Nữ tướng cướp Tám Lũy - huyền thoại trong giới giang hồ

Nữ tướng cướp tổng chỉ huy của một dòng họ 4 thế hệ trộm cướp này đã hoàn lương... Thế nhưng, trong số anh em, con cháu của bà Tám, vẫn còn những kẻ đang tiếp tục phạm tội. Câu chuyện dưới đây quay lại thời gian 50 năm trước, khi Tám Lũy còn là một thiếu nữ.

Lịch sử của dòng họ tội phạm Tám Lũy bắt đầu từ Trần Văn Rốp, tức Mười Rốp, người đàn ông to con, giỏi võ, tính tình nóng nảy, hành xử kiên quyết, thô bạo, nhưng đôi khi cũng tỏ ra là người có óc hài hước. Nhiều cụ già tuổi trên 80 ở vùng chợ nhỏ Thủ Đức ngày nay kể lại rằng lúc đầu Mười Rốp sống bằng nghề đốn củi, thỉnh thoảng trộm vặt. Sau thấy “một đêm trộm bằng 3 năm làm”, lại có sức khỏe, nhanh nhẹn, gan dạ, được những người khác nể nang nên ông tụ tập băng nhóm chuyển sang làm tướng cướp. Băng của Mười Rốp hoạt động mạnh ở vùng sông nước giáp ranh giữa Thủ Đức - Biên Hòa, trong đó có cả những lần cướp tài sản trong đồn Tây, nhà giàu, tàu buôn... và những lần ra vẻ nghĩa khí thì chia chiến lợi phẩm cho những người nghèo không tham gia băng cướp.

Năm 1945, Nhật bại trận, Mười Rốp cùng một số người bắt trói 3 tên lính Nhật, thu một số súng bỏ lên xe bò kéo đi giao nộp cho Việt Minh. Quần chúng theo sau xe bò vỗ tay hoan hô... Từ đó tiếng tăm của Mười Rốp bắt đầu có ảnh hưởng trong giới lục lâm thảo khấu, nhiều băng nhóm khác gia nhập và mở rộng địa bàn hoạt động. Một thời gian sau, quân Pháp dựa hơi đồng minh tái chiếm Nam Bộ và xây dựng lại bộ máy hành chính. Chính quyền thực dân tầm nã, bắt Mười Rốp bỏ tù, băng cướp này dần tan rã...

Ra tù vào đầu những 50, thấy khó sống được ở đất Thủ Đức, Mười Rốp đốt chòi, đưa vợ con lên ghe, vượt sông Đồng Nai sang lập nghiệp ở vùng Phú Hữu, Nhơn Trạch. Ông kiếm đất cất chòi, sống nghèo khổ bằng nghề đốn củi.

Có giai thoại rằng khi còn làm tướng cướp, lúc cao hứng, ông Mười thốt ra một lời nguyền: "k Thằng này sống đời hải hồ, đầu đội trời, chân đạp đất, con cháu có nối nghiệp làm cướp, âu cũng là định liệu của trời đất”.

Không rõ lời nguyền kia thật đến đâu, nhưng cách sống ngang tàng và tiếng tăm một thời vang bóng ông để lại đã ảnh hưởng không ít đến thế hệ sau của dòng họ này. Những thế hệ lần lượt lớn lên trong nghèo đói, cơ cực, thiếu học hành, giáo dưỡng... đã chọn con đường phạm pháp để sinh nhai và thể hiện tính hiếu thắng bằng tội ác. Quá khứ của Mười Rốp, dưới cách nhìn lệch lạc của đám con cháu là hành vi hảo hớn anh hùng. Chúng muốn noi theo như những cánh chim non dại theo hướng tượng đài đen lao vào dông bão mà không lường trước hậu quả. Thế hệ trước lao vào tù tội, thế hệ sau mặc cảm và hằn học vô lý với nền pháp luật trừng phạt cả cha mẹ, anh chị họ... Cả 4 thế hệ tội phạm trong dòng họ này đều được hình thành theo con đường như vậy.

Bắt đầu thoái hóa vì cờ bạc

Ông Trần Văn Rốp có vợ là Nguyễn Thị Tôm. Có lẽ ông rất yêu vợ và thích điều đơn giản, nên từ cái tên đầy chất “thủy tộc” của vợ, ông đặt tên con theo những thứ rất sông nước: nữ tướng cướp Tám Lũy là con gái đầu, được cha chọn tên khai sinh là Trần Thị Tép, các em sau lần lượt là Trần Thị Rái, Trần Thị Cá..., những cái tên gợi buồn về cuộc sống nghèo khổ, lam lũ. Mà ông Rốp nghèo thật. Thời đó, ông Mười đã giải nghệ cung kiếm, về sống ở Phú Hữu, Nhơn Trạch. Mấy cha con có được một chiếc xuồng cũ, ngày ngày đốn củi đổi gạo, mò cua ốc qua bữa. Cuộc sống vất vả song êm đềm, mấy cô con gái lớn dần...

Đồn lính gần nhà ông Mười có anh lính trẻ mồ côi cha mẹ, tên Nguyễn Thanh Liêm, tự Tám Lũy. Rảnh rang, anh sang nhà ông chơi, rồi đem lòng cảm mến cô cả Hai Tép. Lương lính chẳng bao nhiêu, anh cũng cố dành dụm mua tặng cô Hai chai dầu thơm của tây, cục xà phòng tắm hiệu “Cô Ba” nổi tiếng thời đó. Và họ cưới năm 1953. Cô Hai Tép được gọi theo tên chồng là Tám Lũy từ đó. Được cha vợ cho mượn 1.000 đồng mua chiếc ghe 2 tấn, ông Liêm bỏ lính ngày ngày theo vợ đốn củi chở ra chợ bán. Nhờ chí thú làm ăn, hai vợ chồng lần hồi trả được nợ và mua mấy công đất cất căn nhà lá. Rồi để bà đi củi, ông ở nhà làm ruộng, giăng lưới kiếm cá..., kinh tế ngày càng khá giả. Với 6 đứa con đông đúc, ông Tám Lũy chắt bóp tằn tiện với suy nghĩ sẽ xây một căn nhà khang trang, rộng rãi.

Nhưng giấc mơ đẹp của ông tan thành mây khói vào một ngày giáp Tết. Một nhóm người đến gặp ông, than vãn, khóc lóc đòi trả cho họ 10.000 đồng (tương đương 4-5 lạng vàng). Đây là số tiền bà Tám Lũy đã vay mượn họ để đánh bạc. Ông chới với, gặp vợ hỏi nguồn cơn thì nhận được câu trả lời tỉnh queo: “Đánh bài có khi ăn khi thua. Tôi đang xui, ông còn cự cái gì?”. Vốn là người hiền lành, ngại ồn ào to chuyện, ông Tám lặng lẽ bán mấy trăm giạ lúa trả tiền thua bạc cho vợ. Nhưng chẳng ăn thua, thời gian dài dài qua, của nả cứ dần dần theo bà Tám ra đi. Mà lạ là chẳng bao giờ bà thắng bạc...

Phú Hữu xuất hiện nạn trộm vặt. Nhiều nhà mất bầu, bí, heo, gà. Để lại hiện trường là dấu giày bốt-đờ-sô mà Mỹ trang bị cho lính Sài Gòn. Bà con cứ vậy lôi các chú lính đóng đồn gần đó ra chửi. Nhưng rồi cũng có người theo dõi. Dưới ánh trăng mờ, một bóng mặt quần áo lính nhẹ nhàng vào chuồng gà. Nhét được một bao đầy, tên trộm bỏ giày, mũ vào bao. Vác bao gà chân đất đi ra, tên trộm vô tình để mái tóc xõa dưới trăng... Đó là bà Tám Lũy. Khi dân la hô truy đuổi, bà vác con heo 40-50 kg chạy bon bon. Đó là tư chất của người phụ nữ to cao, khỏe mạnh, có ít võ do ông Mười Rốp truyền lại... Không chịu nổi cách sống quá quắt của vợ, năm 1968, ông Tám xin ly dị, nhận cả bầy con về nuôi. Bà đổi tên thành Trần Thị Liếu vào Long Thành làm sở Mỹ, được bao nhiêu tiền lại tung vào sòng bạc. Một thời gian sau, bà bỏ việc, trở về khu Nhơn Trạch mua một mảnh đất gần cầu Cháy (nay thuộc xã Phú Đông), một vùng đất hoang vắng, bốn bề sông rạch, đầm lầy. Bà lập chòi ở, đào hồ, đóng đáy bắt cá, ra dáng một nông phu cần cù.

Nơi bà ở không xa căn nhà ông Tám Lũy sống cùng các con. Có mớ cá tôm, bà Tám lại mang qua, nấu giúp con nồi cơm, nướng vài con cá, cả nhà lại có giây phút đầm ấm bên mâm cơm ấm cúng. Ông Tám bồi hồi, bà Tám tỏ ra ân hận vì lỗi lầm cờ bạc... Vậy là sau 3 năm ly thân, năm 1971, họ lại về sống chung. Hai vợ chồng đều làm lụng giỏi, con cái đã lớn và đều góp sức nên cuộc ngày càng no đủ, dư giả. Lần này thì ông Tám tính chuyện phải xây nhà lầu.

Mùa xuân lại đến. Trong không khí rạo rực đón Tết, bà Tám lại bị cuốn hút vào các sòng bạc. Từ chiếu bạc ra về, bà tỏ ra mệt mỏi, chán ăn, nhác làm. Ruộng đất, trâu bò cũng lần lượt bị bán để gá nợ. Nguy hiểm hơn, Tùng, Sanh, Hoàng, những đứa con bé bỏng được bà Tám dắt đi hầu bạc, cứ tròn mắt ngây thơ, chứng kiến vui buồn, tan nát của mẹ qua từng lá bài, hạt xí ngầu. Chúng quen quá sớm những câu chửi thề, thói gian lận, điêu trá và mặt trái của đồng tiền ở chốn đỏ đen... Tất cả thấm sâu vào để sau này biến chúng thành những tướng cướp thế hệ cháu ngoại ông Mười Rốp. Biết tính vợ, lần này ông Tám chôn kỹ món tiền, vàng xây nhà dưới chân giường và luôn từ chối khi vợ thăm hỏi. Một hôm, bà về nhà với đĩa lòng nóng hổi, thơm phức, mấy cọng rau thơm cùng chai rượu đế sủi tăm. Bà rót rượu cho ông, gắp mồi đưa tận miệng, dịu dàng ân cần như hồi mới cưới. Ông Tám chếnh choáng vì buổi chiều mặn nồng ấy, và có lẽ lúc vợ hỏi, ông đã chỉ tay xuống đất. Một năm sau, ông Tám mới thăm lại “kho báu” của mình, và giấc mơ một căn nhà khang trang của ông lại lần nữa bị đánh cắp.

(vietbao)