Bảo tồn VH dân gian không phải là xây phòng trưng bày!
09:54' 21/08/2008 (GMT+7)

- Việc trưng bày sưu tầm chỉ là một hình thức. Còn để lâu dài và bền vững thì phải làm cho cộng đồng đó nhận thức được hết những giá trị di sản người ta nắm giữ, để nâng niu gìn giữ và truyền lại cho con cháu... - TS Lê Thị Minh Lý.

Trong khi nhiều người dân đang nỗ lực truyền giữ giá trị văn hóa dân gian trong cộng đồng như ca trù làng Chanh Thôn, quan họ Đặng Xá… thì ở nhiều cấp quản lý, việc bảo tồn các giá trị vật thể là xây dựng một trung tâm, một phòng trưng bày; giá trị phi vật thể là gom các nghệ nhân vào các đội nghệ thuật trình diễn trên sân khấu, hội trường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, để được rõ hơn về vấn đề này.


"Phòng trưng bày không thể làm thay việc lưu giữ những giá trị sống của cộng đồng"

Cách bảo tồn giá trị văn hóa dân gian ở các địa phương đang ở đâu?
- Đây cả là một câu chuyện dài. Nhưng có thể đánh giá chung, ở các địa phương hiện nay, việc bảo tồn có tiến bộ về cách tiếp cận cũng như hiệu quả. Họ đã bắt đầu làm tốt hơn.

Trong một cuộc hội thảo về bảo tồn quan họ Bắc Ninh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Bắc Ninh, Trần Đình Luyện cho rằng: Đã đến lúc cần phải thành lập một Trung tâm nghiên cứu bảo tồn quan họ để nghiên cứu, sưu tầm về không gian văn hoá quan họ một cách có hệ thống. Bà nhận xét gì về quan điểm này?
- Trên thực tế thì Bắc Ninh đã từng có một trung tâm văn hóa quan họ rồi. Vì vậy không nhất thiết phải thành lập thêm 1 trung tâm nữa. Và tôi càng nghĩ rằng không phải cứ có nhiều trung tâm nghĩa là công tác bảo tồn thực hiện được tốt hơn. Bảo tồn ở đây phải mang tính toàn xã hội, nó phải là người dân tự bảo tồn. Còn những trung tâm, viện nghiên cứu chỉ là những công cụ hỗ trợ. Bảo tồn không có nghĩa là đi sưu tầm và lưu giữ đơn thuần, mà phải giữ cái truyền thống đang sống trong đời sống của người dân. Tôi nhắc lại, không phải là có thêm trung tâm, phòng trưng bày nghĩa là công tác bảo tồn thực hiện tốt.

Việc lập các trung tâm sưu tầm, đưa các giá trị văn hóa vật thể vào nhà trưng bày, bảo tàng. Hoặc tập hợp các nghệ nhân (người lưu giữ giá trị phi vật thể) vào các đoàn nghệ thuật để trình diễn đang diễn ra phổ biến. Cách thức này đã hợp lý chưa?
- Đây cũng là 1 hình thức để phát huy những giá trị. Nhưng không thể làm thay việc lưu giữ những giá trị của người dân. Cũng còn tùy phương pháp mà phát huy hiệu quả ít hoặc nhiều. Những địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm được những cộng đồng, những chủ thể văn hóa đích thực, và tạo những cơ hội để đưa những cộng đồng đó đến trình diễn tại bảo tàng thì thành công.

Trình diễn ở quảng trường, bảo tàng có hai tác dụng. Một, cộng đồng thấy được giới thiệu, tôn vinh. Thứ hai, nó tạo điều kiện cho những đối tượng công chúng không có điều kiện xuống tận cộng đồng được tiếp cận với truyền thống văn hóa đó. Việc đó cũng làm tăng cường nhận thức về giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, góp phần bảo vệ các chủ thể văn hóa.

Nhưng nếu chỉ gìn giữ bằng cách trưng bày giới thiệu, mà tách di sản ra khỏi cộng đồng sẽ có những hệ lụy như thế nào?



- Việc trưng bày sưu tầm chỉ là một hình thức. Còn để lâu dài và bền vững thì phải làm cho cộng đồng đó nhận thức được hết những giá trị di sản người ta nắm giữ. Thấy được cái hay, cái đẹp, cái quý của di sản để trân trọng, nâng niu gìn giữ và truyền lại cho con cháu, cho những người trong cộng đồng đều thực hành, và nối tiếp từ đời này sang đời khác thì mới gọi là bảo tồn bền vững.

Vậy đối với những địa phương tiến hành bảo tồn mang tính cứng nhắc như trong bảo tàng, Cục Di sản có những biện pháp nào để khắc phục, điều chỉnh?
- Thực ra không phải cứng nhắc mà do chưa nhận thức hết được cách thức bảo tồn một cách hữu hiệu nên chỉ dừng lại ở sưu tầm và trưng bày. Như vậy họ cần phải đi xa hơn nữa, địa phương phải nối dài cánh tay của mình xuống cộng đồng, giúp cộng đồng bảo tồn các giá trị sống.

Để giữ gìn các giá trị sống trong cộng đồng, các địa phương cần những bước đi như thế nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế vật chất hiện nay?
- Trước hết phải nhận diện ra đâu là những giá trị văn hóa có thể trở thành di sản. Bởi có rất nhiều truyền thống, rất nhiều biểu hiện văn hóa nhưng chỉ một phần nào đó mới trở thành di sản thôi.

Khi đã nhận thức được vấn đề đấy, thì phải có những biện pháp cụ thể. Thí dụ, nếu truyền thống bị mai một chút ít thì phải giúp người dân nhớ lại, phục hồi lại. Có thể truyền thống bị đứt quãng thì phải khôi phục lại cho hoàn chỉnh. Ngay sau đó, phải có hình thức hỗ trợ để hình thành những sinh hoạt cộng đồng để gắn kết và duy trì truyền thống. Xa hơn nữa, phải làm cho người dân khai thác những giá trị di sản đó để làm kinh tế như các nghề thủ công truyền thống.

Gắn kết kinh tế vào việc giữ gìn văn hóa dân gian có làm biến đổi đi giá trị nguyên gốc của văn hóa?
- Có biến đổi! Đặc biệt trong cơ chế thị trường thì đây là một mâu thuẫn. Một bên là mong muốn giữ nguyên gốc, một bên là xu thế phát triển và nhu cầu thị trường, nó sẽ làm cho các truyền thống bị sai lệch hoặc bị thương mại hóa.

Chính vì thế, chúng ta cần các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý. Các nhà nghiên cứu sẽ chỉ ra cho đâu là đúng, đâu là giá trị cần gìn giữ. Còn quản lý là hoạch định chính sách, có biện pháp về mặt chính quyền để tạo thế cân bằng, vừa bảo tồn vừa phát triển được.

Nguyễn Hữu Bắc (thực hiện)