Luật nguyên nhân - hậu quả (luật nhân quả) là một trong những quy luật cơ sở nhất của vũ trụ, theo đó nguyên nhân và hậu quả là các mối nối bên trong của mọi tiến trình tự nhiên cũng như đời sống con người. Việc tìm hiểu các khía cạnh của quy luật này có thể mang lại những điều áp dụng bổ ích.




Khái niệm về luật nhân quả: Các nhà khoa học thường nói đến luật nhân quả như sau: nếu có nguyên nhân A thì hậu quả B sẽ phát sinh (luật thuận chiều). Trong tôn giáo, người ta xét đến tình huống ngược lại: khi tạo ra hậu quả B thì sẽ có nguyên nhân A (luật ngược chiều). Như vậy, mỗi yếu tố từ A và B có thể đóng vai trò nguyên nhân hoặc hậu quả trong các mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Thực chất, luật ngược chiều cũng là một dạng luật nhân quả thông thường nếu coi yếu tố B là nguyên nhân và yếu tố A là hậu quả. Cần luôn chú ý rằng, tính đúng đắn của mối quan hệ nhân quả thường được thể hiện một cách tương đối trong điều kiện phổ biến nào đó.

Các mối quan hệ nhân quả có thể biểu hiện ra ngoài một cách xác định hoặc ngẫu nhiên. Trường hợp sau thường liên quan đến các đối tượng của thế giới vĩ mô, thế giới vi mô và đời sống con người. Đó là một trong những bí ẩn bất tận của sự tồn tại mà các nhà nghiên cứu tâm linh hướng tới khám phá.

Luật nhân quả một chiều: Đây là mối quan hệ nhân quả thường xảy ra chỉ đối với chiều thuận. Xét một vài ví dụ mà từ nguyên nhân dẫn đến hậu quả gần như đồng thời:

- nếu cho tay vào nước sôi thì bỏng tay (chiều ngược là “khi bỏng tay thì tay ở trong nước sôi” thường là sai vì có thể bỏng lửa, bỏng a xít... );

- nếu xe máy hết xăng thì nó sẽ ngừng hoạt động (chiều ngược là “khi xe máy ngừng hoạt động thì nó hết xăng” không đúng vì còn một số nguyên nhân khác).

Luật nhân quả hai chiều: Đây là mối quan hệ nhân quả thường xảy ra đối với cả chiều thuận và chiều ngược, nó còn được gọi là luật nhân quả thuận nghịch. Xét một vài ví dụ:

- nếu nước nóng tới 100oC thì nó sôi (chiều ngược là “khi nước sôi thì nó nóng 100oC” cũng đúng trong điều kiện bình thường);

- nếu có đủ điều kiện học tập thì một học sinh nào đó sẽ luôn cảm thấy lạc quan yêu đời (chiều ngược “khi luôn cảm thấy lạc quan yêu đời thì một học sinh nào đó sẽ có đủ điều kiện học tập” cũng có thể được coi là đúng).

Dễ thấy rằng, ví dụ thứ nhất trên đây là hiển nhiên, còn ví dụ thứ hai có vẻ phi lý nhưng người ta tin là như vậy. Cần phân tích cụ thể hơn để thấy rõ chiều ngược của mối quan hệ nhân quả đó.

Xét trường hợp một học sinh rơi vào hoàn cảnh trắc trở đủ thứ (nhà rất nghèo, bản thân bị tàn tật, đi lại khó khăn, việc học thất thường v.v...). Theo luật nhân quả ngược chiều, khi luôn lạc quan yêu đời thì học sinh đó sớm muộn cũng sẽ có các điều kiện thuận lợi cho học tập. Nói cách khác, ở đây “quả” là đức tính lạc quan yêu đời phải được hình thành trước, còn “nhân” là các điều kiện thuận lợi cho học tập sẽ xảy ra sau. Có thể lý giải điều này một cách đơn giản: một học sinh dù với hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhưng nếu luôn lạc quan yêu đời thì sẽ tràn đầy nghị lực và ý chí để học tập đạt kết quả tốt, nêu gương sáng và thu hút sự cảm phục từ nhiều tổ chức cũng như cá nhân hảo tâm giúp đỡ, tạo ra ngày càng nhiều điều kiện bất ngờ...

Một số nội dung của luật nhân quả ngược chiều rất thiết thực đối với đời sống vì “quả” là sản phẩm tinh thần của con người. Trước hết, mỗi cá nhân có thể chủ động tạo lập “quả” (yếu tố chủ quan) ngay khi còn chưa có “nhân” (yếu tố khách quan). Điều này không khó khăn vì “quả” nằm trong chính con người và tự thân hoàn toàn có đủ khả năng để sinh ra nó. Tiếp đến, việc sinh thành “quả “ sẽ giữ vai trò tựa như một điều kiện kích hoạt để làm cho “nhân” xuất hiện, dẫn đến hoàn thiện mắt xích còn lại của luật nhân quả. Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta đã cho biết nhiều tấm gương vượt khó điển hình với thành tích đáng kinh ngạc trong học tập, lao động, sáng chế... mà thực chất là biểu hiện của luật nhân quả ngược chiều.

Mặt khác, trong thực tế luật nhân quả ngược chiều đã và đang tác động mạnh mẽ theo cả khía cạnh tiêu cực. Có rất nhiều người vô tình hoặc cố ý không ngừng tự tạo cho mình các “quả đắng” chủ quan và ngày đêm níu bám chúng hết sức mù quáng, rồi các “nhân độc” khách quan dần dần sẽ xuất hiện theo sau, dẫn đến bao thảm cảnh thương tâm. Trong số các “quả đắng” đáng chú ý có quan niệm sai lệch về hưởng thụ; các đức tính lười biếng, ích kỷ, độc ác; thái độ vô trách nhiệm, bất chấp lẽ phải v.v... Như vậy, việc hiểu biết luật nhân quả ngược chiều còn có thể mang lại một phương sách giáo dục hữu hiệu để phòng ngừa các tệ nạn xã hội trong tình hình phức tạp.

Nhưng ai đó có thể phản bác lại rằng, việc làm ra vẻ có “quả” là một thứ giả tạo và hoàn toàn vô tác dụng. Đúng vậy, nếu một cá nhân không tạo “quả” thật, chẳng hạn không thực sự lạc quan yêu đời mà cứ cố làm ra vẻ như vậy, thì điều đó chỉ là đóng kịch mà không thể mang lại bất kỳ tác dụng nhân quả tích cực nào. Năng lượng sống trong con người có cách vận hành riêng. Mỗi người dù ở hoàn cảnh nào cũng có thể tìm ra vô số lý do để đạt được “quả” tốt lành theo ý nghĩa của nó. Một trong những lý do nền tảng chính là sự kỳ diệu muôn hình muôn vẻ của bản thân cuộc sống. Các nhà thông thái lưu ý: “Hãy tạo ra quả, hãy thực sự hoà nhập toàn bộ trong nó và rồi nhân sẽ xuất hiện”.

Như trên đã nói đến, hiệu lực của luật nhân quả ngược chiều có thể trở thành cách thức dễ dàng và chủ động để vượt qua mọi trở ngại đối với những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nó có tác dụng nâng cao vai trò rèn luyện và làm chủ thực sự của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội. Nó làm sáng tỏ thêm câu châm ngôn vốn có vẻ rất nghịch lý: “Khó khăn lớn trong đời người là một dạng ân huệ trá hình”.

Xung quanh vấn đề về luật nhân quả còn đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số nhà nghiên cứu tâm linh khẳng định rằng, không thể nào hiểu nổi các mối quan hệ nhân quả phức tạp giữa mỗi cá nhân và thế giới xung quanh nếu không đi sâu tìm hiểu và nhận diện đúng bản chất đích thực của chính con người nói riêng và toàn bộ vũ trụ nói chung.

Lê Bình (Theo t/c Thế giới trong ta, số 178)