Thơm, bắt mắt và hấp dẫn còn hơn cả hàng thật, nhưng chỉ đến khi cho vào miệng, đau bụng, bạn mới biết mình đã "bé cái nhầm".
Cầm trên tay hai chiếc bánh xốp nhân sô-cô-la, tôi cố phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả như lời cá cược của Minh Hùng, một "tay trong" đã dẫn tôi đi tận mục sở thị những công nghệ làm thực phẩm giả.

Cả hai mẫu bánh đều lấy từ một chiếc hộp có tên hiệu của một hãng uy tín lâu năm trên thị trường. Nhìn bề ngoài chúng có màu sắc như nhau, nhưng chiếc thứ hai trông xốp và có mùi hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, sau đó Hùng mới cho tôi biết đó là chiếc bánh nhái.

Bắt đầu từ những chiếc bánh "giả như thật" đó, chúng tôi khám phá ra nhiều điều bất ngờ khó tin về thị trường thực phẩm giả. Bạn có biết rằng không chỉ có bánh kẹo mà còn tương ớt, mì chính... cũng có thể giả.
Nguyên liệu của những hộp bánh nhái

Đầu tiên, Hùng dẫn tôi đến một số làng nghề làm bánh kẹo thuộc tỉnh Hà Tây. Bánh kẹo của những nơi này được thị trường rất ưa chuộng. Thế nhưng, khi thị trường mở rộng, hàng nước ngoài nhập về ngày càng nhiều, làng nghề này gặp khó khăn. Một số người nảy sinh ý định làm hàng nhái, hàng giả để kiếm lợi nhanh.

Chúng tôi đến lò kẹo vừng của nhà ông Trí Tôn, một trong những lò lâu năm. Vừa dợm chân bước vào, chúng tôi nghe tiếng quát: "Tránh ra, tránh ra". Ba bốn chiếc xe ba bánh đẩy bùn ướt lao vào trong xưởng. Trên xe ngồn ngộn những tảng bột sắn bốc mùi chua và xỉn màu.

Anh Hùng chỉ đống bột sắn bảo: "Mang từ "tủ lạnh đồng quê" về. Đây là nguyên liệu chính để làm kẹo". Thấy tôi không hiểu, anh nói nhỏ: "Bột sắn nếu để khô thì lắm mọt, hay mốc, bột sắn tươi chóng hỏng. Để bảo quản chỉ còn một cách lót ni-lông dưới ao, hồ rồi đổ bột sắn vào. Khi nào dùng thì mang về lò". Tôi không khỏi rùng mình bởi ao hồ ở đây nước luôn đen kịt, váng xanh váng đỏ nổi khắp mặt ao.

Nếu đống bột sắn này được tẩy rửa, sấy khô, khử mùi rồi mới đem đi sử dụng thì còn chấp nhận được. Thế nhưng, hình như mấy anh thợ "quên" mất công đoạn đó. Họ thản nhiên dùng xẻng hất bột vào mấy chiếc nồi trên bếp.

Nguyên liệu làm bánh nhái thường bao gồm cả thành phần bột đá

Trên đường đi, quan sát thấy nhiều nhà sử dụng rất nhiều bao tải có thứ bột trắng, tôi vội hỏi anh Hùng: "Bột mì làm bánh à?". Anh Hùng nhìn quanh rồi hạ giọng: "Bột đá tự nhiên đấy! Rẻ hơn bột nếp đến hơn 10 lần. Dùng nó mới hạ giá thành sản phẩm được".

Thấy tôi không tin chuyện bột đá, anh giảng giải: "Đấy là loại đá mài trắng được xay thật mịn, siêu mịn. Ví dụ trong việc dùng sản xuất bánh xốp, người ta trộn tỷ lệ 70-30, nghĩa là 70 kem với 30 bột đá, vào giữa hai miếng bánh, làm sao cậu phát hiện được. Họ còn độn bột đá thay bột nếp trong sản xuất kẹo mè xửng".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại bột đá được nhập chủ yếu từ Hòa Bình, Hà Tây, Thanh Hóa với giá chỉ 3.000-5.000 đồng/10kg. Một số chủ lò biện minh: "Thứ bột đá này lành lắm, không độc hại gì cả. Ở Vĩnh Phúc, người ta còn ăn cả đất mà có bị sao đâu. Chưa thấy ai ăn bánh, ăn kẹo bị ngộ độc cả...".

Công nghệ sản xuất "vệ sinh" như thế nên ở những làng này giá bánh kẹo cũng rẻ đến bất ngờ. Kẹo sữa cứng khoảng 10.000 đồng/kg, bánh quy khoảng 15.000 đồng/kg. Còn các mặt hàng "cao cấp" như bánh sô-cô-la, bánh kem nhúng... cũng chỉ từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg.

Ở những làng này bạn có thể mua được sản phẩm bánh kẹo của rất nhiều hãng với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường. Tất nhiên đó chỉ là hàng nhái. Chủ hàng ở đây còn bán bim bim, snack theo ký kèm theo vỏ bao bì để khách tự đóng gói...

Tương ớt, mì chính cũng làm giả được

Rời Hà Tây, chúng tôi chưa kịp hết lo lắng về thị trường bánh kẹo giả, lại được mời nếm thứ "tương ớt gạch non".

Phần lớn tương ớt ở những quán phở, bún, cơm bình dân đều mua tương ớt theo lít ở Hàng Da, Đồng Xuân... Giá loại tương ớt không nhãn mác khá rẻ, chỉ khoảng 9.000 - 10.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo những chủ nhà hàng nếu làm theo công thức đúng mỗi lít tương ớt "xịn" có giá không dưới 20.000 đồng/lít.

Lần theo đầu mối của một xưởng chuyên bán tương ớt ở gần Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến công nghệ làm tương ớt khá đặc biệt.
Vật giá ngày càng leo thang, bó hành, trái ớt cũng đắt đỏ hơn. Một số cơ sở sản xuất quyết định dùng gạch non làm tương ớt vì nó có màu tương tự. Công thức được pha chế như sau: 4 phần ớt, 3 phần cà chua, 3 phần gạch non cộng gia vị. Như thế mỗi ký "tương gạch" chỉ có giá 8.000 đồng.

Ngoài tương ớt, bột canh, i-ốt và mì chính cũng là hai loại thực phẩm được làm giả nhiều nhất. Mới đây, Phòng cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội vừa quyết định khởi tố vợ chồng Lâm Viết Chiến, ngụ tại Gia Lâm, Hà Nội.

Chiến và vợ là Nguyễn Thị Ngọ đã sản xuất bột canh i-ốt giả nhãn hiệu Hải Châu ngay tại nhà. Hai vợ chồng dùng muối trắng rang lên. Sau đó cho thêm gia vị bột tỏi, hạt tiêu... rồi bỏ vào bao bì có in hiệu Hải Châu, một thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Mỗi thùng 100 gói được vợ chồng Chiến rao bán thấp hơn giá hàng thật từ 20.000 đến 30.000 đồng. Riêng mì chính giả thì họ mua mì chính không rõ nguồn gốc sản xuất với giá rất rẻ. Sau đó, vợ chồng Chiến mua bao bì nhãn hiệu Ajinomoto rồi đóng gói đem bán và lời gấp nhiều lần.
Nước lá chuối giả nước rau má

Đó là thực phẩm khô, chúng tôi còn được một chị bán nước ở ven Hồ Tây bật mí: "Rau quả ăn trực tiếp còn giả nữa huống gì mấy thứ bánh kẹo đóng gói ấy!".

Chị cho tôi xem chai rau má của mình. Nhìn bề ngoài, nước rau má xanh ngon, mát mát. Thế nhưng, khi uống vào nó chỉ có vị chát và nhạt.

Chị cho biết: "Cả dãy hàng ở đây đầu lấy nước rau má của anh Thanh giá 5.000 đồng/lít. Tuy nhiên, dạo gần đây, khách của tôi cứ chê mãi, tôi nghĩ anh ta có pha thêm cái gì đó nên định không đặt hàng nữa".

Hai tiếng sau, Thanh chạy xe máy mang biển số 33 đến với hai chiếc can xanh đựng đầy nước rau má.

Tôi lân la làm quen và ngỏ ý muốn lấy hàng của Thanh về cho vợ bán ban đêm. Qua câu chuyện được biết Thanh cùng vợ thuê nhà ở phường Dịch Vọng, Hà Nội.

Sáng hôm sau, nhân lúc Thanh đi giao hàng, tôi tìm đến chỗ nhà Thanh trọ. Vợ Thanh đang ở nhà ngồi giã thứ lá gì đó ở góc sân.

Trong cối là một mẻ lá chuối nát. Dưới gầm giường là một bó lá chuối to đùng còn tươi. Thì ra hàng ngày, Thanh cho vợ về quê mua lá chuối tươi đem lên và nói dối là nhập làm lá bánh.

Sau đó, vợ chồng họ dùng chày giã lá chuối ra cho nát để trộn lẫn với rau má rồi mới đem xay thành sinh tố.

Công thức làm sinh tố của vợ chồng Thanh khá đơn giản. Cứ 10kg lá chuối, giá khoảng 50.000 đồng trộn với 30kg rau má, giá khoảng 300.000 đồng. Sau đó cho 100 lít nước vào, đem xay sẽ cho ra 120 lít sinh tố rau má "tiêu chuẩn cao".

Điều "tuyệt vời" là nước rau má độn lá chuối có màu xanh đậm hơn rau má nguyên chất. Vừa nhìn là muốn uống ngay một cốc to.

Với "mẹo" này, mỗi ngày vợ chồng Thanh kiếm được khoảng gần 400.000 đồng.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Tôi từng chứng kiến cảnh một người làm bánh giả gạt ngang, không cho cô con gái ăn bánh do chính gia đình chị làm. Điều này chứng tỏ họ ý thức rất đầy đủ về tính nguy hiểm của loại thức ăn giả này. Vậy sao họ vẫn ngang nhiên đem bán ra thị trường?

Bánh được chất lên xe để bán ra thị trường

Trong cuộc họp tổng kết sáu tháng đầu năm 2008 của Bộ Y tế đã cho biết, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Tính chung sáu tháng đầu năm đã xảy ra hơn 4.000 ca ngộ độc, làm chết 42 người.

Con số đó sẽ vẫn tiếp tục tăng nếu như những nhà sản xuất vẫn đặt cái lợi trước mắt lên trên uy tín lâu dài, đặt túi tiền của mình lên sức khỏe của người tiêu dùng.
theo TiếPTHịGIAĐìNH