(VietNamNet) - Chiến tranh, những người lính tình nguyện Việt Nam từng chung chiến hào với các chiến sĩ Pa Thét Lào trên các mặt trận Trung Lào, Hạ Lào. Thời bình, tấm thịnh tình của nhân dân Lào "đưa" bộ đội Việt Nam đi tìm hài cốt đồng đội.

Chiến tranh đã qua đi, nhiều chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã nằm lại trên nước bạn Lào. Đội 192 thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế được thành lập với nhiệm vụ cao cả: Tìm và cất bốc mộ các liệt sĩ hy sinh tại nước bạn đưa về an táng trên đất mẹ. Họ đã đón nhận những tình cảm nồng ấm và sự giúp đỡ nhiệt thành của bà con các bộ tộc Lào.

Những người mẹ Lào

Trung tá Trần Trung Thành, người được phân công về đội 192 từ ngày đầu thành lập nói có lẽ anh là người hạnh phúc nhất đời vì anh có rất nhiều mẹ. 15 năm trôi qua, đôi chân anh đã đi qua hầu hết các bản làng của hai tỉnh Sê Công và Xaravan của nước bạn Lào.
Thành đã gặp và được rất nhiều bà mẹ Lào nhận làm con nuôi. Một trong số mẹ của anh Thành là mẹ Lan, ở huyện Khoong Sê Đôn. “Mẹ Lan là người mẹ tuyệt vời, lo cho chúng tôi từng bát cơm, vá từng manh áo” - Anh kể về mẹ Lan.

Khi biết bộ đội Việt Nam qua Lào tìm hài cốt đồng đội, mẹ Lan đã chủ động đi hỏi bà con các bản làng. Nơi đâu báo có thể có mộ liệt sĩ, mẹ Lan lại cặm cụi viết thư sang Việt Nam báo tin cho đội. Tin của mẹ cho dù không chính xác 100%, nhưng cũng là cơ sở để đội thẩm tra. Từ nguồn tin ấy, rất nhiều liệt sĩ đã được trở về với quê hương.

Một lần, đội 192 tiến hành tìm kiếm mộ liệt sĩ ở bản Xoong Khả Loong, cách trung tâm huyện Khoong Sê Đôn vài chục cây số đường rừng. Biết các con bộ đội Việt Nam thiếu rau, thiếu thực phẩm, mẹ Lan cứ mỗi tuần lại lặn lội tiếp tế. Hơn hai tháng ròng như vậy.

Đợt đó, đội 192 đã tìm và cất bốc được 20 ngôi mộ liệt sĩ. Mẹ Lan bật khóc như đã tìm được chính những đứa con của mình. “Bọn tôi vừa bốc xong ngôi mộ cuối cùng, anh em vừa nghỉ, mẹ Lan vào, mẹ khóc, ôm từng túi hài cốt như ôm con của mẹ. Anh em tôi khóc hết cả!”.

Đầu năm 2007, mẹ Lan mất, đội 192 day dứt vì chưa đền đáp được gì cho mẹ.

Anh Thắng, một chiến sĩ đội 192 kể: Có trường hợp ở huyện Cà Lừm, một người mẹ Lào biết chỗ có mộ liệt sĩ Việt Nam nhưng dứt khoát mẹ không báo. Chỉ vì thấy các con Việt Nam của mẹ vất vả, mẹ chỉ mà nhỡ không có, lại hành tội các con! Cả đội xúm lại vận động mẹ mới chỉ. Và mẹ lặn lội đưa đến tận nơi, ở cùng đội, lo cơm nước cho anh em.
Mới hồi đầu tháng 5/2007, Thắng cùng anh em cắt rừng đi bộ ròng rã 5 ngày đêm để đến được một bản xa thuộc huyện Cà Lừm tỉnh Xaravan. Vào đến nơi, anh em hạ ba lô, nằm vật xuống vì kiệt sức.

“Nếu không có các mẹ Lào ở bản đó, chúng em chắc không đứng lên được. Các mẹ nấu cơm cho ăn, cả bản có mấy con gà cũng làm thịt cho ăn. Các mẹ cứ nhìn bọn em nói: sao các con giống con bộ đội Việt Nam của mẹ ngày xưa quá!” - Thắng kể.

Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam xưa trên đất bạn Lào đã để lại một tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân nước bạn. Trong hành trình 15 năm tìm mộ liệt sĩ trên nước bạn Lào, cán bộ chiến sĩ đội 192 cũng đã nhận được những vòng tay yêu thương của những người mẹ Lào.

“Giữa rừng núi bao la, dù có trong tay bản đồ định vị, nhưng thiếu sự hướng dẫn của các mẹ, các già làng thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ.” - Trung tá Trần Trung Thành.

"Lo cho người thân của mình..."

Có lẽ lần đi tìm và cất bốc mộ liệt sĩ tại Lào lâu nhất, quy mô nhất của đội 192 là đợt tìm tìm kiếm tại bản Non Xa Phăng, huyện Khoong Sê Đôn.
Một nguồn tin đáng tin cậy từ phía bạn báo: Tại một hang đá thuộc địa phận bản Non Xa Phăng có khoảng 80 đến 100 hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Trong một trận oanh tạc của Mỹ, các anh bị vùi lấp tại đây. Thẩm tra nguồn tin, đội 192 lên đường, lần này đội được bổ sung thêm một tiểu đội công binh để phá cửa hang.

Địa điểm tìm mộ giáp biên giới Thái Lan. Tình hình an ninh không yên ổn nên phía bạn cử hẳn một tiểu đoàn bảo vệ khu vực khai quật. Đội 192 được bảo vệ ba vòng: vòng ngoài là dân quân, du kích địa phuơng, tiếp đến là quân đội, vòng cuối cùng là công an Lào.

Đứng ở địa điểm tập kết dưới chân núi nhìn lên cửa hang, anh em trong đội ước chừng vài cây số. Tưởng sẽ nhẹ nhàng với những đôi chân đã quá quen với rừng sâu, vực thẳm. Thế nhưng, khi lên mới biết, dốc dựng đứng, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, chỉ cần sẩy chân thì...

Cả đội xuất phát từ 7h sáng, lên đến nơi vừa đúng trưa. Một trăn trở xuất hiện trong đầu đội trưởng Thành: leo lên được rồi, triển khai tìm kiếm sẽ bàn ra phương án, nhưng cao thế này, hiểm trở thế này, lấy đâu nước cho anh em. Còn thổi cơm, còn chỗ ngủ.

Đọc được ý nghĩ ấy, già làng Bun Phăn vỗ vai: “Bộ đội chỉ huy yên tâm, mình chuẩn bị cả rồi!”. Khi biết tin bộ đội Việt Nam về bản để khai quật hang có hài cốt liệt sĩ, ông Bun Phăn đã chuẩn bị tất cả.

Ông phân công cho từng nóc (gia đình) từng nhiệm vụ cụ thể. Nhóm nóc này lo nước, nhóm nóc kia lo nấu cơm, nhóm thì lo thức ăn. Cứ thế luân phiên nhau. Chính ông cũng là người đã báo tin cho chính quyền về hang đá có hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Hai tháng trời ròng rã, bản Non Xa Phăng tập trung lo cho bộ đội Việt Nam. Mùa hè ở Lào nắng gắt, buổi trưa cứ đúng khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, cả đội nhận được những gùi cơm, thức ăn, nước. Nước phải gùi lên vất vả, anh em bảo nhau tiết kiệm. Nước rửa mặt dùng luôn thành nước tắm. Thấy vậy, dân bản bảo nhau tranh thủ, mỗi người một gùi, chuyển nước lên đều đặn.

Thấm mệt với những công việc tìm kiếm, nhưng chẳng ai dám kêu, khi nhìn thấy những thanh niên dân quân gùi cơm, gùi nước. Áo ướt đẫm mồ hôi, mặt tái đi vì mất nước. Bàn chân họ toé máu vì vấp phải đá tai mèo. Ngày nào cũng vậy, giờ cơm, giờ nước chính xác không sai, không chậm. Bà con chân tình bảo, chậm đưa cơm lên bộ đội đói, lấy sức đâu mà làm.
Khăm Lả, chàng thanh niên 17 tuổi, nhiều lần gùi nước cho bộ đội, mệt đến lả người, nhưng vẫn quyết không bao giờ để tràn một giọt nước ra ngoài. Bun Súc, đội viên dân quân, vợ sinh con trai cũng gác qua một bên để lo cho bộ đội Việt Nam.

Cả dân bản, cả chiến sĩ đội 192 vất vả đào bới. Phải nổ mìn để mở của hang, nhưng do cấu tạo địa chất, đào được bao nhiêu, nổ mìn bao nhiêu, đất đá từ trên cao đổ tràn xuống lấp lại như cũ. Những gì tìm được chỉ là những đoạn dây dù, chiếc lược, mảnh huy hiệu quân tình nguyện.

Lực bất tòng tâm, đội 192 phải rút quân. Già Bun Phăn nói trong nước mắt: "Thôi, đã gắng hết sức nhưng không được, biết làm sao đây. Các anh ấy đã hy sinh vì chúng tôi, bây giờ không thể về quê mẹ, nằm lại đây. Các cán bộ cứ về nói với bà con Việt Nam rằng chúng tôi sẽ lo cho các anh như người thân của mình”.

Chia tay trong nước mắt, lần ấy, đội 192 không cất bốc được một hài cốt nào, nhưng các anh cũng yên lòng khi đồng đội mình nằm lại đây đã có bà con bản Non Xa Phăng chăm sóc...
Kỳ Nhân