Độc đáo nghề trổ giấy
23/08/2008 0h27 (GMT+7)

Ở Trung Hoa có nghề trổ giấy cực kỳ độc đáo, có từ cách đây gần 1.000 năm (từ đời nhà Tống năm 618 trước công nguyên). Bài viết được phóng viên VTC News gửi về từ Bắc Kinh.

Ông Zen Zhenshan, 64 tuổi có lẽ là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại của thứ nghệ thuật độc đáo này.

Ông cho biết từ nhỏ ông đã đam mê môn trổ giấy.

Sinh ra ở vùng Shanxi, nơi khởi tổ của nghề thủ công truyền thống, ngay từ lúc còn bé Zen đã rất thích những nhân vật hảo hán Thuỷ hử, Quan Vũ Trương Phi... được trổ bằng giấy.

Trong lần đi xem một nghệ nhân cắt giấy ngoài đầu làng, cậu bé tỏ ra rất thích thú và ngỏ ý xin được cầm dao cắt thử.


Ông Zen đã gắn bó với nghề cắt giấy gần trọn cuộc đời.

Như một định mệnh, chiếc dao đó đã gắn liền với đôi tay ông đến tận bây giờ.

Để vừa giữ nghề vừa kiếm sống Zen đã lên Bắc Kinh và hành nghề được 17 năm. Nơi ông Zen sinh sống và chế tác nằm ở một góc nhỏ của khu phố cổ Hutong.

Theo ông Zen, Hutong chính có điều kiện lý tưởng nhất để làm nghề này. Không gian ở đây yên tĩnh phù hợp với công việc đòi hỏi sự khéo léo và tĩnh tâm.



Những hình cắt của ông được người dân Bắc Kinh mua treo trong nhà với mong muốn luôn gặp may mắn, hạnh phúc.

Những tác phẩm mà ông Zen treo bán khá đa dạng. Thường những bộ tranh mà ông làm đều có khoảng 20 - 25 chiếc, nội dung mô phỏng lại những điển tích cũ, những tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc như Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc diễn nghĩa, Thuỷ Hử... Thậm chí còn có cả các hình về hát hí của Bắc Kinh và nhân vật trong các tích tuồng cổ Trung Hoa.

Tuy nhiên nghề chơi này cũng lắm công phu, để có một tấm hình cắt, nghệ nhân phải mất khoảng 3 ngày. Giấy dùng để cắt là loại cực mỏng. Những nét cắt cực nhỏ, nếu cắt không khéo thì cầm như bức tranh sẽ không nổi được hình.



Những kiều nữ trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng được chuyển thể thành tranh cắt

Theo nghệ nhân Zen, việc quan trọng nhất tạo bàn sáp để cắt. Bàn không được nhão quá đủ đảm bảo không miết đầu dao trổ, nhưng cũng không được cứng quá để không làm rách giấy.

Quan trọng nhất là các đường lượn, đầu dao phải bén, ngọt và khi trổ những đường cong phải không bị đứt quãng, như vậy nét cắt sẽ không được "ngọt".




Để hoàn thành bộ tranh ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi ông Zen phải mất khoảng hơn 3 ngày.

"Mỗi nghệ nhân có quan niệm khác nhau về tạo hình nên sản phẩm thủ công làm ra không bao giờ giống nhau. Điểm tương đồng lớn nhất giữa những nghệ nhân làm nghề này là lấy màu đỏ truyền thống làm tông chủ đạo bởi vì những vật trang trí giấy là tượng trưng cho sự ấm no và hạnh phúc quanh năm" - ông Zen cho biết.

Theo truyền thông Trung Hoa, người ta thường trổ giấy theo nhiều hình thù, dán lên khung cửa kính trong dịp năm mới để trang trí và cầu phúc. Các hình tượng mang lại hạnh phúc và may mắn cũng rất được ưa chuộng khi dùng để trang trí trong nhà

Ông Zen cho biết, người Bắc Kinh dù có cuộc sống có hiện đại đến mấy, nhưng quan niệm về sự may mắn, hạnh phúc vẫn khá truyền thống. Chính vì vậy, gần đây ngày càng có nghiều người muốn theo học nghề này.

Hiện tại ông Zen cũng đang có khoảng 60 học sinh đang theo học nghề. "Tôi muốn truyền hết nhiệt huyết để dạy lại lớp trẻ những ngón nghề mà mình đã tích cóp trong hàng thập kỷ qua. Nếu sau này khi không còn trên cõi đời nữa thì nghề trổ giấy sẽ không bị mai một vì tôi đã có những người học trò tiếp bước" - ông Zen cười sung sướng.

Lê Minh (PV VTC News từ Bắc Kinh)