Mộ xây trái phép bị phạt tiền, người xây vẫn cứ xây. Điều lệ quản lý mai táng của TP Trùng Khánh đã quy định: Nghiêm cấm xây mộ trên đất canh tác, đất rừng; chỉ được xây mộ, mai táng tại nghĩa trang và khu vực được nhà nước quy định.

Tuy nhiên tại huyện Vân Dương, nạn xây mộ trên đất canh tác và đất rừng ngang nhiên hoành hành. Hầu hết các ngôi mộ xây trái phép đều là mộ dành sẵn cho người sống.

Bia không ghi ngày chết

Chuyện lập mộ người sống ở huyện Vân Dương (TP Trùng Khánh) bắt đầu râm ran từ ba năm trước. Mộ xây bằng đá. Bia mộ có khắc ngày sinh nhưng không có ngày chết. Có bia để trống không ghi gì cả.

Mộ người sống tập trung chủ yếu ở thị trấn Song Giang và thị trấn Nhân Hòa. Ngôi mộ lớn nhất chiếm 42 m², nhỏ nhất 6 m² , trung bình là 8,4 m². Phần lớn ngôi mộ không dành cho người địa phương tại huyện Vân Dương. 70% là mộ của người thuộc địa phương khác.
Trong khi đất canh tác và đất rừng bị phá để xây mộ thì nghĩa trang của huyện Vân Dương lại rất vắng khách. Nghĩa trang xây đã ba năm mà chỉ mới có hơn 200 ngôi mộ, còn lại hơn 2.800 huyệt mộ vẫn để trống.

Phóng viên đã đến thị trấn Bàn Long trong vai một người muốn mua đất xây mộ. Một người dân tên Quản Chân Toàn nhà ở ven đường chào mời mua đất. Anh Toàn cho biết anh vốn là thợ làm đá nhưng khi nghề xây mộ phất lên, anh chuyển hẳn sang nghề mới. Trong hơn một năm, anh đã xây được hơn 200 ngôi mộ.

Sau khi nhận tiền cọc của phóng viên, hai người đến gặp bí thư chi bộ thôn Trường An. Anh Toàn nói nhỏ gì đó vào tai người này, sau đó người này bảo với phóng viên: “Anh nộp 700 tệ thì có thể xây”.

Bí thư chi bộ thôn cho biết lãnh đạo huyện đã chỉ đạo phải phá bỏ mộ người sống nhưng ở đây vẫn tiếp tục xây mộ. Cách đối phó là xây tường bao trước, đợi đoàn kiểm tra đi rồi tiếp tục xây mộ hoàn chỉnh. Tiền nộp cho lãnh đạo thôn là phí nông nghiệp hoặc phí lâm nghiệp.

Để xây một ngôi mộ rộng 20 m² chi phí tổng cộng khoảng 30.000 nhân dân tệ (66 triệu đồng VN), chưa kể tiền lo lót cho lãnh đạo thôn.

Người nhà cán bộ cũng xây

Sự việc kéo dài khá lâu, chính quyền có biết hay không? Bí thư chi bộ và chủ nhiệm thôn Kiến Dân thừa nhận từ năm 2003 đã nắm được tình hình nhưng quên báo cáo cấp trên.

Ông chủ nhiệm nói đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng dân nói chôn người nhà nên đành chịu. Mỗi ngôi mộ xây trái phép bị phạt 3.000 nhân dân tệ (6,6 triệu đồng VN) nhưng người xây vẫn cứ xây.

Lãnh đạo hai thôn Nhân Hòa và Song Giang đều phủ nhận việc có cán bộ đảng liên quan đến chuyện xây mộ người sống.

Về phía các cơ quan cấp huyện, khi phóng viên hỏi, UBND huyện Vân Dương cho biết đã yêu cầu chấn chỉnh nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Cục Lâm nghiệp huyện nói vẫn chưa tìm ra cán bộ đảng xây mộ. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật huyện thì bảo không tiện tiết lộ tình hình.

Lý giải cho chuyện không biết nạn xây mộ người sống, các cơ quan dân chính, đất đai, lâm nghiệp của huyện Vân Dương cho rằng nhân viên ít nên khó phát hiện và muốn xử lý triệt để thì trước hết phải xử lý lãnh đạo thị trấn, đặc biệt là lãnh đạo thôn.

Cục trưởng Cục Quản lý đất đai nhà nước huyện Vân Dương cho biết: Lập mộ người sống là đường dây các bên cùng có lợi, trực tiếp thì có nông dân, thợ đá, thầy phong thủy và chủ mộ; liên quan gián tiếp còn có không ít cán bộ, đảng viên của huyện.

Ví dụ: Một cán bộ Ban giáo dục huyện Vân Dương đã xây mộ sẵn cho cha mẹ vợ còn sống. Cục trưởng Cục Dân chính huyện Vân Dương thừa nhận có bốn cán bộ đảng có người nhà xây mộ cho người sống, trong đó có hai người là lãnh đạo cấp phó sở. Ngoài ra, có hơn 10 cán bộ đảng đang chờ thẩm tra.
Cuối tháng 7, UBND TP Trùng Khánh đã thành lập tổ điều tra liên ngành đến huyện Vân Dương kiểm tra. Kết quả phát hiện có tổng cộng 147 ngôi mộ trái phép, trong đó 32 ngôi mộ người sống và 115 ngôi mộ xây vượt quá tiêu chuẩn. Huyện ủy huyện Vân Dương đã tổ chức một cuộc họp bất thường. Trong ngày, toàn bộ 147 ngôi mộ trái phép đã bị phá bỏ. Hàng loạt cán bộ bị cảnh cáo hoặc bị cách chức. Cục trưởng và cục phó Cục Dân chính huyện Vân Dương bị cách chức. Phó trưởng thị trấn Song Giang cũng bị cách chức.
Theo Hồng Anh
Pháp luật