầy lên. 2 tuần trước khi chết, thị lực giảm hẳn. 1 tuần trước khi chết, thận bắt đầu kém hoạt động. 1 hay 2 ngày trước khi chết, hơi thở gấp hơn. Vài giờ trước khi chết, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp giảm. “Bạn có biết cái cảm giác tuyệt vời khi lần đầu tiên bạn thấy rung động trước một ai đó ?”, Bowe nói, sự biến đổi hoá học như vậy cũng tràn ngập não bạn khi bạn đang hấp hối.”

”Đến cuối cuộc đời, chúng ta đã trải nghiệm nhiều điều, và chúng ta có rất nhiều điều để hối tiếc”. Bowe lớn lên trong sự ngược đãi và cuộc chiến để chống chọi đó dẫn cô đến với niềm đam mê sự chết chóc và chịu đựng. Khi trưởng thành, Bowe tách khỏi cha mẹ, xin làm y tá tại phòng cấp cứu ở trung tâm chăm sóc người hấp hối rồi học bác sĩ chuyên ngành tâm thần học.

Đã qua nửa khoá học. Bowe cùng người cai tù dẫn sinh viên đi qua máy dò kim loại, đi qua hàng rào dây thép gai có những con chim bị mắc vào chết ở đó. Tù nhân kêu gào, chửi tục qua cửa sổ. Các sinh viên gặp những kẻ giết người trong phòng gặp phạm nhân. Một tù nhân nói rằng hắn tấn công và nữ chủ nhà không chịu nói két giấu ở đâu do vậy hắn đã giết bà ấy. Daniels thấy chả có gì phải thông cảm với hắn, cô có cảm giác trĩu nặng trong lòng nhưng không nói gì. Cô đã viết : “Cảnh tượng trong nhà tù đó thật rùng rợn, tôi tin chắc rằng nó giống địa ngục trần gian. Về đến nhà tôi đã cầu nguyện”.

Ngày cuối cùng của khoá học đã đến. Bowe đưa đề tài cho sinh viên viết về một trải nghiệm khó khăn nhất trong đời họ. Daniels đã đứng lên, giọng cô run run: “Đó là vụ án mạng của anh trai tôi vào ngày 24/6/2001” Cả lớp choáng váng vì suốt kỳ học, Daniels chưa chia sẻ điều gì. Anh của Daniel bị bắn khi mới 28 tuổi. Anh ấy có 2 con trai, nay mẹ của Daniels nuôi. Kẻ bắn anh ấy 25 tuổi. “Khi đến nhà tù tôi đã rất muốn hỏi hắn liệu có đáng làm điều đó không”. Bowe hỏi: “Thế bây giờ em còn muốn hỏi không? Em hãy viết xem em muốn biết điều gì và tôi sẽ đưa cho gã ấy”.

Cuối khoá học Bowe trả lại tập bài luận. Trong đó có bức thư của Schmidt: “Con thân yêu, mẹ không nói lời từ biệt bởi mẹ vẫn muốn có cơ hội để nói lời chào trong tương lai… mẹ muốn con biết mẹ yêu con đến nhường nào”. Bức thư đó là dành cho cậu con trai mà Schmidt sinh năm cô mới 15 tuổi. Quá trẻ để làm mẹ, cô đã cho con làm con nuôi. Cô vẫn nhớ người môi giới và gia đình đó. Cô nhớ lại cảm giác khi rời khỏi bệnh viện, lảo đảo do đau tim. Nỗi buồn nản xâm chiếm. Tội lỗi đeo đẳng cô…

Schmidt còn viết: “Với từng tình huống mà chúng ta phải lựa chọn, tôi chọn sự sống….Cám ơn bác sĩ Bowe”

Bowe đọc cho sinh viên vào cuối khoá học câu của Anna Quindlen (nhà văn, nhà báo đã giành được giải Pulitzer): “Sự hiểu biết về cái chết là quà tặng lớn nhất mà Chúa ban cho chúng ta. Điều dễ dàng nhất là để lãng phí cuộc sống, lãng phí thời gian từng ngày từng phút.”

Một tuần sau khi khoá học kết thúc, Bowe lại dạy về sức khoẻ tinh thần cho các tù nhân. Có một cựu mafia chuyên đâm thuê chém mướn. Một phạm nhân khác đã đánh một người đến chết và sau đó trở thành tín đồ đạo Phật ở trong tù. Bowe đã đưa ra câu hỏi của Daniels cho những người tù: “Nếu anh ta được có cơ hội để nói điều gì với tôi, gia đình tôi hay các con của anh tôi, anh ta sẽ nói gì?”

Một người hỏi: “Điều này có làm cho cô ấy khuây khoả bớt không?” Bowe trả lời, “ Tôi tin là có”. Vài tuần sau Bowe đưa cho Daniels đọc lá thư của kẻ đâm thuê chém mướn. “Tôi đang sống từng ngày trong hầm mộ cuộc đời với ý nghĩ về hành động tôi đã gây ra, mặc dù vậy tôi vẫn đang sống và ở đâu có sự sống, ở đó có niềm hy vọng…”

Daniels đã khóc. Bowe đọc lá thư của người tù theo đạo Phật: “Gửi Dwayne (anh trai Daniels). Nếu có cơ hội được nói với gia đình nạn nhân, tôi sẽ rất sẵn lòng. Tôi muốn gửi tới họ triệu triệu lời tạ lỗi. Tôi đã xen vào cuộc đời họ do giết người thân của họ. Tôi không dám liên hệ với họ và đưa ra lời giải thích làm khuấy lên vết thương của họ…Đó là điều phải cân nhắc”.

Khi Bowe đọc xong, Daniels nói: “Tôi muốn tha thứ cho anh ta”. Có thể một ngày nào đó Daniels sẽ viết thư cho kẻ giết người, Bowe gợi ý. Nhưng trước tiên, Bowe khuyên cô viết bức thư từ biệt anh mà cô chưa viết khi còn ở lớp học.

Anh Thư (theo Los Angeles Times)