saigon42
Hạ Sư



Ngày tham gia: 28 8 2006
Số bài: 915
Đến từ: USA
Gửi: Thứ Năm 12/10/2006 9:56 PM Tiêu đề: Tục thờ nữ thần của người Việt

--------------------------------------------------------------------------------

Tục thờ nữ thần của người Việt

Nhân dân ta vốn có truyền thống quý báu là lòng biết ơn chân thành và kính cẩn đối với những kỳ tích và những người làm nên kỳ tích. Từ xa xưa, người phụ nữ Việt Nam đã có một vai trò, địa vị rất quan trọng trong lịch sử văn hóa của đất nước, cũng như lịch sử đấu tranh giữ nước, dựng nước của dân tộc ta.

Những mẹ Nữ Oa sáng tạo ra đất trời, mẹ Âu Cơ sinh sản ra nòi giống, tiếp đó còn có những mẹ đắp núi, đào sông, hoặc mở mang các nghề sǎn bắn, trồng trọt, cấy hái... Họ chính là những anh hùng góp phần tạo nên phần hồn trong đời sống của người Việt. Tất cả đều được nhân dân ghi nhớ và chiêm ngưỡng.

Từ cuộc đời thực đáng trân trọng ấy, nhân dân ta đã vận dụng tư duy nghệ thuật sơ khai trong cổ tích để tưởng tượng ra những điều kỳ vĩ, nhằm nâng cao các bà, các chị lên thế giới thần linh và tôn thờ họ thành những vị nữ thần của người Việt.

Vậy, nữ thần của người Việt là ai ? Có thể khẳng định một lần nữa rằng, nữ thần là những người phụ nữ (là nhân vật huyền thoại hay nhân vật lịch sử có thực) hoặc những vật thể được nhân cách hóa mang nữ tính, được phong làm thần linh, theo quan niệm dân gian. Họ là những lực lượng sáng tạo ra vũ trụ, ra loài người hoặc những anh hùng vǎn hóa có kỳ tích rực rỡ, những vị nữ tướng đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc, những kỳ nữ đã khai dân lập ấp, truyền thụ các tri thức ngành nghề, những bà mẹ, người vợ, người chị có tài năng hay đức hạnh...

Tục thờ nữ thần của người Việt đã xuất hiện từ lâu đời và phát triển trong trường kỳ lịch sử trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò của người phụ nữ nói chung, bà mẹ nói riêng trong gia đình và xã hội của người Việt Nam.

Tục thờ nữ thần có nguồn gốc sâu xa trong đời sống kinh tế và xã hội. Nền kinh tế của người Việt cổ là kinh tế nông nghiệp với phương thức chính là trồng lúa nước. Từ đời sống đó hình thành những tín ngưỡng và lễ thức liên quan đến Đất - Nước và cây Lúa... Những yếu tố này được người xưa coi như thần linh. Do ảnh hưởng quan niệm triết lý Âm - Dương, việc tôn thờ thần Đất, Nước, Lúa... đều đồng nhất với yếu tố Âm và được nhân hóa thành nữ thần. Vì gắn với thuộc tính sinh sản ra thóc gạo để nuôi sống, bảo toàn nòi giống, sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như: trời, đất, sông nước, rừng núi...) cho nên các vị thần ấy mang tư cách Mẹ.

Nữ thần và việc tôn thờ nữ thần ở nước ta rất phổ biến. Nữ thần có những gốc tích rất khác nhau, nhiều nữ thần đã được phong làm Thành hoàng làng, nhiều vị được suy tôn là Vương Mẫu, Thánh Mẫu, Quốc Mẫu và được thờ trong đền, miếu, điện, tháp, phu,...

Thờ nữ thần là một hình thái ý thức. Với những nữ thần gắn với sản xuất nông nghiệp việc thờ cúng các bà ngoài ý nghĩa là ''những biện pháp kỹ thuật nhằm thu được hiệu quả nhiều hơn trong lao động'' còn là dịp để người ta bày tỏ lòng biết ơn thần linh, cầu mong được bảo vệ, chở che, ban cho người an, vật thịnh. Với những vị nữ tướng, những tổ nghề,... việc thờ cúng các bà mang ý nghĩa chính là giáo dục sự biết ơn, đạo đức "uống nước nhớ nguồn" cho các thế hệ sau.

HHL ( theo Văn Hoá Đông Phương )