CHÚ THÍCH
-----------------------------------------

1. Lê Lợi: sinh năm 1385 và mất năm 1433, người khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh trở thành vị vua đầu tiên của vương triều nhà Hậu Lê, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam.

2. Phạm Ngọc: nhà sư tu ở chùa Đồ Sơn, huyện An Lão, nay thuộc xã Đồ Sơn, ông là người học rộng có uy tín lớn trong vùng, hậu duệ Phạm Ngũ Lão, có công chiêu hiền mộ quân ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh.

3. Buổi đầu giặc Minh rất mạnh, được chi viện quân rất nhiều sang đánh nước Nam, nghĩa quân Lam Sơn gặp nhiều khó khăn.

4. Nguyễn Trãi (1380–1442), quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh làm quan Hàn lâm học sĩ nhà Hồ, mẹ là bà Trần Thị Thái, con gái của Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, quan Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế. Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn cùng Lê Lợi chống giặc Minh.

5. Miếu Phong Vân: Ngôi miếu cổ này có từ thời nhà Trần, thường tổ chức lễ tế Trời Đất, cầu mưa thuận gió hòa. Sách vở có nhắc về đàn Xã Tắc là một trong các loại đàn tế cổ, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất) và Tắc thần (Thần Nông) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước.

Đàn Xã Tắc nhà Đinh tại Hoa Lư: Sách Đại Việt sơ lược chép về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô như sau: Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Tuy nhiên đến thời điểm này thì phần lớn các di tích cung điện thế kỷ X tại Hoa Lư vẫn chưa được phát hiện.

Đàn Xã Tắc nhà Lý tại Hà Nội: Tại Hà Nội, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đàn Xã Tắc được coi là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Thăng Long xưa, được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048) tại tại ngõ Xã Đàn 1, nay thuộc phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội, đến sau thời Vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, tình cờ được tìm thấy lại vào tháng 11 năm 2006, khi thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Lễ tế Xã Tắc là lễ tế thần đất và thần lúa - là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn đặc trưng cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước dân tộc Việt Nam. Các vương triều độc lập từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức lễ tế Xã Tắc hàng năm (vào tháng 2 âm lịch) để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm. Đàn Xã Tắc tại Huế vẫn còn đến ngày nay.

6. Liễu Thăng: tướng nhà Minh, sang đánh nhà Hồ, năm 1407, đem thủy quân truy đuổi tàn quân nhà Hồ tới cửa biển Kỳ La lần lượt bắt được vua Hồ Quý Ly và các con. Lần 2 sang đánh An Nam bị nghĩa quân Lam Sơn chém đầu tại ải Chi Lăng.