Theo chân một nữ thương gia nổi tiếng ở Hà Nội, lần đầu tiên tôi đến Phủ Dầy vừa kết hợp xem danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử vừa để tham dự một buổi lên đồng hoành tráng.




Đường từ Hà Nội về thành Nam Định khá tốt. Xe chúng tôi xuất phát từ 5 giờ sáng nhưng mãi đến 8 giờ mới ra khỏi Hà Nội. Bởi vì còn phải chuyên chở cả một khối vật tư hàng hóa khổng lồ lên một chiếc xe buýt cỡ lớn và chờ đón đoàn tùy tùng lên đến 50 người. Nào bia, rượu, cau, nào hoa trái, mì ăn liền, mì chính, nào bánh kẹo thuốc lá… Thứ nào cũng trăm đơn vị trở lên, rồi cỗ bàn cho từng ấy người ăn trưa. Lại cả một vali to đùng đựng đầy quần áo của cô đồng. Có cả thảy 20 bộ trang phục khác nhau phục vụ cho giá đồng, toàn thứ đắt tiền.
Đến gần Nam Định, xe rẽ phải vào một con đường mới thảm nhựa phẳng lì, xe chạy khoảng 15 phút là tới nơi. Không cần hỏi thăm, cứ thấy chỗ nào cờ xí rợp trời đích thị là lễ hội rồi. Nhưng tôi đã nhầm, Phủ Dầy là cả một quần thể đền, chùa, phủ chiếm diện tích của cả xã Kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định bao gồm: Phủ Tiên Hương được xây dựng từ năm 1642, Phủ Vân Cát được xây dựng trong khoảng 1578-1599. Lăng mộ bà chúa Liễu Hạnh tại cánh đồng Quan xứ Cây Đa được xây dựng năm 1936, hoàn thành năm 1938 là một công trình kiến trúc kiểu vuông mỗi cạnh dài 24 mét từ ngoài vào tạo thành 5 lớp tường hoa bằng đá trạm trổ tinh tế theo cấp độ vươn dần lên cao, cùng với 12 trụ đá, 60 hương sen. Đây chính là điểm nhấn của quần thể di tích Phủ Dầy không chỉ bởi giá trị nghệ thuật của kiến trúc mà cả về ý nghĩa lịch sử tâm linh về người con gái tiết hạnh họ Lê lấy chồng họ Trần và chết ở độ tuổi rất trẻ 21 nên rất linh thiêng.

Ngay sát bên phần mộ Liễu Hạnh là Đền Cây Đa Bóng còn gọi là Nguyệt Du cung hay Phủ Bóng, theo truyền thuyết là nơi bà chúa Liễu Hạnh hiển linh ngắm trăng mỗi khi về thăm quê. Phủ Nội Tiên Đỉnh chỉ cách Phủ Tiên Hương 100 mét là nơi thờ Tổ sinh ra thánh mẫu Liễu Hạnh, Đền Khải Thánh, Khải Thánh Đài, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Công Đồng, Đền Quan , Đền Đức vua thôn Văn Cát, Đền Đức vua thôn Tiên Hương, chùa Tiên Hương, chùa Vân Cát, chùa Linh Sơn, Đình Ông Khổng, Đền Đông Cuông, Phủ Bà. Nếu đi hết và xem kĩ tất cả phải mất hai, ba ngày.

Tại sao cùng một mô-tip kiến trúc như nhau, cùng thờ đạo Phật của Đức Thích Ca Mầu Ni, đạo Lão của Mạnh Tử, đạo Khổng của Khổng Tử mà các di tích lại có tên Đình, Chùa và Phủ? Đặc biệt là Phủ. Theo thiển ý của tôi, sở dĩ có tên là Phủ vì trong Phủ có các điện là nơi người ta tổ chức lên đồng. Tục lên đồng, còn gọi là hầu đồng có từ mấy trăm năm nay, từ khi các đền, phủ được xây dựng. Nó là một nét tín ngưỡng tâm linh của người dân cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cho quốc thái dân an, cho làm ăn phát đạt.

Bà chủ hiệu kim hoàn Hà Nội chọn Đền Cây Đa Bóng làm nơi tổ chức lên đồng. Nó nằm ngay sát cạnh khu mộ chí của bà Liễu Hạnh. Đó là một ngôi đền rộng rãi thoáng mát, sạch sẽ, mới được trùng tu khá đẹp mắt. Cây Đa mới trồng đang tỏa tán xum xuê. Trong đền có ba điện thờ là ba nơi tổ chức hầu đồng, tức là cùng lúc có thể có ba người lên đồng.

Thượng tuần tháng 3 âm lịch mới là ngày Lễ Hội Phủ Dầy chính thức, nhưng ngày rằm mồng một, ngày thứ bảy, chủ nhật, người ta đã liên tục tổ chức hầu đồng. Bà chủ hiệu kim hoàn phải đăng kí trước cả tháng mà chỉ được làm lễ vào ca chiều từ 13 giờ đến 23 giờ tức là khoảng 9 tiếng đồng hồ. Tôi thật sự ngạc nhiên vì qui mô hoành tráng, thời gian kéo dài không biết mệt mỏi của các bà các cô mà nhiều người tuổi đã cao.

Phải mất vài tiếng đồng hồ chuẩn bị, sắp xếp các đồ tế lễ. Nhiều quá! Nhà Đền phải làm các giá sắt nhiều tầng để người ta xếp các mâm cúng. Rồi ăn uống no say như ăn cỗ, cho các ông cung văn nghỉ lấy sức vào trận mới với đầy đủ kèn trống nhị hồ các loại … Cuộc lên đồng bắt đầu.

Trên một bục cao khoảng 30 phân, trước bàn thờ trang nghiêm , bà đồng được bốn bà phục vụ. Người lấy áo quần từ trong vali, người thay áo cho bà đồng, người dâng hương nến, kiếm, mái chèo… cho người lên đồng, người xếp quần áo sau mỗi giá đồng để xếp gọn lại trong va li. Nếu không có bộ tứ chuyên nghiệp này không thể lên đồng. Mỗi cuộc lên đồng gồm hai mươi giá đồng. Mỗi giá bà đồng thay đổi một sắc phục khác nhau, ít tiền thì lụa là, nhiều tiền thì gấm vóc. Từ áo tứ thân, đến trang phục của sơn nữ miền sơn cước tùy theo tính chất của từng giá đồng mà bà đồng khoác lên người các bộ trang phục khác nhau cả về kiểu dáng và màu sắc. Mỗi giá đồng kéo dài khoảng hai mươi phút đến nửa tiếng.


Người hầu đồng khi thì làm động tác như chèo đò, khi thì nhún nhảy theo nhịp trống phách của các ông cung văn, thỉnh thoảng lại hét lên một tiếng ra oai. Có giá đồng người ta cầm kiếm múa như múa tuồng trên sân khấu, có giá đồng người ta cầm các cây nến cháy rực và múa như văn công, rồi cầm mái chèo bơi thuyền nhẹ nhàng trên sông nước tưởng tượng. Đến đoạn cao trào, đàn phách rộn ràng, giọng chầu văn cao vút, người nghe phấn khích vỗ tay theo dào dạt. Sau đó đến lượt bà đồng phát lộc cho người tham dự. Hai thanh niên lực lưỡng đi theo bê từng mâm đồ cúng chia đều vào túi của mọi người, bà đồng chỉ mặt từng người và cho tiền khi thì năm ngàn, khi thì mười ngàn, hai mươi ngàn, lại có lúc bà cho cả tiền đô la mệnh giá thấp. Cuối cùng bà tung một xấp tiền lẻ và mọi người tranh nhau cướp lộc.

Quá mệt mỏi vì các giá đồng nhiều quá và bà chủ hiệu kim hoàn quá cao hứng luôn kéo dài các màn múa hát, tôi chuyển sang điện bên trong xem một ca lên đồng khác. Cô lên đồng là một cô gái khá trẻ. Phục vụ cô là bốn chàng trai trẻ, khỏe mặc áo lụa mỏng, đầu chít khăn màu. Họ cũng làm nhiệm vụ như các bà phục vụ bên này nhưng có vẻ chuyên nghiệp hơn. Đám bên này đồ cúng lễ cũng hoành tráng hơn vì có dàn ngựa giấy to như thật và rất nhiều hình nhân chúng sinh xếp thành giá như trong siêu thị. Thấy tôi ngơ ngác ngắm nhìn, cô đồng phát hiện kẻ lạ chỉ tờ mười nghìn cho người mang đến cho tôi. Tôi bẽn lẽn cúi đầu nhận và cảm tạ. Lộc thánh mà!

Sau giá thứ hai mươi đồ lễ mới được phát hết. Lúc đó đã 23 giờ. Mọi người về đến Hà Nội thì đã sang ngày mới. Trên đường trở về tôi cứ bâng quơ nghĩ về một thứ tín ngưỡng kì lạ . Liệu đây có phải là mê tín dị đoan không? Bà chị tôi kể trong một lần đi Hội Phủ Dầy thấy lên đồng chẳng có gì hay ho cả buột miệng chê bai một câu. Sau đó bà thấy người như mê đi và lạc lối trong trận đồ bát quái các đến chùa phủ. Từ đó bà sợ không dám phạm thượng mỗi khi đến cúng lễ đến chùa. Câu chuyện đó thực hư đến đâu chỉ mình bà biết. Còn chị bạn tôi ngồi bên cạnh trên xe ô tô thì cho rằng lên đồng là một "sân chơi" cho một tầng lớp người. Tất nhiên muốn lên đồng thì phải có tiền. Ngoài tiền cúng cho nhà đền, mỗi cữ lên đồng theo một bà chủ kim hoàn tốn khoảng năm chục triệu.

Một năm bà lên đồng bốn lần chi hết hai trăm triệu. Nó cũng giống như các bạn trẻ thích nhạc disco ồn ã mà cánh già không chịu nổi. Và điều quan trọng là nó đã tồn tại hàng trăm năm nay và trở thành một nét văn hóa tâm linh của dân ta, nhất là ở nông thôn. Tất nhiên không phải ai cũng nhiều tiền như bà thương gia nọ. Ở nhà quê người ta lên đồng thường xuyên và lễ vật xem ra cũng nhẹ nhàng thôi. Riêng đám cung văn thì phải phục vụ quanh năm suốt tháng. Mà tôi cũng lấy làm lạ, ngày nào họ cũng đàn hát cả chục tiếng đồng hồ mà giọng không bị khản. Lúc cao trào họ hát rất bốc làm bà đồng cứ như nhập vai như lên đồng thật. Có lẽ thu nhập của họ khá cao từ bảy triệu đến mười triệu đồng một tháng nên họ làm việc say sưa quên cả mệt mỏi.

Nghệ sĩ ưu tú, ngôi sao cải lương Thanh Thanh Hiền cũng đã nhập vai cô đồng, khi thì là cô Bơ có thân phận buồn, khi thì cô Bé vô tư hồn nhiên. Thì ra mỗi giá đồng người lên đồng cũng có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Không chỉ có các cô các bà lên đồng mà các quý ông cũng không chịu kém cạnh. Trong các người lên đồng nổi tiếng có ông Hoàng Bào mà ngày nay có cả giá đồng ông Hoàng Bào kể cũng là một chuyện lạ.
Lên đồng, hầu đồng được pháp luật công nhận như một hành nghề tín ngưỡng tâm linh vô hại. Nhưng nếu ngày nào cũng lên đồng, ở đâu cũng lên đồng thì còn lấy thời giờ đâu cho sản xuất? Ở xã Kim Thái quê hương của Phủ Dầy, chưa có khu công nghiệp, ruộng ít người đông, tuy chưa có thống kê chính thức về tỉ lệ người tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng có thể trực giác thấy số người sống bằng nghề cúng bái và ăn theo cúng bài như trông giữ xe cộ, bán đồ lễ, đồ lưu niệm, hàng ăn… rất đông và có thể là nguồn sống chính của người dân nơi đây tuy có thể không vì thế mà giầu lên. Ở đâu người ta cũng thấy các thùng công đức.


Tại Lăng thờ bà chúa Liễu Hạnh và Đền Cây Đa Bóng chỉ cách nhau 50 mét nhưng có hai cái loa chõ vào nhau suốt ngày sa sả giới thiệu lai lịch hai di tích. Âm thanh của cái nọ át giọng của cái kia tra tấn lỗ tai người nghe. Chỉ vì hai nơi có hai ban quản lý khác nhau và anh nào cũng muốn có nguồn thu lớn từ hảo tâm của khách thập phương. Đã sáu giờ chiều rồi, trời đã chạng vạng mà tiếng hai chiếc loa với hai nội dung thông tin khác nhau đã lập trình vẫn không buông tha mọi người. Thì ra mỗi di tích trong quần thể này do một Ban quản lí làng xã lập nên và mạnh ai nấy làm. Có thể lập lại trật tự này không? Câu trả lời xin dành cho chính quyền địa phương xã Kim Thái. Nhưng xem ra rất khó khăn vì tình trạng cát cứ bấy lâu nay.

Ở Hà Nội cũng có rất nhiều đến chùa miếu điện gia đình tổ chức lên đồng. Nhiều nơi trang bị rất hoành tráng. Cái gì cũng bóng nhoáng, cũng vàng rực. Ở đó hàng ngày người ta lên đồng, múa hát say sưa. Nhiều người nhất là các cô có những vấn đề khúc mắc về tư tưởng đã tìm đến các nơi này. Trước là để xem, để thụ lộc. Sau rồi thì mê và khi thấy mệnh mình hợp thì tham gia lên đồng. Thành thử đội ngũ các cô cậu đồng ngày càng gia tăng. Và không ít trường hợp gia đình mâu thuẫn vì chuyện vợ hoặc chồng mê lên đồng dẫn đến tan vỡ là một cảnh báo xã hội học đối với nhiều người. Và không ít người đến Phủ Dầy không phải để hầu đồng mà hầu những kẻ lợi dụng mê tín dị đoan hốt bạc.

An Thanh Lương