Tâm ấn Diệu Kinh
 


Tâm ấn diệu kinh thông tục chú giải (Uông Bá Anh)

(1)Thượng dược tam phẩm thần dữ khí tinh

Thượng dược là lọai thuốc kỳ diệu hàng thượng đẳng, tam phẩm tức là ba lọai; “thượng dược tam phẩm” tức thuốc diệu kỳ hàng thượng phẩm có ba lọai. Ba lọai đó là gì? Chính là thần, khí và tinh trong thân ta. Vì sao lại gọi thần, khí và tinh là những lọai thuốc kỳ diệu hàng thượng phẩm? Vì thân người tồn tại trên thế gian, sở dĩ có thể khỏe mạnh cường tráng, có trí tuệ và sự thông minh, hòan tòan đều nhờ sự nuôi dưỡng của ba thứ này, chúng không ngừng lưu chuyển trong cơ thể chúng ta. Nay hãy nói riêng về từng lọai thuốc này: Tinh là thể dịch trong thân người, có chứa những chất có tính nhày và dính, nó tựa như nước cháo lõang; Khí do thể dịch có tính nhày và dính này được hun hấp bởi yếu tố hỏa (hơi nóng) mà hóa thành, khí này là thứ mắt ta có thể nhìn thấy, như hơi thở trong miệng và giống với hơi nước do nước sôi bốc lên; Thần là thứ giống như hơi nước này được chuyển hóa đi và thứ không thể nhìn thấy bằng mắt. Tuy không nhìn thấy bằng mắt nhưng nó vẫn có, chẳng qua nó quá mỏng manh vi diệu nên lẫn trong hư không, chứ không phải không có. Ba thứ này luôn tuần hòan, chuyển hóa, lưu hành khắp cơ thể. hoặc là tinh hóa thành khí và khí hóa thành thần, hoặc thần hóa thành khí và khí hóa thành tinh. Chỉ cần có ba thứ này vận hành trong cơ thể thì con người sẽ kông chết. Sự khỏe mạnh họat bát của con người cũng đều do chúng chứa đầy trong cơ thể chúng ta. Nếu chúng giảm, con người trở nên suy yếu, già đi, lâm bệnh và chết. Vì vậy, lẽ nào chúng không đáng gọi là diệu dược hàng thượng phẩm! Cho nên nói: “Thuốc hàng thượng đẳng có ba lọai là thần, khí và tinh”. Có người nói rằng: Phàm những thứ gọi là thuốc thông thường nếu uống được thì mới trừ bệnh, kéo dài tuổi thọ. Nay, thần, khí và tinh là những thứ vốn có trong thân người, chúng ta bẩm thụ nó từ tự nhiên, không thể so sánh với những thứ thuốc bên ngòai.. Chúng nhiều thì không thể làm cho ít đi, chúng ít thì không thể làm cho nhiều lên, chúng suy yếu không thể làm cho mạnh thêm, chúng mạnh không thể làm cho yếu đi. Tất cả đều chỉ nghe theo tự nhiên để rồi già yếu, bệnh tật và chết, phó mặc cho tạo hóa chi phối. Chưa từng nghe có người có thể dùng ba thứ : thần, khí, tinh này làm thuốc uống bao giờ. Đây há không phải là lời nói vô căn cứ sao? Thưa rằng: Đây chỉ là suy nghĩ của người bình thường. Bậc thần tiên có cách sử dụng kỳ diệu, nên có thể dùng ba thứ này làm dược phẩm thượng hạng. Chính nhờ họ có cách biến chúng thành thuốc uống nên mới tránh được nỗi lo về già yếu, bệnh tật và chết chóc. Còn về cách uống như thế nào xin xem phần sau.


(2) Hoảng hoảng hốt hốt yểu yểu minh minh

Hai câu này đều nói về ba lọai thuốc: thần, khí và tinh tác động đến con người một cách mơ hồ như có như không, như hấp thu được mà cũng như không hấp thu gì cả. Chân nhân Lục Tây Tinh nói “hỏang hốt là như có như không, yểu minh là thăm thẳm mờ mịt không sao lường định được.” Đây đều là sự thể nghiệm khi ở vào trạng thái hư tĩnh cực độ. Chương 14 của Đạo đức kinh nói rằng: “Cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể, đó gọi là hỏang hốt (tức thấp thóang, mập mờ). Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi.” Chương 21 lại nói: “Đạo là cái chỉ mập mờ, thấp thóang, thấp thóang mập mờ mà bên trong có hình tượng; mập mờ thấp thóang mà bên trong có vật. Nó thâm viễn tối tăm mà bên trong có cái tinh túy, cái tinh túy đó rất thật và rất đáng tin cậy.” Trong thấp thóang có hình tượng (tượng), có vật. trong sâu thẳm tối tăm có sự chân thực (chân) và tinh túy (tinh). Vả lại trong đó còn có sự đáng tin cậy (tín). Tín là nói cái dụng đáng tin cậy. Tượng, vật, chân, tinh tất theo đúng lúc mà tới. Nhưng nếu không đến được nơi thấp thóang mập mờ, sâu thẳm tối tăm thì các cảnh tượng này đều không thể nhìn thấy. muốn thấy được sự thấp thóang mập mờ, sâu thẳm tối tâm lại cần đạt đến sự hư tĩnh cực độ. Lão tử nói: “Cố hết sức giữ được cực hư cự tĩnh, xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được quy luật phản phục”. Cái gọi là vạn vật sinh trưởng là chỉ cái có hình tượng, có vật, có chân, có tinh. “Thấy được quy luật phản phục” tức chỉ trong đó có sự đáng tin cậy (tín). “Cực hư, cực tĩnh” tức điều nhà Nho gọi là dục vọng hòan tòan lắng xuống. Và “xem vạn vật sinh trưởng mà thấy được quy luật phản phục” là điều nhà Nho gọi là lý trời lưu hành. Nhưng để “cực hư cực tĩnh” cần phải trãi qua lúc thể nghiệm tới sự thấp thóang mập mờ, sâu thẳm tối tăm, mà lúc này chính là lúc thần khí hòa quyện và rơi vào trạng thái hỗn độn (mơ hồ không có sự phân biệt rõ ràng). Trong trạng thái này, đầu óc con người mơ màng lặng lẽ, không cớ sự nhận thức, những suy tư lo lắng, những ý niệm ý nghĩ của thức thần, những vui buồn mừng giận gây ra bởi dục vọng, tất cả đều bị rũ sạch. Và bầu khí mênh mông của tạo hóa đi rồi lại, được thở ra rồi được hít vào, thu nhận rồi buông thả, mở rồi khép. Tất cả đều có thể thể nghiệm được vào lúc này, đây cũng là biểu hiện của một lọai công phu, không phải là lời vô căn cứ. Duy thời gian là có dài ngăn khác nhau. Sự thấp thóang mập mờ, sâu thẳm tối tăm có thể lâu hoặc mau hiện ra. Cảnh tượng lúc này thật sự có thể khái quát rằng: trên dưới cùng trời đất lưu chuyển. Cho nên, nhà Nho gọi lúc dục vọng bị diệt sạch, lý trời lưu hành là minh (tối mờ), thời gian để lòng dục bị diệt tận và để lý trời lưu hành có dài có ngắn. Và “hỏang hỏang hốt hốt, yểu yểu minh minh (thấp thóang mập mời, sâu thẳm tối tăm)” thực sự là con đường tất yếu phải trải qua để vượt cõi phàm nhập vào cõi thánh, tu đạo học tiên. Hình tượng trong cái thấp thóang mập mờ, tinh túy trong nơi sâu thẳm tối tăm cũng chính là nhất khí tiên thiên mà đan kinh thường nói đến, còn gọi là dược (thuốc). Lọai thuốc này hòan tòan do tinh, khí, thần hòa trộn làm một , tạo ra sự thấp thóang mập mờ tối tăm sâu thẳm mà sinh ra, do đó câu trên nói “thượng dược tam phẩm thần dữ khí tinh (thuốc hàng thượng phẩm có ba lọai là thần, khí và tinh)” chính là nói về lý này. Về cách uống thì không hoan tòan theo cách đưa vào miệng nuốt xuống. Bởi vì, rốt cuộc chúng đâu phải là thuốc thang hậu thiên mà là tinh khí vi diệu có ở tiên thiên. Con đường đưa nó vào chính là từ mũi miệng hít vào, từ trong lỗ chân lông lúc mở lúc khép tiếp nạp vào. Lý luận này, từ lâu đã được người thầy viên thông đốn ngộ của tôi trình bày khi giảng nghĩa Hòang đình kinh. Xin lưu ý đến.

(3)Tồn vô thủ hữu khoảnh khắc nhi thành

Vô chính là hư (hư vô), hư chính là không (trống rỗng), không đến cùng cực chính là chân không. Tồn vô (giữ lấy vô), chính là làm cho cực hư, cực hư thì một niệm cũng không sinh ra. Thời gian không phát sinh bất cứ niệm nào kéo dài thì đạt đến mức chân không. Nhưng để đạt được cực hư có nhiều phương pháp khác nhau. Để một niệm cũng không sinh, đối với người mới học không phải dễ dàng, muốn không sinh ý niệm tất phải giữ tâm tưởng vào một nơi. Giữ ở nơi nào? Có người giữ ở Thượng đan điền, có người giữ ở Trung đan điền, Hạ đan điền, có người giữ ở huyệt Vĩ lư nơi được xem là rốn biển. Có người giữ ở giữa đôi mi, nơi được xem là chân núi, có người nhìn xuống chóp mũi, có người điều hòa hơi thở, đếm hơi thở, có người dùng cách tâm tức tương y, có người để tâm tưởng bên ngòai thân, có người để tâm tưởng nơi thấp nhất, có người thầm tưởng ra vòng tròn trong tâm trí. Rất nhiều phương pháp, không thể một lúc viết hết ra được. Nếu hỏi phương pháp nào tốt nhất, điều này không thể xác định vì mỗi phương pháp có ưu khuyết điểm riêng. Đó là vì sao? Do cơ thể của mỗi người mỗi khác, người thể chất thiên về âm, người thiên về dương, người thuộc tạng khí hư (khí suy yếu), người thuộc huyết hư (thiếu máu), người rất béo, người lại rất gầy. Muốn quyết định chọn phương pháp nào nên tùy theo từng người, điều này cần có người sáng suốt để phân biệt cho, hoặc bản thân tự lĩnh hội. Nhưng nhất thời chưa được bậc minh sư chỉ dẫn, bản thân cũng không dễ lĩnh hội. Nếu muốn cấp tốc thực hiện thì chớ ngại dùng phương pháp tâm tức tương y thử một lần. Tiêu chuẩn cần thiết nhất chính là, bất luận dùng phương pháp nào, đầu tiên cũng phải thực hiện chầm chậm cho tới bước thấy được sự thấp thóang mập mờ sâu thẳm tối tăm nói trên. Và bước này cũng chính do sự “tồn vô trí hư (tồn giữ vô cho đến cực hư) trong các phương pháp tạo ra. Có người hỏi rằng những cách như đếm hơi thở, nhìn xuống chóp mũi… nói trên, làm thế nào có thể “tồn vô trí hư”? Thưa rằng: Phương pháp là biện pháp cứu cánh. Những cách đếm hơi thở, nhìn xuống mũi là do con người có quá nhiều tạp niệm, không dễ quay về sự chuyên nhất, nên phải dùng phương pháp từ “hữu” vào “vô”, trước tồn giữ sau quên đi dể bắt tay tập luyện. Đếm và nhìn đều là “hữu”, nhưng đếm lâu, nhìn lâu tự nhiên quên mình đang đếm, quên mình đang nhìn. Khi quên việc đếm việc nhìn thì thành “vô”. Sau đó lại do vô này kéo dài mà sinh ra hữu trong vô, đây chính là “tồn vô thủ hữu (chứa lấy vô và giữ lấy hữu)”. Đã tồn giữ vô đến mức cực hư, lại cảm thấy có sự thấp thóang mập mờ, sâu thẳm tối tăm, là đã đạt đến cảnh giới chân không. Đã đạt đến cảnh giới này, trong thấp thóang mập mời, sâu thẳm tối tăm chắc chắn có tinh và tượng. Trong chân không nhất định hiện ra diệu hữu. Cái gọi là “thủ hữu” chính là tinh và tượng trong cõi thấp thóang mập mời, sâu thẳm tối tăm, là diệu hữu vô cùng linh ứng hiện ra trong chân không. Cái gọi là thủ (giữ lấy), kỳ thực là giữ lấy mà không giữ lấy. Tồn giữ vô tức là để giữ lấy hữu. Nếu không thể “tồn vô”, quyết không thể “thủ hữu”. Tên gọi là hai nhưng thực ra chỉ một mà thôi. “Khỏanh khắc nhi thành (trong khỏanh khắc mà thành tựu được)”, muốn nói diệu hữu trong chân không một khi đã có thì trong khỏanh khắc tòan thân sẽ thông suốt hài hà, trở nên mềm mại và thư thái, có một trạng thái không thể diễn tả bằng lời. “thành” không phải thành đạo, mà nói sau khi diệu hữu xuất hiện có thể tự nhiên thi triển công dụng của nó ở thân ta, không cần dùng bất cứ phương pháp nào ứng phó với nó cả, chỉ cần thuận theo tự nhiên mà thôi. Sách Mạnh tử nói: “Sau khi sinh ra, nó tác động lên tòan thân, làm vẻ tươi sáng nhuần nhã hiện lên trên mặt, vẻ đầy đặn nở nang lộ trên vai, tác động đến cả tứ chi, ở tứ chi không lời nào ví von nỗi.” Những câu này có thể xem là sự miêu tả chân thực về tác động của diệu hữu lên tòan thân sau khi nó xuất hiện. “thành” tức đạt đến sự chuyển hóa ngay trong lúc này, khả năng chuyển hóa ngay lúc diệu hữu xuất hiện này nếu không có hữu trong vô thì không đạt được. Do đó, “khỏanh khắc” là chỉ lúc hữu đã đến, không phải nói lúc tồn giữ vô. Vì thời gian tồn giữ vô càng lâu càng tốt. Tồn giữ vô càng lâu thì phạm vi của sự trống không càng lớn nên diệu hữu hiện ra càng mạnh mẽ, sự chuyển hóa trong thân cũng càng kỳ diệu. Điều này có thể được biết khi trãi nghiệm qua.

Theo chân nhân Lục Tây Tinh chú: “Tồn vô chính là ngưng thần lắng tĩnh mọi suy nghĩ, cần luyện kỷ để đạt được. Thủ hữu là không đánh mất hào động, thừa thời cơ mà có sự hữu vi. Vô là tính của ly, hữu là tình của khảm. Sách Ngộ chân viết: “Trong thấp thóang mập mờ tìm ra hình tượng, đây là tồn vô; trong tối tăm sâu thẳm tìm thấy chân tinh, đây là thủ hữu. Đợi đến lúc huyền châu tượng hình, vung kiếm lướt tới, nhanh chóng cưỡi hà xa, chuyển ngược mà lên.” Chớ để mất hào động có nghĩa là, tính của ly, tình của khảm và sự vung kiếm lướt tới mỗi thứ có một tác dụng riêng. về nguyên lý tuy giống nhau nhưng phương pháp thì có khác. Điều này người đạt đức sẽ quan sát thấy rõ. Người chú không thể bàn thêm.

(4) Hồi phong hỗn hợp, bách nhật công linh

Đạo đức kinh của Lão tử viết: “Khỏang giữa trời đất, nó giống cái ống bễ chăng?” Ống bễ chính là ống kéo đẩy trong thùng hơi. Ống này kéo ra rồi đẩy vào, cứ như vậy giống như cơ thể con người thở ra rồi hít vào. Nhờ sự kéo đẩy của ống này trong thùng hơi mà gió được quạt tới lửa. gió và lửa quyện vào nhau thì thế thiêu đốt của lửa càng mạnh. sự hô hấp ở cơ thể con người cũng vậy. Hô hấp hài hòa thì khí hợp với thần. Khí có trong hô hấp tức là gió, và thần nằm trong tim chính là hỏa. “Hồi phong” tức là khí có do hít thở đến hòa trộn với thần hỏa trong tim. Do lửa gió hỗn hợp lại nên gió nương theo thế lửa, lửa thừa theo uy của gió. Thần và khí hỗn hợp lại thì thần nhờ khí mà linh, khí nhờ thần mà mạnh mẽ. Nếu có thể trong vòng trăm ngày, mỗi ngày đều “hồi phong hỗn hợp” thì công phu tất trở nên linh diệu. Công linh (công phu linh diệu) là nói cái nền để xây nên công phu bảo tòan tính mệnh đẫ hoan thành. Sao biết nó chỉ về nền công phu bảo tòan tính mệnh mà bảo vậy? Vì trăm ngày dựng nền (bách nhật trúc cơ) là cách nói thông thường trong đan kinh, nếu không nói về hai chữ “công linh” ở đọan trên đã chỉ rõ “khỏanh khắc nhi thành”, ở đây hà cớ gì lại nói “bách nhật công linh (có thể hiểu là trong trăm ngày đạt công phu linh diệu)”, từ đó mà biết ở đây chỉ việc xây nền. Lại hỏi sao gọi là xây nền? Thưa rằng: Ở đây muốn nói đàn ông tu thành thì không tiết tinh, đàn bà tu thành thì không còn kinh nguyệt, nam đóng dương quan (cửa dương), nữ chặt đứt xích long (rồng đỏ - ám chỉ kinh nguyệt). Tuy nhiên, người đời bị cái ăn cái mặc làm lụy, lao tâm lao lực, muốn làm được hai việc trên không phải là dễ. Xây nền chính là xây cái nền móng để được trường sinh, là cái bắt đầu của công phu tu trì mệnh sống. Cho nên Linh nguyên đại đạo ca có câu rằng: “Hình và thần, hai thứ khó bảo tòan. Hiểu được mệnh chưa thể, phải hiểu tính.” Cũng là nói công phu trì giữ mệnh không dễ, dạy người đời thôi tranh giành, phải tích lũy công đức, trước hết phải hiểu được tính. lại có người hỏi: Theo như lời ông nói rằng “hồi phong hỗn hợp” tức là gió theo sự hít thở đến hợp cùng thần hỏa trong tim. Nhưng những người chưa luyện công phu thì ai cũng phải luôn hô hấp, trong tim ai cũng có thần, sao không thể hỗn hợp được? Thưa rằng: Gió trong hô hấp tuy có tác động, nhưng thần trong tim lại vì thất tình lục dục mà bôn ba ra ngòai, giống như thùng hơi tuy được quạt mà tàn lửa lại ở nơi khác, gió lửa xa cách nhau, làm thế nào mà hợp được, nên người không tu luyện công phu không thể “hồi phong hỗn hợp (đưa gió về hợp với thần)” mà làm cho thần khí ngưng tụ, lẽ nó là vậy.

(5) Mặc triêu thượng đế nhất kỷ phi thân

Thượng đế được giải thích theo hai cách: một là thượng đế có hình có dạng, một là thượng đế không hình không dạng. Thượng đế có hình có dạng là thể tướng của thượng đế, tức trong suy nghĩ của mọi người thượng đế có hình dạng giống vua chúa ở thế gian, có điều có ba thứ : đạo đức, sức thần thông và trí tuệ khác với ông vua ở thế gian, thượng đế này giống như báo thân của nhà Phật. Nhưng trong thượng đế còn chia ra các dạng thượng đế. Trong kinh sách của Đạo giáo gọi là Hòang thiên thượng đế, Ngọc hòang thượng đế, Ngọc hư thượng đế, Ngũ lão thượng đế, Huyền thiên thượng đế… Tuy nhiên nhiều danh từ như vậy cũng có thể cho biết các thân phận được biến hóa ra từ một thượng đế, giống với danh từ “hóa thân” của nhà Phật. Về đạo Thiên chúa, thượng đế mà họ sùng bái với thượng đế của Đạo giáo có giống nhau không, chúng ta không quan tâm đến điều này. Kinh sách Nho giáo nói về thượng đế cũng không ít, như “duy hòang thượng đế, giáng chung vu hạ dân (Hòang thượng đế trên trời, giáng đạo Trung xuống đám hạ dân)”, “thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm (thượng đế soi xét ngươi, ngươi chớ hai lòng”… Nhưng không ai hình dung ra âm thanh, nụ cười của thượng đế, đây là lẽ gì? Đây cũng giống như nói về vị chủ tể trong vũ trụ. Căn cứ vào việc Nho gia bắt nguồn từ Đạo gia, Hòang Đế hỏi đạo ở Quảng Thành, Khổng tử hỏi lễ ở Lão tử mà bàn, thì thượng đế của Nho gia không biết chừng cũng là thượng đế của Đạo gia. Về thượng đế vô hình vô dạng, là chỉ cái thể tòan diện của đạo, diệu dụng của thân, đây là chủ tể tiên thiên. Đạo đức kinh nói: “Ta không biết nó là con ai, có lẽ nó có trước thượng đế”, lại nói “có một vật hỗn độn mà thành, sinh trước trời đất.”, điều này Phật giáo gọi là pháp thân. Nhưng trong thân ta cũng có một thượng đế, đó là gì? Chính là bản tính linh diệu sáng rỡ của chúng ta, là nguyên thần thiên tiên không thiện không ác. “Duy hòang thượng đế, giáng chung vu hạ dân”, chữ “chung” trong câu này là thượng đế trong thân ta. Và Tả truyện cũng viết: “Con người nhận lấy sự trung (trung hòa) của trời đất mà sinh sống”, chữ “trung” này cũng chỉ chủ tể của vũ trụ, cùng với chữ “chung” trong câu “thượng đế giáng chung” của sách Thượng thư có ý nghĩa giống nhau. “Mặc triều thượng đế (thầm lặng chầu về thượng đế)” chính là thầm lặng hướng về chữ “chung” và “trung” này, tất thảy mọi điều đều lắng nghe vị chủ tể nguyên thần tiên thiên. Làm cho thật tinh túy và chuyên nhất, kính cẩn giữ lấy đạo trung. Ba nhà gặp nhau, ngũ khí hướng về nguyên khí, tức cùng ý nghĩa với câu: “Vạn nước chầu về cung Xích Đế” trong Linh nguyên đại đạo ca. Nếu có thể ngày ngày đều như vậy qua thời gian “nhất kỷ” (một kỷ là 12 năm) thì có thể ngay ban ngày cất thân bay lên. Có người lại nói: “mặc triều thượng đế” chỉ dương khí bay lên đến Nê hòan. Hiểu như vậy cũng được.

(6) Trí giả dị ngộ muội giả nan hành

Đối với tất cả các đạo lý về siêu phàm nhập thánh được giảng ở trên, nếu người có trí tuệ, có căn duyên chăc chắn dễ dàng hiểu rõ. nếu là ngừoi ngu muội lại không có căn duyên chắc chắn không hiểu ra lý lẽ này nên khó lòng dụng công tu trì.


(7) Lý tiễn thiên quang hô hấp dục thanh

“Lý” tức là giầy, “tiễn” là dẫm lên. Phàm vì giầy mang vào chân nên giầy dẫm chính là chân dẫm. Thường có những câu khuyến khích mọi người nổ lực cố gắng như “chân lý thực tiễn (mạnh chân vững bước)”, “cước đạp thực địa (chân cứng đá mềm)” Nhưng ở đây lại nói “lý tiễn thiên quang”, chứ không nói “cước đạp thực địa”. Xin hỏi như thế nào gọi là thiên quang? Thưa rằng: Thiên quang chính là thiên đạo (đạo trời), là ánh sáng, câu “lý tiễn thiên quang hô hấp dục thanh” ý nói muốn mạnh chân vững bước theo ánh sáng của đạo trời cần giỏi điều hòa hơi thở để dưỡng được thanh dương (khí dương trong trẻo). Vậy điều hòa hơi thở thế nào để dưỡng được thanh dương? Trong từng nhịp hô hấp hít vào thở ra có chân cơ trong đó. Hô là dương, hấp là âm, có thể điều hòa hô hấp thì chân cơ sinh ra. Vào lúc khép khép mở mở thì huyền quan xuất hiện. Trong cái lỗ hư vô của chân không, sinh ra diệu hữu vô cùng linh ứng. Diệu hữu này chính là thanh dương nên mới nói: “điều hòa hô hấp để dưỡng thanh dương”.

(8)Xuất huyền nhập tẫn nhược tồn nhược vong

Hai chữ huyền tẫn lấy từ Đạo đức kinh của Lão tử. Kinh này viết: “Cốc thần không bao giờ chết, đó gọi là huyền tẫn. Cửa huyền tẫn là gốc của trời đất.” Cốc thần chính là linh khí trong hang trống, tức là nguyên thần trong hang trời mà sách Đạo gia nói đến. Cái gọi là khéo lo toan chính là làm rỗng bên trong mà bao lấy bên ngòai, cái bao lấy bên ngòai là gì? Chính là huyền tẫn. Có huyền tẫn bao lấy thì cốc thần có thể phát sinh diệu dụng và không bao giờ chết. Huyền tẫn là gì? Đó chính là nhất âm và nhất dương. Lấy hô hấp bên ngòai mà bàn thì con người có miệng là huyền, mũi là tẫn, hơi thở ở miệng mũi có thể gọi là cốc thần. Nếu bàn về trong thân, lấy thần trong tim làm huyền, khí trong thận làm tẫn, nhất khí hư vô sinh ra trong sự hợp nhất của thần và khí chính là cốc thần. Nếu bàn theo phái Nam tông thì lấy cửa ly làm huyền, cửa khảm làm tẫn, và linh cơ tiên thiên sinh ra sự tương tiếp giữa khảm và ly chính là cốc thần. “Hô hấp dục thanh” ở câu trên cũng có thể phân tích ra hô (thở ra) là huyền, hấp (hít vào) là tẫn, và khí dương trong trẻo được dưỡng ra từ hô hấp là cốc thần. Vì vậy, hai chữ huyền tẫn không chỉ định một vật gì cả, tổng quát lại thì nó là hai cánh cửa mà âm dương ra vào. Giữa hai cánh cửa này có cốc thần trong đó. Ra khỏi huyền nhập vào tẫn chính là ra khỏi cái này nhập vào cái kia, ra khỏi cái kia nhập vào cái này, chính là hình tượng âm dương thông suốt lẫn nhau. Hòang đình kinh nói: ra khỏi nơi thanh trong nhập vào nơi huyền bí, hai khí âm dương sáng rỡ. Lại viết: Ra khỏi ngày nhập vào tháng hơi thở được giữ. Hai câu tuy khác nhau nhưng ý nghĩa không khác. “Nhược vong nhược tồn (như mất như còn)” tức là như có như không, đó là hình dung sự mỏng manh khó biết mà sâu lắng của hơi thở. Từ hít thở ở mũi miệng dần biến thành hô hấp ở rốn bụng, đó là điều Đạo gia gọi là thai tức (hơi thở trong thai), là lúc sắp nhập vào cảnh giới thiền định. Điều này cần tự bản thân thể nghiệm khi luyện công, không thể miêu tả trên giấy mực.


(9) Miên miên bất tuyệt cố đế thâm căn

Câu này hình dung lúc hít thở khí ra khỏi huyền nhập vào tẫn, cảnh tượng như có như không. “Miên miên” tức mỏng mảnh, mỏng mảnh thì nhược vô (như không). Bất tuyệt là không lúc nào tạm ngưng hơi thở, không gián đọan. Không gián đọan thì nhược tồn (như có). Đế và căn (gốc rễ) là chỉ nơi khởi nguồn của sinh mệnh con người. Sách y học chỉ khỏang giữa hai thận gọi là mệnh môn. Thực ra nó nằm trong rốn bụng, đan kinh còn gọi là Nguyên hải. Lo làm cho nguyên khí đầy lên trong đó, “miên miên bất tuyệt (mỏng manh mà không dứt)” như hơi thở của thai thì có thể làm gốc sâu rễ vững, đây là con đường đạt đến sự trường sinh. Đạo đức kinh viết: “Làm trống cái tâm mà đầy cái bụng”, Hiển hủy thi có câu: “Tâm ở tại Linh đài thân có chủ, khí quay về Nguyên hải thọ muôn đời”. Tâm nằm ở Linh đài tức là tâm trống không, khí quay về Nguyên hải tức bụng đầy. Tâm trống thì nguyên khí mới có thể đi xuống mà thông thẳng đến bụng. Và bụng đầy thì gốc sâu rễ vững, Hạ nguyên được an định. Lâu ngày, khí dần thông đến tứ chi, đến trăm mạch, nên tòan thân cảm thấy thông suốt, nhẹ nhõm, thư thái và sảng khóai.


(10) Nhân các hữu tinh tinh hợp kỳ thần

Tinh có hai lọai, một là nguyên tinh, hai là trọc tinh. Nguyên tinh là trong sự thấp thóang mập mờ, sâu thẳm tối tăm hốt nhiên có một cái gì xao động, mà sự xao động này không do cảm xúc với ngọai giới gây nên, và nó cũng không biến thành chất dịch dấp dính. Trọc tinh phần lớn do cảm ở ý niệm dâm dục mà hóa thành, hoặc về phương diện ăn uống dùng nhiều chất kích thích gây hưng phấn và những lọai thực phẩm có nguồn gốc động vật, những thứ đó cũng dễ dàng biến thành trọc tinh. Nguyên tinh cũng là thứ mọi người đều có, không riêng nam có mà nữ cũng có. Người tu luyện đợi khi nguyên tinh sinh ra liền lập cách để hòa trộn nó với nguyên thần của họ. Thế nào là thần và cách hòa trộn ra sao, những điều này phải đợi được bậc thầy tận miệng truyền cho mới lĩnh hội được, bút mực không thể nói rõ



(11) Thần hợp khí khí hợp kỳ chân

Đợi sau khi nguyên tinh sinh ra, đem hợp nó với nguyên thần thì hỏa thủy tương tiếp, tinh thần hợp nhất, tinh hóa được thành thần. Nhưng thần là vật mà người ta luôn cảm thấy nó quá linh động, như giọt hống trong cát (Vì hống chính là thủy ngân, có thể mua được ở các tiệm thuốc bắc, bản thân nó được chiết xuât và luyện ra từ chu sa. Đan kinh lấy hống ví với thần, chính bởi tính linh họat của nó.) Thần vào ra vô chừng, đến đi không xác định được. “Tham đồng khế” gọi nó là cô gái trên sông, linh động và thần thông vô cùng, gặp được hỏa thì bay lên, không hiện nơi bụi trần. Muốn chế phục nó phải lấy hòang nha (mầm vàng) làm gốc. Lại nói: Thái dương tuôn châu ngọc luôn muốn lánh xa người, cuối cùng có được kim hoa, chuyển vận mà nương nhờ lẫn nhau. Vì thế nên nói thần vốn thích bay, không chịu an phận thủ thường. Nhưng có hòang nha và kim hoa chế phục nó không bay được. Cái gọi là thần hợp với khí ở đây cũng là từ lý lẽ này. Khí này chính là hòang nhà và kim hoa được nói đến ở Tham đồng khế, đan kinh gọi là thần ngưng nhập vào huyệt khí. Âm phù kinh viết: Bắt và chế phục nó ở khí. Khí này mênh mông không giới hạn, hỗn độn nên thần đã hợp với nó tất không bay đi được. Trong sách Trang tử có đọan: Trọng Ni bảo: “Hãy chuyên nhất khí của anh. Đừng nghe bằng tai mà nghe bằng lòng, đừng nghe bằng lòng mà nghe bằng khí. Nghe dừng ở tai, lòng dừng ở chỗ phù hợp. Khí là cái hư không mà đợi vật.” Chỉ vì khí “hư không và đợi vật” nên thần có thể nhập vào trong nó. Ở thiên Ứng đế vương của sách này còn viết: “Anh nên giữ tâm điềm đạm, làm cho khí điềm tĩnh, thuận theo bản tính tự nhiên của mọi vật mà không theo ý riêng của mình.” Những câu trên đều có thể chú giải về việc thần hợp với khí. Thực ra đó chính là tâm tức tương y, thần nhập vào trong khí. “Khí hợp kỳ chân (khí hợp với chân)”, là thần khí đã hợp nhất, hỗn độn mơ hồ, không hay không biết, không chạy không bay. Do đó, nền móng kiên cố, khí huyết điều hòa, nước giàu dân an, tạng phủ thông thái. Việc hái thuốc chính là lúc này. Chân chỉ đại dược, đan kinh gọi nó là chân chủng tử (hạt giống chân thực). Chân chủng tử do chân âm chân dương sinh ra. Đan kinh ví nó như hạt châu Thử mễ, còn gọi là kim đan thành hình. Vào lúc này, Chân một lần nữa hỗn độn mà tái tạo lại càn khôn.


(12) Bất đắc kỳ chân giai thị cưỡng danh

Nếu không thể có được viên huyền châu Thử mễ, hạt chân chủng tử này thì tu tiên học đạo đều là những danh xưng gượng gạo mà thôi, không có chút thực tế nào cả. Thế nên Ngộ chân thiên nói: “Trong đỉnh nếu không có hạt chân chủng tử, giống như lấy nước lửa nấu cái nồi không.” Đã có hạt chân chủng tử rồi thì liền có điều huyền diệu: trong hạt gạo tàng chứa cả thế giới, trong chiếc chõ nhỏ nấu cả giang sơn. Cho nên Chân này là thứ vô cùng tinh túy (chí tinh) của trời đất, là tổ khí nguyên thủy, có thể sinh trời và đất, sinh người và vạn vật, sinh tiên và thánh. Vậy người tu luyện sao có thể không nghĩ cách hái chân này.

(13) Thần nhập thạch thần năng phi hình

Thần là thứ hư linh, thạch (đá) là vật cứng đơ. Thần có thể nhập vào thạch vì thần hư (không có hình thể) và linh (linh ứng). Nếu hư mà không linh thì tuy không e ngại đá cũng không thể nhập vào đá. Linh mà không hư thì tuy muốn nhập vào đá mà bị hình thể ngăn cản cũng không thực hiện được. Do đó, muốn nhập vào đá phải có cả hai tính linh và hư. Điều này cho thấy ở thế gian chỉ duy có điện là gần với nó. Vì điện vô hình mà hữu tính. Vô hình nên kim lọai không trở ngại được nó, hữu tính nên có thể truyền điện vào kim lọai. Nó có thể sinh ra ánh sáng và hơi nóng, có thể tạo thành động lực, đó đều do sự hư linh tạo ra. Thần sở dĩ nhập được vào đá cũng do vậy. Thần có thể bay lên, thần vốn hư linh và nhẹ tênh, vì hư linh và nhẹ tênh nên nó tự có tính năng bay lên. Thần tuy có thể bay nhưng nó vô hình nên không thể tự hiện ra. Nay, thần ở trong hình, dùng thần luyện hình thì thần lực càng mạnh, hình theo thần mà biến hóa. Thế nên thần bay được thì hình cũng bay được. Nhưng hình sở dĩ bay được là nhờ vào lực của thần. Giống như máy phát điện có thể chạy được và tạo ra nguồn động lực là đều nhờ lực điện từ. Bởi lẽ đó, người tu tiên học đạo, nếu xuất thần ra khỏi xác thì giống máy phát điện tự thân chuyển động mà thôi, không có hiệu quả nào đáng kể. Nhưng nếu muốn kèm theo thân xác giữa ban ngày bay lên thì giống máy điện nối với các loại dụng cụ, làm được các công việc khác nhau, tạo ra nhiều lợi ích.
Hồi phong hỗn hợp bách nhật thông linh giải – Ngu Dương tử
(Phần chú giải của Ngu Dương tử về câu “Hồi phong hỗn hợp bách nhật thông linh)

Sách Tâm ấn diệu kinh thông tục phê chú, tác giả là đồng môn Uông Bá Anh, trong khi biên soạn, không hiểu vì sao có thiếu sót khi bình chú cho câu “Hồi phong hỗn hợp bách nhật công linh”. Nay, tôi đột nhiên phát hiện ra, vì nghĩ trong toàn sách chỉ có thiếu sót ở phần này, nên cảm thấy tiếc như viên ngọc Bạch Khuê không nguyên vẹn, như trong chuỗi châu đẹp có hạt rơi xuống biển, không chỉ làm sách mất đi sự xuyên suốt trên dưới mà cũng dễ khiến người đọc sinh ra hoài nghi, ngộ nhận. Vì vậy, tôi không ngại mình kém cõi mà bổ sung thêm ở cuối sách.

Hồi phong hỗn hợp bách nhật công linh
Phần trên đã giảng đến “tồn vô thủ hữu”, điều này giống như câu “Nếu biết trong vô hàm chứa hình tượng, chính anh đã thấy Phục Hi trở lại” của Thiệu Khang Tiết. Thế nào là “chính anh nhìn thấy Phục Hi”? Về tâm tính mà nói thì điều này có ý rằng tâm đã sáng, thấy được diện mạo vốn có của chính anh. Nếu nói về công dụng thì giả sử đã đạt đến cảnh giới sinh ra diệu hữu, chứng tỏ anh đã thành công trong việc “khoan thủng bóng tối”, tiến vao cảnh giới chân không hoàn toàn tiên thiên, chính là “lúc nhất dương bắt đầu động, vạn vật chưa sinh ra, vị của rượu huyền chưa nồng, âm thanh của thái hư còn rời rạc”. Tiến thêm một bước nữa, đó chính là muốn nói đến “Hồi phong hỗn hợp bách nhật công linh”. Vì linh căn đã dồi dào nhờ tích lũy tinh khí nên thận khí nhất dương trong khảm dâng lên, tâm dịch nhất âm (chất dịch trong tim) ở ly giáng xuống, đây gọi là “khảm ly giao cấu”. Câu Mạnh tử nói “mặt mũi sáng rỡ nhuần nhã, vai lộ vẻ đầy đặn, tác động đến tứ chi, ở tứ chi thì không lời nào diễn tả hết”. Đây là hiệu quả do chính khí hạo nhiên vô cùng lớn lao và mạnh mẽ hun đúc nên. Từ câu “ở tứ chi không lời nào diễn tả” thì thấy, thật ra có vẻ giống cảnh huống ngọc dịch “không phải múc lên từ suối linh mà luôn tự trôi chảy”. “Hồi phong” và hỗn hợp” ở đây không phải dùng “hồi phong” làm việc “hỗn hợp”, cần giảng riêng về chúng. Dùng hơi gió hộ tống tinh khí để chuyển vận chúng, đó là vũ hỏa (mức mạnh), và hoàn toàn nhờ vào chân ý để thần khí thần tan quyện vào nhau, đó là văn hoả (mức vừa phải).

Sách Nhập dược cảnh viết: “Khởi gió tốn, vận lửa khôn, nhập vào Hoàng phong, thành được vật chí bảo”. Nung luyện rèn đúc cũng chính là thổi bùng gió tốn, quạt cháy lửa trong lò. Quẻ tốn trong Kinh dịch đại diện cho gió và khí hơi. Trong bát quái hậu thiên, tốn nằm ở vị trí của đoài trong tiên thiên, hướng đông nam, đại diện cho sự hít thở ở mũi miệng. Trong bát quái tiên thiên, tốn nằm ở vị trí khôn trong hậu thiên, ở tây nam, đại diện cho chân tức trong cơ thể. Thổi gió tốn chính là kết hợp hơi thở tiên thiên và hậu thiên, rôi vận chuyển đi khắp nơi. Thế nào gọi là “vận lửa khôn”? Vì khí chân dương sinh ra ở hướng khôn, “dựa vào hướng khôn giữ thanh tĩnh nơi bụng, tài tiếp (vun trồng) ở nơi đó”. Sau khi thuốc sinh ra, dùng thần sai khiến khí, dùng hỏa luyện công, nên viết là “vận khôn hỏa”, rồi cưỡi hà xa lên đến cung giữa là Hoàng đình thì dừng nghỉ.

“Hỗn hợp” không chỉ là lấy thần hợp vào khí, lấy khí hòa với thần. Trương Tử Dương có viết: “Tính của mộc yêu sự thuận theo nghĩa của kim, tình của kim quyến luyến đức nhân từ của mộc”, nên “hỗn hợp” có ý chỉ sự gom tụ ngũ hành, hoà hợp tứ tượng. Nhưng sau khi thuốc sinh, nếu không dùng chân ý phối với nó thì khí tự biết khí, thần tự biết thần, sao có thể làm cho hai thứ này cảm ứng giao hòa. Như chân diên chân hống cũng cần nhờ Hoàng bà làm mai mối cho chúng mới khiến cho kim mộc hợp lại đúc thành miếng, nắn thành viên. Cái gọi là chân ý chính là tâm ý nằm trong cảnh giới tiên thiên rất đỗi thành thật và chuyên nhất, không tạp nhiễm. Rồi sau cần dùng sự trung hoà dưỡng lấy để điều hòa hoả hậu cho hỏa lạnh thủy khô. Ngộ Chân viết: “Tứ tượng ngũ hành toàn bộ gôm vào một nơi”, “hỗn hợp” như vậy không quá một trăm ngày sẽ thành đại hoàn đan thông linh vô cùng quý báu. Sau đó, mới có thể tiến đến bước cất thân bay lên.