Thung lũng 'tự nhiên có nhiều... người điên'

Ngôi làng ấy, nhìn bề ngoài thanh bình như bao làng quê nhỏ bé khác. Tạo hóa tạo ra một địa thế đẹp khi làng tựa lưng vào núi cao trùng điệp. Nhưng khoảng mươi năm trở lại đây, làng núi Eo Sơn được gắn với một cái tên rất thảm: “làng người điên”.

Nỗi đau xé lòng từ làng núi

Vượt hơn 50km đường từ TP. Vinh, chúng tôi tìm đến làng núi Eo Sơn, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Hành trình đến với làng núi trở nên vất vả hơn từ đoạn trung tâm xã vào làng bởi con đường gồ ghề, vòng vèo qua nhiều vách núi cheo leo, những khúc cua gấp khuỷu tay rất nguy hiểm.

Mới bước vào đầu làng chúng tôi đã cảm nhận được một bầu không khí ảm đạm, u buồn. Từ xa, đã nghe giọng luyên thuyên của một người đàn bà trung tuổi, dáng gầy lòm khòm rảo bước, trên tay cầm cành củi khô hát nghêu ngao, vừa đi vừa cúi nhặt chiếc lá úa vàng lận cạp quần…thỉnh thoảng văng lên những câu chửi tục, rồi bật cười, khóc.


Anh Huấn trước đây là một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh, ai ngờ khi đã có vợ con vẫn bị tâm thần.

Người làng cho biết đó là chị Trần Thị Hường (SN 1964) con bà Hồ Thị Tỵ, một cô gái từng nổi tiếng đẹp người đẹp nết, một thời làm si mê các cháng trai làng trên làng dưới. Cách đây mấy năm tự nhiên chị Hường hóa điên. Trước đây không lâu bà Tỵ cũng bị căn bệnh tương tự, hiên nay cũng có đỡ phần nào nhưng vẫn chưa khỏi hẳn
.
Bước sâu vào làng, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng thôn làng Eo Sơn. Ông Sơn nói trong tiếng thở dài ngao ngán: “Eo Sơn có 33 hộ với hơn 150 nhân khẩu. Trước đây làng chưa từng có người bị tâm thần, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, làng xuất hiện căn bệnh lạ này, số người bị điên ngày càng nhiều mà không biết nguyên nhân từ đâu cả. Làng trên làng dưới ai cũng lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn”.

Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Sơn dẫn chúng tôi tới những gia đình có người bị tâm thần.


Bà Tuất bên đứa con trai Trần Hưng Hà bị mắc chứng tâm thần.

Ghé thăm gia đình ông Trần Hưng Đào và bà Nguyễn Thị Tuất, chúng tôi nghe kể về bệnh tình của cậu con trai Trần Hưng Hà. Hà vốn là một đứa con ngoan, lớn lên khỏe mạnh bình thường. Rồi gia đình thấy Hà có những biểu hiện khác thường, hay nói lảm nhảm, sống thu mình, lúc đầu gia đình cũng không nghĩ là anh bị bệnh.

Những biểu hiện đó ngày càng nặng thêm, Hà đập phá, hát hò, thỉnh thoảng hét toáng lên như bị ma nhập. Gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Hôm chúng tôi đến, Hà vẫn thui thủi một mình trong căn phòng tối tăm, ẩm thấp, thỉnh thoảng lại buông một câu hát vu vơ: “ai cho tôi tình yêu…”.
Bà Tuất buồn rầu tâm sự: "Nhiều hôm nó lên cơn, đánh tôi túi bụi, không ít lần tôi đã ngất tại chỗ, may có người làng cứu, không thì cũng về với tổ tiên lâu rồi. Bằng chừng này tuổi, con người ta đã cưới vợ sinh con, yên bề gia thất, còn nó thì vẫn vậy. Thương lắm nhưng không biết làm gì hơn".

Giờ vợ chồng bà còn sống mà làm ăn nuôi con, không biết sau này ông bà già này chết đi, những đứa con ấy sẽ bơ vơ ở chốn nào.

“Nhưng biết làm sao được, cái số ở đời đã vậy nên cùng đành ngậm ngùi chấp nhận”- vừa nói bà Tuất vừa lau nước mắt.

Cách nhà ông Đào chừng vài nóc là nơi ở của vợ chồng anh Trần Hưng Huấn (SN 1974) và chị Phan Thị Vân (SN 1975). Anh Huấn trước đây là một thanh niên đẹp trai. Sau khi anh và chị Vân nên duyên chồng vợ, sinh con được một thời gian thì anh xuất hiện những biểu hiện bất thường.

Gia đình cũng đưa đi điều trị khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm là mấy lại phải đưa về nhà chăm sóc. Chị Vân bảo thỉnh thoảng anh vẫn lên cơn đập phá lung tung làm vợ con khiếp vía. Khi chúng tôi đưa ống kính lên chụp ảnh, anh Huấn liền đứng “tạo dáng” để hợp khuôn hình.

Oái oăm hơn là nhà bà Tỵ, cả bà và đứa con út đều mắc chứng tâm thần, điên điên dở dở. Trưởng thôn Sơn cho biết, bà Tỵ là một trong những người đầu tiên ở cái làng này bị bệnh tâm thần, sau đó không lâu thì con gái của bà cũng có biểu hiện giống như mẹ mình.

“Trước đây, mỗi lần bà ấy lên cơn là lại cởi hết quần áo, chạy tung tăng trên con đường làng, hò hét, hát vớ hát vẩn. Đôi khi lại thơ thơ thẩn thẩn như người có tâm trạng, ngắm nhìn xa xăm không chớp mắt”, ông Sơn cho hay.
Hiện nay bệnh tình của bà Tỵ có đỡ phần nào nhưng cô con gái út Trần Thị Hường lại “thay” mẹ lang thang khắp đường làng ngõ làng ca hát vu vơ. Trông mẹ con bà thật tội nghiệp, ngôi nhà xiêu vẹo, tồi tàn, trong nhà không có một thứ nào đáng giá.


“Đại dịch” tâm thần ở làng núi Eo Sơn chủ yếu rơi vào lớp trẻ.

Đau lòng nhất ở làng núi Eo Sơn phải kể đến nhà ông Trần Thanh X. (xin được để tên ông như vậy). Ông X. có hai đứa con ngoan, học rất giỏi đột nhiên bị chứng tâm thần mà không rõ nguyên nhân. Hai đứa con của ông X. sau thời gian nỗ lực điều trị của gia đình cũng đã trở lại được giảng đường đại học.

Thế nhưng ông bà cũng không yên tâm về sức khỏe của con, nên phải lo thuốc thang thường xuyên. Ông X. cho hay: “Chúng đi học thế chứ nhiều lúc cũng phải nhập viện. Con bệnh tật, học xa thương lắm. Nhiều khi vợ chồng phải thay nhau ra Hà Nội cùng con, phòng khi chúng lên cơn còn có người đưa đi…”.

Đó chỉ là những điển hình về căn bệnh quái ác đang hoành hành tại làng nghèo tựa núi này. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp mắc bệnh chúng tôi không nói hết được. Nói như ông Sơn, không biết vì lý do gì mà Eo Sơn đang phải gánh chịu một thảm họa kinh hoàng.

Vì đâu?

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng phải giật mình, bởi đa số bệnh nhân tâm thần đều rơi vào lớp trẻ. Được biết, năm 2000, làng Eo Sơn chỉ có vài trường hợp. Bước sang năm 2005 con số tăng thêm 7. Và cứ như thế, số người bị bệnh tâm thần lại tăng lên theo từng năm.

Bí thư làng Trần Văn Giáp lo lắng: “Dân làng Eo Sơn hoang mang lắm, bởi từ trước tới nay chưa từng có “đại dịch” bị bệnh tâm thần xuất hiện nhiều như thời gian như mấy năm trở lại đây”.

Trước tình trạng làng núi ngày càng có nhiều người mặc bệnh tâm thần như thế, nhiều nguyên nhân được người dân đưa ra để lý giải cho “đại dịch” này, tuy nhiên tất cả mới chỉ đang là phỏng đoán, chưa có nguyên nhân nào được xem là chính xác nhất.

Theo nhiều người dân kể lại, làng Eo Sơn nằm trên ngọn núi Con Rò. Trước ở núi có 2 ngôi chùa rất thiêng, nhiều người đến thắp hương, cầu cúng, chùa tên là chùa Anh và chùa Em.

Do dân làng không biết bảo vệ, chùa dần biến mất với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự phá phách của con người. Chính từ đó, người dân làng Eo Sơn bỗng dần teo tóp, người khỏe đổ bệnh, trẻ nhỏ lớn lên mắc triệu chứng tâm thần.


Trưởng Thôn làng Eo Sơn Nguyễn Văn Sơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, giải thích rằng, làng này nằm ở hàm trên của rồng. Trước đây làng có 2 giếng nước, tượng trưng cho 2 mắt rồng, nhưng qua thời gian làm đường, một giếng bị lấp. Từ đó nhiều người cũng xuất hiện triệu chứng không bình thường.

Một cao niên trong làng thì cho hay, vào những năm 1966 – 67, vùng đất này giặc Mỹ hay nhòm ngó, bom thả dữ dội. Có thời, xảy ra chiến tranh ác liệt ở cầu Kho vùng này. Như năm ngoái ấy, người ta đi rà phát hiện ra một quả bom chưa nổ rất to. Vùng đất này chắc đang bị ô nhiễm nguồn nước.

Ông Giáp và một số người dân thì lại đưa ra nhận định có thể nguyên nhân chính từ nguồn nước. Bởi nguồn nước giếng ở đây có than đá và nghe nói còn có hàm lượng Mangan, một loại độc tố cực mạnh, nằm rất nhiều, sâu trong lòng đất.

Người trong làng cho biết: “Cách đây mấy năm có thợ từ nơi khác đến đào giếng thuê, có phải vì khơi trúng mạch ngầm của khí độc nằm sâu trong lòng giếng hay không nên bị ngạt, ngất tại chỗ. May người dân kịp thời đưa cấp cứu, mới qua hiểm nguy”.

Xung quanh nguồn nước giếng, người dân chỉ cho chúng tôi xem nhiều hiện tượng “lạ”: “Nước giếng của 32 hộ ở khu vực làng này, để dưới nắng một lúc ngửi thấy mùi khét. Đáng sợ hơn, chất bùn ở dưới các giếng múc lên có màu đen óng, đổ xung quanh gốc cây, lập tức cây cối héo dần rồi chết”.

Tuy nhiên, giả thiết về nguồn nước cũng chưa hẳn. Trạm trưởng y tế xã Thanh Lâm cho hay: “Đến nay chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân vì sao. Riêng giả thiết về bệnh tâm thần do di truyền qua các thế hệ đều bị loại trừ, nguồn nước bị ô nhiễm cũng chưa hẳn vì từ trước tới nay nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì đáng lẽ ra đã có rất nhiều trường hợp bị bệnh tâm thần rồi. Riêng các trường hợp bị bệnh tâm thần ở làng Eo Sơn thời gian gần đây là khá bí hiểm. Chúng tôi vẫn không thể có được kết luận cụ thể”.

Rời làng Eo Sơn, chúng tôi mang theo lời nhắn nhủ của bà con: “Nếu cứ xảy ra tình trạng ngày một nhiều bệnh nhân bị bệnh tâm thần thì dân chúng tôi sợ lắm. Chỉ mong sao sớm có các đoàn khoa học về tìm hiểu, kiểm tra có biện pháp, nếu không có lẻ chúng tôi sẽ chuyển làng đi nơi khác thôi”.

GIANG GIANG

Theo Bưu Điện Việt Nam