Cả thế giới đeo bùa

Một điều hết sức lạ lùng là, Đông cũng như Tây, cổ cũng như kim, văn minh hay mông muội, da vàng hay da trắng, da đỏ hoặc da đen, đàn ông hoặc đàn bà … dân tộc nào trên thế giới cũng đều có… bùa.

Tôn thờ ở một đấng Thần linh, mà dường như sự phát triển của khoa học và sự nghiêm khắc của giáo dục vẫn không thể nào “hạ gục” được, người ta cho rằng nếu trong người có một vật gì “để làm tin” thì sẽ được Thần linh phù hộ. Vật làm tin ấy gọi là Bùa.

Nhân loại làm bùa, không phải từ thời Trung cổ mà từ thời tiền sử, sống trong hang đá. Bởi vậy bùa... nhiều vô kể.

Chất liệu làm bùa phong phú vô cùng. Lúc đầu là những vỏ sò, vỏ hến có hình dạng đặc biệt, rồi bằng đất sét nung, bằng giấy, bằng vải, bằng kim loại, bằng đá quý kể cả kim cương, bằng răng báo, vuốt hổ, ngà voi ..

Hình dạng khác nhau, màu sắc khác nhau tuỳ thuộc vào tôn giáo hoặc nền văn hoá. Bùa các nước Trung Đông xưa có khắc những câu thần chú khó hiểu (như acabradacabra chẳng hạn) hoặc những câu trích từ thánh kinh, các hình vẽ kỳ quặc có tính chất biểu tượng, ví dụ con bọ hung tượng trưng cho sự tái sinh, con ếch tượng trưng cho lắm con nhiều cháu, chiếc móng ngựa tượng trưng sự may mắn. Ở châu Phi, bùa còn là những chiếc túi nhỏ bằng thổ cẩm, hoa văn đẹp trong đó đựng các cây thuốc, các lá thiêng.

Thật thú vị, trường Đại học Freiburg (Đức) có một “bảo tàng bùa” nho nhỏ, dành riêng cho một “chuyên đề hẹp” trưng bày hàng nghìn lá bùa Ai Cập, mà cổ nhất là những bùa bằng đất nung làm từ thế kỷ 12 trước Công nguyên. Nhiều loại tìm thấy khi khai quật các Kim tự tháp.

Quyền lực của bùa

Là đại diện của Thần linh, bùa được gán cho biết bao nhiêu là tác dụng. Nó bảo vệ con người, tránh đủ mọi thứ rủi ro, bất hạnh: tai nạn, bệnh tật, sự quấy nhiễu của ma quỷ và đôi khi còn có tác dụng chữa bệnh nữa.

Phổ biến nhất là xua đuổi tà ma. Trước đây, nhà có tang, nhất thiết phải mời các thầy phù thuỷ cao tay về, vẽ những lá bùa, phù phép vào rồi đưa gia chủ treo trên khung cửa để “trấn”, không cho lũ ma vô hình có lối vào nhà. Trẻ con được một lá bùa thầy cấp, đeo trên khuyết áo là yên tâm, không sợ bị ma quỷ “nhập” làm lẩn thẩn, ốm đau. Đi trận tiền, có bùa hộ mệnh trên mình thì “đạn tránh người chứ người không cần tránh đạn”.

Có lẽ hiện nay, trong hoàn cảnh các lái xe lái bừa, lái ẩu, đường chật, người đông, có rất nhiều vị ngồi trên ô tô... thủ sẵn một lá bùa kiểu này trong ví. Không chỉ ta thôi đâu nhé. Báo chí đăng: vận động viên nổi tiếng người Đức Michael Schumacher, nhà vô địch đua ô tô Công thức 1 của thế giới cương quyết đeo bùa khi thi đấu, bất chấp lệnh cấm của Liên đoàn đua xe ô tô thế giới (FIA).. Anh tâm sự: Đó là chiếc bùa mà anh được vợ là Corinna trao cho sau khi bị gãy chân trên đường đua Silvestone vào năm 1999. Kể từ đó anh liên tục đoạt chức vô địch. Chẳng phải là bùa mang cho anh may mắn đó sao?

Đến một số chùa, cúng tiền vào hòm công đức, bạn sẽ được các vị sư trụ trì tặng lại một lá bùa bằng 2 ngón tay, ép plastic cẩn thận để bạn đặt trên túi áo ngực. Họ bảo bạn sẽ luôn luôn có quý nhân phù trợ. Sang Lào và Thái, vãn cảnh chùa, bạn sẽ được hoà thượng đeo vào cổ tay một sợi dây, rảy nước và dặn cứ để vậy mãi. Bùa đấy!

Song bùa không chỉ bảo vệ con người, mà còn bảo vệ tài sản và những con vật nuôi trong nhà. Người ta tin rằng dán bùa nơi chuồng gà vịt, chuồng trâu bò, chúng sẽ không bị bệnh. Dán bùa trước cửa nhà (dân A-rập không dán mà chôn), chúng sẽ được bảo vệ khỏi cháy và ngập lụt. Bùa chống được Thần Dịch, Thần Lửa, Thần Nước, người ta tin thế.

Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, bùa chỉ thiêng sau khi được phù phép, tức là được Thần linh thừa nhận. Nếu không, nó chỉ là một vật vô tri, không có ý nghĩa gì. Đó là chưa kể có loại bùa còn phải luyện theo một “quy trình công nghệ” bí truyền nào đó. Ít ra bùa yêu phải gắn với ngày sinh tháng đẻ của người mình thầm yêu trộm nhớ chứ!

Gần đây, có chuyện luyện bùa nghe mà ghê cả người. Ngày 13-7-2005, Chi cục Hải quan Bưu điện TP. Hồ Chí Minh phát hiện: ông Đoàn Ngọc Phăng gửi một chiếc sọ người cho người quen là Dương Trùng Dương bên Mỹ làm nghề thầy bùa, tự xưng là Thần pháp sư, để ông này luyện đạo bùa mang tên Thiên linh cái” cho một khách hàng với giá 50.000 đôla. Bùa phải luyện từ sọ một cô gái còn trinh mà tại xứ sở Hoa Kỳ, ông ta không tìm mua được. Chẳng hiểu lá bùa đáng sợ ấy dùng để làm gì.

Chữ mà các thầy phù thuỷ viết trên lá bùa nhì nhằng, chằng chịt, rối rắm hơn cả gà bới, dường như để “loè” gia chủ, chỉ thầy và ma mới hiểu được. Bởi thế, chữ ai xấu xí, đọc chẳng ra, người ta bảo là “vẽ bùa”. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương tự giễu mình cũng dùng hình ảnh này:
“Báo chương mấy độ vẽ bùa
Bán buôn cũng đủ tiền mua trăng rằm”

Bùa – điểm nhấn của thời trang

Thời đại của thời trang, con người, đặc biệt là thế giới môi hồng, muốn bất cứ “phụ tùng” gì mình mang trên người đều phải đẹp. Bùa không thể lúi xùi như xưa được nữa, mà phải là một nhân tố làm tăng vẻ đẹp và “ăn ý”, biến hoá theo trang phục của những người đẹp duy tâm.

Lấy môtip của những loại bùa cổ điển, các nhà thiết kế thời trang có cả một đội ngũ chuyên thiết kế... bùa. Những mẫu bùa rất bắt mắt trở thành một điểm nhấn kín đáo mà duyên dáng , trên ngực, trên ve áo, vòng quanh chiếc cổ 3 ngấn nuột nà của nữ chủ nhân. Thật nhất cử lưỡng tiện.

Nhưng bạn có biết không, chính phát minh dùng bùa làm đồ trang sức lại là bản quyền của cô thôn nữ Việt Nam đấy nhé. Cái cô bé tóc bỏ đuôi gà và hàm răng đen nhánh như hạt huyền làm các chàng trai chết mê chết mệt, tìm ra đủ mười lý do để ”thương”, thì trong đó có một dành cho lá bùa, đó là :
… Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua rõ ràng …

Thời buổi hiện đại, các hãng thời trang giới thiệu cả một catalog bùa cực kỳ xinh xắn làm rối trí người đẹp. Nếu chưa tin, bạn dành vài ba phút lướt Net sẽ thấy bùa được các nhà thời trang ưu ái đến thế nào.

Bùa có “linh” không ?

Một câu hỏi thật khó trả lời. Người không đeo bùa tất nhiên chỉ cười, cái cười khôn ngoan để làm người khác khỏi phật ý. Còn những ai kín đáo dắt một lá bùa trong ví sẽ hào hứng một cách thật lòng: “Linh chứ! Linh lắm chứ! Không, ai đeo làm gì. Cứ suy từ tôi ra thì thấy...”. Và tiếp theo là những lời lẽ đầy sức thuyết phục từ miệng anh ta, rằng đã từng sống sót ra sao từ một tai nạn trong đường tơ kẽ tóc. Nó cũng như thể niềm tin tôn giáo. Tin hay không, tuỳ bạn! Nó vô hại, chẳng ai nên bài bác ai.

Và chắc là “bịa” cho vui thôi, ca dao đã cho ta một hoạt cảnh rất sinh động và dí dỏm về tác dụng của lá bùa yêu. Này nhé:

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.


Chẳng hiểu ông sư ấy trẻ hay già mà không tránh nổi cú sét ái tình dưới sự dẫn dắt của lá bùa màu nhiệm.

Ai lại đi yêu người xuất gia tu hành, làm tình làm tội người ta, hỡi cô Thị Màu yếm thắm./.