THÁI THÚ HỌ NGƯU


Miền Tích Châu, có Uông Tả Viên tiên sinh, biệt hiệu là Sĩ Khang. Trong niên hiệu Gia Khánh, Uông Tả Viên thi đỗ tiến sĩ, được bổ làm huyện lịnh ở Tứ Xuyên. Dưới quyền quản lãnh của tiên sinh có viên Thái Thú họ Ngưu, vốn là hàng đồng niên và đã chiếm Á Nguyên ở bản tỉnh.

Quan Thái Thú này, bàn tay mặt là tay người, còn bên trái là móng ngựa. Ông nhớ rõ ba kiếp trước, tường thuật với tiên sinh rằng:

Ðời trước tôi là một vị tướng, vì đánh giặc Miêu tàn sát quá nhiều, nên Minh quan phạt cho chuyển kiếp làm ngựa. Khi sanh ra đã đổi thành thân ngựa trong tàu, tự làm bị thương la ré nhảy cắn, không ăn mà chết. Minh ty quở là cưỡng lệnh, đánh phạt, rồi cũng cho chuyển sanh làm ngựa như cũ. Lần này, vì sợ trách phạt, nên không dám cầu chết, khi lớn lên được một vị tướng quân chọn lựa để cỡi. Viên tướng nầy tánh tình nóng nảy hung bạo, nên thân mình tôi hằng bị roi vọt, trăm điều thống khổ!

Một hôm, vị tướng đánh giặc thua, bị quân địch đuổi theo rất gấp. Tôi chở chủ tướng bôn đào, thoạt chạy đến một khe núi rộng ước hơn trượng, bờ bên kia đá nhọn dựng chập chồng. Lúc ấy tôi nghĩ: “Nếu nhảy qua mình sẽ phải chết, xong chủ tướng có thể đào sinh. Như không vượt qua, tất chủ bị binh giặc theo giết”. Nghĩ xong, liều mình cố hết sức nhảy qua khe núi, bụng bị đá nhọn đâm, rách ruột mà chết. Vị tướng nhờ đó mà thoát nạn.

Sau khi tôi chết, Minh ty khen là trung nghĩa, hứa cho chuyển thân người lại là văn quan, lên đến bậc tứ phẩm. Trước kia lúc tôi sắp làm ngựa, quỷ tốt lấy da ngựa khoát vào mình, đến khi trở lại làm người, lại lột da ngựa ấy đi. Nhưng vì tôi đã hai kiếp làm ngựa, da dính khắn vào thân, quỷ dùng dao lột ra, đau đến tận xương tủy. Khi dao rạch đến móng lại càng đau đớn, không thể nhẫn, nhân mới lén lút dấu móng chân đàng trước. Quỷ tốt cũng không để ý phát giác. Chẳng ngờ vì duyên cớ đó, mà chuyển sanh bàn tay lại thành móng ngựa.

Kể chuyện xong, Thái Thú bảo Uông Tả Viên rằng: Lộc vị của tôi chỉ đến chừng này, mạng sống cũng chẳng còn bao lâu, đến ngày tháng ấy … sẽ từ trần.

Sau việc quả nhiên.

(Trích Phụ Lục - Thiện Ác Nhân Quả)