Khi tôi chụp lấy chân của Sir Alex kéo duỗi ra, ngài ấy hét lên đau đớn làm tay bác sỹ riêng cũng lao vào định can thiệp - Tony Tuấn kể lại với tôi câu chuyện anh chữa trị Sir Alex Ferguson- Tôi quát lên: Không được động đậy! Hãy để tôi làm việc! Chỉ trong giây lát, sau tiếng quát của Tony Tuấn, Sir Alex bỗng nhiên đứng lên, đôi chân nhẹ nhàng đi lại trên sàn.


Trên con phố nhỏ Snyder ở Philadelphia - Hoa Kỳ cách đây 4 năm, vào ngày 22/7/2004, dân phố ngơ ngác khi nhìn thấy chiếc xe Limousine sang trọng mang một người sang trọng từ miền Manchester - Anh quốc xa xôi dừng chân trước ngôi nhà nhỏ, đơn sơ có cái biển "Tế dân đường thiết đả". Người sang trọng ấy chính là Sir Alex Ferguson - huấn luyện viên đội bóng đá Manchester United lừng danh thiên hạ. Và chủ nhân ngôi nhà nhỏ kia là một thầy lang nước Việt - Tony Tuấn, tục danh tên Việt là Nguyễn Văn Tý.

Ngày ấy Sir Alex dẫn đội Manchester United đến Philadelphia tập huấn trong sự đớn đau, nhức mỏi của đôi chân già quá tuổi 60. Sau khi gặp gỡ nhiều vị thầy thuốc Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng Sir Alex vẫn không chữa trị được căn bệnh của mình cho đến ngày, một chủ tiệm bánh ở Philadelphia giới thiệu Tony Tuấn với Sir Alex. Trong căn phòng hẹp, trước mặt Russ, bác sỹ của đội bóng Manchester, vốn là một giáo sư Đại học Princeton, thầy lang Tony Tuấn đã thi triển một loạt chiêu chức kỳ dị của nghệ thuật y học Á Đông, từ châm cứu cho đến dùng võ công co giãn đôi chân bị xoắn cơ và khớp của Sir Alex.

Tony Tuấn đang chữa bệnh.
Khi tôi chụp lấy chân của Sir Alex kéo duỗi ra, ngài ấy hét lên đau đớn làm tay bác sỹ riêng cũng lao vào định can thiệp - Tony Tuấn kể lại với tôi câu chuyện anh chữa trị Sir Alex - Tôi quát lên: Không được động đậy! Hãy để tôi làm việc! Chỉ trong giây lát, sau tiếng quát của Tony Tuấn, Sir Alex bỗng nhiên đứng lên, đôi chân nhẹ nhàng đi lại trên sàn. Bao nhiêu đau đớn dường như bay đi. Sir Alex hoan hỉ nói với Tony Tuấn: “Anh có đôi tay vàng! Cảm ơn đôi tay vàng của Anh!” Còn vị giáo sư bác sỹ thì tròn xoe mắt ngạc nhiên: “Cách chữa trị của anh, tôi chưa bao giờ thấy giảng dạy trong trường học!”.

Vào những ngày mùa hè năm nay, khi tôi đến thăm Philadelphia, Sir Alex vừa lần thứ 2 đứng trên bục vinh quang của giải Champions league cùng dàn cầu thủ sao sáng Rooney, Ronaldo, Tevez sau khi đánh bại đội Chelsea trong đêm mưa huyền diệu Luzhniki ở Moskva!

Không biết, trên hành trình vinh quang của mình, Sir còn nhớ nơi này, góc phố nhỏ, căn nhà nghèo khó ở Philadelphia có một người bạn thầy lang nước Việt đã làm cho đôi chân mình lành lặn để tung tẩy trái bóng tròn. Còn ở đây, trong căn phòng khám bệnh “Tế dân đường thiết đả”, hình ảnh Sir Alex tươi cười với Tony Tuấn và chiếc áo thi đấu của những con quỷ đỏ thành Manchester vẫn tự hào thắp sáng trong mắt thiên hạ.

Từ dạo Sir Alex ghé thăm, Tony Tuấn trở thành một vị thầy thuốc danh tiếng của không biết bao nhiêu bệnh nhân ở Philadelphia và các vùng xa xôi tìm đến nương nhờ "đôi tay vàng" của anh. Tôi đã gặp những con người, đủ các loại màu da, quốc tịch đến Tế dân đường thiết đả để chữa các căn bệnh bán thân bất toại, phong thấp, trúng gió, méo miệng, thần kinh suy nhược, nhức mỏi tứ chi, đau lưng, sái khớp...

Như đôi vợ chồng người Hàn Quốc Kevin Chang, chủ nhà in Sunny mang cả vợ đến nhờ Tony Tuấn khám chữa bệnh muộn con. Người vợ Hàn của Kevin khấp khởi nói với tôi: "Chồng tôi nhất định sẽ hết bệnh mỏi nhức khớp xương, còn tôi chắc sẽ có hy vọng về một đứa con sắp ra đời nhờ vào cách chữa trị không thể hiểu được của doctor Tuan!".

Làm sao Sir Alex, làm sao vị bác sỹ hàn lâm Đại học Princeton, làm sao đôi vợ chồng Hàn Quốc kia có thể biết được cách chữa trị kỳ dị của Tony Tuấn, bởi tất cả những kỹ năng khám - chữa bệnh mà anh thi triển chính là bao nhiêu kinh nghiệm anh được truyền thụ trong các nhà lao khi Hải Phòng, lúc Hà Nội vào những tháng năm Tony Tuấn còn là thằng cu Tý mồ côi hư hỏng của miền đất Cảng!

Sinh năm 1960, mất cả bố lẫn mẹ năm chưa lên 10 tuổi, thời thơ ấu và thiếu niên của cu Tý, tức Tony Tuấn, là những tháng năm lang thang vỉa hè, ra tù vào khám bởi các loại tội danh lặt vặt của một kẻ giang hồ ưa tham gia vào những vụ đánh đấm, kiếm kế sinh nhai, không nhà không cửa dù các anh chị rất đùm bọc, thương yêu trong ngôi nhà ở phố Nguyễn Đức Cảnh. Mới 9 tuổi, cu Tý đã lưu lạc lên Cao Bằng. Tại đây, Tý được một thầy lang dân tộc thiểu số bày cho cách bấm các huyệt đạo và châm cứu. Trở lại Hải Phòng, với những bài học châm cứu và bấm huyệt sơ khai, cu Tý đã có thể kiếm cơm bằng cách cá cược ăn mảnh thủy tinh hay đâm kim vào người mà không chảy máu.

- Dạo ấy, vào năm 1972, trong một lần cá cược với lũ bạn, chúng nó lừa tôi lấy chỉ mục xâu vào kim nên khi kim luồn vào tay, chỉ đứt, thế là chiếc kim vẫn còn cho mãi đến hôm nay không lấy ra được - Tony Tuấn chỉ vào cánh tay trái - Nó nằm đây! Chụp phim thấy rõ ràng!

- Anh không thấy đau đớn gì sao? - Tôi hỏi.

- Không? Quen rồi - Tony Tuấn cười - Đời tôi dường như không có gì là đớn đau, Hải à!

Tôi tin lời Tuấn. Một người dày dạn trường đời như anh, chắc không có gì thách thức được tâm hồn, nhất là tâm hồn của xứ Cảng. Cùng là dân giang hồ từng lăn lóc vỉa hè như Tuấn, tôi tận tụy chia sẻ tâm tình với anh.

Từ Philadelphia xa xôi, nước Việt quê nhà vẫn vang lên trong ký ức, rất rõ ràng và mặn nồng, nhưng Tony Tuấn lại khó nhớ nổi bao lần anh vào trại giam! Tony Tuấn chỉ nhớ căn buồng số 12 Nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội và Trại giam Trần Phú, Hải Phòng, đó là "hai ngôi nhà, hai trường học" của đời anh. Chính tại trong chốn lao tù này, Tuấn đã trải qua không biết bao nhiêu cơ cực.

Đôi bàn tay của Tuấn từng phải nhẫn nhục làm bệ xí, miệng thì hát cho các đại ca đi vệ sinh! Nhưng cũng chính đôi bàn tay ấy, nhờ siêng năng đấm bóp cho các bạn tù, Tuấn duyên cơ gặp hai vị sư phụ luyện thêm tay nghề châm cứu và bấm huyệt kèm theo khí công chữa bệnh.

Trong tù khan hiếm dụng cụ thuốc men, phải lấy thuốc lá thay ngải cứu đốt vào các huyệt, dùng bàn chải đánh răng nung lửa, kéo thành sợi tơ khi khô đi sẽ trở thành kim châm! Những năm tháng giang hồ đất Cảng ấy, chàng thanh thiếu niên Nguyễn Văn Tý, kẻ từng liều mạng vượt tuyến sông Bến Hải vào Huế chơi để xem cho biết miền Nam lửa khói chiến tranh, không thể ngờ rằng sau này mình lại thành danh trên một vùng đất Hoa Kỳ nhờ vào những bài học chữa bệnh kỳ bí trong tù. Chính bản thân tôi, bất ngờ gặp Tuấn và cũng bất ngờ trải nghiệm phương cách trị bệnh kỳ dị của Tony Tuấn.

Tôi vốn là người nhút nhát, sau lần hồi sinh từ căn bệnh nhiễm trùng uốn ván, tôi vốn kiêng kị kim châm nên dù đau nhức đôi vai, cánh tay và gáy, tôi vẫn kiên gan không cho phép bất kỳ mũi kim châm nào cắm vào da thịt mình. Nhưng bây giờ gặp Tony Tuấn, như duyên trời mang đến cho tôi trong những ngày cô đơn ngược xuôi nước Mỹ, cái cơ thể gầy yếu của tôi ngoan ngoãn cho Tony Tuấn phóng những chiêu thức trong chốn lao tù ngày nào!

Rất nhanh gọn từng động tác, Tuấn kéo đôi tay, rồi nhấc bổng người tôi lên như ngọn lá và sau đó là những ngón tay anh liên hồi bấm vào các huyệt đạo. Chừng mấy phút, tôi rơi xuống nền nhà theo phương thẳng đứng. Và lạ thay, tôi cảm thấy lần đầu tiên sau bao nhiêu năm mỏi mệt như mang nặng tảng đá, đôi vai và cánh tay tôi bỗng nhiên nhẹ nhàng cử động không hề đớn đau.

Chưa hết, Tuấn đưa tôi vào phòng, anh bắt đầu phóng kim tràn lên lưng và vai tôi. Tựa như những cửa sông bị tắc nghẽn vì rều rác, các huyệt đạo của tôi đã lần hồi khai mở dưới từng mũi kim. Tuấn vận khí công, dùng tay ấn vào đầu và bắt đầu màn kéo giãn đốt sống. Trong thoáng chốc, tôi nhớ lại người bác sỹ ở Việt Nam nói với tôi rằng, nước Mỹ đã chế ra một loại máy dùng để kéo giãn các khớp cổ và cột sống cho những người bị thoái hóa. Nhưng các loại máy ấy vô cùng đắt đỏ, thường chỉ trang bị trong các bệnh viện hoặc khách sạn 5-6 sao! Giữa phương pháp hàn lâm của nước Mỹ và phương pháp tay chân của thầy lang Tuấn có mối liên hệ gì chăng? Tôi không biết, bởi tôi không phải là một nhà y khoa. Tôi chỉ biết sau lần chữa trị liên hoàn ấy, thân thể tôi như trở lại những ngày trước khi bị đau nhức vai gáy!

- Đêm nay anh sẽ chữa tiếp cho Hải - Tôi chưa kịp hớn hở, lại xanh mặt lo lắng khi nghe Tuấn tiếp lời - Đợi anh uống say đã nghe! Càng say anh càng "đánh" hay!

Tôi đã nghe anh Thắng - cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Liên hợp quốc, trên đường từ New York về Philadelphia nói qua về cách "đánh người trị bệnh" của Tuấn, nhưng sao không dùng khí công hay các trường phái võ lâm khác mà lại dùng túy quyền! Lỡ say, tay vung mạnh, nhầm huyệt đạo là chết như chơi! Trời ạ! Biết làm sao được khi tôi nhìn thấy Tony Tuấn bắt đầu mang chai rượu mạnh ra rót tràn ly mất rồi!

Chiều Philadelphia, anh Thắng dẫn tôi đi qua những ngã đường hoàng hôn mang hương thơm của lá và ánh sáng miền cố đô Hoa Kỳ, khi trở về căn nhà, tôi nhìn thấy chai rượu của Tony Tuấn đã vơi như biển Hải Phòng quê anh lúc triều xuống!

Cũng trong cơn rượu ấy, trước mặt tấm ảnh Sir Alex và những bức thư cảm ơn treo trên tường, trong đó có cả thư của những vị làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên hợp quốc và Hoa Kỳ, Tony Tuấn dạy cho người cháu gọi anh bằng cậu, lớn hơn tôi 2 tuổi, những động tác "đánh người trị bệnh".

Người cháu của Tuấn mê khí công, to lớn, theo học cậu mình đã được 5 năm nhưng tôi nhìn thấy những động tác của anh ta vẫn chưa dứt khoát, nếu không muốn nói là còn ngượng ngập! Ô, hóa ra những động tác kéo tay, hích vai, ôm thân, bẻ xương, bấm huyệt liên hoàn tưởng chừng đơn giản ấy, lại có thể khó như một công án của Phật pháp! Không biết bao giờ, người cháu của Tony Tuấn mới có thể thay sư phụ chữa bệnh cứu người như cái tên hiệu "Tế dân đường thiết đả" treo ngoài ngôi nhà.

Tuấn giải thích, bí kíp chữa bệnh của anh là dùng nội công thiết đả các huyệt đạo bằng các phương pháp chữa bệnh tổng lực mang tính tự nhiên, kết hợp liên hoàn các cách thức châm cứu, bấm huyệt và "đả toàn thân" để cho mọi cơ thể níu kéo vào nhau mà hồi phục chứ không phải đau chỗ nào trị chỗ ấy. 14 năm qua, từ ngày treo bảng chữa bệnh, chưa lần nào anh bị người bệnh không trả tiền theo như tôn chỉ ghi rõ trên bảng hiệu hay danh thiếp, rằng "Bệnh không giảm, tuyệt đối không nhận thù lao!".

Anh tâm niệm, trong đời anh không bao giờ quên lời sư phụ dạy: Xởi lởi thì trời cho! Có đức thì mặc sức mà ăn!

Đêm Philadelphia trôi dần về sáng, Tony Tuấn đã sóng sánh cơn say, anh kéo tôi ra giữa nền nhà và bắt đầu thi triển túy quyền, liên hồi đả vào người tôi những thế đánh uyển chuyển, chính xác, tuy không dữ dội nhưng tôi nhận thấy tâm lực và khí toát ra từ người Tony Tuấn truyền vào tôi rất mãnh liệt, thức tỉnh những gì héo tàn được bừng lên tươi xanh trở lại trong từng múi thần kinh dệt lên thân xác con người.

Những giọt mô hôi túa ra trên khuôn mặt của Tuấn. Có lẽ, công lực của anh đã vận hết vào tôi trong khoảnh khắc. Anh bảo tôi đi ngủ. Tôi nằm xuống sàn nhà, nhường chỗ đợi anh nhưng một lần nữa, Tuấn lại làm tôi bất ngờ với chiêu thức ngủ kỳ lạ của mình: Tuấn ngủ ngồi trên ghế!

Khuya khoắt Philadelphia, bất giác bâng khuâng, tôi với những ký ức tràn qua lời Tuấn. Những năm tháng tuổi thơ, lao tù là nhà, đường chợ là quê ấy, cu Tý thường hay leo lên cành đa ngủ dù mưa gió hay lửa đạn bom rơi, giấc ngủ của cu Tý vẫn an lành giữa vòm trời quê hương Hải Phòng.

Bây giờ, sau hàng chục năm xa cách, gốc đa đã bị chặt, cu Tý đã thành Tony Tuấn, vị thầy lang được Sir Alex thán phục có "đôi tay vàng", vẫn bình an trong tư thế ngủ ngồi! Khuôn mặt can trường, hằn in bao nhiêu vất vả mưa nắng bụi trần ấy, rất thanh thản trong cái tư thế ngủ của tuổi thơ. Và tôi cầu mong, anh sẽ có những giấc ngủ trong tương lai thanh thản hơn khi ước mơ cháy bỏng của anh trở thành sự thật: Ước mơ trở về quê nhà, thành lập một ngôi nhà khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo và dành dụm tiền xây một trại trẻ mồ côi, dưỡng nuôi những tâm hồn lang thang cơ nhỡ, để các em không bao giờ có những giấc ngủ ngồi trên cành đa như cu Tý năm xưa!

Văn Cầm Hải - ANTGCT