KH&ĐS) Thời gian gần đây, tin đồn về hiện tượng nhiều người có khả năng phát sáng ở vùng Đức Hòa, Long An ngày càng trở nên nóng bỏng. Người ta đổ xô về đây không chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ mà còn xem hiện tượng này là phép lạ có thể trị bệnh, kể cả những bệnh nan y...
(Anh Dũng - tạp chí Khoa học và Đời sống)


Chị Lê Thị Nga, sinh năm 1960, ngụ tại khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa từ nhiều ngày nay trở thành tâm điểm chú ý vì khả năng "phát sáng". Theo lời dân địa phương thì đây là người phụ nữ phát sáng mạnh nhất trong thời gian qua. Đêm tối, khi đèn tắt hết, chị tròng chiếc áo thun vào đầu và kéo trì xuống ngực. Sau vài động tác khởi động, cứ sau mỗi lần kéo áo thì trên mặt, cổ chị xuất hiện một làn ánh sáng nhạt khi màu xanh, khi màu đỏ như tia lửa điện. Khi đưa bút thử điện vào sát người chị (cách một gang), bút thử cũng loé sáng, kèm theo là tiếng nổ lách tách. Sau khi đổi áo thun, tháo bỏ đồng hồ, vật trang sức trên người, thay bút thử điện... chị Nga vẫn phát sáng.

Hiện tượng này cũng xuất hiện ở chị Đào Thị Dung, ấp Tân Qui, xã Tân Phú, anh Mai Văn Sên và vợ ở ấp Hậu Hòa, anh Nguyễn Văn Te và vợ ở ấp Tân Hội, Đức Hòa, Long An và ông Trần Văn Thành, ở phường 12, quận Tân Bình, TP HCM.

Hầu hết những người phát sáng đều hoang mang lo sợ, nhất là khi tình cờ phát hiện ánh sáng đó có khả năng truyền qua người thân.

Ngày 7/3, đoàn chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học thuộc Đại học Hồng Bàng, TP HCM, đã đến Đức Hòa để tìm hiểu về hiện tượng này. Địa chỉ khảo sát là nhà ông Nguyễn Văn Sống, ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng. Nơi đây là "trung tâm" của những tin đồn, tập trung nhiều người phát sáng nhất. Các chuyên gia mang theo máy đo điện từ trường, máy đo địa trường, vi sóng (phóng xạ), máy đo năng lượng sóng và năng lượng não trái, phải, và đo đạc, khảo nghiệm môi trường xung quanh trước khi trời tối. Đo đạc bước đầu, các thông số đều không có gì khác thường. Chỉ số thân nhiệt, điện não của những người tham gia cuộc khảo nghiệm và cả nhiệt độ bên ngoài, điện từ trường, từ trường đều không có gì khác lạ. Từ những số liệu thu được, các nhà khoa học đã loại bỏ các yếu tố như nhiễm phóng xạ, nhiễm điện từ trường vốn là những yếu tố gây nguy hại cho sức khỏe và góp phần làm phát sinh hiện tượng người phát sáng.

7 h tối, lần lượt anh Te, chị Nga, chị Dung, ông Thảnh... tròng áo vào đầu và kéo ghì xuống, ánh sáng xanh đỏ lại loé ra, bút thử điện chớp sáng. Tiếp đó, người thử nghiệm được mặc lần lượt hai chiếc áo thun loại vải 100% cotton. Sau khi tròng hai áo này vào đầu rồi kéo ghì xuống, dù cố hết sức chà xát mạnh nhưng hiện tượng phát sáng không xuất hiện nữa.

Cuộc khảo nghiệm chấm dứt khi các nhà khoa học một lần nữa đo lại các chỉ số môi trường như độ ẩm, phóng xạ, thân nhiệt và điện não của những người tham gia cuộc khảo nghiệm. Số liệu đo lần này không khác biệt mấy so với lần đo đầu.

Bác sĩ Dư Quang Châu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học, giải thích: "Hiện tượng người phát sáng ở Đức Hòa là hiện tượng bình thường. Do là mùa khô hanh, khu vực này không khí tương đối ẩm, bà con lại mặc áo vải có chất liệu polymer có khả năng tích điện, nên khi ma sát mạnh trên da khô sẽ nảy sinh hiện tượng phát ánh sáng kèm theo tiếng nổ lách tách. Càng về khuya, hiện tượng phát sáng càng rõ hơn bởi không khí càng ẩm... Nhưng khi được thay thế bằng áo vải cotton 100%, những người này không thể phát sáng được do vải không có khả năng tích điện. Hầu hết các trường hợp phát sáng xảy ra rõ ràng trong đêm.

Có trường hợp chỉ phát sáng trong phòng máy lạnh. Hiện tượng này ai cũng có thể làm được bằng cách mở máy lạnh ở 17 độ rồi trùm chăn kín (loại chăn nặng 5 kg) khoảng 3 tiếng. Khi thân nhiệt tăng lên, chỉ cần rũ chăn thì hiện tượng phát sáng kèm theo tiếng nổ lách tách sẽ xuất hiện do hiện tượng phóng điện xảy ra.Cũng có thể lấy con gấu bông ủ kín trong môi trường nhiệt độ đó rồi lấy tay chà mạnh vào cũng nảy sinh hiện tượng phát sáng.

Vậy đã rõ, hiện tượng người phát sáng ở Đức Hòa không có gì đặc biệt. "Hiện tượng này có thể tự biến mất trong vài ngày tới khi luồng không khí ẩm tan đi", bác sĩ Dư Quang Châu nói.

Đại tá Đỗ Kiên Cường, chuyên gia vật lý, Phân viện phó Phân viện vật lý y sinh thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng, cho biết:

Theo quan điểm vật lý về bản chất sự sống, mọi sinh vật đều phát ra nhiều sóng điện từ khá mạnh (như điện tim), còn nhiều loại tín hiệu cường độ rất yếu (như phát quang sinh học) nên chỉ đến gần đây khoa học mới ghi nhận được. Nói chung khoảng 1/1.000 người có các tín hiệu lớn hơn bình thường và trong 1/1 triệu người, các tín hiệu đó lớn đến mức có thể tác động lên môi trường, như hút kim loại (người nam châm) hay phát quang (người phát sáng).

Đặc biệt sau một sự kiện bất thường (bị sét đánh, ngã bất tỉnh, ốm nặng, tiếp xúc với người xưng là "thiên sứ"...), do biến đổi tâm sinh lý đột ngột, người bình thường cũng có thể có tín hiệu khác thường, chẳng hạn tự nhiên phát sáng. Có nhiều loại phát sáng từ cơ thể, nhưng do biểu hiện cụ thể, ở đây cần nghĩ đến hiện tượng tĩnh điện. Vào thời điểm khô ráo, khi lột chiếc áo thun loại nhiều sợi tổng hợp qua đầu, chúng ta có thể thấy tóc dựng lên kèm theo tiếng nổ lách tách: nếu phòng đủ tối thì người đối diện có thể thấy tóc đang phát sáng. Đó chính là hiện tượng tĩnh điện.

Ở người phát sáng, thường thấy dấu hiệu tương tự: tiếng nổ lách tách khi xoa tay trên da, chỉ phát sáng khi da khô trong thời tiết hanh khô, không phát sáng khi cơ thể mệt mỏi, có khả năng cảm ứng khi truyền từ người này sang người khác.

Dưới cái nhìn khoa học, những điều kể trên là hoàn toàn bình thường. Chúng là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân của tình trạng tâm sinh lý, vì thế chúng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.


Anh Dũng (Theo Tạp chí Khoa học và Đời sống)