Điều gì đó đang mất đi...


Rylan Higgins -Ảnh do R.Higgins cung cấp
TT - Tại nhiều nơi ở VN, sự tiêu dùng lãng phí đã trở nên phổ biến. Tuy rằng xã hội tiêu dùng có thể đáp ứng một số nhu cầu, song một khi chủ nghĩa tiêu dùng hướng đến địa vị chiếm ưu thế, những hậu quả rắc rối sẽ nảy sinh. Một số lễ cưới ở TP.HCM là minh chứng rõ nhất cho mặt trái của chủ nghĩa tiêu dùng.

Như nhiều xã hội khác, lễ cưới từ lâu là một truyền thống có giá trị văn hóa ở VN. Nhưng những sự biến tấu gần đây đã bắt đầu làm xói mòn ý nghĩa của việc tổ chức hôn lễ. Điều này có thể giải thích một phần bởi việc lễ cưới đã trở thành hàng hóa. Những đôi uyên ương giờ đây thuê trang phục cưới Tây âu sang trọng, xe hơi đắt tiền, thuê thợ chụp hình mình khắp nơi trong thành phố.

Quan trọng nhất là buổi tiệc mừng đám cưới, theo truyền thống do gia đình chú rể chuẩn bị và ăn ở nhà chú rể với gia đình và bạn bè, giờ đây thường được đưa ra ngoài, do những người lạ chuẩn bị, tổ chức trong những phòng tiệc hào nhoáng nhưng với bầu không khí không còn trang trọng như trước.

Tôi đã nghe kể nhiều câu chuyện về việc khách ngồi nhầm đám cưới. Họ đến một nơi đãi tiệc thật hoành tráng và thường phải chọn từ một danh sách sáu tiệc cưới đang được tổ chức ở cùng một nhà hàng. Thỉnh thoảng có người khách vô tình đi nhầm đám cưới mà không biết đến khi nhập tiệc. Những người này hẳn rất bối rối khi quyết định xin lại phong bì tiền mừng mà mình đã gửi ở lối vào.


Một đám cưới tiết kiệm nhưng vẫn vui tươi, đầy đủ nghi lễ tại nhà hàng Việt chay, TP.HCM - Ảnh: H.T.V.
Tiệc cưới giờ đây có thể được mua bán, xét một phương diện nào đó nó chẳng khác các loại hàng hóa, dù ở nhiều nơi khách hàng không có nhiều lựa chọn. Đây là loại hàng “một kiểu cho tất cả”. Đi ăn cưới ở đâu bạn cũng thấy nhân viên chuẩn bị trước mọi thứ, kể cả việc trang trí, âm nhạc, MC, bánh cưới, các vũ công và thậm chí hiệu ứng khói. Một đội quân người lạ sẽ phục vụ khách của bạn, như họ từng làm cho hàng ngàn đôi tân lang tân nương khác. Những phòng tiệc này rất to, cô dâu và chú rể trả tiền cho từng bàn một. Đặt càng nhiều bàn, họ càng được hưởng nhiều dịch vụ miễn phí đi kèm.

Trong sáu năm ở VN, tôi đã dự nhiều đám cưới và thường choáng trước cảnh “sản xuất đại trà” ở những tiệc cưới đó. Khách nam hầu như luôn được phục vụ bia Tiger hoặc Heineken, còn khách nữ uống nước ngọt. Người phục vụ thường chẳng cần hỏi mà chỉ rót. Ai có thể trách họ? Thức ăn thì lúc nào cũng như nhau, thật bình thường, không thể sánh bằng những món mà tôi ăn ở nhà các bạn VN.

MC có vẻ như tiếp thị cho công nghệ hiện đại mới nhiều hơn và chẳng quan tâm nhiều đến cô dâu chú rể. Ngoài những người chủ nhà hàng, tôi không biết ai đang được lợi từ xu hướng này. Và dù không thể nói chính xác, tôi nghi ngại có một điều gì đó đang mất đi...

RYLAN HIGGINS
(nhà nhân chủng học người Canada)