Ở cõi Ta Bà, ai cũng thích sướng, ghét khổ. Chúng sanh ở địa ngục thì thích khổ, ghét sướng. Ngạ quỷ thì thích sân giận, ghét từ bi. Loài súc sanh thì vì thích ngu si, ghét trí huệ, nên mới đọa làm súc sanh.
Tuy con người thích vui sướng, ghét khổ não, song lại không biết làm sao để chẳng có khổ não. Ở cõi trời, ai cũng thích sướng ghét khổ. Trong lúc đó, đối với chư Phật và Bồ-tát thì cảnh giới của các Ngài không có khổ não hay vui sướng. Các Ngài quên bẵng cả hai trạng thái khổ, vui. Đa số chúng sanh đều điên đảo–nhận đúng là sai, lấy sai làm đúng, đem đen làm trắng, thấy trắng cho là đen. Rốt ráo thì chúng sanh có biết chăng mình đang điên đảo? Biết chứ! Tuy biết nhưng vẫn cứ làm chuyện sai trái; hiểu rõ là việc phi lý, thế mà cứ chuyên môn làm bậy; biết đâu là việc đúng đắn, nhưng lại không chịu làm.
Có người nói: “Niệm Phật thế thì nguy hiểm quá, bởi vì làm mình quên cả chuyện đã ăn cơm rồi hay chưa nữa!” Song chính đây mới là công phu của những người chân chính dụng công–ăn hay chưa ăn họ không biết đến; áo mặc hay chưa mặc họ cũng chẳng nhớ; nghỉ hay chẳng nghỉ họ nào hay. Quên bẵng mọi sự! Ban ngày ư? Không biết! Ban đêm ư? Không biết. Trên không thấy có trời, dưới chẳng thấy có đất, ở giữa chẳng biết có người – mọi thứ đều không. Khi vạn sự đều không thì làm sao còn nhớ nghĩ tới việc uống trà, uống sữa?
Chùa Kim Sơn có một thầy chẳng dám uống sữa. Bởi vì sau khi uống sữa thì lòng dâm dục nổi lên, không sao kềm chế được; do đó thầy chẳng uống sữa. Chúng ta ăn uống là để duy trì sinh mạng, lấy vật thực làm thuốc men. Không ăn thì chết đói, nên ăn để duy trì sự sống chứ chẳng phải chúng ta cần ăn các thức bổ dưỡng để nuôi thân. Khi thức ăn quá bổ béo thì rắc rối lắm đấy.
Người tu pháp môn Niệm Phật phải nhớ lúc nào cũng chỉ niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật,” không được ngừng nghỉ. Lúc thức niệm, ngủ cũng niệm. Phải niệm sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” sao cho chẳng thứ gì có thể làm gián đoạn, dù dùng kiếm cũng chẳng chặt đứt được. Sức mạnh của niệm Phật phải kiên cố vượt hẳn sự cứng rắn của kim cương. Khi quý vị không thể dùng cách gì để phá hoại được tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì lúc ấy mới gọi là “Niệm Phật Tam-muội.”
Chẳng những niệm Phật như vậy, mà tụng Kinh và trì Chú cũng vậy. Khi ở trạng thái này, dù muốn khởi vọng tưởng quý vị cũng chẳng thể khởi đặng. Tu hành là việc không dễ đâu. Quý vị hãy xem Thầy Hằng Thậc: Vì sao Thầy không uống sữa? Bởi vì Thầy biết sự lợi hại của sữa! Hễ Thầy uống sữa bò, thì “tánh bò” lập tức nổi dậy. Khi “tánh bò” (lòng dâm dục) nổi dậy thì còn dữ dằn hơn cả cọp nữa!
Thông thường, hễ thân thể chẳng thiếu dinh dưỡng thì không cần ăn đồ bổ dưỡng. Ăn đồ bổ rồi thì sinh đủ thứ rắc rối. Do đó, “quá dư thì cũng như thiếu hụt,” thái quá và bất cập đều không tốt cả.
Chúng sanh ở cõi Ta Bà này, mỗi cử động mỗi hành vi đều là tham, là sân, là si. Tu Pháp Thế-gian, chúng sanh dùng tham sân si để tu. Khi tu Pháp Xuất-thế-gian, họ cũng dùng lòng tham sân si để tu. Thành thử, khi tu họ cứ tham trước khai ngộ–ngồi Thiền mới hai ngày rưỡi mà đã muốn khai ngộ, tu hành chưa tới ba ngày đã đòi có thần thông, niệm Phật chưa được mấy bữa cũng đòi đắc Niệm Phật Tam Muội. Quý vị xem, lòng tham của họ to lớn đến thế! Đó toàn là biểu hiện của loài quỷ tham lam.
Chúng ta phải xem việc tu hành như là bổn phận của mình, không cần phải tham lam – lâu dần, công đức sẽ viên mãn, quả Bồ-đề cũng tự nhiên thành tựu. Đáng lẽ việc tu hành đã thành công rồi, nhưng chỉ vì quý vị tham nhiều nên rốt cuộc chẳng “tiêu hóa” nổi. Như ăn cơm, phải nhai từng miếng một; nếu một lúc mà dồn cả bát cơm vào miệng, đầy cả mồm thì làm sao ăn? Muốn nhai cũng nhai không đặng, nuốt cũng nuốt không trôi. Việc ăn uống là một thí dụ hết sức đơn giản. Nên có câu: “Tham nhiều thì nhai không được.”
Khi tu hành, phải tu mà như chẳng có tu gì cả. Đừng sinh lòng tham lam, cũng đừng tính toán mình sẽ thế nào, sẽ có gì. Quý vị muốn khai ngộ, muốn đắc thần thông; song làm sao quý vị đạt kết quả mau chóng như vậy được? Khi gieo hạt giống xuống đất, phải chờ thời gian để nó từ từ mọc cao lên; rồi khi đã đủ giờ đủ ngày thì nó sẽ chín muồi. Cổ nhân dạy:
“Mài thỏi sắt thành kim,
Công đủ, tự nhiên thành.”
Quý vị chớ sợ phí công, khi đủ thời gian rồi thì tự nhiên cục sắt cũng bị mài thành kim–có công mài sắt có ngày nên kim.
Việc tu hành, cốt yếu ở chỗ trừ sạch thói hư tật xấu. Thế nào là thói hư tật xấu? Thích uống trà là một tật xấu, thích uống sữa là một tật xấu, thích khởi vọng tưởng lăng xăng cũng là tật xấu. Nếu quý vị tham tiện nghi, thì dụng công không được cảm ứng. Khi dụng công, quý vị chớ sợ khổ, sợ khó khăn, sợ mệt nhọc, thì tu mới thành. Ở đây tôi phải xin lỗi quý vị, bởi vì tôi thích nói đùa, do đó quý vị nào mập mạp sau khi nghe tôi giảng xin đừng kiêng ăn cho tiêu mỡ, bớt mập. Nếu không, e quý vị sẽ “đầu thượng an đầu,” nghĩa là làm những việc vô ích rồi tạo cho mình đủ thứ phiền não.
Hiện nay, toàn thế giới đâu đâu cũng tràn ngập thiên tai nhân họa. Nơi nơi đều trở nên hắc ám, không có ánh sáng, chứng tỏ rằng sinh mạng của nhân loại đang bị đe dọa trầm trọng. Cái không khí giết người ấy thật quả xưa nay chưa từng có. Quý vị đã biết về bom nguyên tử, bom khinh khí, vũ khí hạt nhân, và giờ đây còn có thêm tia laser nữa. Những thứ vũ khí ấy một khi được sử dụng thì toàn nhân loại chắc sẽ diệt vong. Vì thế, hiện nay toàn cầu đều bị bao phủ bởi ám khí, và ác nghiệp đen tối cũng bao phủ khắp nơi. Cách duy nhất để diệt trừ tai họa ấy là chúng ta phải nương theo Phật-pháp mà tu hành. Ở đâu có người chân chính tu hành, ở đó tai nạn sẽ giảm bớt. Nếu nhiều người cùng nhau kết hợp tu hành, thì sức mạnh tập thể sẽ tiêu trừ được tai nạn, hóa giải được độc khí tàn khốc ấy thành không khí hòa bình kiết tường. Muốn được vậy, mọi người cần phải thật sự tu trì, chân chính hành Đạo đúng theo Phật-pháp.
Quý vị hãy thành tâm niệm Phật. Khi niệm Phật một tiếng, trong hư không sẽ có một ánh hào quang xuất hiện. Nếu quý vị chí thành khẩn thiết niệm Phật thì ánh hào quang ấy sẽ chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, và có thể hóa giải mọi thứ ô nhiễm, bạo hành, tai họa, khiến cho bầu không khí trong cõi tam thiên đại thiên thế giới trở nên tốt lành.
Vạn Phật Thánh Thành là một nơi quang minh trên thế giới, phóng quang biến chiếu khắp hoàn vũ. Nếu như quý vị ở Vạn Phật Thánh Thành mà khởi vọng tưởng thì quý vị vẫn có công đức, mà lại còn lớn hơn công đức to tát nhất mà quý vị có thể có được ở thế giới bên ngoài. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì những kẻ ở Vạn Phật Thánh Thành, ai ai cũng đều hướng thiện, nên dù họ có vọng tưởng thì đa số cũng là vọng tưởng tốt, rất ít khi họ nghĩ đến điều ác độc. Do đó, quý vị có thể nói rằng Vạn Phật Thánh Thành là mặt trời và mặt trăng của thế giới, chiếu soi khắp nơi khiến toàn thể chúng sanh được thanh tịnh, mát mẻ.
Những người cư trú ở Vạn Phật Thánh Thành đều trồng nhiều căn lành từ thuở xa xưa. Họ đã từng phát nguyện cải thiện thế giới, khiến mọi tai nạn đều tiêu trừ. Do đó quý vị trú ở Vạn Phật Thánh Thành phải hướng vào đường chánh mà tu, ngay trong mỗi hành động mỗi lời nói. Quý vị chớ nên a dua với kẻ xấu, kẻ tầm thường. Người cư ngụ ở Vạn Phật Thánh Thành đều là người tốt, đàng hoàng. Những người tánh tình hung dữ, ác tâm, chẳng sớm thì muộn đều không thể ở được và sẽ tự ý rời chùa.
Vạn Phật Thánh Thành, từ dưới đất trồi lên ở Tây Phương, là nơi mà tương lai tín đồ Phật-giáo toàn cầu sẽ quy tụ cùng nhau tu hành và nghiên cứu Phật-pháp làm cho Đạo Phật càng phát triển rực rỡ. Hễ ai có thể xuất gia tu Đạo ở Vạn Phật Thánh Thành thì tương lai nhất định sẽ thành Phật. Vì sao? Vì rằng:
Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt.
(Ai ở lâu đài cạnh hồ nước thì sẽ thấy bóng mặt trăng trước.)
Nếu quý vị tới Vạn Phật Thánh Thành sớm thì sớm thành Phật. Kẻ tới sau, thì chậm thành Phật hơn.
Có nhiều người tới Vạn Phật Thánh Thành nhưng cảm thấy không thể ở được, bởi vì họ thấy ở đây chẳng có hoạt động gì mấy, luật lệ quá cứng rắn, lại chẳng có gì vui thú. Song quý vị phải biết rằng, chỉ hướng ngoại tìm thú vui thì quý vị sẽ đánh mất niềm vui chân chính. Ở đời, hễ tìm cầu thứ giả dối thì sẽ đánh mất cái chân thật. Muốn tìm thứ chân thật, trước tiên phải buông bỏ cái giả dối, hư ngụy đi. Chẳng thể nào vừa muốn tu Đạo Xuất-thế lại vừa ôm chặt pháp thế gian thường tình, cũng như bước lên hai chiếc thuyền cùng một lúc, vừa muốn lên Giang Bắc lại vừa muốn xuống Giang Nam. Đó là chuyện không thực hiện được!
Trong thất Niệm Phật này, quý vị cần phải “nhất môn thâm nhập”–chuyên tâm vào một pháp môn–chỉ dựa vào lòng chân thật, lòng thành khẩn, cung kính mà tu pháp niệm Phật, chớ để uổng phí thời gian dù chỉ một phút thôi. Quý vị nên biết, một chút thời gian là một chút sinh mạng. Nếu không dụng công, mình sẽ tăng gia tội nghiệp. Chân thật dụng công thì tăng trưởng thiện căn. Bởi vậy quý vị hãy thành tâm, thiết tha niệm Phật thì mới không phí thời giờ, mà đời quý vị mới thật có giá trị.

(Giảng vào Mùa đông, 1979, tại Vạn Phật Thánh Thành)