Chuyện về kỳ nhân xứ Thần kinh (kỳ 1)
Thứ Năm, 14/08/2008 --- cập nhật 02:06 GMT+7


Cố đô Huế có rất nhiều món ăn đặc biệt từ cung đình đến dân dã. Nhưng có lẽ, một trong những “đặc sản” khó quên nhất, đó chính là những nhân vật khác thường ở xứ Thần kinh (Thần kinh - một “biệt danh” trang trọng của Huế, có nghĩa là Kinh đô thần bí).


Kỳ 1: Nổi tiếng nhất xứ Huế nhờ... người chết


Suốt mấy chục năm qua, bất cứ ai ở đất Cố đô, khi thông tin với nhau về cái chết của một người nào đó, đều buột miệng như một phản xạ vô điều kiện:“Ông ấy/ bà ấy vừa đi gặp ông Cận rồi”. Ông Cận chính là người khâm liệm và nhà tổ chức tang lễ số 1 kinh thành Huế.




Ở tuổi 81, ông Châu Cận vẫn quắc thước, rắn rỏi.

Nghề tang lễ... gia truyền

Ông là Châu Cận (SN 1927) một người dân bình thường, ít học. Đến ngôi nhà lớn của Châu Cận sống ở Đường Duy Tân – TP Huế, cái đầu tiên đập vào mắt chúng tôi không phải là một mặt tiền đẹp, một phòng khách sang trọng, mà chính là 2 cỗ... xe tang nằm hoành tráng giữa sân.

Bên cạnh 2 chiếc xe tang được trang hoàng cơ man những màu của âm phủ ấy, là vô số cờ phướn, khăn trắng và các đồ dùng còn phảng phất mùi... than khóc.

Ông già 81 tuổi, quần xắn móng lợn, da bánh mật gân guốc, hiện ra từ nách một chiếc xe cất giọng sang sảng: “Có đám à, ở phố nào?” .

Biết chúng tôi là nhà báo, ông cười: “Đã có lần tui lên báo tỉnh rồi đấy nhé”.

Câu chuyện nghề đặc biệt của ông Châu Cận được bắt đầu giữa tiếng gọi ý ới của thân nhân những người mới chết, đến thuê ông chủ trì tang lễ và khâm liệm.

“Nghề ni tui làm từ năm 16 tuổi, giờ tui đã 81 tuổi rồi và hầu như ngày nào cũng vẫn làm việc” – ông Châu Cận kể.

Quả thực cái nghề mà ông đang theo đuổi là một nghề gia truyền. Những người cùng khối phố nói rằng ông cố sơ của Châu Cận đã hành cái nghề độc này.

Nhưng chỉ đến thời hậu duệ Châu Cận, thì nghề này mới phát triển lên tới đỉnh cao.

“Ai cũng nghĩ nghề này đơn giản, nhưng đâu có phải vậy. Dù ông cụ nhà tôi chỉ dạy đàng hoàng, nhưng tui vẫn phải đóm điếu theo “hầu” ông cụ suốt 3 năm trời, mới thành... phó cả. Rất nhiều nghi lễ và kỹ thuật buộc phải nằm lòng”.

Nghi lễ cung đình của những đám tang... bình dân

Là đất cung đình, nên nghi lễ và kỹ thuật cho một đám tang của người dân cũng nhuốm màu sắc vua chúa – nghĩa là rất cầu kỳ, khuôn phép. Sự cầu kỳ, khuôn phép đó cần những bàn tay chuyên nghiệp. Cho nên, tuyệt đại đa số người dân nơi đây, bao đời nay, đều thuê người chuyên nghiệp làm “tổng đạo diễn tang lễ”, mỗi khi có người thân nằm xuống, dù chi phí cũng không hề nhỏ.


Một đám tang do cai giang Châu Cận chủ trì. Ông Cận mặc áo lễ đỏ, đi đầu.


Chính vì thế những Cai giang (tên gọi những người chuyên tổ chức đám tang và khâm liệm thuê) như ông Châu Cận phải bao quát hết mọi công việc liên quan từ khi có người qua đời đến khi chôn cất xong xuôi.

Việc đầu tiên của một Cai giang khi được thuê là cắt cử người nào vào việc đấy để hạn chế tối đa cảnh tang gia bối rối.

Tiếp đó đến khâu tẩm liệm. Dù thi thể có để trong nhà ít hay nhiều ngày, Cai giang cũng cần 2 giờ đồng hồ để thi triển kỹ thuật.

Nhưng nhiều đầu việc và cần ký càng nhất là phần nghi lễ của một đám tang.

Nghi lễ được khởi động bằng việc mời một nhà sư đến coi ngày nào chôn cất thì tốt. Các công việc trang hoàng cho đám tang làm sao có đầy đủ cờ phướn, bông nơ..., cũng ngốn thời gian kha khá của Cai giang.

Rồi buổi tối trước khi di quan ra nghĩa địa, phải tổ chức đại lễ cầu siêu trang trọng cho vong hồn, Cai giang phải mời một nhà sư chủ trì hành lễ.

Trước đó, chính Cai giang đã phải đến tận nơi sẽ chôn cất người chết, để báo cáo với làng xã nơi ấy, xin đường di quan và xin cho người chết gia nhập vùng đất đó (ở Huế, chỉ chôn một lần vĩnh viễn không cải táng).

Đúng ngày di quan, Cai giang tiếp tục làm tổng tư lệnh chỉ huy thi triển hàng loạt thủ tục khác.

Khi sư thầy làm lễ xong, những trai tráng phải khiêng quan tài diễu 3 vòng rồi mới di quan.

Khi hạ quan xuống huyệt là màn hò nện. Nhưng câu hò này được viết ra để kể lại hoàn cảnh, thân phận của người quá cố. Lời hò nện phải vui chứ không được buồn đau nhưng vẫn cần gây được xúc động cho người dự tang lễ (với ông Châu Cận, trong nhiều trường hợp, lời hò nện sẽ được sáng tác ngẫu hứng, nhưng rất sát với hoàn cảnh người quá cố, khiến những người dự đám tang thú vị và bất ngờ. Hò nện là một trong những đặc sản của Cai giang Châu Cận).

Sau khi hạ quan xong, Cai giang phải chỉ đạo cúng thổ thần xin đất. Chưa hết, một Cai giang uy tín thì còn được gia chủ thuê luôn cả phần việc cũng lễ và xây lăng mộ.

65 năm không ốm một ngày

Là người số 1, nên 65 năm qua, cỗ máy Cai giang của ông Châu Cận vẫn chạy tốt, không ngừng nghỉ.

Có thể nói, nếu xét kỷ lục guiness Việt Nam, ông Châu Cận xứng đáng là người dành nhiều danh hiệu về tang lễ.

Đó là người đàn ông tạo nhiều công ăn việc làm ở lĩnh vực hậu sự nhất. Trung bình mỗi đám hiếu, ông phải huy động 40 người làm. 65 năm, ông đã tạo ra lượng ngày công khổng lồ, tạo thu nhập cho rất nhiều thanh niên trai tráng cùng lối phố.

Tính sơ sơ, mỗi năm ông Cận làm Cai giang cho khoảng 500 đám ma (trung bình mỗi ngày 1,5 đám). Và như thế, trong 65 năm hành nghề, ông đã khâm liệm cho khoảng 32.500 người. Nếu tận mắt nhìn thấy sự trai tráng, minh mẫn trên gương mặt và than hình của ông già 81 tuổi này, chắc hẳn ai cũng nghĩ con số này sẽ vẫn còn dài ra nhiều nữa.

“65 năm ấy, tui không ốm ngày nào. Suốt ngày tiếp xúc với người chết, với tử khí mà tui không ốm, trái lại còn khỏe ra. Tất nhiên phải có bí quyết mới được như thế”.

(còn nữa)

Kỳ tới: Độc chiêu liệm xác 30 ngày không hôi thối

Theo VTC