Báo Trung Quốc: Việt Nam có khả năng công, thủ mạnh nhất ĐNA
Chủ nhật 28/08/2011 19:42

(GDVN) - Chinareviewnews đánh giá việc Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga là bước ngoặt lớn.


Trên một bài phân tích mới được đăng tải cách đây không lâu, tờ Chinareviewnews viết rằng Hoa Nam/Biển Đông đã “nóng” bởi các yếu tố chính trị, nhưng Biển Đông trở nên nhộn nhịp bởi các loại tàu chiến và máy bay.

Bài viết của Chinareviewnews đã đưa ra những con số thống kê về số lượng các loại phương tiện quân sự của 5 nước nằm trong khu vực có sở hữu Biển Đông, trong đó có Việt Nam.




Tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm loại này và sẽ thiết lập hạm đội tàu ngầm trong 5-6 năm tới. (ảnh Chinareviewnews)


Chinareviewnews nói rằng trong số 5 quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei thì lực lượng quân sự của Việt Nam, đặc biệt là hải quân sở hữu khả năng công thủ toàn diện và mạnh nhất.

Chinareviewnews đánh giá việc Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga là bước ngoặt lớn.




Việt Nam mới được Nga bàn giao 4 máy bay Su-30MK2. (ảnh Chinareviewnews)


Bài viết cho rằng Kilo là một trong những tàu ngầm động cơ thông thường tiên tiến nhất thế giới, nếu được biên chế cho hải quân Việt Nam một cách thuận lợi vào năm 2012 – 2016, sẽ giúp cho khả năng tấn công, phòng thủ dưới mặt biển của Việt Nam có sự nhảy vọt về chất, đặc biệt là khi phối hợp tác chiến với máy bay chiến đấu Su-30.

Bên cạnh đó, Chinareviewnews cũng đã đăng tải những con số thống kê và đánh giá chỉ số sức mạnh của hải quân 4 nước còn lại trong khu vực gồm:

Philippinese: Hầu hết tàu chiến thuộc Thế chiến II




Tàu BRP Gregorio del Pilar – tàu chiến lớn nhất của Philippinese vừa được Mỹ bàn giao và đã quay trở về Philippinese, thả neo tại vịnh Manila ngày 24/8/2011. Chiếc tàu có khối lượng 3.500 tấn, dài 115 m này sẽ hoạt động tại căn cứ Carlito Cunanan, cách Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) 260 km.


Hải quân Philippinese có 20.500 binh sĩ, thủy quân lục chiến có 8.500 binh sĩ. Hạm đội Philippinese do 1 đại đội tàu khu trục, 5 đại đội tàu tuần tra và 1 đại đội thuyền máy (ca-nô) hợp thành, tổng cộng có 114 tàu thuyền các loại, trong đó có 14 tàu tuần tra duyên hải, 53 tàu tuần tra ven bờ nhỏ hơn, rất nhiều tàu chiến là vũ khí thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Không quân Philippines có 17.400 binh sĩ, 125 máy bay tác chiến, khoảng 99 máy bay trực thăng vũ trang. Thực lực của không quân yếu, máy bay chiến đấu F-5A/B và OV-10 đều là sản phẩm của thập niên 50-60 của thế kỷ 20.

Tuy nhiên, gần 20 năm qua Philippinese luôn thay thế thiết bị quân sự, song vũ khí vẫn lão hóa, sức mạnh quân sự tương đối kém.

Malaysia: Sở hữu tàu chiến mạnh nhất Đông Nam Á

Lực lượng hiện có của Hải quân Hoàng gia Malaysia là 17.000 binh sĩ (gồm lực lượng không quân của hải quân), 2 tàu khu trục tên lửa lớp Leiku (do Anh chế tạo) và 2 tàu hộ tống lớp Kedah (do Đức chế tạo) là chủ lực của hạm đội hải quân Malaysia.




Máy bay Su-30MKM của không quân Malaysia.


Trong đó, tàu khu trục lớp Leiku dài 97,5 m, rộng 12,8 m, cao 3,6 m, lượng choán nước 2.270 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, phục vụ hoạt động 5.000 dặm. Tàu được trang bị tên lửa chống hạm Axocet, tên lửa phòng không Seawolf,

pháo Bofors 57mm, pháo phòng không MSI 30mm, 3 ống phóng ngư lôi Whitehead B515 324mm và các trang thiết bị tác chiến điện tử hiện đại khác. Đây là một trong những tàu chiến chủ lực có khả năng tác chiến tổng hợp mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á, được biên chế chính thức năm 1999.



Tàu khu trục lớp Leiku của Malaysia.


Còn tàu hộ tống lớp Kedah là tàu tuần tra thế hệ mới, dài 91,1m, rộng 12m, lượng choán nước 1650 tấn, vận tốc di chuyển tối đa là 22 hải lý/giờ. Kedah được trang bị pháo Otobreda 76mm, tên lửa phòng không RIM-116, tên lửa chống hạm Exocet. Tàu Kedah bắt đầu hoạt động vào năm 2006.

Về lực lượng tàu ngầm, Malaysia mua của Pháp 2 tàu Scorpene và bắt đầu hoạt động năm 2009.




Tàu tuần tra thế hệ mới lớp Kedah của Malaysia.


Malaysia có thực lực không quân tương đối mạnh, sở hữu máy bay chiến đấu tương đối tiên tiến do Nga và Mỹ chế tạo, tổng cộng có 42 máy bay thế hệ thứ ba, là nước có máy bay thế hệ thứ ba nhiều nhất trong số các nước nhỏ quanh Biển Đông, bao gồm 18 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKM đặt mua năm 2002, còn có 8 máy bay chiến F/A-18D Hornet và 16 máy bay chiến đấu MiG-29N đang hoạt động.

Indonesia: Chi tiêu quân sự năm 2010 trên 600 triệu USD

Hải quân Indonesia có 43.000 binh sĩ, có khoảng 130 các loại tàu chiến; không quân có 22.000 binh sĩ, 250 các loại máy bay, trong đó có 91 máy bay tác chiến.




Tàu ngầm lớp Chakra do Đức chế tạo của Indonesia.


Indonesia có 2 tàu ngầm lớp Chakra (mua của Đức). Có 6 tàu khu trục lớp Ahmad Yani, 3 tàu hộ tống lớp Fatahilah, 3 tàu Tiyahahu, 1 tàu Hajaerdawentala, 4 tàu Shamadikun. Nhiều tàu được biên chế từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước.

Biên chế 2 Bộ Tư lệnh tác chiến không quân, 92 máy bay tác chiến. Theo phân tích của chuyên gia quân sự, rất nhiều máy bay chiến đấu của Indonesia đã cũ kỹ.

Trong những năm gần đây, Indonesia đã đẩy nhanh đổi mới vũ khí. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi phí quân sự của Indonesia năm 2010 là 600,9 triệu USD.

Brunei: Hải quân vẫn thuộc thời đại tàu tuần tra




Tàu hộ tống F2000 của Brunei do Công ty BAE Systems chế tạo.


Hải quân Brunei chỉ có hơn 1.200 binh sĩ. Brunei từng mua 3 tàu hộ tống lớp F2000 của Anh, tính năng tổng hợp của tàu này hoàn toàn có thể so sánh với tàu Leiku của hải quân Malaysia và tàu Sigma của hải quân Indonesia. Hải quân Hoàng gia Brunei vẫn còn ở vào thời đại hải quân tàu tuần tra.



Đông Bình (Theo Chinareviewnews)