Trong hàng chục di tích lịch sử nổi tiếng của Đà Nẵng như Khu K20, thành Điện Hải, Nghĩa trang Hòa Vang..., có một di tích đặc biệt không nơi nào có. Người dân địa phương gọi nơi này là "nghĩa địa Tây Ban Nha" hay "nghĩa trang Y Pha Nho", còn người Pháp thì gọi là "Ossuaire", tức là Đồi hài cốt, nhiều lớp hài cốt chồng lên nhau.

Đây chính là nghĩa địa tập thể chôn những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử nạn từ cuộc tấn công đầu tiên vào cảng Đà Nẵng năm 1858 đến năm 1860, khai màn cho thời kỳ Pháp thuộc của Việt Nam.

Cảm giác rợn người

1,5 thế kỷ đã trôi qua, ít ai chú ý đến cái nghĩa trang trắng xám, già nua tựa vào núi nằm sát bên Hải quan Đà Nẵng, ngay ngã ba xuống bãi Tiên Sa. Anh bạn địa phương cùng đi cho biết nơi đây vốn thuộc mũi Mỏ Diều và đảo Cô, trước đây nằm trong khu quân sự, bị thép gai, cỏ cây khuất lấp nên ít ai tìm đến.

Một cây thánh giá màu trắng nhô cao ẩn hiện trong những tán lá xanh, phía dưới có dòng chữ trắng "OSSUAIRE" (Đồi hài cốt) như tên gọi của nơi này. Lần theo những bậc đá xanh cũ kỹ lên trên khoảng 2m, qua tấm bình phong, bức tường thành, cổng sắt nhỏ là một ngôi nhà nguyện có khắc chữ "SPES UNICA" (ý từ câu "O Crux, ave spes unica! - Ôi kính chào Thánh Giá là hy vọng duy nhất của chúng tôi!).

"Đồi hài cốt" nhìn từ dưới cảng Tiên Sa

Dòng chữ khắc bên trái nhà nguyện
Cảm giác rờn rợn khi bước vào khung cửa hẹp tối đen tương phản với màu vôi trắng lốp bên ngoài. Nhà nguyện cao khoảng 3,5m, bề ngang khoảng 3m, dài khoảng 12m, bên trong chỉ có một cái bàn thờ đơn giản theo nghi thức công giáo, phía trên là những phiến đá khắc dòng chữ Latin chạy uốn lượn phía trên bệ thờ theo hình vòm đối xứng, cân đối với bàn thờ.

Trên bức tường bên trái có một bảng đá khắc dòng chữ Pháp: "A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de I'Expédition Rigault de Genoiilly. Mort en 1848 - 59 -60 et ensevelis en ces lieux" (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault Genuoilly. Chết những năm 1858 - 59 - 60 và được an táng ở đây).

Có tài liệu cho rằng nhà nguyện này là mồ chôn tập thể của hàng ngàn binh lính Pháp - Tây Ban Nha được tập trung về đây trong 3 năm 1858 - 1860. Năm 1895, Toàn quyền Paul Doumer đã cho xây dựng lại nơi này.

Theo ông Lưu Anh Rô, Ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng dẫn trong một tài liệu đề ngày 25/5/1921 của Trường Viễn Đông Bác Cổ, nội dung đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho tu sửa khu nghĩa địa này, có đoạn: "Tôi xin lưu ý ngài về tình trạng hư hỏng của nghĩa trang ở bán đảo Tiên Sa, bắc Tourane, nơi chôn cất những binh sĩ bộ binh và hải quân của người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc hạm đội của Đô đốc Rigault de Genouilly. Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Xung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18/11/1859...".

Những ngôi mộ lớn trong "Đồi hài cốt"

Minh hoạ quân Pháp tấn công Sơn Trà
Xung quanh khuôn viên ngôi nhà nguyện là 32 ngôi mộ nằm ngang dọc được đắp bằng xi măng. Những ngôi mộ cùng bia mộ lớn nhỏ không đều nhau hoặc không có bia, không thể đoán được thứ tự sắp xếp theo thời gian chôn cất hay chức vị của người nằm bên dưới. Đọc những dòng chữ ghi trên bia có thể thấy những người nằm đây rải rác từ năm 1858 đến 1860.

Tấm lòng của người dân địa phương

Nắng chiều lấp lóa trong không gian yên ả. Những người bán hàng ở dưới cảng cho biết hằng năm vào ngày 25/12, nhiều du khách phương Tây tìm đến đây để cầu nguyện cho linh hồn những người nằm lại nơi "Đồi hài cốt".

Bên những ngôi mộ lạnh xứ người hẳn họ sẽ tưởng nhớ về một quá khứ bi tráng với những chiến thuyền, đại bác, những cuộc giao tranh đẫm máu giữa tiền nhân của họ và những người dân bản xứ bé nhỏ nhưng oai hùng. Và hẳn họ càng biết ơn tấm lòng bao dung của những người dân địa phương đã gìn giữ cho họ một nẻo về tươi sáng.

Quá khứ đã vĩnh viễn chìm sâu trong lòng đất, để lại sự yên tĩnh thảnh thơi trên những vết tích xưa nặng niềm hoài cổ, cho dù bên dưới kia là cảng biển Tiên Sa náo nhiệt suốt ngày đêm không ngơi nghỉ.
Theo nhà Đà Nẵng học Thạch Phương - tác giả của các bộ sách "Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng", "Đất Quảng - những sự kiện đáng nhớ" thì cùng với Nghĩa trang Hòa Vang, Nghĩa trang Phước Ninh (do vua Tự Đức hạ chỉ lập để quy tập hài cốt các quân binh tướng sĩ vị quốc vong thân), "Đồi hài cốt" là một di tích lịch sử đặc biệt của Đà Nẵng, đánh dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của đội quân viễn chinh phương tây tại Việt Nam. Nghĩa trang này là chứng tích của một thời lửa khói đau thương những hào hùng của người dân trên mảnh đất này từ 150 năm trước.
Theo Thiên Tường
Khoahoc&Đoisong