Bể xương khổng lồ trong hang đá Thứ bảy, 30/8/2008, 15:34 GMT+7
Những huyền thoại về địa danh Sài Sơn nhuốm cả vào cỏ cây và đá núi. Ở đó, có ngôi chùa Thầy nổi tiếng, chứa chất biết bao huyền bí về sự linh thiêng bên trong chùa, lòng núi. Bể hài cốt khổng lồ với hàng nghìn bộ xương người đã tồn tại hàng thế kỷ ở đây rất cần được nghiên cứu.

Tầng thứ 3…

Huyền thoại về sự tích con rồng hóa đá đến nay vẫn được người dân Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội truyền kể. Hang động trên núi chính là bụng con rồng, nơi ấy cũng là cổng trời án ngữ các linh hồn trước khi lên cõi Niết bàn hay bị đày xuống âm phủ. Và chín tầng địa ngục trong lòng núi, đến tận hôm nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Khi hỏi về bể xương khổng lồ ai cũng biết, nhưng để kể tường tận về bể xương ấy thì hầu hết đều mang nét mặt đầy bí hiểm rồi trả lời ngắn gọn: “Tôi có dám nhìn kỹ đâu, cả bể hàng chục khối xương chỉ dám đứng xa mà nhìn, sợ lắm”.


Ánh sáng từ “cổng trời” khiến mọi thứ thêm huyền bí

Người dân Sài Sơn thường gọi động hài cốt này là hang Cắc Cớ. Cửa động từ đỉnh cao nhất của Sài Sơn. Để lên đỉnh này phải qua danh thắng chùa Cao, với hang Thánh Hóa, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trút xác để đầu thai làm Vua Lý Nhân Tông. Sử sách, bia đá tạc như vậy. Còn theo người dẫn đường, anh Nguyễn Xuân Hợp: “Bể xương được đặt ở tầng thứ ba trong chín tầng địa ngục dưới lòng hang”. Sao anh biết rõ như vậy? “ối dào, ai ở xã này mà chẳng biết. Nhưng tôi cũng chỉ đi xuống tầng 3 này thôi, còn các tầng khác thì không dám…”. Anh Hợp quả quyết câu chuyện về thế giới cõi âm dưới động là có thật.

Từ dưới chân núi, chúng tôi men theo bậc đá mới được xây lại bằng xi măng. Tuy những bậc đá này được làm chưa lâu nhưng dưới tán rừng u tịch, ẩm ướt đã làm cho nó trơn trượt. Có chỗ thì nhẵn thín nhưng có chỗ thì rêu mọc. Leo được một lát, áo trên người tôi nóng ran. Rồi thân thể dần đầm đìa mồ hôi, thấm theo sống lưng tạo cảm giác lành lạnh khó tả. Cho dù không mưa nhưng từng bậc đá vẫn là cái bẫy nguy hiểm. Chỉ cần lơ đãng tích tắc là răng có thể… gặm đá tai mèo sắc lẹm.

Tôi đi vào chủ nhật nên khách du lịch nhiều hơn ngày thường. Anh Hợp bảo, ở đây chỉ đông vào mùa lễ hội ngày 7-3, chứ ngày thường thì như hôm nay đã là đông lắm rồi. Nói là đông chứ mãi mới gặp vài tốp người đi từ trên đỉnh núi xuống. Từ lúc leo núi đến giờ, chỉ thấy hàng cây hoa sứ đại thụ buông rễ bám vào đá núi. Lạ thật, những cây này chỉ có những cái rễ mỏng manh bám hờ hững vào lèn đá nhưng nó đã sống như vậy qua hàng trăm năm, ngả mình xuống lối rợp mát cho khách, tỏa hương cho rừng.


Bàn thờ Lữ Gia

Cảnh rừng im ắng với những ngôi chùa thấp thoáng trong rừng cây, hoặc lèn trong khe núi khiến nơi đây như đưa ta đến một cõi khác. Từng có nhà thơ khi tới đây viết “đứng trên non sơn mà ngoảnh lại hồng trần”, ý nói cảnh ở đây là cõi tiên.

Khi tiến gần đến những ngôi chùa tĩnh mịch, lối ra khu vườn đào Cao Bá Quát, thì có mùi trầm hương, từ thoang thoảng đến đượm dần xen với mùi tươi của cây lá. Hương trầm lan tỏa khắp rừng, như ướp cả áo du khách. Chợt thấy mình thanh thản, mọi bụi trần, ưu phiền dường như tan biến khi chắp tay trước những đấng hiền tài muôn kiếp trước. Lại chợt sởn da gà khi đứng một mình nơi u tịch.

Chợt nhớ đến gương mặt ông Thiện, ông Ác án ngữ hai bên không gian rộng dưới chùa chính, định bụng rằng ai làm điều xấu sẽ khó qua được sự trừng phạt của ngài. Vừa đi, chúng tôi vừa lẩm nhẩm cầu xin những điều may mắn.

3 nghìn bộ xương trong lòng núi

Đường vào động chứa hài cốt nằm ở sườn sau của núi Sài. Trên mặt đá phẳng rộng chừng vuông chiếu, có một hàng giải khát bán thứ quả rất lạ. Chị chủ đon đả mời nếm thử và nói đó là quả bồ quân. Loại quả chỉ có ở chân núi Sài. Chị nói có biết về bể xương dưới hang nhưng chưa một lần dám xuống.

Đứng trước cửa hang, gió mạnh và lạnh lẽo đến kỳ lạ. Gió kéo những ngọn cây, lá lật bụng trắng toát, bay lật phật. Có cảm giác như mỗi bước đi đều có những ánh mắt dõi theo. Tôi định bước xuống hang, anh Hợp liền quát: “Đợi ráo mồ hôi đã. Hít thở không khí cho cân bằng đi. Không thì chết toi ngay đấy”. Nói xong, anh Hợp vào thuê 2 chiếc đèn ắc quy.

Buổi sáng, lúc ở dưới chân núi, tôi được ông Nguyễn Kim Xuân, ở xóm Thụy Khuê, Sài Sơn, năm nay 77 tuổi cho biết: “Ngày trước, vào hang không có gì sáng được, ngoài đèn đất và đuốc. Nhưng nhiều người thắp sáng bằng thứ đó ở dưới hang nhiều giờ đã bị suy kiệt sức, do không khí bị lửa đốt hết”. Theo ông Xuân trước đây, sinh thời, bố ông là cụ Nguyễn Kim Khinh, SN 1909, được mọi người gọi là “con ma hang”. Vì từ lúc 11 tuổi đã đi lên núi kiếm củi và thòng dây xuống hang để tận mắt chứng kiến bể xương khổng lồ.


Bàn thờ Lữ Gia trên phiến đá phẳng trong lòng hang

Bước xuống khỏi cửa hang vài bậc, tiếng gió đã bị tắt bởi sự cách biệt âm dương. Mùi nhang khói thoảng trong kẽ áo, trong từng phiến đá. Bỗng như bị ai đó bịt mắt, bởi “Con đường vô ngạn tối òm om”. Ánh đèn pin loáng nhoáng đỏ quạch, hắt lên nhũ đá rủ xuống như những bức rèm buông hàng nghìn năm qua. Nước nhỏ tí tách, nhỏ vào vai áo lạnh đến rợn người. Hương khói làm đặc quánh từng hơi thở.

Từng bước chân dưới ánh đèn pin trở nên mờ ảo, nhóp nhép dưới từng phiến đá ẩm ướt rỉ nước khiến thêm cảm giác rùng rợn. Luồng sáng bị khoảng sâu hút nuốt, may nhờ ánh đèn mà thoát được những hố sâu. Sau những giờ căng thẳng lần mò từng bước, chúng tôi cũng đặt chân được vào phiến đá đầu tiên dẫn xuống huyệt mộ khổng lồ.

Truyền thuyết kể rằng, bể xương khổng lồ là của hàng nghìn nghĩa quân Lữ Gia. Do muốn giữ yên mối bang giao, ý định đưa quân vào hang để đàm phán không muốn cảnh đầu rơi máu chảy. Nhưng kẻ xâm lược hiếu chiến đã lấp miệng hang. Ở đây, mỗi khối đá lạnh lẽo là hình thù kỳ quái, lạnh ngắt im lìm. Mỗi khi lia ánh đèn pin vào nó trở nên sáng loáng, lóng lánh. Khói hương, hơi nước, hơi người, hơi lạnh quện vào nhau khiến tất cả trở nên huyền bí. Chiếc máy ảnh cũng khó có thể chụp được dưới cái khí âm hỗn độn này. Rồi những âm thanh của người vang vọng méo mó lệch lạc nghe ghê tai. Có lúc vừa ngửa mặt lên thì giọt nước lạnh toát nhỏ trúng mặt, khiến chúng tôi giật mình thon thót. Tựa hồ có ai đó mai phục rồi òa dọa người yếu bóng vía.

Càng soi đèn pin vào ngóc ngách hang đá, cảm giác rùng rợn càng ập tới. “Nguy hiểm chết người”, một chiếc biển trắng toát ghi dòng chữ nguệch ngoạc. Tôi thả viên đá xuống miệng hang, vài giây sau mới thấy tiếng cạch nhẹ vọng lên. Anh Hợp cho biết đã có vài người trượt chân rơi xuống đó, phải mất nhiều ngày mới đưa được xác lên. Lúc này, tôi đang chạm được tay vào bể xương khổng lồ. Hơi lạnh từ đá toát ra tạo nên cảm giác khác thường. Ối! Ai đó hét lên vì hoảng sợ. Một chiếc, hai, ba… xương sọ, xương chân tay hiện lên dưới ánh đèn mờ ảo nó như lăn đuổi theo vệt sáng yếu ớt của đèn…

Theo Đức Tuấn - Minh Quân