kết quả từ 1 tới 20 trên 87

Ðề tài: TRUYỀN TÍCH CÁC VỊ THÁNH ( SƯU TẦM)

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định TRUYỀN TÍCH CÁC VỊ THÁNH ( SƯU TẦM)

    ở topic này, mình xin post một số các truyền tích các vị thánh mà mình sưu tầm đó đây, mỗi nơi một ít. gom lại để mọi người, đặc biệt các newbie tiện theo dõi. (mình có lược bớt một số đoạn rườm rà) Mỗi vị thánh có thể để lại nhiều truyền tích khác nhau, ( tựa như một vị thánh cũng có thể có vài bản văn hầu) vì thế mong cả nhà hoan hỉ góp sức, bổ sung thêm. nhất là các vị thánh bản địa, ít được biết đến. ví dụ. khi mình lên Bảo Hà, có thấy các thanh đồng hay hầu bà chúa út đông cuông, mà mình lại không hiểu lai lịch của vị thánh này lắm. trong lòng cũng rất băn khoăn.
    và quan trọng hơn nữa, khi ta hầu thánh mà biết tại sao phải hầu, và các vị là ai, truyền tích thế nào, thì sẽ ý nghĩa hơn phải không?
    ( chân thành cảm ơn bạn Keithbill, đã góp ý mình lập topic này)


    ĐỆ NHẤT THÁNH MẪU – LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA
    Ngài vận y phục mầu đỏ, tọa chính giữa trong tam tòa thánh mẫu. Có thánh tích tại Phủ Giầy, Nam Định. Ngài là con gái của vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, với truyền tích tái giáng 3 lần:

    • Lần thứ nhất ( 1434 – 1473) tại Bắc Kỳ, Trấn Sơn Nam, Xã Trần Xá, Huyện Đại An, Phủ Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định,
    • Lần thứ hai (1557- 1577) Tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, Phủ Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định, kết duyên cùng chàng Đào Lang
    • Lần thứ 3 (1609 – 1610) niên triều vua Lê Kình Tôn, Được Đức Ngọc Hoàng cho phép trắc giáng phi thường, tiêu diêu tự thích, lần này Đức Thánh Mẫu tái hợp với chàng Mai Sinh chính là Đâò Lang kiếp trước. ở làng Tây Mụ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

    Thánh Mẫu Giáng Sinh lần thứ nhất

    1434 – 1473
    Xưa ở Bắc Kỳ trấn Sơn Nam tỉnh Nam Định Phủ Nghĩa Hưng huyện Đại An xã Trần Xá có một người gọi là Phạm Thái Ông hiệu là Huyền Viên huý là Đức Chánh. Vợ quán Miêu Duệ gọi là Phạm Thái bà hiệu là Thuần Nhất.
    Hai ông bà ăn ở rất hiền lành phúc hậu. ngày đêm chỉ lo vun trồng cội đức, bồi đắp ngành nhân hằng tam đã sẵn, hằng sản lại nhiều, cho nên sự làm phúc càng ngày càng tăng tiến, nào là tô tượng đúc chuông, nào là xây chùa lập miếu, nào là san cơm sẻ áo cho kẻ bần cùng, nào là phát gạo cấp tiền cho người cô quả.
    Nói tóm lại là không có một việc thiện nào mà không có hai ông bà họ Phạm.
    Nhưng Phạm Thái ông và Phạm Thái bà có một nỗi buồn riêng là hào tử tức vẫn còn hiếm buồn rồi lo vì tuổi đã nhiều mà con chưa có, không biết lấy ai mà kế thế về sau để dữ lấy cơ đồ họ Phạm.
    Thường ngày Phạm Thái ông và Phạm Thái bà cứ thiết đàn làm chay cầu trời khấn Phật xin cho có con hậu tự lòng thành thấu tới trời xanh, Việc cầu tự Đức Ngọc Hoàng động tâm xét sổ Nam Tào thấy Phạm Thái ông khi xưa làm Phó sử Thiên triều Khâm Sai tra sổ bị có điều bất công nên phải bị trích xuống cõi trần thế; bởi vậy lời khấn của Phạm Thái ông được trên Thiên Đình doãn hợp.
    Đức Ngọc Hoàng tức thì hạ lệnh truyền đòi Đệ Nhị Tiên Nưong lên chầu. Mấy phút sau, đã thấy một vị Tiên Nương mặc áo hồng, gót sen nhẹ bước quỳ lậy trước sân rồng chờ lệnh.
    Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế phán rằng: “ Trần hoàn, có Phạm Thái ông tu nhân tích đức đã lâu mà chưa có con, nay cha muốn cho con xuống đầu thai làm con nhà họ Phạm ít lâu, rồi sẽ trở về Linh Tiêu, con nghĩ sao? ”
    Đức Tiên Chúa tâu rằng: “Đội Đức Thiên Nhan non cao bể rộng, không toan cưỡng lời, Hoàng phụ phán dậy mấy lời, con xin tuân mạng.”
    Đức Thượng Đế nghe Tiên Chúa cũng vui lòng thuận xuống trần thì trong lòng vui vẻ lắm. Lúc đó quần Tiên tâu hỏi Đức Thượng Đế rằng : “ Cho Tiên Chúa xuống trần độ bao nhiêu lâu ”. Đức Thượng Đế liền cầm bút son ngự phê hai chữ Linh Tiêu trên đầu tên của Đức Tiên Chúa và phía dưới năm chữ “ Tư phương lai cúng Phật ” rồi truyền cho lui chầu.
    Buổi Thiên Triều hội nghị chính vào ngày rằm tháng sáu, năm quý sửu niên hiệu Thuận Thiên lục niên ( 1433 ) triều vua Lê Thái Tổ, giờ tí đêm hôm đó Phạm Thái bà nằm chiêm bao thấy có Đức Tây Cung Vương Mẫu, cho một quả đào mùi thơm ngào ngạt, kế đó Phạm Thái bà có Thai.
    Đến ngày giáng thế, Đức Tiên Chúa trước vào lậy Đức Hoàng Phụ và Mẫu Hậu rồi trở ra chào văn võ bá quan cùng các vị quần Tiên và dặn dò đâu vào đó song rồi mới bước lên loan xa đã chờ sẵn trước Thiên Môn tức thì:
    Xanh ca đàn hát đôi bên
    Dập dìu phụng liễn xuống miền nhân gian,
    Cờ bay nhạc thổi trống vang
    Theo hầu Tiên Chúa cả đoàn Tiên Nga.
    Đêm đó Phạm Thái ông nằm ngủ mơ màng thấy các vị Tiên Nga vào nhà mình mùi thơm ngào ngạt, Phạm Thái ông vội vàng khăn áo chỉnh tề ra nghênh tiếp khi bước xuống thềm, vì lòng kinh sợ khúm núm thụt lùi, chật chân sắp ngã, lúc đó Phạm Thái ông giật mình tỉnh dậy thì Phạm Thái bà đã sanh một người con gái.
    Nhãn quan lóng lánh tinh thần
    Mày ngần vành nguyệt giá ngần vóc sương
    Má đào môi hạnh phi thường,
    Giá so Tố Nữ Tiên Nương khôn bì
    Lúc đó chính vào giờ Dần ngày mùng sáu tháng ba năm giáp dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên, triều vua Lê Thái Tôn hoàng đế ( 1434 ). Trong nhà thơm nức mùi hoa huệ ai ai cũng lấy làm mừng, làm lạ.
    Hoa huệ đó là các vị quần Tiên đem dâng lúc Tiên Chúa khi tạm biệt, Phạm Thái ông tháy con mình hình dung tuấn tú, cốt cách phi phàm, lại nhận thấy chiêm bao các vị Tiên Nga vào nhà nên đặt tên cho con là Tiên Nga.
    Gặp cảnh lão bạn sanh châu Phạm Thái ông cùng Phạm thái bà chăm nom săn sóc cho một cách khác thường nói không hết được thật là:
    Yêu như ngọc dấu như ngà,
    Nưng châu rún biển hứng hoa lưng trời
    Mà thê trướng gấm thảnh thơi,
    Thâm khuê dưỡng dục khác vời tiên cung.
    Phạm Thái ông cùng Phạm Thái bà từ khi sinh ra Tiên Chúa thường bảo nhau rằng: “ Từ khi kết nghĩa với nhau, đã hơn hai mươi năm mà chưa hề sinh nở lần nào, thế là biết hào tử tức của ta hiếm lắm, bây giờ ta đã già rồi mới có, chắc vì thường ngày chúng ta hay làm những điều phước thiện cho nên Hoàng Thiên không nỡ phụ lòng thiệt là cảm ơn trời phật không biết nhường nào.”
    Phạm Thái ông cùng Phạm Thái bà nghĩ vậy nên lại lo làm những điều phước thiện hơn trước, ngày tháng thoi đưa, thì giờ thấm thoát, Tiên Chúa đã lên năm tuổi tức là năm Mậu Ngọ niên hiệu Lê Thiệu Bình ngũ niên ( 1438 ).
    Đến năm Quý Hợi niên hiệu Thái Hoà nguyên niên ( 1443 ) triều vua Lê Nhân Tôn. Đức Tiên chúa lên mười tuổi, khi đó đã có trí thức thông minh, con gái trần gian vào tuổi đó đương độ thơ ngây, có biết gì là sự khôn dại là sự hiếu thảo, nhưng Đức Tiên Chúa đã xuất tính khác thường rất là hiếu thuận, cung phụng hai thân mùa hạ quạt mát, mùa đông chăn mền.
    Những khi Phạm Thái ông hay Phạm Thái bà có đau thì Đức Tiên Chúa ngồi hầu luôn bên trướng, nửa bước không rời, lo chăm thang thuốc lo việc cháo cơm đến khi nào cha mẹ thiệt lành Đức Tiên Chúa mới an lòng.
    Có một đêm vào mùa đông tuyết sương lạnh lẽo, Phạm Thái ông lâm bệnh đã ba bốn ngày thuốc thang không chuyển, Đức Tiên Chúa lấy làm lo lắm, Ngài biếng ăn đêm không ngủ, vóc ngọc mình mai, mà bề ngoài giả dạng làm vui, để cho Phạm Thái bà yên dạ, nhưng thấy bệnh Phạm Thái ông không giảm, Đức Tiên Chúa trong lòng hoảng hốt, lúc đó lẻn dậy một mình thắp hương ra giữa thinh không, khấn với Phật trời phù hộ cho cha bệnh tình thuyên giảm.
    Phạm Thái bà chở dạy sực tỉnh không thấy con, liền gọi cũng không thưa, bèn thắp đèn đi tìm, Phạm Thái ông thấy vậy cũng thức dậy.
    Bất giác Phạm Thái bà ra điện giữa sân, thấy Đức Tiên Chúa đương quỳ khẩn nguyện, tuyết xuống phủ cả người, Phạm Tháí ông và Pham Thái bà thấy con như thế cảm động quá, chờ cho con khấn xong, mới gọi vào thay áo đi nghỉ. Phạm Thái ông thấy con mình còn nhỏ, mà đã chí hiếu như vậy trong lòng khoan khoái vui tươi, từ đó về sau bệnh tình thuyên giảm, thiệt là:
    “ Năm nên mười tuổi khôn thay
    Một bề hiếu thuận nết na ai tày
    Thung thuyên sớm dép túi dày
    Quạt nồng đắp lạnh đêm ngày vào ra
    Tôn thân thượng mục hạ hoà
    Lời ăn tiếng nói nhu hoà khoan thai
    Đủ đều ngôn hạnh công dung
    So xem cốt cách khác người trần gian. "
    Đến tuần tam ngũ phương phi, bạn tần khách tấn dập dìu vãng lai. Phạm Thái công mới hỏi con thời : " Chiêu thân sớm định đế già tâm khoan, thấy con ngồi dướigối thừa hoan thân con nên phải lo việc nhà.”
    Đức Tiên Chúa nghe song thân dạy thế cũng cảm động, nhưng Tiên Chúa nhất định thủ tâm trinh bạch, không chút bụi trần, liền tự nghĩ thưa rằng:
    “ Nay con đội đức sinh thành
    Ơn tày biển rộng nghĩa đà biển rộng non cao
    Hổ thân chút phận thư đào
    Hình tâm tử tức triệt vào cung phu
    Cuộc đời như thẻ phù vân
    Thần Tiên bận lấy duyên trần làm chi
    Nhớ khi nuôi dưỡng phù trì
    Nghĩ sao báo đáp ơn nghì cho phu
    Con xin dốc chí đường tu
    Chiều hôm ban sớm duy du vui cùng
    Mặc ai mối điệp tin ong
    Mặc ai lá thắm chỉ hồng bạn duyên
    Khi xưa phẩm cách người tiên
    Lẽ nào lỡ để hồng liên bùn lầy. ”
    Phạm Thái ông và Phạm Thái bà nghe con nói đã cạn lời, ngỡ rằng con mình tiền thân Phật Quan Thế Âm giáng sinh chăng, nên cũng chiều lòng con, không nói đến sự nhân duyên nữa.
    Đến năm nhâm ngọ niên hiệu Lê Thánh Tôn Quang Thuận tam niên, Đức Tiên Chúa hai chín tuổi thì Đức Phạm Thái công tạ thế.
    Cử tang mới được hai năm, thì Phạm Thái bà cũng theo Phạm Thái ông về nơi cực lạc.
    Tức là năm giáp thân niên hiệu vua Lê Thánh Tôn Quang Thuận ngũ niên ( 1464 ) Đức Tiên Chúa lên ba mươi mốt tuổi, Đức Tiên Chúa đau lòng xót ruột ngất đi tỉnh lại không biết mấy mươi lần.
    Than ôi! Trên không anh, dưới không em phải một mình bối rối ngậm thảm nuốt sầu, khó bề toan liệu, bèn mời các bậc trưởng lão trong làng trong xóm lại bàn, các ông trông thấy đức Tiên Chúa nết na hiếu lễ, ai cũng thương tình rồi người giúp việc này kẻ đỡ việc khác sự tống táng Phạm Thái bà rất là trọng hậu.
    Đức Tiên Chúa bao quản mọi việc chu toàn, nào hầu hạ họ đương làng nước, nào tiếp đãi kẻ viếng người thăm, nào lo việc thiết đàn làm chay cầu siêu cho song thân, nào lo việc tống táng an toàn nào là lo sắm cỗ bàn thực phẩm để tiếp đãi bà con làng xóm, một mình Đức Tiên Chúa trăm tính ngàn toan, lo đâu đó rất là chu đáo, sau việc tống táng xong rồi, Đức Tiên Chúa lại lo báo đáp những kẻ có công, lạy tạ những người giúp việc không sót một điều đáng trách được, đến tuần tứ cửu làm chay đại đàn bố thí bẩy ngày đêm, Đức Tiên Chúa cầu nguyện cho vong linh hai thân được siêu độ, lòng hiếu thảo thấu đến cửa thiên.
    Đức Thượng Đế liền truyền đem bộ trắc giáng ra ngự lãm. Đức Thượng Đế thấy Tiên Chúa còn mười năm nữa mới đến hạn quy tiên.
    Còn Phạm Thái ông cùng Phạm Thái bà hằng ngày lo làm điều phúc thiện, tu nhân tích đức, cũng được siêu độ.’
    Có một hôm Đức Tiên Chúa thấy chiêm bao, có bà Tam Tinh Công Chúa lại nói rằng: Tôi là con gái Vua Động Đình, vâng mệnh đem vàng bạc châu báu lại giúp.
    Quả nhiên trong khoảng mười năm đó, tài chí như xuyên, Đức Tiên Chúa làm ăn phát đạt, chẳng bao lâu mà Đức Tiên Chúa giàu gấp năm gấp mười hơn trước.
    Đức Tiên Chúa cảm cái ơn đó, nên bây giờ cứ đệ niên đến ngày hai mươi hai tháng tám là ngày kỵ vua Động Đình thì Quần Tiên hội lại trấn thiết lễ nghi làm lễ chiêm bái để tỏ lòng không quên gốc và ơn.
    Đức Tiên Chúa giàu thêm lên bao nhiêu thì Đức Tiên Chúa làm phước thiện bấy nhiêu nào trợ cấp cho đồng dân, lo dựng chùa lập miếu cho làng, lo xây đắp mộ cho các vị Tiên Linh và sửa sang nhà từ đường để phụng sự, còn dư giả bao nhiêu Đức Tiên Chúa bố thí cho tất cả bốn phương dân cùng.

    Một hôm xe loan đến nơi rước Đức Tiên Chúa về chầu Thượng Đế. Bữa đó chính là ngày mồng hai giờ dần tháng ba năm quý tị niên hiệu Hồng Đức thứ tư, triều Lê Thánh Tôn ( 1473 ).
    Quần Tiên vâng mệnh chỉ truyền, Tam Tinh cùng với Chúa Tiên phản hồi khi Tiên Chúa về đến Linh Tiêu, trước vào bái yết Phụ Hoàng cùng Phụ Mẫu, rồi ra chào văn võ bách quan, sau đi thăm các vị quần Tiên cùng chị em trong cung Quảng thiệt là :
    “ Bầu trời cảnh Phật non Tiên
    Mới hay vui thú khác miền trần gian
    Linh Tiêu ngày tháng thanh nhàn
    Tràng sinh đơn nhược rõ ràng là đây .”


    Thông Tính khi giáng khi thăng lần thứ nhất

    -------------------------------

    Tính từ khi Đức Tiên Chúa giáng sinh, năm giáp dần niên hiệu Lê Thiệu Bình nguyên niên ( 1434 ) cho đến năm quý tỵ niên hiệu Lê Hồng Đức tú niên ( 1473 ) là 40 năm, Đức Tiên Chúa chẵn bốn mươi tuổi, y như lời ngự phê, tứ phương lai cúng Phật, khi cho Đức Tiên Chúa giáng trần.
    Bấy giờ Đức Tiên Chúa ở trên Linh Tiêu, tuy rằng vui thú non tiên song lòng còn nhớ tới miền Nghĩa Hưng.
    Một ngày kia trên Thiên Cung nhân tiện vạn thọ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cờ treo ngũ sắc, đèn sáng muôn màu, trên bàn ngự sơn hào hải vị trước sân rồng vũ nhạc tiêu thiểu.
    Liệt Thánh Liệt Tiên, bá quan văn võ, làm lễ chúc thọ trước sân ngọ điện rất là tôn nghiêm, nhạc quân thiên vừa mới tâu lên, khúc nghê thường trước sân chen gót, cờ phất trống rung, khoái kỳ năm quanh quấn càn khôn, mùi trầm hương thơm lừng ngọc bệ.
    Đức Tiên Chúa thấy thế, sực nhớ đến khi ở trần gian, Đức Tiên Chúa chưa khi nào làm lễ chúc thọ cho song thân được long trọng như thế, để báo hiếu cho cha mẹ, bèn cảm động quá thổn thức trong lòng, chân tay rời rã. Cho nên đến lần Đức Tiên Chúa dâng thọ tửu nên Đức Ngọc Hoàng thì bỗng sẩy tay rơi chén Ngọc.
    Đức Ngọc Hoàng thất ý, liền truyền ghi tên vào sổ trích giáng trần thế, ( Lúc này là năm Lê Anh Tôn, Thiên Hựu nguyên niên, đinh tỵ).
    Đức Tiên Chúa bị trích giáng không có ý bằng lòng, cho nên chân bên tả đi nghiêng, lệch không thẳng. Đức Ngọc Hoàng thấy thế bèn truyền Đức Thế Tôn lên phán rằng:
    “ Quỳnh Nương bị trích, ta thấy khi ra chân bên tả hơi lệch, tất sau này có cái biến phi thường, trần gian nhiều người oan khổ, vậy ngươi phải nhớ sai ba vị Tiền Quan, Trung Quan và Hậu Quan ra phép trừ đi mới khỏi ”.
    Đức Thế Tôn lãnh chỉ lui ra.
    Tính từ khi Đức Tiên Chúa về chầu Thượng Đế ở trên Linh Tiêu từ Lê Hồng Đức tứ niên quý tỵ ( 1573 ) cho đến Lê Thiên Hựu đinh tỵ nguyên niên ( 1557 ) là tám bốn năm chẵn, lại bị trích giáng xuống trần.
    Thánh Mẫu Giáng Sinh Lần thứ hai
    1557 – 1577
    Tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có một người tên là Lê Thái Ông hiệu là Đức Chính, vợ Trần Thị Tự là Phúc Thuấn, ăn ở rất hiền lành phúc đức, ngày làm việc thiện gì thì đêm thắp hương cáo với Ngọc Hoàng, hậu thổ trăm lần như một, đến năm bốn mươi tuổi mới sinh được một người con trai đầu lòng tên là Lê Lục.
    Đức Lê Thái Ông nguyên dòng dõi nhà Trần, nhưng sau gặp loạn Hồ Quý Ly và Trương Minh Phụ giết hại Trần Tôn thất nhiều qua, nên phải cải họ Trần ra họ Lê cho khỏi bị hoạ.
    Đến năm Thiên Hựu nguyên niên triều vua Lê Anh Tôn ( 1557 ). Lê Thái Bà có thai lần thứ nhì, đã quá ngày sinh mà chưa sinh được, thường ngày các thức mặn không ưa, chỉ thích hoa quả mà thôi, trong nhà thấy thế ngỡ tưởng yêu quái quấy nhiễu, bèn thiết đàn mời thầy phù thuỷ đến có trừ tà trị bệnh nhưng không hiệu quả lại tăng thêm.
    Một hôm về tuần tháng ba trời thanh trăng tỏ, có một ngưòi chít khăn nâu áo vải, ra dáng đạo nhân, đứng ngoài cửa xin vào chữa bệnh, người nhà không cho vào, người đạo nhân cười mà nói rằng:
    “ Ta đây có phép phục long, hàng hổ, xuất u nhập minh, thấy nhà ngươi ăn ở hiền lành, mới vào cứu giải, sao nhà ngươi lại không cho vào ”.
    Lê Thái Ông nghe nói liền mở cửa mời vào, người đạo nhân vào nhà, thì xũ tóc lên đàn, miệng niệm thông thiên thần chú, tay rút cái búa ngọc trong tay áo ra, rồi ném xuống đất, tức thì Lê thái Ông mê thiếp đi, trong giấc mơ ông lạc vào tiên giới, ông thấy hào quang chiếu sáng rực rỡ khắp một vùng trời, bốn phía có che cái tàng tía, hai bên có các quan đứng chầu áo mão xiêm đai, văn võ tướng kể biết bao nhiêu, rất là nghiêm chỉnh, ở dưới trần thế, Thái Ông chưa từng trông thấy.
    Nhạc quân thiên bắt đầu tấu trước, khúc nghê thường chen gót múa sau, trên mâm lưu ly dâng quả bàn đào của Đức Vương Mẫu, trong bình đơn dược của Đức Lão quân, hàng hà sa số châu báu không kể xiết.
    Một lát, thấy một vị Tiên Nữ mặc áo hồng y, vào làm lễ bưng chén ngọc rượu chúc thọ, xảy tay rơi xuống, lúc đó bên tả có một vị quan giở quyển sổ ngọc, biên vào ước chừng mười chữ.
    Đoạn rồi có hai vị sứ giả, và mấy người thị nữ dắt người Tiên nữ mặc áo hồng ra đi ngã cửa nam, có một người cầm tiên bài đi trước, trên kim bài có đề hai chữ “ Sắc Giáng ”, ở đoạn dưới có hai chữ : “ Nam Nam ” ở dưới nữa thì có nhiều chữ nhỏ, vì Lê Thái Ông đứng xa trông không được rõ.
    Lê Thái Ông quay lại hỏi hai ông lực sĩ rằng : “Đây là chỗ nào ? đó là ai? chuyện gì thế? ”.
    Một người lực sĩ đáp rằng: “đây là Thiên Đình, người ngồi giữa là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn ngưòi con gái mặc hồng y là Đệ Nhị Quỳnh Nương bị trích giáng ”.

    Lê Thái Ông dần dần tỉnh lại thì Lê Thái Bà đã sinh đặng một người con gái rồi.
    Mùi thơm ngào ngạt, ánh hào quang rực rỡ đầy nhà ai cũng lấy làm vui mừng, trong khi cả nhà đang vui mừng cười nói, xóm làng bà con xa gần đều đến viếng thăm mừng rỡ, hiện lúc đó thì ông đạo nhân biến đi lúc nào không biết, ai lấy cho là sự linh cảm, ngợi khen và bái tạ ông đạo nhân.
    Bữa đó chính là ngày giáp dần giờ dần tháng ba ( mùng ba tháng bính thìn ) năm đinh tỵ niên hiệu Lê Thiên Hựu nguyên niên triều vua Lê Anh Tôn ( 1557 ).
    Lê Thái Ông tưởng đến sự xuất thần cho được trông thấy như thế, ắt là Tiên Nữ giáng sinh, rất là mừng lắm cho nên mới đặt con tên là Lê Thị Thắng hiệu là Giáng Tiên.
    Nhà Lê Thái Ông, sở dĩ là được Đức Tiên Chúa bẩm sinh vào đó là nhờ được ngôi một tổ tam đại kết ngôi mộ đó toạ không hướng cấn ở xứ La Hào, thuộc làng An Thái huyện Vụ Bản.
    Đức Tiên Chúa lớn lên, da trắng sắc hồng, tóc mây xanh mướt, mắt lonh lanh như thu ba, mày vòng cong hình bán nguyệt, nhan sắc dị thường, trần gian hiếm có.
    Lê Thái Ông cùng Lê Thái Bà yêu dấu như châu, như ngọc. Cả ngày chỉ thay nhau bồng ẵm, tháng ngày thoi đưa, chẳng mấy chốc mà Đức Tiên Chúa lên năm tuổi, thường thường Đức Tiên Chúa ra chơi nhà ngoài, hỏi Đức Thái Ông những chữ trên câu đối, Lê Thái Ông bày qua cho một lượt Đức Tiên Chúa nhớ suất cả.
    Lê Thái Ông thấy tư chất thông minh, mới bày cho vịnh phú ngâm thơ, và cho đi học. Đến năm mười tuổi ( 1566 ) là ngũ kinh tứ thư Đức Tiên Chúa đã thuộc lòng thông thạo, nói tóm lại Đức Tiên Chúa thông minh vốn sẵn tự trời và lại nhà Đức Thái Ông lại đông khách kẻ ra người vào, nên Đức Tiên Chúa không chuyên cần đặng sự học hành nghiên bút.
    Đức Tiên Chúa liền xin phép Lê Thái Ông cùng Lê Thái Bà ra ở riêng một cái nhà ở vườn sau cho tịnh để đọc sách ngâm thơ, hai thân liền bèn chiều ý Đức Tiên Chúa.
    Vì Lê Thái Ông và Lê Thái Bà thấy Đức Tiên Chúa thiên tư minh mẫn, nên đã làm săn cái nhà, đó là bản tâm để cho Tiên Chúa tịnh dưỡng và tiện bề đèn sách.
    Đức Tiên Chúa thường hay đề thơ vịnh phú, đọc sách gẩy đàn.
    Một ngày kia Lê Thái Ông dạo chơi trước sân, bỗng nghe Đức Tiên Chúa gẩy tiếng đàn thanh tao, văng vẳng như nhạc quân thiên ở trên Thiểm cung mà ông đã nghe trong mê thiếp theo hai viên lực sĩ ngày trước đó.
    Lê Thái Ông mới nghĩ rằng, con mình là người Thiểm cung, thác sinh về nhà mình là nhà trần gian sợ không nuôi được lấy làm lo cho tương lai của con, nghĩ thế liền bàn với Lê Thái Bà rằng, con mình tôi dợ e khó nuôi, chúng ta lên đem gửi cho ông bạn là Trần Công làm nghĩa nữ. (Ngày nay, trong văn hầu có câu “giáng sinh vào nhà họ lê cải trần”,là dựa vào tích này)
    Bàn thế Đức Thái Ông cùng Đức Thái Bà đồng ý. Liền đem Đức Tiên Chúa gửi cho Trần Công, thì Đức Trần Công vui lòng nhận Đức Tiên Chúa làm nghĩa nữ.
    Nguyên Trần Công là một ông quan hồi hưu, dòng dõi Trần Triều, kiều cư vào thôn Vân Cát, là quán cửa Thân mẫu ngài. Sau khi Trần Công đã bằng lòng nhận Đức Tiên Chúa làm nghĩ tử rồi Đức Thái Ông làm cho Đức Tiên Chúa một ngôi nhà lớn ở sân gần bên vườn hoa, cho Đức Tiên Chúa ra đó ở cho thanh tịnh cố chăm lo đèn sách.
    Lại có một nhà lão quan họ Trần không có con nguyên một đêm kia, nhân khi nhà hạ gió mát trăng thanh mới dạo gót ra vườn hoa chơi, tự nhiên gặp một đứa bé trai ở dưới gốc cây đào, ngài Trần lão quan liền đêm về nuôi đặt tên là Đào Lang.
    Ngài xét thấy Trần Đào Lang thông minh đĩnh ngộ, diện mạo khôi ngô, Ngài liền cho đi học vì Trần lão quan cùng Trần lão bà không con nên thương chàng Đào như con đẻ, hết sức dạy vẽ đủ điều. Chẳng bao lâu đã vưn hay chữ tốt, tiếng tăm lừng lẫy khắp trấn Sơn Nam.
    Đến năm quý dậu niên hiệu Gia Thái nguyên niên triều Vua Lê Thế Tôn (1573).
    Chàng Đào Lang lên hai mươi tuổi, mà Đức Tiên Chúa đúng mười bảy tuổi, thường ngày Trần lão quan hay qua lại chơi nhà Đức Trần Công thấy Tiên Chúa nhan sắc tuyệt vời, thông minh quần chúng, bèn cậy người mai mối tới Lê Thái ông đẻ cầu hôn cho Đào Lang.
    Song thân của Đức Tiên Chúa và Đức Trần Công nghĩ rằng nhà họ Trần lão Công cùng dòng dõi trâm anh, mà chàng Đào học hành cũng nức tiếng, đã đồng hương lại cân đối tài sắc, nên song thân của Đức Tiên Chúa cùng phụ, dưỡng mẫu đều ưng thuận.
    Nhưng Đức Tiên Chúa một hai không chịu chỉ muốn thanh tu cho khỏi trần luỵ, nhưng Lê Thái Ông cùng Lê Thái Bà đôi ba lần khuyên giải và nhất định hứa hôn cho chàng Đào Lang.
    Tiên chúa tự nghĩ đã xuống cõi trần, thôi… cũng đành tạm kết duyên cho tròn quả kiếp, nên bất đắc dĩ cũng phải vâng lời cho đẹp lòng song thân.
    Đến năm mười tám tuổi Đức Tiên Chúa bái biệt thân phụ thân mẫu về vu quy với chàng Đào Lang.
    Khi Đức Tiên Chúa từ giã song thân, trở về với lang quân, cử chỉ trong gia đình rất là nghi lễ kính thờ cha mẹ, giữ đạo thành hôn, trong họ ngoài làng ai ai cũng đều khâm phục.
    Được một năm Đức Tiên Chúa sinh được một người con trai, đặt tên là Trần Nhâm, mặt vuông tai lớn, miệng rộng trán cao, thiệt đúng là trang hào kiệt. Những khi nhàn hạ chàng Đào cùng Đức Tiên Chúa xướng hoạ thi ca, quang cảnh lạc thú trong gia đình ai thấy cũng khen ngợi.
    Nhưng… than ôi! tạo hoá trêu ngươi, ông xanh cắc cớ, không ngờ chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
    Đức Tiên Chúa tự nhiên không bịnh mà mất, hưởng linh được hai mươi mốt tuổi, tạ thế ngày mồng ba giờ dần, tháng ba năm Đinh Sửư, niên hiệu Gia thái ngũ niên triều vua Lê Thế Tôn (1577).
    Tứ thân phụ mẫu của Đức Tiên Chúa đau lòng xiết nỗi thảm thương, làm lễ an táng rất hậu.
    Mộ Đức Tiên Chúa táng tại cây đa bóng làng An Thái. Kế đó Đức Lê Thái Ông buồn sầu theo con rồi lâm bệnh cũng tạ thế mộ cũng táng tại đó, toạ càng hướng tốn, triều vua Gia Long thứ tư đổi xã An Thái làm xã Tiên Hương, đến nay vẫn còn đền thờ Đức Tiên Chúa tại đó.


    Thông Tính Khi Giáng Khi Thăng Lần thứ hai.
    ---------------------------------
    Tính từ khi Đức Tiên Chúa giáng trần lần thứ hai là năm Đinh Tỵ niên hiệu Lê Anh Tôn, Thiên Hựu nguyên niên (1557) cho đến năm Gia Thái Đinh Sửu ngũ niên, triều vua Lê Thế Tôn là hai mươi mốt năm ( 1577 ), Đức Tiên Chúa từ khi thác hoá về chốn Đế Đình lấy sự trần duyên chưa mãn trong lòng áy náy khôn nguôi.
    Mỗi khi lên chầu điện Ngọc Hoàng, sầu ủ mày xuân, lúc hội tiệc Vương Mẫu, châu chan nét ngọc, các vị Quần Tiên thấy thế cũng thương tâm, mới tâu bày cùng Thượng Đế.
    Đức Thượng Đế mới sắc phong : “ Liễu Hạnh Công Chúa” cho phép trắc giáng phi thường, tiêu diêu tự thích khỏi nỗi u sầu.
    Lúc đó tuân thừa mệnh lệnh, Đức Tiên Chúa về thẳng quê nhà, thì ở dưới này đã giáp lễ đại tường của Đức Tiên Chúa tức là năm kỷ mão niên hiệu Quang Hưng nhị niên triều vua Lê Thế Tôn ( 1579 ).
    Từ ngày Đức Tiên Chúa tạ thế Lê Thái Bà sầu não, nhớ Tiên Chúa trong lòng sa xót nhân một hôm từ mẫu của Đức Tiên Chúa ra thư phòng, kiểm điểm lại thư tịch và đồ dùng thì chỉ thấy chiều gió quấn mành xưa, mặt trời soi cửa sổ, đồ bài trí trước bàn son, nào là sách vở, nào là dàn sáo đều là nhện giăng bụi phủ, nên Thái Bà trông thấy quang cảnh thiệt là đồ vật tư nhân nên động lòng quá nên ngất đi,
    Hốt nhiên có một trận gió ở phương đông đưa lại, rồi thấy Đức Tiên Chúa hiện thân ôm lấy Lê Thái Bà mà gọi rằng: “ Thưa từ Mẫu lai tỉnh, con đã hạ trần xuống thăm từ mẫu. ”
    Lê Thái Bà bàng hoàng mở mắt xem, rõ là Đức Tiên Chúa mới nói rằng Đức Tiên Chúa đi đâu về đó ? Chẳng phải con đã từ trần sao, hay là Tiên Chúa thần tiên bất tử ?
    Tiên Chúa làm thinh ứa hai hàng lệ, lúc đó Lê Thái Ông và hai ông bà Trần Công cùng người anh là Lê Lục thấy thế xúm lại nửa mừng nửa sợ, chàng Đào Lang cũng vừa bồng con lại than khóc thê thảm.
    Tiên Chúa gạt nước mắt lậy mà rằng : “ Con thật thất hiếu, luỵ đến song thân, không phải con không biết đạo làm con để vui vầy dưới gối, song vì duyên số khôn lường, số trời khó tránh, xin song thân nhẹ đoạn tình thâm, tạm thâu giọt lệ.”
    Lúc đó Tiên Chúa lại thưa với thân huynh, nhờ thân huynh hầu hạ song thân, còn phần muội hết hạn phảỉ về chầu Thượng Đế.
    Sau Đức Tiên Chúa lạy phu quân là chàng Đào Lang mà thưa rằng, xin phu quân bớt cơn sầu muộn để cho tiện thiếp phân biệt đôi lời, số trời đã định, cho tiện thiếp có ngần ấy thôi, xin phu quân xét lại mà di dưỡng tinh thần, kẻo hao mòn quý thể.
    Kế đến Tiên Chúa lạy ông bà Trần Công mà thưa rằng: “ Xin hai thân yên lòng mà lượng thứ cho con ”.
    Ông bà Trần Công nói rằng, từ khi âm đuơng cách biệt, chúng ta hồn vơ phách vẫn, ruột héo gan mòn, bữa thường ngao ngán, giấc những mơ màng, tưởng đến hình dạng con chẳng nguôi tấc dạ.
    Đức Tiên Chúa vô cùng xúc động mà thưa rằng: “ Con là Đệ Nhị Tiên Cung, bị trích giáng, ngày nay đã từ giã cói trần, về chầu Thượng Đế, xong nghĩ đến ân thâm cúc dục nghĩa trọng cù lao, nên con xin tạm viếng thăm, gọi chút tạ ơn và cha mẹ có âm đức được liệt tên vào Tiên tịch ngày sau tất được đoàn viên.
    Bây giờ chàng Đào bồng con ngồi nghẹn nói không ra lời, Đức Tiên Chúa thấy thế động tâm quá cũng rơi luỵ, bồng lấy con mơn mớn rất là thê thảm, chàng Đào nói rằng : “ Tôi may được phối hiệp lương duyên, cũng mong được bách niên giai lão nào ngờ đâu nửa đường ly biệt, nặng gánh sầu tư, nay lại được kết cái duyên tái sanh nầy thật là hạnh phúc, xin nương nương lưu lại ”.
    Đức Tiên Chúa nghe nói thế lại càng xa xót trong lòng, khóc mà thưa rằng : “ tôi cũng muốn ở lại hầu hạ lương nhân cho trọn chữ tùng, nhưng số trời đã định, ở trần thế có chừng ấy thôi ”.
    Nói xong sụp xuống lậy chàng Đào hai lậy rồi biến mất. Chàng Đào thương tiếc quá khóc nên, cả nhà ai cũng khóc rất là thê thảm.
    Khi đó, một ánh hào quang trong nhà bay ra, mùi thơm ngào ngạt, rồi không thấy gì nữa. Được ít lâu, chàng Đào tới kinh học tập và đem con theo nữa, nhưng phần thương con, phần nhớ vợ không tài gì học tập cho chuyên cần đặng.

    Đức Tiên Chúa về hiện thân thăm lại quê hương lần thứ hai

    --------------------------------------
    Một đêm, chàng Đào Lang ngâm thơ vừa xong, thì hài nhi cũng vừa an giấc, lúc bấy giờ bỗng đâu gió lạnh thoảng qua, ngọn đèn nửa mờ nửa tỏ, lắng tai có tiếng người kêu, chàng đứng dậy nhìn thì Đức Tiên Chúa đã hiện thân dần, chàng Dào nửa mừng nửa sợ, níu áo khóc mà than rằng:
    “ Nương nương ơi! Tôi là thơ sanh trần tục tốt duyên dầy phúc, được gặp người Tiên lòng những mừng thầm, con trai đã có, nhà cửa vẻ vang những tưởng trăm năm vàng đá. Ngờ đâu dứt gánh giữa đường, phụng rẽ loan chia để một mình vò võ, ngao ngán thay chiếc gối mơ màng, thật là trăm sầu nghìn thảm dẫu cho gan vàng cũng nát, dạ sắt cũng tan, nay xin nương nương cho tôi nối gót theo cùng, cho thoả lòng sầu thảm mấy năm trời ”.
    Đức Tiên Chúa lấy tay che mặt khóc mà thưa rằng: “ Xin lương nhân đừng quá thương tâm như thế mà sai, chớ nghĩ tình duyên má phấn để phí lãng khoa danh vả lại nghiêm từ già yếu con trẻ thơ ngây, biết cậy nhờ ai. ” Chàng Đào Lang nghe Đức Tiên Chúa khuyên giải mấy lời, trong lòng xót xa luỵ ứa thắm khăn liền nói với Đức Tiên Chúa mà rằng:
    “ Chẳng phải tôi đây thiểu nghĩ, song mà gánh sầu nặng vai, dẫu có nắng giữ mưa gìn, sống được cũng e khó nỗi. ”
    Đức Tiên Chúa an ủi rằng: “ Thiếp vốn Thiên Cung Tiên Nữ, còn lương nhân là Đề Sở Tinh Tào, hai bên gặp gỡ tất có thiên nhiên tiền định, chẳng may nửa chừng bình rơi trâm gãy, để cho đôi ta nuốt thẳm ngậm sầu, vả lại tình duyên chưa mãn, khoảnh khắc trong ba mươi năm, đôi ta được tái hợp, xin lương nhân tạm gác cơn sầu và chăm nuôi con khôn lớn trưởng thành, chớ nghĩ đến thiếp lòng phiền đeo nặng. ” Nói đến đây trăng vừa lạc bóng, trời sắp rạng đông, Đức Tiên Chúa đứng dậy thưa với chàng Đào rằng:
    Bây giờ âm dương cách biệt, mỗi khi thiếp nhớ đến quê hương, lòng đau như cắt, thiếp nhờ lương nhân thay thiếp viếng thăm, trước nữa cha mẹ thiếp, được khuây lòng, sau lương nhân trọng bề bán tử, và xin lương nhân thay thiếp hầu hạ song thân cho trọn bề hiếu nghĩa, hết phận làm con.
    Còn tuy việc vợ chồng, tuy là bể ái nguồn ân, song mà số phận tại trời, chẳng phải là thiếp ham nơi bồng đảo mà phụ nghĩ tào khang, xin lương nhân đổi sầu làm vui kẻo hao mòn quý thể.
    Đức Tiên Chúa nói xong biến mất, chàng Đào ngơ ngẩn nhìn theo mà tuôn hàng lệ không biết làm sao đặng.

    Đức Tiên Chúa ở trên Thiên đình, khi bị trích giáng, chân bên tả đi nghiêng nghiêng, là có ý bất bình sẵn rồi, đến khi xuống trần lại bị lương nhân lỡ dở, Đức Tiên Chúa phải nuốt tủi ngậm sầu, đắng cay ngàn nỗi nên Đức Tiên Chúa lại càng bất bình hơn nữa, vì thế Đức Tiên Chúa tái giáng biểu hiện không thường.
    Khi thì hoá thành một người con gái đẹp, bán trầu rượu ở Đào Ngang Ba Dội ( giáp Thanh hoá Ninh Bình ). Khi hoá ra một bà lão già, mua bán các món thực phẩm. ở Phố Cát Đại Đồng, nguời trần thế không biết mà hỷ cợt điều gì , thì bị tai hoạ lập tức; Vì Đức Tiên chúa đẹp quá, cho nên những người ngu nhân tục tử, ao ước đắm say, khi kết cuộc không thành, rồi đặt ra những câu hát sau nầy để tỏ lòng khát vọng:
    “Ăn trầu nhớ miệng cau khô
    Lên Đèo Ba Dội, nhớ cô bán hàng
    Ăn trầu nhớ miệng cau khô
    Qua đồi Phố Cát nhớ người năm xưa ”
    Còn khi Đức Tiên Chúa hiện thân một cô gái đẹp ở Phố Cát Đại Đồng họ cũng đặt ra những câu hát như thế nầy, để tỏ lòng mơ tưởng;
    “ Ai lên Phố Cát đại đồng
    Hỏi thăm cô tú có chồng hay chưa
    Có chồng năm ngoái năm xưa
    Năm nay chồng vắng như chưa có chồng ”
    Những người đặt ra những câu hát đó và người nào hát lại mấy câu hát đó đều bị tai hoạ cả, ai biết đều phải dốc lòng kính phục, tỏ dạ chân thành, cúng vái cầu khấn, thờ lại được sở cầu như nguyện.
    Khi tứ thân phụ mẫu, mình già cưỡi hạc chơi mây, Đào lang làm lễ an táng, xong xuôi, ngàì lo buồn mà lâm bệnh, thì cho thỉnh huynh trưởng của Đức Tiên Chúa là ông Lê Lục mà thưa rằng : “ Nay em bịnh tình khó bề thuyên giảm, trên không cha mẹ, dưới chẳng một ai, may đội đức cao dầy, chỉ tổn anh lại cho em xin bái biệt, còn chút con thơ xin cậy cùng anh bảo dưỡng ”. Đức Dào Lang nói xong, thì hồn đã chơi vơi miền cực lạc.
    Còn người con của ngài là ông Trần Nhâm nhờ người anh của Đức Tiên Chúa là ông Lê Lục nuôi dưỡng thành người, tuy thế nhưng lòng của Đức Tiên Chúa vẫn cứ đeo thảm ngậm sầu, hiều tình xót xa nghĩ đến bao nhiêu lại càng căm giận với cái trần kiếp bấy nhiêu.
    Đức Tiên chúa trong lòng bực bôi cho nên hiển hiện phi thường, nào là bọn ngu nhân, nào là bọn kiêu lẫn gian dâm, Đức Tiên Chúa ra oai sát phạt, thiên hạ chết nhiều nhân gian khổ sở, tiếng than vang oán trách đến trời xanh.
    Nên chi bây giờ Đức Thế Tôn mới sai ba vị là : Tiền Quan, Trung Quan và Hậu Quan xuống ra phép giải trừ, cấm không cho Đức Tiên chúa sát phạt như thế nữa.
    Ba vị quan này biết Đức Tiên chúa có phép lục trí thần thông của Đức Giao Trì Vương Mẫu trao cho khó lòng mà trừ được, nên khi xuống trần bèn bàn với nhau lập ra một kế để đánh lừa Đức Tiên Chúa.
    Sau khi ba vị đó đã nhận biết hiện nay Đức tiên Chúa đã hoá ra người con gái bán trầu nước ở Đèo Ngang, vị Hậu Quan cũng hoá ra một người sứ giả, đầu đội mũ ni chân đi giày vải, mình mặc áo nâu, tay cầm gậy chúc đi vào quán của Đức Tiên Chúa và nói rằng:
    “ Bần tăng bấy lâu nay tu luyện ở trong núi kia, nghe nói Tiên cô lục trí thần thông, rất lấy làm hâm mộ, nay nhân khi nhàn hạ, muốn đến xin thỉnh giáo, không biết Tiên cô có vui lòng dạy bảo cho không ?”
    Đức Tiên Chúa đương khi bất ý không ngờ, tưởng là sự thật đáp rằng:
    “ Phù phép tôi đây cũng có được ít nhiều, nếu hoà thượng không hiềm chê tôi là hèn mọn, tôi cũng xin sẵn lòng hiến thử cho một vài phép cho hoà thượng xem. ”
    Nói xong Tiên Chúa vừa hoá phép vừa hoá rằng:
    “Đây là phép : Hô phong hấp vũ;
    “Đây là phép : Động địa thăng thiên;
    “Đây là phép : Xuất u nhập minh;
    “Đây là phép : Phục long hằng hổ;
    “Đây là ấn : Ngũ hành…………….

    Trong khi Đức Tiên Chúa làm phép và ấn quyết cho ông sư xem, thì hai vị Tiền Quan và Trung Quan đứng đằng sau thu phép của Đức Tiên Chúa vào Hồ Lê cả.
    Đến khi Tiên Chúa trổ tài xong, định thu phép vào, thì hồi ôi: Phù phép của Đức Tiên Chúa đã biến đi đâu mất cả, Đức Tiên Chúa biết là đã mắc lừa rồi, nhưng ăn năn cũng không kịp nữa;
    Ba vị Quan đó liền nói với Đức Tiên Chúa rằng:
    “ Phép của Đức Tiên Chúa như thế, cũng đã nhiệm màu linh ứng, nhưng hãy còn thiếu , Tiên Cô nên luyện tập thêm đã ” Đức Tiên Chúa hỏi: “ thiếu gì ? ” Ba vị quan đáp: còn thiếu tấm lòng từ bi, Đức Tiên Chúa còn đang ngẫm nghĩ, thì ba vị lại hỏi tiếp:
    “ Bấy lâu nay Tiên Cô sát phạt sanh linh nhiều quá, tổn hại đến đức hiếu sinh của đấng Thượng Đế. Vì thế ba chúng tôi vâng mệnh lệnh của Đức Thế Tôn, xuống đây nói lại với Tiên Cô biết, bây giờ chúng tôi hãy tạm thu lại bửu bối của Tiên Cô đã. Nay Tiên Cô nên tìm tới cửa từ bi tu luyện trong ít lâu, sau khi Phật quả viên thành chúng tôi xin giao lại. ” Nói xong ba vị đằng mây lên thượng giới.
    Bấy giờ Đức Tiên Chúa mới tỉnh ngộ, lấy làm hối hận lắm, hối hận vì quá tin người mà đến nỗi tạm thu bửu bối, hối hận vì quá sát phạt sanh linh, để đến nỗi Ngọc Hoàng phải giận.
    Lúc bấy giờ Tiên Chúa bỏ chỗ đó và đi vân du thiên hạ, đến địa hạt tỉnh Lạng Sơn, thấy non cao đường vắng, cảnh trí thiên nhiên lại có một ngôi chùa đổ nát, khói lạnh hương tàn.
    Đức Tiên Chúa bèn vào chùa lễ Phật, xong ra ngoạn cảnh xem hoa, chùa đó gọi là chùa Thiên Minh Tự, xây dựng trong một rừng thông, vượn hót chim kêu như rung chuông, như gõ mõ trước chùa lại có một cái suối bốn mùa nước chảy trong veo, lửng lơ mấy con cá như có ý nghe kinh, tuy cảnh trí đơn sơ, nhưng có vẻ thiên nhiên.
    Lúc đó thoạt nhiên Đức Tiên Chúa thấy, Đức Phật Quan Thế Âm hiện thân thuyết pháp, Đức Tiên Chúa bèn quỳ xuống bạch Phật xin thọ giới.

    Đức Tiên Chúa thọ Giới Phật Tự
    Đức Tiên Chúa vào tu luyện chùa đó tức là năm đinh dậu, niên hiệu Quang Hưng thứ hai mươi. Triều vua Lê Thái Tôn ( 1597 ); khi nhàn hạ, Đức Tiên Chúa thường đặt một cái ghế, dưới gốc cây thông trước chùa gảy đàn và hát rằng:
    Mây kia chim nổi núi cheo leo
    Rừng kia rậm rạp chim leo trèo
    Bề ( bờ khe ) kia ngao ngát hoa trăm triều
    Hang kia ào ào tiếng thông reo
    Gẩy khúc đàn kia sự tiêu diêu
    Ô hay! Thú vui rừng núi kìa
    Kém gì Linh Tiêu !
    Đức Tiên Chúa gẩy đàn, và hát song hốt nhiên có tiếng người đọc rằng:
    “ Tam mộc sum đình, toạ trước hảo hề nữ tử. ”
    ( Nghĩa là: Ba cây bỗ hợp trước sân, ngồi mà phô đẹp, đó là Tiểu Thư: nghĩa là thế, nhưng có ý hợp ba chữ mộc thành chữ sum hai chữ nữ tử thành chữ hảo. )
    Đức Tiên Chúa nghe mà chưa biết người nào đọc, ngách ra xem thấy có một người đội mũ cao áo rộng, cưỡi ngựa đi trước, vài ba mươi người theo sau, và có cây cờ mao tiết, đề đi tiền đạo, Đức Tiên Chúa biết ngay là người đó vâng mệnh Triều Đình đi sứ:
    Đức Tiên Chúa liền đọc lại một câu đối rằng:
    “ Trùng sơn xuất lộ tẩu lai sứ giả lại nhơn.”
    ( Nghĩa là: Hai quả núi ra đến đường chạy lại kẻ đi sứ đó là ngươi. Nghĩa tuy là thế nhưng có ý kết hai chữ Sơn thành chữ Xuất, hai chữ Lại Nhơn thành ra chữ Sứ. )
    Người đó nghe đối lại hay quá, lấy làm khâm phục liền xuống ngựa vái chào thưa rằng:
    Cô tên họ là gì? người ở đâu? Mà lại tài năng đối ứng như vậy ?
    Đức Tiên Chúa chỉ vào trong núi nói rằng:
    “ Chính chúng tôi ở trong kia ” còn tên họ Đức Tiên Chúa không nói.
    Người đó lại liền đọc một câu rằng:
    “ Sơn nhân bằng nhất kỷ, mạc phi Tiên nữ giáng phàm ”
    ( Nghĩa là: Người ở núi ngồi trên một cái ghế, há chẳng phải là bậc Tiên Nữ tới bậc phàm trần.
    Nghĩa là thế, nhưng cũng có ý kết hai chữ Sơn Nhơn là chữ Tiên chữ Nhất và chữ Kỷ thành chữ Phàm.)
    Đức Tiên Chúa liền ưng khẩu đối lại rằng:
    “ Vãn tử đái trường cân, tất thị học sinh thị trướng ”
    ( Nghĩa là:Con nhà văn đội cái khăn dài hẳn đó là kẻ học sinh hầu bên trướng.
    Nghĩa tuy là thế, mà cũng có ý kết hai chữ Vãn Tử thành chũ Học chữ Trướng và chữ Cân thành chữ Trướng.
    Đức tiên Chúa đã đối lại cân chỉnh, lại có ý nghiêm…” Đức Tiên Chúa coi người đó như là học sinh của mình ”, Người đó nghe song ngoảnh lại , Tiên Chúa đã đâu mất, lấy làm ngạc nhiên, liền đi tìm khắp trong chùa, và chung quanh núi đều không thấy đâu cả, chỉ thấy có một cây gỗ nằm ngang, ở giữa đường nhìn đi nhìn lại có bốn chữ:
    “ Mão Khẩu Công Chúa ”
    Người đó tán ra rằng:
    “ Cây gỗ là chữ Mộc, gia thêm chữ Mão một bên, thành chữ Liễu, lại còn chữ Mộc gia thêm chữ Khẩu ở dưới là thành ra chữ Hạnh thế là sắp lại thành ra Liễu Hạnh Công Chúa ”
    Bên cây gỗ nằm ngang đó , cách xa mấy chữ đó lại có cắm một cái thẻ, đề bốn chữ:
    “ Băng Mã Dĩ Tẩu ”
    Người đó lại đoán ra rằng:
    “ chữ Băng với chữ Mã hợp lại tức là chữ Phùng, chữ Dĩ với chữ Tẩu kết lại thành chữ khởi bốn chữ này là ý Công Chúa nói đương chờ ta là họ Phùng khởi công sửa sang lại ngôi chùa Thiên Minh này lại.”
    Nguyên thời đó chính tên là Phùng Khởi, đậu hoàng giáp, bây giờ phụng mệnh đi sứ bên Tàu, nhơn đi qua đó, vừa gặp Đức Tiên Chúa.
    Những người theo hầu đó, nghe ông Phùng Khắc Khoan nói như thế ai cũng lấy làm kinh dị, ngài bèn đòi các phụ lão trong làng đó lại, giao cho một số tiền để sửâ sang ngôi chùa đó, cho được hoàn toàn rồi ngài Phùng Khắc Khoan ra đi có đề một bài thơ rằng:
    Rừng xanh tịch mịch vắng teo nhà
    Tiếng hát đâu từ cạnh núi ra
    Khúc hát cuốn mây người chẳng thấy
    Mấy tầng xanh biếc núi nguy nga.
    Đức Tiên Chúa ra tu luyện ở chùa Thỉên Minh. Tự đó có một thời kì đã lâu; về sau Đức Tiên Chúa thong thả dạo chơi, khắp bốn phương trời, nào là nơi lâm tuyển, sơn thuỷ, nào là chốn thành thị chùa triền, cùng các nơi danh tiếng, lại tưởng nơi phồn hoa thắng cảnh, Đức Tiên Cháu xe mây cưỡi gió ra chốn đông kinh, dạo khắp các miền thắng cảnh.
    Lúc đó Phùng Khắc Khoan đi sứ Tàu về, sung chức phán toà, kiểm điểm sứ bộ, thấy công việc rồi mắc, rất là phiền nhũng, sực nhớ đến lúc qua hồ Động Đình lên núi Hoàng Hạc, uống rượu ở núi nhạc Dương làm thơ ở sông Xích Bích.
    Nhớ những cảnh trí như vậy, mà sinh mối cảm tình, ngài bèn xin cáo nghỉ, để đi tìm cảnh thế vui chơi, bầu rượu túi thơ, cùng bạn văn chương là Ngô Cử Nhơn và Lý Tú Tài, nhằm xứ Tây Hồ thẳng bước.
    Để ngoạn cảnh tiêu diêu, đang lúc mùa hè, sắc trời quang xinh, ba ông qua khỏi một rừng, lại trải qua bao nhiêu cầu ngang quán dọc, vừa đến một nơi thoang thoảng, gió đưa mùi hương sen ngào ngạt, liếc xem thấy cảnh Hồ Tây, ông Lý Tú Tài lấy làm vui vẻ nói với ngài Phùng Thị Giảng mà rằng:
    Quan huynh học rộng tài cao, nay gặp buổi trời tốt cảnh xinh, sao không vịnh thơ, xin quan huynh xướng trước cho chúng em theo sau, khi đó ngài Phùng Thị Giáng vịnh cảnh Tây hồ thơ rằng:
    “ Bôn ba danh lợi giữa đường đời
    Bước tới hồ Tây đã thảnh thơi
    Phương trượng bồng lai đến huyền ảo
    Mới hay Tiên tục tự lòng người ”
    Ngô tú Tài vịnh thơ rằng:
    Tấc lòng chẳng vướng chút trần ô
    giải đất chung trong một bức đồ
    Gió mát trăng thanh đều cảnh thích
    Bụng ta đâu cũng có Tây Hồ
    Lý Cử Nhân vịnh thơ rằng:
    Hoa đón khách lâu liễu đón thuyền
    Tây Hồ say miết ngủ liên miên
    Câu thơ lúc tỉnh người người khiếp,
    Mình nghĩ là mình cũng trích tiên.
    Nghe hai ông vịnh xong, ông Phùng Thị Giảng khen rằng:
    Giọng thơ anh Ngô thì thanh kỳ, giọng thơ anh Lý thì phóng dật, khí tượng hai anh tuy không giống nhau, nhưng tóm lại cũng đều là …Tỉên…Tiên…thi cả.
    Ông Ngô và ông Lý nói rằng:
    “ Giọng thơ của quan huynh vẫn có phong điệu đại gia, còn chúng em là bậc hậu sinh, có dám đâu mà giám khen ngợi.”
    Rồi ba ông rủ nhau theo bờ Hồ Tây thẳng đến dặm hoà thăm thẳm, bóng nước long lanh, trông thấy trước xa có một toà nhà rực rỡ, trước nhà có đề bốn chữ:
    Tây Hồ Phong Nguyệt
    Hai bên của có đề hai câu đối rằng:
    Hồ trung nhàn nhật nguyệt
    Thành ngoại tiểu càn khôn
    Trong phía trong bức sáo, có một nàng mỹ nhơn mặc hồng y ngồi chính giữa, trông vào rất là trang nghiêm.
    Ba ông đó có ý xin vào mà vị mỹ nhân không cho, ba ông lại chèo thuyền đi nơi khác.
    Cách ba bốn tháng sau, ông Phùng Thị Giảng cùng hai ông Ngô, Lý uống rượu ngâm thơ như trước, khi đó ông Phùng Thị Giảng kể lại chuyện cho bạn nghe, lúc đi sứ bên Tầu, qua núi Lạng Sơn có gặp Đức Tiên Chúa, thế nào ba người sực tỉnh lại bảo nhau rằng:
    “ Có lẽ kỳ trước ở Tây Hồ chúng ta gặp được Đức Tiên Chúa mà không biết chăng. ”
    Nói đoạn, ba người lại rủ nhau đi chơi Tây Hồ, chèo thuyền tới chô cũ, chỉ thấy mấy cụm đào mà thôi, không thấy lâu đài nhà cửa như trước nữa, ba ông nhìn quanh quẩn thấy ở gốc cây đào có bài thơ chữ truyện rằng:
    Áo mây xe gió khác trên trời
    Đâu xuất yên hà sớm tối chơi
    Tên hiệu người trần ai muốn biết
    Quỳnh Hoa Công Chúa vốn tiên trời.
    Ba ông xem xong, thấy thi tứ tao nhã, ý tứ sâu xa, sau nghĩ mãi tán ra rằng;
    chữ Nhất với chữ Đại kết thành chữ Thiên, chữ nhân với chữ Sơn kết thành chữ Tiên, chữ Ngọc với chữ quýnh kết thành chữ Quỳnh, còn chữ hoa đứng lẻ một mình là chữ hoa.
    Tức hiệu của Đức Tiên Chúa, ông Phùng Thị Giảng đoán như thế, bây giờ ba ngài mới biết đích là ngày trước cũng là duyên kỳ ngộ vậy.

    Thánh Mẫu Giáng Sinh Lần Thứ Ba

    1609 – 1610
    Nguyên trước ĐứcTiên Chúa giáng sinh lần thứ hai hưởng thọ đặng hai mốt năm ( 21 ) tuổi vừa tạ thế.
    Khi lên chầu Đế Đình, thường thường Tiên Chúa cứ sầu phiền sự trần duyên chưa mãn.
    Đức Thượng Đế sắc phong “ Liễu Hạnh Công Chúa ”, cho phép trắc giáng phi thường, tiêu diêu tự thích, Đức Tiên Chúa vâng lệnh về thẳng quê hương, hiện thân thăm tứ thân phụ mẫu và lang quân, tử tức và huyanh đệ.
    Chính là năm kỷ mão niên hiệu Quang Hưng nhị niên triều vua Lê Thế Tôn ( 1579 ) tuy thế nhưng Đức Tiên chúa hiển thân về thăm quê hương hai lần rồi. Đức Tiên Chúa vân du thiên hạ khi ẩn khi hiện phi thường, lúc ngoạn cảnh danh lam, khi tiêu diêu bồng đảo trong vòng ba mươi năm, về sau chàng Đào tái sinh tức là Mai Sinh, bấy giờ chàng Mai Sinh được hai mươi tuổi.
    Đức Tiên Chúa giáng hiện, tái hợp với chàng Mai Sinh là lần giáng thế lần thứ ba, kể từ đó tức là năm kỷ dậu niên hiệu Hoàng Định thập niên triều vua Lê Kình Tôn ( 1609 ).
    ---------
    Thế là Đức Tiên Chúa từ giã cảnh Tây Hồ qua núi Sóc Sơn Thanh Hoá, có một dãy núi toàn là cây đào xanh tốt, dưới lại có một hòn đá vuông bằng phẳng, Đức Tiên Chúa mới lấy cành lá quét sạch, ngồi chơi trông xem bốn bề cảnh trí thiên nhiên, không khác đào nguyên Tiên cảnh, nhưng hiếm có một nỗi vắng khách tri âm biết cùng ai ngâm thơ vịnh phú.
    Đức Tiên Chúa lại gần bên khe nước ném hoa rụng mà chơi, bỗng thấy gã thư sinh, hình dung tuấn tú, cốt cách phi phàm thẳng đường Tây Mụ đi tới. Đức Tiên Chúa biết đích là Đức Lang Quân tái sinh mới đứng đàng xa bảo rằng: “ Tôi nhân đi chơi hội, vì qua vui chân bước tới, bây giờ quên cả lối về, may gặp quý khách qua đường, xin mong ơn chỉ giúp? ).
    Nguyên gã thư sinh đó chính là Đào Lang thưở trước, nhân vì sầu uất, cho nên tái sinh lần nữa, lần này tái sinh vào nhà họ Mai làng Tây Mụ huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá. Chàng Mai tuổi mới hai mươi, chí khí khác thường, thông minh, song thân đều đã qua đời hết, anh em không có, nhà cửa lại nghèo, vợ con chưa có, ngày đó đi học về.
    Không ngờ gặp Đức Tiên Chúa, tính ngài nghiêm chỉnh, ghét sự nguyệt hoa vả lại ngài không nhớ kiếp tiền sinh của ngài nên mới cự tuyệt.
    Ngày hôm sau, chàng Mai Sinh đi học lại đi ngang qua đó, thấy có một mảnh giấy dán ở cây đào trông có bài thơ vịnh cây đào rằng:
    Vóc đẹp trời sinh há sửa bày
    Lòng thơm gìn giữ mấy năm nay
    Dễ dàng mắt tục bao giờ thấy
    Lần lượt mùi hoa đợi gió bay
    Bóng nguyệt quen nhau sai đó mãi
    Tin xuân dưa mối đợi ai rày
    Sớm hay dòng nước tình ai lãng
    Nỡ để hồng rơi dục khách say.
    Chàng Mai Sinh xem song bài thơ, khen rằng “ thật là tài nhả ngọc phun châu, không ngờ giữa trần thế đây lại có tiểu thư nào tài tình đến thế, thật là đáng phục ”. Khi đó chàng Mai Sinh liền hoạ lại một bài thơ rằng:
    Liếc mắt đền Giao trước sẵn bầy
    Giòng Tiên lưu lạc tới gì đây
    Chán trông ngọn cỏ thầm thầm nín
    Tiêng với mùi lang thoang thoảng bay
    Đàn sáo xôn xao cười những thế
    Bướm ong lơi lả dám đâu rày
    Dưới rừng gặp gỡ càng vơ vẩn
    Một chén non thần đã muốn say.

    Chàng Mai Sinh đề thơ song, muốn đi tìm tiểu thư, nhưng sợ đường đột quá, vả chăng bữa trước thì làm sao, nay đi chỗ này, chỗ khác mà tìm cũng bất nhã, nên phải nén lòng mà về.
    Sau nhiều lần thi ca đối đáp qua lại, Đức Tiên Chúa với chàng Mai Sinh, hai ngài chỉ non thề ước, lậy tạ cao xanh.
    Bây giờ hai ngài mới kết duyên cầm sắt, một nhà sum hiệp, khi ăn nói, lúc lễ nghi, xem trông âu yếm, đều cùng kính yêu.
    Đó là Đức Tiên Chúa giáng sinh lần thứ ba tái hiệp với chàng Mai Sinh, là năm Kỷ Dậu tháng hai trọng xuân niên hiệu Hoàng định thập niên triều vua Lê Kính Tôn ( 1609 ).
    Lúc bấy giờ chàng Mai Sinh đã phối hiệp được vợ, đã phong tư diêm thế, sắc tướng nghiêm trang, rồi từ đó về sau, cầm sắc hoà minh, khuê phòng lạc thú, cho nên có ý sao lãng sự học hành, không được chuyên cần như trước nữa. Lúc Tiên Chúa thấy thế không bằng lòng, một hộm Đức Tiên Chúa dệt vải đã khuya mà vẫn cứ dệt, để chờ Đức Mai Sinh đi chơi về, Đức Tiên Chúa mới lấy rượu ra ngồi đối ẩm, Đức Mai Sinh vô tình không biết, Đức Tiên Chúa không bằng lòng, nên mới bảo Đức Tiên Chúa rằng:
    “Đêm nay trăng thu vằng vặc, cảnh sắc xinh tươi, trên trời nhị thập bát tú phân minh, Đức Tiên Chúa có nhớ ở chốn Thiên Tinh chăng nhỉ? ”
    Đức Tiên Chúa nghe Đức Mai Sinh nói đến nhị thập bát tú, nên nhơn đó, lấy hai mươi tám vị sao làm một bài thơ khuyên phu quân.

    Nữ nhan sắc có ở khuê phòng
    Giữ vững lòng siêng để chủ chương
    Bên xóm đèn giong, tia gọi đến
    Góc lầu trăng xế, bóng soi ngang
    Thể văn ông Liễu nên xem kỹ
    Lối truyện chàng Cơ phải xét tường
    Mở miệng thơ hay tranh giải nhất
    Vũ Môn vùng vẫy chí thêm hăng.
    Đức Mai Sinh nghe thơ, biết là Đức Tiên Chúa làm thơ đó có ý khuyên mình chăm học. Đức tiên chúa lại nói:
    Kẻ nho nhã học cho cách vật trí tri, thông kim, bát cổ, đề ra thi thố với đời, lập lên sự nghiệp, còn như học vấn văn chương phù phiếm, vịnh phú ngâm thơ, chẳng sai lắm ru, xin phu quân tỉnh ngộ.
    Đức Mai Sinh hai ba lần tạ lỗi nói rằng: “ Tôi sức tài hèn mọn, đáng chí phóng tâm, may nhờ hiền thơ nhắc nhủ ”.
    Đức Tiên Chúa nghe nói, biết là Đức Lang Quân hối hận, lấy làm vui mừng, nên lại trò chuyện xướng hoạ cùng nhau đến khi trăng lặn mới nghỉ.
    Được hơn một năm, Đức tiên Chúa sinh một con trai, đặt tên Mai Cổn, thông minh đỉnh ngộ, biện mạo khôi ngô, thế gian ít có, sang năm sau Đức Mai Sinh đi thi, đậu cả hương và hội, xung vào hàn lâm viện, rồi bổ ra làm quan. Tính ngài giản dị cho nên công việc cũng rảnh rang, thườn thường cùng Đức Tiên Chúa uống rượu ngâm thơ, bên xướng bên hoạ, như gấm dệt, như hoa thêu.
    Cảnh lạc thú trong gia đình Đức Tiên Chúa diễn ra như thế, được gần một năm thì hết.
    Một hôm về cuối mùa đông, khí trời rét mướt Đức Mai Sinh cùng Đức Tiên Chúa ngồi đối diện bên cạnh lò lửa chuyện trò rất tri kỷ, ân nghĩa mặn nồng, thiệt là tâm đầu ý hiệp.
    Hốt nhiên, nước mắt Tiên Chúa chảy xuống như mưa, bức tức nghẹn lời, nói không ra tiếng. Đức Mai Sinh lấy làm ngạc nhiên, hỏi cớ làm sao, Đức tiên Chúa thưa rằng:
    “ Thiếp đây là Thiên Đình Đế nữ, chỉ vì nỡ tay đánh rơi chén ngọc, nên phải tạm trích xuống trần, thiếp cũng đã cùng phu quân tác hiệp một kiếp trước rồi, nhưng trần duyên chưa mãn, kiếp này lại tái hiệp một lần nữa, nay trích kỳ đã hết; thiếp phải phụng mạng về trời.
    Nhưng thảm thay…thiếp nghĩ đến phu quân gối chiếc chăn đơn, khuy sớm không ai hầu hạ, nghĩ đến con thơ đầu xanh tuổi trẻ, ngày đêm ai kẻ bồng bế, thì lòng thiếp không nguôi cơn giận, khó nỗi khuây sầu…”
    Thôi…nhưng …mà…ly hiệp bởi trời, hoan bi thường sự, bây giờ dẫu phiền sầu cho ra tóc bạc mà khóc cho chảy máu đào, cũng là vô ích.
    Vậy, thiếp kính lậy phu quân, xin phu quân đừng quá thương tâm, mà không giữ nổi mình vàng vóc ngọc. huống chi con còn măng sữa, anh em chẳng có một ai, bây giờ thiếp phải về chốn Thiên Cung, chỉ có một mình phu quân, khi đau ốm lúc sầu phiền, lấy ai là người giúp đỡ, xin phu quan nghĩ lại, thiếp cũng biết sinh ly từ biệt thê thảm nhường nào, kể sao cho xiết, thứ cảnh thứ tình để cho phu quân trăm bề thống khổ, lòng thiếp thê thảm trăm đường cũng như phu quân vậy.”
    Đức Mai Sinh nghe nói, mắt vía hồn kinh, chân tay rời rã, rồi nói rằng:
    “ Tiên, trần xa cách, may được kết duyên, nghĩa vợ chồng lẽ nào mà quên được; ôi ! sao mà dễ hiệp lại dễ ly như thế ư .”
    Đức Tiên Chúa thưa rằng:

    “ Thiếp thờ phu quân đã bao nhiêu nay, xin phu quân lượng xét, thiếp không phải ham chơi bồng đảo, mà quên nghĩa tào khang, nhưng kỳ hạn quy tiên đã bức cận, không thể lưu lại được nữa.” Đức Mai Sinh nghe Tiên Chúa nói dứt lời thì Đức Mai Sinh lấy làm kinh hoàng, nức nở khóc không nói phô gì được nữa, đến cuối canh ba khi giờ sửu, Đức Tiên Chúa bồng con đến trước mặt Mai Sinh, Đức Tiên chúa khuyên giải một hồi, rồi cúi xuống lậy Mai Sinh hai lậy, để xin từ biệt; lậy rồi cầm lấy tay Mai Sinh khóc nức nở, tình cảnh thê thảm, Đức Tiên Chúa hết sức đau lòng.
    Bỗng nghe có tiếng xe loan đã đến gần trước thềm nhà, Đức Tiên Chúa lại phân giải ít lời nữa, rồi bồng con trao cho Đức Mai Sinh.
    Đức tiên Chúa quá đau đớn, lắm tay Đức Mai Sinh và tay con, một cách thê thảm vô hạn…kế lạy Mai Sinh mà bái biệt.
    Đức Mai Sinh muốn níu lấy vạt áo, nhưng khi thấy ánh hào quang rực rỡ, thơm ngát cả nhà, Đức Tiên Chúa không còn ở chỗ đó nữa, Đức Mai Sinh xót ruột đau lòng quá độ, bổ nhào xuống đất, ngất đi một hồi lâu mới tỉnh.
    Thế là Đức Tiên Chúa bái biệt Đức Mai Sinh khi đó hoá ra đạo Hào Quang sáng rực, mà đẳng không nhỉ thượng cả chơn hình, tức là hạ tuần tháng chạp năm canh tuất, niên hiệu Hoàng định thập nhất niên, triều vua Lê Kính Tôn ( 1610 ) là hơn một năm.
    Từ đó trở đi, Đức Mai Sinh ngày đêm rầu rĩ, chiều sớm nhớ thương, rượu không uống thơ không ngâm, việc quan bê trễ.
    Thường thường than rằng:
    “ Phàm người ta đi học ra làm quan, trên là vì nước, dưới là vì nhà, như ta đây đã không có tài kinh bang tế thế, và trên không có mẹ cha, dưới không có vợ và anh em lại đeo lấy cái luỵ độc túc cô phòng, thế là có phải vì sự ăn mặc hay sao, mà còn đeo vào vòng danh lợi ”.
    Nghĩ vậy rồi dâng sớ xin về hưu, về làm một cái nhà giữa rừng đào khi xưa đã gặp Đức Tiên Chúa, để dạy con thành tài trọn đời ở vậy.
    Last edited by honghoavnn; 26-09-2011 at 12:44 AM.
    Quay đầu lại chẳng thấy đâu là bờ - ta đang ở giữa biển chăng?:rose::rose::rose:

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Hành trình về phương Đông
    By Itdepx in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 19
    Bài mới gởi: 16-09-2013, 08:57 PM
  2. TÂM VŨ TRỤ
    By doxuantho in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 242
    Bài mới gởi: 26-03-2012, 02:27 PM
  3. Đối thoại với thương đế
    By Itdepx in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 27-01-2012, 05:37 PM
  4. Bộ Mật Tông Tập 3-KINH CHUẨN ÐỀ ÐÀ LA NI HỘI THÍCH
    By phatphapvoluongton in forum Mật Tông
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 28-06-2011, 12:53 PM
  5. BÍ MẬT THÚ VỊ VỀ LINH HỒN LUYỆN NGỤC
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 28-04-2011, 10:26 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •