(LĐ) - Nếu như 20 năm trước, Quỳ Châu rộ lên nạn đào đá đỏ, thì nay lại bắt đầu với nạn đá đen. Và, thảm cảnh sập hầm, người chết lại tái diễn...

chào hàng
Những miệng hầm há hốc đã biến cả khu rừng Lắng Ban của bản Na Xén (Châu Hạnh - Quỳ Châu - Nghệ An) trở nên nham nhở. Những gương mặt lem luốc, bất chấp hiểm nguy, đang ngày đêm "lật rừng" để đào đá đen, một thứ quặng chưa được xác định đang làm cho cuộc sống của người dân nơi đây có nguy cơ bị đảo lộn.

Hết đá đỏ, "xỏ" đá đen...

Xã Châu Hạnh được coi là nơi "sờ đâu tiền đó". Nói như vậy để thấy rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều khoáng sản quý hiếm. Nào vàng, nào mangan, hồng ngọc... và nay là một loại quặng có màu đen y như than đá. Các cơ quan chức năng cũng chưa xác định được quặng gì, nhưng dân gian thì quen gọi là đá đen.

Ngày trước khi cuộc đào bới đá đỏ nở rộ đã không ít người bỏ mạng chỉ vì mong đổi đời. Và cũng vì nạn đá đỏ mà không biết có bao nhiêu người lao vào con đường tệ nạn, đời cũng đã có đổi nhưng là đổi sang cảnh khuynh gia, bại sản. Đã có người hát xẩm "sáng tác" hẳn một "ca khúc" về đá đỏ: "Châu Bình đó là nơi mỏ đá hồng, dân tìm đến để đào, rồi thành bao oan hồn...".

Và cũng từ đá đỏ, cái tên "sếp" để gọi những tay buôn, "cò" đá được phổ biến cho đến ngày nay. Bây giờ vẫn vậy. Hễ có người hỏi mua đá đen là lập tức được gọi bằng "sếp". Các "sếp" ở Vinh lên à? Chúng tôi cũng vinh dự được gọi như thế.

Bản Na Xén cách thị trấn Quỳ Châu chừng 4km. Con đường vào bản nay đã khác rồi, một mạch đường nhựa phằng lì. Ngọn núi Lắng Ban nằm ven đường lớn, chỉ cách nhà dân chừng dăm chục bước chân.

Tuy đang là thời điểm nông nhàn, nhưng vào bản nhà nào cũng vắng tanh. Một người dân đã nói với chúng tôi: "Các sếp không biết à, bản mình đi đào đá đen cả rồi. Chờ một tí nữa khi cán bộ vào là họ lại về thôi".

Trong vai các "sếp", chúng tôi vào tận chân núi Lắng Ban để mục sở thị loại đá được ví là "vàng đen". Dưới chân đồi, lưng chừng núi, những miệng hố như bộ hàm của những con ếch khổng lồ đang cố phình mang kêu rên trong cơn đau dữ. Rừng đang kêu cứu.

Không chỉ có người lớn mà trẻ em tham gia "lật rừng" cũng không ít. Chúng nó cũng đào, cũng chui, hì hục và hớn hở khi khai được mỏ lớn. Em Lô Văn Xuân lem luốc trong bộ quần áo tả tơi, mồ hôi nhễ nhại, hớn hở nói: "Chừng này khoảng được 1 yến đấy. Sếp thấy toàn là đá đẹp không, viên nào cũng hình lục lăng nhé. Mấy hôm trước chưa bị cấm, em bán 10.000 đồng/kg, nay thì phải hơn, 12.000".

Một phụ nữ khác cương quyết không chịu "khai" tên thì bảo: "Mình không biết đá chi mô, có người mua thì đào thôi. Mấy hôm nay không làm ồ ạt như trước được, tranh thủ thôi. Bữa nào cán bộ làm căng quá thì bọn mình đào đêm".

Tôi hỏi thăm, mỗi ngày nhà chị đào được bao nhiêu đá? "Cả ba mẹ con cùng đi, hôm nào may thì được vài yến. Mấy bữa nay làm chớp nhoáng nên không ăn thua" - chị này cho biết. Thế không sợ bị sập hầm à? "Sợ chứ, nhưng mà sống chết có số rồi. Cả bản cùng đi, mình cũng đi thôi".

"Sự tích" của loại đá đen này không một người dân nào ở Na Xén biết đến. Khoảng đầu tháng 8, bà con thấy có một toán thanh niên ở bản Thuận Lập rủ nhau vào Na Xén để đào bới. Đá đào đến đâu có người thu mua đến đó, đá gì mà bán từng cân, chắc là quý lắm. Thế là cả bản cũng đi đào theo. Rồi một số người dân từ nơi khác hay tin "vàng đen" xuất hiện, cũng cuốc, xẻng đào bới.

Theo ông Lê Văn Hiền thì mỏ đá này nằm lộ thiên, chỉ cách mặt đất từ 0,5 - 4 mét. Nhà ông Hiền cả mấy cha con đào được cả tạ đá mỗi ngày. Hiện nhà ông còn 3 tạ chưa bán vì nghe đâu giá còn lên nữa.

Hiện tại, các "sếp" chỉ mới mua từ 4.000 - 12.000 đồng/kg. Đá đen được chia thành hai loại, các "sếp" gọi là đá 1 và đá 2. Đá 1 là loại đá nhỏ, nắm gọn trong lòng bàn tay. Loại đá này có hình lục lăng, giá bán là 12.000 đồng. Còn loại đá to hơn, hình tròn chỉ bán được 4.000 thôi.

"Mấy ngày đầu, nhà mình bán rẻ quá, chỉ được hơn một triệu đồng. Để đến nay chắc là cao hơn rồi" - ông Hiền thành thật.

- Bác không biết mình đào thế này là vi phạm à?

- Biết chứ, nhưng mọi người làm thì mình cũng làm thôi.

- Bây giờ đã có chủ trương cấm rồi, sao mình vẫn làm?

- Thì khó khăn mới đi làm kiếm tí tiền, mà chỉ tranh thủ thôi.

Trở lại với đám trẻ lem luốc chui từ hầm lên với những bì, những rổ, chúng nó đều đáp: "Tranh thủ kiếm tiền mua sách vở". Tôi nhẩm đếm chừng vài chục đứa, thậm chí có em còn chưa sạch mũi cũng mang gùi đi nhặt đá.

Mặt trời đứng bóng, tiếng cười nói, gọi nhau làm náo động cả khu rừng. Trên cao, những tảng đá lơ lửng, lưng chừng, những hầm ếch trơ miệng...thật đáng sợ!

Trẻ nhỏ cũng "xung trận lật rừng".
... Và sập hầm, người chết

Rời núi Lắng Ban, chúng tôi tìm đến nhà trưởng bản để thưa chuyện đá. Đáng tiếc, ông Lô Văn Thái lại không có nhà. Nằm liệt trên sàn là em trai ông Thái - Lô Văn Dũng. Dũng khó nhọc trườn dậy để tiếp khách thay anh.

Khi nói đến đá đen, mặt em biến sắc như tàu lá. "Kinh lắm anh à, em sợ lắm rồi" - Dũng tái mặt. Thì ra, cậu vừa thoát chết vì tai nạn sập hầm. Dũng khó nhọc kể lại câu chuyện sập hầm: Vừa vác balô từ trường thi đại học trở về, Dũng thấy bà con đi đào đá nên cũng vác xẻng đi theo. Mấy ngày đầu chưa việc gì. Đến ngày thứ ba, đang chui vào hầm thì bất ngờ đá lở. Lúc đó, Dũng như chim cánh cụt chỉ biết vùi đầu vào trong hầm, nhắm nghiền mắt để trốn. May cho em là chỉ bị phần chân. Đôi chân Dũng vẫn đang sưng vù như chân voi, chưa đi lại được.

Dũng chưa thôi sợ hãi: "Hôm đó, cháu Hà nhà bên kia bị chết ngay tại chỗ. Một thằng bạn của em cũng bị thương nặng". Đó là buổi sáng ngày 24.8, cháu Lê Văn Hà (8 tuổi), đang là học sinh lớp 4 cùng mẹ và em gái lên núi đào đá. Khoảng 7 giờ 30 phút, khi ba mẹ con vừa khơi được miệng hầm thì bất ngờ một tảng đá ập xuống. Cả khối đá khổng lồ đã đè ngang người Hà làm em chết ngay tại chỗ.

Kể đến đây, Dũng rùng mình, nói không thành tiếng. Em cố nói hết câu chuyện trong hơi thở gấp gáp: "Sau vụ cháu Hà bị chết, em nghe mấy người già bảo, thời Pháp thuộc, ở Châu Hạnh có 48 phu đào vàng cũng bị sập hầm mà chết. Bây giờ thì em không đi đào nữa đâu, sợ lắm".

Còn em Vi Văng Hùng thì lại hớn hở khoe với chúng tôi với giọng điệu rất có nghề: "Nhà cháu còn chừng dăm yến, "sếp" mà mua thì cháu đi gom luôn cho. Chỉ cần "sếp" gật đầu là bọn cháu đốt đèn làm cả đêm mà. "Sếp" đừng sợ mất, gom hàng xong thì gửi vào một nhà nào đó gần đường, đủ chuyến là bốc luôn trong đêm, tấp lên vài chục bó củi thì có trời mới biết".

Nhờ Hùng, chúng tôi đã tìm được nhà anh Quyết, chị Hương - bố mẹ của cháu Hà. Anh Quyết được coi là gia đình khá giả nhất nhì trong xã. Căn nhà sàn óng ánh gỗ hương đang dựng dở phải tạm ngừng lại sau vụ tai nạn thảm khốc kia. Chị Hương - mẹ cháu Hà vẫn đang nằm liệt gường. Chị thút thít được mấy câu rồi lại lịm: "Thấy bà con đi đào đá kiếm được tiền nên mẹ con em cũng theo đi. Thằng nhỏ cứ nằng nặc đòi đi để kiếm tiền mua sách vở. Ai ngờ đen đủi đến thế...".

Tại trụ sở UBND xã Châu Hạnh, ông Vi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch đã chuẩn bị đầy đủ các văn bản liên quan đến việc khai thác đá đen. Tuy nhiên, ông Hạnh cũng tỏ ra thành thật: "Chúng tôi cũng chưa biết đó là loại khoáng sản gì, chỉ biết bà con thi nhau đi đào để bán cho người có tên là Tân. Nạn khai thác này không những khoáng sản bị xâm phạm, rừng bị tàn phá, môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng, mà tính mạng của người dân cũng bị đe doạ. Thực tế là đã có người chết rồi.

Sau vụ tai nạn, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác để tuyên truyền cho bà con, yêu cầu bà con ngừng khai thác. Xã cũng đã có báo cáo với huyện, nhưng nói thật là rất khó đẩy đuổi. Thứ nhất là, dân họ làm nhỏ lẻ mình không quản lý được. Thứ hai là, lực lượng quá mỏng nên không thể kiểm tra thường xuyên. Cứ mình có mặt thì họ nghỉ, mình rút về thì họ lại làm".

Chúng tôi rời Châu Hạnh mà không khỏi chạnh lòng cho những thửa ruộng đang dần úa màu. Không biết, đá đen có đổi đời cho bà con được không, hay rồi lại bỏ bê ruộng vườn để dọn đường cho cái đói, cái nghèo trở lại?
Phạm Việt Thắng