Những tượng đài của lòng ái quốc
Thứ ba, 15/7/2008, 07:00 GMT+7

Vào những năm đất nước ta trong hiểm trạng ngàn cân treo sợi tóc (1945 -1946) đã có khá nhiều "Mạnh Thường Quân" ra tay cứu đất nước, trong đó có một con người mà để người đời phải kính phục. Đó là nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện.



Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904, là con út trong một gia đình viên chức quê ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông mồ côi cha từ lúc 3 tháng tuổi, được mẹ là bà Trần Thị Lan làm nghề buôn bán tơ lụa nuôi ăn học. Thời học sinh ông học ở trường Hàng Vôi, nhưng vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh nên ông bị đuổi học, phải "đổi khai sinh" xuống Nam Định học và tốt nghiệp phổ thông trung học tại đó.

Năm 1927, ông Thiện du học sang Pháp, là sinh viên trường Đại học Canh Nông (Toulouse), vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1928.

Ngày 7/10/1931, ông bị cảnh sát Pháp bắt tại nhà ga Matabiau (Toulouse), khi trao truyền đơn cách mạng cho những binh sĩ người Việt Nam đang trên đường hồi hương. Toà án Toulouse phạt ông 4 tháng tù giam và trục xuất về nước vào đầu năm 1932.




Ông Đỗ Đình Thiện - Ảnh chụp tại Paris năm 1946


Ở trong nước, suốt những năm từ 1932 - 1945, ông Đỗ Đình Thiện tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước như tham gia phong trào Mặt trận bình dân, ủng hộ tiền và hoạt động cho báo Lao động (Le Travail), tuyên truyền vận động người của Đảng vào Viện Dân biểu.

Trước khi sang Pháp học, gia đình đã làm lễ đính hôn cho ông với bà Trịnh Thị Điền.Trong khi ông Thiện đang du học ở Pháp thì bà Điền ở trong nước cũng bắt đầu tham gia hoạt động ở chi bộ phố Huế của Đảng Tân Việt. Đầu năm 1930, bà thoát ly gia đình xuống hoạt động trong tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hải Phòng.

Hoạt động được một thời gian, bị một tên phản bội chỉ điểm, bà bị thực dân Pháp bắt giam ở Sở cẩm Hải Phòng, sau giải về Sở Mật thám Hà Nội. Cuối năm 1931, bà đã tuyệt thực một tuần liền để phản đối việc tra tấn dã man và ngược đãi phụ nữ. Sợ bà chết, Pháp phải đưa bà ra điều trị ở nhà thương Phủ Doãn và sau đó đã phải trả tự do cho bà sau 6 tháng giam giữ, không khai thác được gì.

Ra tù, bà Trịnh Thị Điền lại tiếp tục liên lạc, tiếp tế cho các đồng chí bị tù và đã giúp các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí khác vượt ngục tại nhà thương Phủ Doãn trong đêm Noel 1931....

Từ khi ông Thiện bị trục xuất về nước và bà Điền ra khỏi tù, ông bà làm đám cưới. Bị kiểm soát gắt gao, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông bà Thiện chuyển sang làm kinh tế, trước hết là để nuôi sống gia đình và sau đó để chờ thời, một khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động. Ông bà Đỗ Đình Thiện trở về với công việc đời thường, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, đồn điền.

Đến đầu những năm 40 thì ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông bà Thiện còn sẵn sàng nhận một số bạn vừa ở tù ra, vào làm việc như Vũ Đình Huỳnh làm ở tiệm buôn, Nguyễn Tuấn Thức và Lê Văn Hiền làm ở đồn điền Chi Nê. Khi bị quân Nhật đảo chính (3/1945), trên đường chạy trốn, một số đơn vị của quân đội Pháp đã bỏ vũ khí lại ở đồn điền. Chớp lấy cơ hội, Đỗ Đình Thiện đã cho thu lượm và chuyển về cho cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phải đối mặt với sự bao vây, chống phá quyết liệt về mọi mặt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động.

Về tài chính tiền tệ: sau cách mạng, do chư­a chiếm đ­ược Ngân hàng Đông Dương nên ta chư­a có điều kiện phát hành tiền tệ. Vì vậy, tài chính của ta gặp rất nhiều khó khăn. Ngân quỹ trống rỗng. Trước khó khăn của Đảng không có nhà in riêng để in tiền, ông Đỗ Đình Thiện đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp (vì ng­ười Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta) và hiến cho Chính phủ ta để lập nhà in tiền. Địa điểm nơi nhà in tiền Tô-panh đóng sau này là cửa hàng Bách hoá số 5 đ­ường Nam Bộ (đ­ường Lê Duẩn ngày nay).

Tháng 3 năm 1946, đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình đã được Chính phủ và Hồ Chủ Tịch tin chọn là nơi sơ tán Nhà máy in tiền của chính quyền cách mạng.

Là một nhà tư sản yêu nước, nên ông bà luôn tìm cách ủng hộ và giúp đỡ cách mạng khi có cơ hội thích hợp. Năm 1943, ông bà Thiện đã đưa cho ông Nguyễn Lương Bằng vượt ngục ở nhà tù Sơn La đến bắt liên lạc tại nhà riêng của ông ở 54 Hàng Gai 3 vạn đồng Đông Dương. Năm 1972, trong một lần tiếp bà Điền tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh có nói: "Khi chúng tôi nhận được số tiền 3 vạn đồng chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng".

Đầu năm 1945, ông bà Thiện lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng Đông Dương nữa.

Ông Nguyễn Tạo cũng ghi nhận: “Cuối tháng 12 năm 1932, tôi vượt ngục ở Hoả Lò. Đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụy Nhân giúp đỡ tôi. Năm 1943, tôi vượt ngục Ban Mê Thuột ra tới Hà Nội, đồng chí Trịnh Thị Điền lại liên lạc, cho tôi 2 vạn đồng Đông Dương để tổ chức hoạt động cách mạng".

Ngôi nhà ở 54 Hàng Gai gần như trở thành "nhà khách" của Chính phủ. Các phái đoàn Nam Bộ, Phụ nữ Nam Bộ... đều đã qua đây nghỉ ngơi, ăn uống, may quần áo. Bác Hồ cũng đã mời cơm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại đây. Bà Điền còn được giao tổ chức tiệc ở phố Nguyễn Du (nhà riêng của gia đình ông Thiện) để Bác tiếp các tướng Tiêu Văn, Lư Hán....

Trước những khó khăn của đất nước trong giai đoạn sau ngày độc lập 2/9/1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân đoàn kết yêu nước, tập trung sức để giải quyết những khó khăn trước mắt, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định tình hình xã hội. Trước hết phải dựa vào lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng của nhân dân, kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp để giải quyết nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.

Ngày 4/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh đặt ra Quỹ Độc lập nhằm động viên sức hy sinh phấn đấu của đồng bào toàn quốc. Ông Đỗ Đình Thiện được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội.

Trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập, Chính phủ tổ chức Tuần lễ vàng để thu góp số vàng trong nhân dân, gia đình ông đã đóng góp 100 lạng vàng (trong khi cả nước mới quyên góp được hơn 300 lạng). Ông Đỗ Đình Thiện còn mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do hoạ sĩ Nguyễn Sáng vẽ với giá 1 triệu đồng Đông Dương, sau đó tặng ngay cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Thành phố Hà Nội, biến cuộc đấu giá thành một đám rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh về treo ở trụ sở Ủy ban. Sự kiện đó đã cổ vũ rất lớn lòng tin yêu của nhân dân đối với Lãnh tụ.

Giữa năm 1946, ông Đỗ Đình Thiện trong cương vị là thư ký riêng đã tháp tùng Bác trong chuyến đi ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Pháp trong dịp Hội nghị Fontainebleau và ký tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946.

Từ sau ngày thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn - Gia Định (23/9/1945) và mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ, một phong trào Nam tiến hướng về miền Nam, chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở nam vĩ tuyến 16 đã bùng lên mạnh mẽ sôi nổi khắp các tỉnh bắc vĩ tuyến 16. Công tác đảm bảo hậu cần cho các đoàn quân Nam tiến, chủ yếu dựa vào sự đóng góp, hỗ trợ của nhân dân.

Chính trong thời gian này, đồn điền Chi Nê của ông bà Đỗ Đình Thiện trở thành một địa chỉ dừng chân cho một số đơn vị giải phóng quân trên đường hành quân vào Nam đánh giặc.

Đồn điền Chi Nê không những trở thành nơi dưỡng quân cho các đơn vị trước khi lên đường vào Nam chiến đấu trong những tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, mà còn là cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, trú quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang Chiến khu 2. Riêng vụ lúa thu 1946 - 1947, ông bà Thiện đã ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu hai 200 tấn thóc để nuôi quân. Đó là toàn bộ sản lượng lúa thu trong vụ mùa năm đó của đồn điền.

Không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm, nơi ăn ở, luyện tập, đồn điền Chi Nê còn là "binh trạm" cho các đơn vị giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, "trạm giao liên" nơi dừng chân của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Ngày 22 tháng 2 năm 1947, thực dân Pháp đã đánh hơi được hoạt động của cách mạng tại đồn điền Chi Nê nên chúng đã cho máy bay oanh tạc đồn điền.

Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã viết rất rõ về cuộc oanh tạc này như sau:

“Ngày 22, hồi 3 giờ 30 phút, 8 chiếc khu trục Pháp đã đến tấn công tại khu vực đồn điền và chia làm 2 tốp quần đảo, oanh tạc ác liệt. 4 chiếc bắn phá tại Đồng Làng, 4 chiếc oanh tạc và bắn phá tại cơ quan ấn loát. Tại khu vực đồn điền, máy bay Pháp thả 8 quả bom, 2 quả trúng nhà ở của ông bà Đỗ Đình Thiện. Cơ quan ấn loát bị trúng đạn, kho cà phê và kho vật liệu bị cháy nhưng máy móc không bị hư hỏng. Thiệt hại của đồn điền khoảng 2 triệu đồng. Hai vựa cà phê của ông bà Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong một tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hy sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia thật lớn, một sự nghiệp tiêu tan không mấy chốc”.

Khi được báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào đồn điền Chi Nê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng vô cùng xúc động gửi cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện:

"Chú thím Thiện!

Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. "Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ". Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khoẻ. Hôn các cháu.

Chào thân ái và quyết thắng.

Hồ Chí Minh ".


Sau trận bom ngày 22 tháng 2 năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 12 tuổi) lên Việt Bắc theo đuổi cuộc kháng chiến 9 năm. Ông bà đã hiến tặng đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý và sử dụng. Sau đó vì cách mạng, ông đã từ bỏ xe hơi, phomat, từ bỏ cuộc sống nhung lụa của nhà đại tư sản để đeo ba lô, trèo đèo, lội suối lên chiến khu Việt Bắc phục vụ cách mạng.

Gia đình ông còn có nhiều đóng góp lớn lao khác cho cách mạng, cho dân tộc, nhưng ông là một người giản dị, không cầu vinh hoa.

Bình Thái