Sigmund Freud chia tâm thức ra làm hai vùng, vùng ý thức mà ta biết được (conscious mind) và vùng vô thức mà ta hoàn toàn không biết gì (unconscious mind). Bên cạnh đó Freud còn chia “cái tôi” ra làm 03 loại:

- Id (cái ấy): hoàn toàn nằm trong vùng vô thức, là bản năng cơ bản, bản năng sinh tồn của động vật, luôn giữ nguyên tắc “tìm khoái lạc, tránh đau khổ”. Đứa trẻ mới sinh ra tâm lý chỉ có cái ấy (Id) chứ chưa có cái gì khác. Khi trưởng thành cái ấy chìm hoàn toàn vào vô thức. Mặc dù nằm trong vùng vô thức, cái ấy (Id) luôn luôn tìm thỏa mãn để đáp ứng những xung động của cơ thể như đói ăn, khát uống, thỏa mãn tính dụcv.v…trong cơ thể trưởng thành nó là nơi chứa đựng năng lực tình dục (Libido)
- Ego (Bản ngã): là cái tôi mà ta ý thức được, nó đứng giữa “cáiấy” và siêu thức nhằm điều hòa những bản năng mà “cái ấy” đòi hỏi sao cho phù hợp với xã hội, luật pháp, luân lý, đạo đức.
- Super-ego (Siêu ngã): là cái tôi đã thăng hoa, hoàn toàn đối lập với cái tôi bản năng (Id), siêu ngã biểu lộ qua con người tự trọng (self esteem), con người tin theo những giá trị đạo đức, hay giá trị tôn giáo. Nếu gọi ego là cái mặt nạ che đậy id, thì super-ego là cái mặt nạ che đậy ego.
Đã là một con người, bất kì ai đều có đầy đủ 03 phần: cái ấy (Id), bản ngã (ego), siêu ngã (super-ego). Trong cuôc sống hàng ngày, ta chỉ nhìn thấy những cái gọi là siêu thức của người khác, có thể gọi đó là những mặt nạ của họ. Ví dụ ta thấy một người làm chính trị diễn thuyết về tình yêu đất nước, về trách nhiệm xã hội, về nhựng giá trị tinh thần; hoặc ta thấy những thày tu nói về lòng từ bi, tình nhân ái, sự hy sinh cho tha nhân, hoặc ta thấy những bác sĩ nói về lý tưởng y khoa, y đức, sự phục vụ bệnh nhân, hoặc v.v . Tất cả chỉ là những cái mặt nạ siêu thức. Hoặc mỗi ngày ta vào công ty, ngài giám đốc có khuôn mặt chững chạc nghiêm nghị luôn luôn thể hiện cao tinh thần trách nhiệm, luôn luôn thấu hiểu; người đồng nghiệp lịch thiệp, tay bắt mặt mừng, luôn luôn co-opere’, luôn luôn chia sẻ…Vâng tất cả chỉ là cái mặt nạ siêu thức thôi, hãy thử chạm vào quyền lợi của họ xem sao, ngay lập tức bạn có thể biết bản ngã của họ ra sao, hoặc cũng có thể thấy ngay “cái ấy” (Id) của họ. Mặt nạ thực ra rất cần thiết cho cuộc đời, nếu không đeo mặt nạ bạn cũng sẽ khó sống lắm đấy. Khi đeo mặt nạ người ta cảm thấy an toàn hơn, tự tin hơn mặc dù đó là sự lừa dối người khác và lừa dối chính mình. Các “lễ hôi mặt nạ” ở một số quốc gia thường rất tưng bừng, nhờ có mặt nạ mọi người mới có can đảm bộc lộ những điều mình không dám làm với bộ mặt thật.
VD: Trên mặt báo chí, bao nhiêu tin tức chấn động lòng người được đăng tải hàng ngày: Ông phó chủ tịch UB gì đó quan hệ em bé tuổi vị thành niên. Thày giáo gạ học sinh đổi tình lấy điểm. Sĩ quan chỉ huy bộ phận chống ma túy là trùm ma túy. Người yêu chặt xác người yêu làm nhiều mảnh nhỏ vứt ngoài đường v.v. Không cần phải nói nhiều hơn nữa về sự giả dối, ác độc, trí trá, nham hiểm, của lòng người, bạn chỉ cần sống hai mươi năm trong cuộc đời này là đủ để cảm nhận. Dĩ nhiên cũng còn có mặt kia thiện lương, trong sáng, tích cực của đời sống con người, nhưng mặt tốt này là mặt vốn dĩ công khai. Phần hồn đen tối, cái mà ta đang bàn tới, lại luôn luôn được dấu kín, luôn luôn dấu kín cho đến lúc bị khám phá ra. Ta bắt buộc phải biết để nhân diện cuộc sống. Phân tâm học như cái kính chiếu yêu, nó soi rọi làm lộ diện tất cả những cái ác nằm giấu sau cái mặt nạ siêu thức của tất cả mọi người.
Cửa tùng đôi cánh gài, một tiểu truyện thiền:
Sau một thời gian dài tung hoành hành hiệp, Chàng dũng sĩ trở về ngôi chùa xưa nơi đã học hỏi cùng sư phụ của mình. Chùa vẫn nằm trên ngọn đồi cao. Cổng vào dưới chân đồi vẫn như xưa, làm bằng gỗ cây tùng có yểm bùa khiến yêu quái không thể nào qua. Hôm nay sao khóa kín, chàng mệt mỏi nằm dựa vào gốc cây. Năm xưa khi hạ san, sư phụ đã cho chàng một thanh gươm quí và một cái kính chiếu yêu. Đi khắp chốn giang hồ, gặp biết bao yêu ma quỉ quái, đứa thì giả dạng hiền nhân, đứa thì biến hình tu sĩ, đứa thì cải trang nam thanh, đứa thì đội lốt nữ tú…Với cái kính chiếu yêu chàng đã thấy nguyên hình ác quỉ, và với thanh gươm báu, chàng đã chém chết không biết bao nhiêu là ác quỉ. Hôm nay về đây cổng chùa sao khóa chặt?. Thấy suối nước gần bên, chàng đến rửa mặt, nhìn bóng của mình soi trên mặt nước. Bất giác chàng tự hỏi, từ lúc có kính chiếu yêu sao ta chưa một lần rọi chiếu khuôn mặt của mình. Lấy kính ra, chàng soi vào bóng của mình dưới nước. Bỗng dũng sĩ hét lên…lịm người, thì ra mình… cũng là một loài ác quỉ!
Chúng ta là những người tốt, những người thiện lương, hiểu biết mọi lẽ phải trái, là những người luôn luôn tự hào về những đức hạnh của mình. Chúng ta có id, cái ấy, bản năng không? Dĩ nhiên là phải có. Vậy khi tình huống đặc biệt xảy ra, chúng ta phản ứng thế nào?
Đừng sợ khi phải nhìn vào bản tâm mình, trước hết ta phải nhận ra rằng ta cũng là con người, cũng giống hệt đồng loại ở cái bản năng tồn sinh đó. Đừng tránh né, cứ nhìn thẳng vào nó. Có nhìn ra tính “ác” của mình mới mong khống chế được nó.
Câu hỏi được đặt ra: Có khống chế được nó (bản năng) không?
Thực ra chân lý không nằm hoàn toàn trong học thuyết về vô-thức. Freud, Jung, phân tâm học, không nắm giữ chân lý. Chúng ta chỉ sử dụng phân tâm học để mô ta phần nào tâm thức của con người. Tâm thức con người diễn biến rất phức tạp vì chịu tác dụng của nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Có ngừơi đột nhiên trở thành ác bất ngờ, giết người vì một lí lẽ giản đơn. Có người cũng tự nhiên khởi tâm bồ tát bất ngờ, lao xuống dòng nước xiết cứu người để rồi phải chết. Còn phải tính đến nghiệp và lý nhân-duyên trong mọi sự giải thích.
Cái mặt nạ siêu thức dù sao cũng có thể gỡ ra dẽ dàng hơn so với việc gỡ bỏ "cái ấy". Rất khó để khống chế “cái ấy” tức bản năng trong vô thức của mình, vì bản năng là nghiệp sâu nặng. Muốn khống chế vô thức, điều trước tiên là phải nhìn thấy phần vô thức của mình trong toàn bộ cấu trúc của nó. Sách vở không có tác dụng, Thiền định chính là cách tốt nhất để tìm được vô thức của mình. Vô thức nói theo ngôn ngữ Phật giáo cũng một phần là “ma” (từ chữ maya=hoán tưởng). Thiền định là quá trình thắng vượt maya. Tùy theo mức độ tu hành mới khống chế hoặc sửa đổi được phần bản năng vô thức. Xin nhấn mạnh, tu hành phải chứng đắc (enlightened) mới có thể phá nghiệp được cho chính mình. Còn muốn phá nghiệp cho người khác phải là một vị đại bồ tát tức bồ tát ma ha tát.
(ST)