“Ông Rồng đá” ở Bảo Tháp
Cẩm Linh - Tr.Sơn
Kỳ 1: “Ông Rồng” và chuyện “Thái sư hóa hổ”
Cách đây hơn 15 năm, một pho tượng rồng đá có phần dị thường bị chôn vùi dưới lòng đất được phát hiện tại thôn Bảo Tháp (Đông Cứu - Gia Bình - Bắc Ninh). Tượng một con rồng “miệng cắn thân, chân xé mình” với vẻ đau đớn tột cùng, được chạm trổ công phu, tinh xảo không chỉ chưa từng thấy trong các hình ảnh rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử mà còn gần chưa từng xuất hiện trong khu vực. Nhiều câu hỏi về lai lịch của pho tượng bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Theo lời kể của ông Phan Đình Phụ, con trai của cụ Phan Đình Phô (đã mất năm 1993) - thủ từ đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp (Đông Cứu – Gia Bình – Bắc Ninh) thì pho tượng rồng này được cụ Phô tình cờ phát hiện ngay tại khu vực lối lên xuống dẫn vào đền vào cuối năm 1992. Số là trong một lần thu dọn gạch đá quanh đền cụ Phô chợt thấy một mảng đá nhô ra khỏi mặt đất ngay tại gốc cây bàng trước cửa đền, bươi rộng xung quanh thì thấy lộ ra miếng đá có chạm khắc, đoán đây là có thể là một pho tượng hoặc một hiện vật đá nào đó, cụ Phô đã gọi người làng tập trung đào xới và chẳng bao lâu sau hiện ra giữa nền đất là một pho tượng rồng đá “đầu cắn thân, chân xé mình”.


Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp - xã Đông Cứu - huyện Gia Bình - Bắc Ninh. Tương truyền đây từng là nhà của Thái sư, sau khi ông bị đi đày đã chuyển thành chùa. Trong ảnh phần có dấu X là nơi đã phát hiện ra "Ông Rồng"

Hàng chục trai làng đã phải rất vất vả, dùng trành tre, đòn xóc, xà beng mới nhấc được pho tượng nặng hơn 3 tấn lên khỏi mặt đất và khiêng đưa lên sân đền. Từ đó đến nay pho tượng rồng đá này đã được người dân địa phương rước lên thờ tại một gian bên cạnh đền Thái sư Lê Văn Thịnh và kính cẩn gọi là “Ông Rồng”.
Quan sát bằng mắt thường người ta có thể nhận thấy pho tượng rồng đá được chạm khắc khá chi tiết, tỉ mỉ, chăm chút tới từng họa tiết nhỏ. “Ông Rồng” được thể hiện theo tư thế khoanh mình thành hình tròn, thân mình to lớn, gồm có đầu, hai chân trước và một phần thân. Chiều cao của tượng được xác định là 0,76m, chiều ngang là 1,12m, chiều dài từ trước ra sau là 0,96m. Điều đáng nói là hình ảnh của con rồng đá này rất đặc biệt, không hề giống với bất cứ hình ảnh rồng Việt ở bất cứ triều đại nào từng được biết đến và lại càng không giống với bất kỳ hình ảnh rồng Trung Hoa nào.

Pho tượng rồng được tạc từ đá nguyên khối, toàn thân chạm vảy dày, hai mắt trợn tròn, hai chân trước xòe rộng, gân guốc, năm ngón với móng vuốt sắc nhọn bấu chặt vào khúc thân, đầu gục xuống, miệng há rộng với hàm răng lởm chởm, nhọn hoắt ngoạm vào mình như muốn rứt da rứt thịt với vẻ đau đớn tột cùng. Và lạ lùng nhất là đôi tai “Ông Rồng” được tạc rất rõ, nổi lên trên hai mang, bên tai phải thì kín đặc, tai trái lại rỗng, thể hiện một ẩn ý nào đó của người xưa.
Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra nhận định đây là pho tượng rồng đá có hình ảnh độc đáo nhất mà ông từng thấy, đồng thời cho rằng “Ông Rồng” có khả năng là một trong những pho tượng rồng đá lớn nhất ở Đông Nam Á.
Và chuyện “Thái sư hóa hổ”


Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh tại hậu cung nghè Chi Nhị (xã Song Giang - Gia Bình - Bắc Ninh)

Tuy bị chính sử lên án và ghi nhận như một tội đồ nhưng trong dân gian hình tượng của “Thái sư hóa hổ” lại hoàn toàn khác. Tại các huyện Gia Bình, Thuận Thành và Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã có tới 14 làng lập Lê Văn Thịnh làm thành hoàng. Cứ các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn 13 làng thuộc hai huyện Gia Bình và Quế Võ lại tổ chức Lễ hội thập đình để tưởng nhớ tới ông. Ngoài lễ hội chung tưởng nhớ tới vị các làng lại tổ chức những lễ hội riêng. Ngày 6.2 âm lịch hằng năm lễ tế diễn ra chính tại Đông Cứu (Gia Bình – Bắc Ninh), quê hương Thái sư Lê Văn Thịnh. Riêng đình Đình Tổ (Thuận Thành – Bắc Ninh) nơi có mộ phần của Thái sư Lê Văn Thịnh, lễ hội được tổ chức riêng 5 năm một lần, vào ngày 12.8 âm lịch.

Pho tượng rồng này được tìm thấy ngay tại quê hương của vị “trạng nguyên” đầu tiên của nước ta, Lê Văn Thịnh (1038/1050? - ?), người không chỉ nổi tiếng với tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao mà còn được biết đến với vụ kỳ án mang đầy màu sắc huyền thoại “Thái sư hóa hổ” tại hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) cách đây cả ngàn năm nên gần như ngay lập tức nó được cho là một tác phẩm nghệ thuật của người đương thời/hậu thế thể hiện hình ảnh của “Đỉnh giáp khai khoa” Lê Văn Thịnh đau đớn, phẫn uất với nỗi oan khiên trong vụ án mà cả nghìn năm còn chưa sáng tỏ(!). Điều này cũng phù hợp với ý kiến của ông Nguyễn Đức Khách, 71 tuổi (Bảo Tháp - Đông Cứu) người đã có nhiều năm phụ trách lễ hội thập đình (một lễ hội tưởng nhớ Thái sư Lê Văn Thịnh). Ông Khách cho biết khi "Ông Rồng" mới được phát hiện chưa ai lý giải được ý nghĩa của nó, nhưng sau đó người ta thấy bức tượng Rồng rất phù hợp với nỗi oan khiên, uất ức của "Thái sư hóa hổ".

Lê Văn Thịnh là người làng Đông Cứu, huyện Gia Định (nay là Gia Bình – Bắc Ninh) là người đỗ đầu trong kỳ thi Nho học đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới đời vua Lý Nhân Tông và được cho vào hầu vua học. Chính vì lý do này mà ông được người đời sau suy tôn là vị “trạng nguyên” đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Còn danh hiệu trạng nguyên thực sự thì đến đời Trần Thái Tông (1246) mới có.
Lê Văn Thịnh giữ chức vụ Thị lang Bộ Binh, đến 1085 nhờ có công lao lớn, được cất lên chức Thái sư vốn đã bị để trống từ khi Lý Đạo Thành qua đời (1081) và giữ vị trí này trong 12 năm cho đến khi xảy ra vụ án “hóa hổ” tại hồ Dâm Đàm (1096). Sự kiện kỳ dị này được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại như sau “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang (tức sông Thao – Phú Thọ. Còn theo Đại Việt Sử Lược thì ông bị đày đến vùng Lương Giang – Thanh Hóa). Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.

Tương truyền sau khi mãn hạn, trên đường trở về quê nhà Thái sư Lê Văn Thịnh đã qua đời tại Đình Tổ (Thuận Thành - Bắc Ninh) và được người dân lập làm thành hoàng làng. Hiện tại mộ phần của ông vẫn còn được lưu giữ tại Đình Tổ.


Tượng “Ông Rồng” được thờ tại Bảo Tháp - Ảnh: T.Sơn

Kỳ 2: "Ông Rồng" trong mắt các nhà nghiên cứu

Một số ý kiến cho rằng pho tượng rồng đá là hình ảnh của Vua Lý Nhân Tông, với nhận định bức tượng biểu thị sự đau đớn, dằn vặt của ông vì đã nghe lời xiểm nịnh một phía (tai thông, tai đặc) mà bức hại vị đại thần.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi về vấn đề này qua e-mail tới nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường, hiện đang sống tại Hoa Kỳ, nhưng ông Trường từ chối bình luận với lý do ông không phải là nhà chuyên môn về các vật dụng điêu khắc, kiến trúc. Tuy vậy ông Trường cũng đưa ra một gợi ý quan trọng trong việc giải thích về "Ông Rồng", đó là "nên tìm hiểu nó như một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, đừng vướng víu gì về sự kiện Lê Văn Thịnh, bởi vì làm như thế là đặt cái thật (tượng) dính vào cái giả, chưa biết rõ, còn đang tranh luận (là cuộc đời Lê Văn Thịnh cùng "vụ án hóa hổ" mà ngay cả suy luận bình thường cũng không tin được)".


Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp
Còn theo nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng, việc phát hiện pho tượng rồng trong khu vực đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh khiến người ta dễ thường quan niệm đó là hình tượng của chính ông. "Khi tạc tượng tức là người đời đã có ẩn dụ nào đó gửi gắm, nhất là tượng trong đền thờ thì bao giờ cũng có ẩn dụ thần thánh ở trong đó. Tuy nhiên ở những đền thờ riêng thì ngoài những ẩn dụ thần thánh nói chung cũng có những hình ảnh cá nhân được gửi gắm vào đó một chút. Ví dụ như (tượng) con hổ ở lăng Trần Thủ Độ (ở Thái Bình) thì cũng là hình tượng của Thái sư Trần Thủ Độ hay đôi rồng ở thành nhà Hồ cũng là hình ảnh của Hồ Quý Ly. Về pho tượng rồng ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, theo tôi, đó có lẽ là hình ảnh của đời sau khắc họa chân dung một người làm chính trị thất bại cùng với nỗi đau đớn của mình là Thái sư Lê Văn Thịnh", ông Phan Cẩm Thượng nhận định.

Rồng hay rắn ?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, pho tượng đá này thuộc dạng "độc nhất vô nhị", ít nhất là ở Việt Nam. Tuy vậy, ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) người ta từng thấy những dấu tích của con Rồng thời Lý qua móng chân, bệ rồng ở đáy giếng. "Móng và khoeo chân của tượng Rồng tìm thấy ở Bảo Tháp tương đối giống Rồng thời Lý như phát hiện ở Phật Tích. Tuy nhiên theo tôi đây là một con rắn chứ không phải rồng", ông Nguyễn Hùng Vĩ nói.


Nghè Chi Nhị (xã Song Giang, Gia Bình, Bắc Ninh) là nơi thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Tương truyền thuở hàn vi Thái sư từng dạy học ở đây
Về niên đại của "Ông Rồng", nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng hơi khó xác định được chính xác, nhưng đưa ra dự đoán rằng "Ông Rồng" có thể được hình thành vào thời Hậu Lê (thế kỷ 15) dựa trên tương quan với các di tích đá ở Bắc Ninh và việc “Ông Rồng” được tìm thấy trong cụm đền, kiến trúc Hậu Lê và có phong cách chạm khắc tương tự một số hiện vật thời kỳ này.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), người đã có một thời gian dài tìm hiểu về nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh thì "Ông Rồng" thực sự là một pho tượng độc đáo và ở Việt Nam ông chưa từng thấy có một hiện vật tương tự nào. "Tuy vậy tôi từng thấy (qua ảnh) một chiếc ấn đồng thời Tây Hạ có hình ảnh con rắn tự cắn vào mình tương tự như vậy trên "xà nữu" tức là cái núm cầm của ấn. Hình ảnh con rắn trên chiếc ấn đồng và hình ảnh "Ông Rồng" tương đối giống nhau, đặc biệt về phong cách, sự dữ dằn... Điều đáng chú ý là Tây Hạ, vương triều tồn tại từ năm 1032 đến 1227 tại địa bàn các tỉnh phía tây bắc Trung Quốc hiện nay, về mặt thời gian cũng tương đương với nhà Lý ở Việt Nam và nhà Tống ở Trung Quốc. Chính vì thế để có đánh giá chính xác về nguồn gốc pho tượng này thì cần phải liên hệ đến văn hóa trong khu vực chứ không chỉ riêng bức tượng đó", nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói.
Cũng theo ông Vĩ, pho tượng được tìm thấy tại khu vực con đường trước ngôi chùa mà theo dân gian xưa vốn là khu nhà mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải "hóa gia vi tự" (biến nhà thành chùa) trước khi bị đi đày sau khi xảy ra vụ án "hóa hổ". Theo nhận định của ông Vỹ, pho tượng này có thể từng được đặt dưới một nền giếng cũ vào đời Lý. "Thời kỳ này người ta thường chạm khắc rồng dưới giếng, ví dụ như ở (chùa) Phật Tích (Bắc Ninh) như một phương thức cầu nước cầu mưa nào đó. Tôi nghiêng về phía đó hơn giả thiết cho rằng pho tượng này là hình ảnh của Thái sư Lê Văn Thịnh hay Vua Lý Nhân Tông", ông Vĩ cho biết.
Về niên đại của pho tượng này, ông Vĩ nhận định: "Tôi đã trực tiếp xem tượng này, nó làm bằng đá cát-kết, các nét điêu khắc, theo tôi là mang phong cách Lý hoặc trước đó nhiều hơn là phong cách Hậu Lê (mặc dù không có hiện vật tương tự để đối chiếu). Điều này thể hiện qua cách người ta chăm chút cho từng cái vảy, cái chân, mắt, những chi tiết nhỏ... còn thường điêu khắc Hậu Lê đến Trần người ta không tỉa tót nõn nà đến từng đường nét như vậy. Cách nhìn nhận của tôi thì niên đại của pho tượng là từ thời Lý đến Bắc thuộc".
Khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu có khả năng "Ông Rồng" là hình ảnh của Vua Lý Nhân Tông hay không vì đây là một con rồng 5 móng - biểu tượng của nhà vua, thì ông Vĩ đã cho rằng điều này không hoàn toàn chính xác. "Rồng trở thành biểu tượng cho vua cũng không hề sớm mà khá muộn đời. Đến đời Minh ở Trung Quốc, rồng 5 móng mới trở thành biểu tượng cho nhà vua. Rồng cũng có nhiều loại, theo sách vở Trung Hoa, trứng rồng nở thành 10 con trong đó chỉ có một con thành rồng chính thức và trở thành biểu tượng cho vua sau này, còn lại có rắn, kình, sấu... Điều này đã được sách vở Trung Quốc nói đến rất kỹ và có những quy định rất cụ thể. Không phải cứ hễ thấy rồng thì bảo là biểu tượng cho nhà vua. Ví dụ như cột đá Phật tích là con Cù (rồng Cù) chứ không phải rồng và cái đó hoàn toàn không tượng trưng cho nhà vua. Chính vì vậy tôi không tin đây là hình ảnh tượng trưng cho Thái sư Lê Văn Thịnh hay Vua Lý Nhân Tông", ông Vĩ nhận xét.
Cẩm Linh - Tr.Sơn

http://www4.thanhnien.com.vn/Vanhoa/.../11/255565.tno