Kỳ 1: Vạch mặt sư giả 16:27' 05/08/2008 (GMT+7)

Nhìn ngang nhìn dọc một hồi, “thầy” mò vào túi lấy đôi dép mang vào chân. “Thầy” đi như chạy rồi vô tư cởi nguyên bộ đồ màu vàng giữa đường, phía trong là một bộ đồ màu trắng. Rồi “thầy” đón một xe buýt ra hướng Thủ Đức- TP.HCM. Vừa bước lên xe, thầy tiếp tục lột bộ đồ màu trắng, biến thành một gã trung niên.


“Kít!”. Chiếc xe gắn máy đang chạy nhanh bỗng thắng gấp. Một phụ nữ xuống xe, rút ví lấy 20.000 đồng rồi kính cẩn dâng cho một người đàn ông ngoài 40 tuổi, mặc chiếc áo nhà sư vàng rực đang “khất thực” trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 - TPHCM. Giữa cơn mưa lâm râm sáng 24-7, ai đi trên đường Nguyễn Trãi cũng mềm lòng trước hình ảnh của “thầy”. Nhón chân bước một cách vô hồn trên đường, tay “thầy” cầm bình bát chìa ra để thiên hạ biếu tiền, còn miệng thì lẩm bẩm liên hồi, ra vẻ như đang tụng niệm kinh Phật.

Hiện nguyên hình qua hai lớp áo

Khi cơn mưa trở nên nặng hạt, trên đường phố, người người lo chạy trú mưa, chẳng còn ai quan tâm đến “thầy”. Tức thì, “thầy” chuyển hướng vào chợ Xã Tây. Khu chợ đang lúc đông nghẹt. “Thầy” lách đi giữa hàng trăm người. Mặc cho người ta ồn ào mua bán trả giá, “thầy” vẫn lẩm bẩm “tụng niệm”. Đầu “thầy” hơi cúi xuống, mắt thỉnh thoảng liếc xéo ngược lên xem ai chuẩn bị rút ví trả tiền mua hàng thì lập tức tiến đến.


Lột bộ cà sa màu vàng, "thầy" xuất hiện trong bộ đồ màu trắng
Hơn một giờ, “thầy” đảo lên đảo xuống 4 lần dọc chiều dài khu chợ. Đột ngột thấy một bà cụ đeo chuỗi hạt trên cổ đang trả giá ở hàng thịt, “thầy” liền xông đến đứng trân trân chờ đợi. Bà cụ quay lại, la toáng lên: “Tu thiệt hay tu giả mà đứng tụng kinh giữa hai hàng thịt đầy máu me như vậy hả?”. Ai nghe tiếng quát của bà cũng quay lại nhìn “thầy”. Bị “tấn công” đột xuất, “thầy” đành lủi thủi ra đường.

10 giờ, cơn mưa vừa tạnh, đang bước chậm rãi trên đường Châu Văn Liêm, nhìn ngang nhìn dọc một hồi, bỗng “thầy” mò vào chiếc túi màu vàng lấy đôi dép mang vào chân. “Thầy” đi như chạy rồi vô tư cởi nguyên bộ đồ màu vàng giữa đường, phía trong là một bộ đồ màu trắng. Rồi “thầy” đón một xe buýt ra hướng Thủ Đức. Tôi lập tức bám theo. Vừa bước lên xe, thầy tiếp tục lột bộ đồ màu trắng. Lúc này “thầy”... hiện nguyên hình là một gã trung niên với chiếc quần màu nâu và chiếc áo thun màu trắng kẻ sọc. Thầy lại mò vào túi lần nữa, lấy chiếc mũ đội lên đầu và lấy đôi kính đeo vào mắt.

Qua cầu Bình Triệu, “thầy” xuống xe rồi vào tiệm thuốc tây Ánh Phương trên Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, để đổi tiền lẻ lấy tiền chẵn. Nhân viên tiệm thuốc tây dường như đã quá quen mặt nên chẳng nói chẳng rằng nhận số bạc lẻ từ tay “thầy” rồi đưa lại những tờ 50.000 đồng. Lúc “thầy” vừa rời tiệm thuốc tây, một anh xe ôm đã chờ sẵn chở “thầy” về dãy phòng trọ của căn nhà 46, đường số 4, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh.




"Thầy" Tư đang khuất thực trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 và lột bộ cà sa màu vàng, "thầy" xuất hiện trong bộ đồ màu trắng


Người đàn ông giả dạng thầy chùa này được cánh xe ôm ở đây gọi thân mật là ông Tư. Hơn 4 năm nay, ngày nào ông Tư cũng thức dậy từ 5 giờ đón chuyến xe buýt tuyến số 8 chạy lượt đầu tiên vào TP. Khi đi, ông Tư mặc bộ đồ nhà sư màu vàng, nhưng trưa về thì thong thả với chiếc chiếc áo thun và chiếc mũ rộng vành trên đầu.

Sống khỏe nhờ “khất thực”


“Nhức mắt quá, ông đăng báo cho công an bắt hết bọn họ đi. Ở đây không chỉ có ông Tư mà có nguyên một nhóm hơn 20 người chuyên giả dạng thầy chùa đi lừa tiền thiên hạ” - anh Hoàn, một người dân sống gần cầu Bình Triệu, tỏ vẻ bất bình. Theo chỉ dẫn của anh, 5 giờ, tôi ra chỗ đón xe buýt trên Quốc lộ 13, đoạn gần cầu Bình Triệu, để chờ đám người giả dạng thầy chùa này.

Một lúc sau, từ đường số 16, khu phố 3, hàng chục người đàn ông, đàn bà tuổi từ 30-60 lũ lượt kéo ra. Ai cũng mặc bộ đồ màu xám, đội mũ rộng vành, tay cầm bịch đồ lớn. Vừa bước lên xe buýt, một số người liền khoác chiếc áo màu vàng và cất mũ đi để lộ cái đầu trọc lóc. Một số khác xuống Bến xe Miền Đông đón xe buýt tuyến khác rồi mới cải trang.


Lột tiếp bộ đồ màu trắng, "thầy" hiện nguyên hình một gã trung niên, áo thun mũ vải ung dung ngồi xe buýt trở về xóm trọ ở Thủ Đức
Trong đám giả dạng này, tôi nhận ra người đàn bà ngụ tại phòng 1, thuộc dãy phòng trọ đầu hẻm 87, đường 16, khu phố 3. Đây là nhân vật mà báo Người Lao Động từng ghi hình trong loạt phóng sự ảnh 5 giờ theo chân một người ăn xin. Địa bàn hoạt động chủ yếu của bà là khu Thanh Đa, Hàng Xanh. Với dáng người gầy gò, khuôn mặt xương xẩu, khi “khất thực” bà ra vẻ rất “khổ hạnh”. Vì vậy, bà nổi tiếng là người kiếm được nhiều tiền nhất trong xóm sư giả.

Theo lời anh Hoàn, nghề giả dạng thầy chùa bùng phát ở phường Hiệp Bình Chánh cách nay hơn 9 năm. Nhiều người đã sắm xe gắn máy đời mới, đổi điện thoại di động xịn... nhờ đi “khất thực” như trường hợp bà Dung ở đường 13, khu phố 3. Có người thấy “nghề” này sướng quá nên rủ con cái cùng cạo trọc đầu để “khất thực” luôn như trường hợp hai mẹ con trọ ở đường 13, khu phố 3... Cứ thế, xóm sư giả tồn tại và lan rộng như một loại dịch bệnh không thể ngăn chặn.

Giả dạng ni cô đi quyên góp

Tại khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức còn xuất hiện một nhóm phụ nữ để nguyên tóc, trùm đầu, măc áo ni cô màu xám. Nhóm người này chia thành từng cặp rồi phóng xe máy vào trung tâm TP để lừa tiền bằng cách mượn danh nghĩa là người của chùa đi nhận quyên góp. Quán cà phê Hằng nằm đối diện số nhà 55, đường 16, khu phố 3 là nơi họ đến để “hóa kiếp” thành ni cô. 7 giờ 30 phút ngày 24-7, tôi chứng kiến 6 phụ nữ, ăn mặc bình thường, tuổi chừng 25-40, đi trên 4 chiếc xe gắn máy dừng trước quán này. Họ nói gì đó với bà chủ quán tên Hằng rồi đi vào sâu trong quán. 15 phút sau, họ trở ra với trang phục ni cô và vội vã phóng xe về phía cầu Bình Triệu.

Chị Phạm Thị Hồng Hạnh, chủ sạp vải ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cho biết gần đây nhóm ni cô này đã vào chợ để lừa tiền. Trước khi thuyết phục chị, các “ni cô” lật quyển sổ ghi chi chít tên của những người từng quyên góp để làm bằng chứng. Sau đó, các “ni cô” chìa ra những tấm hình trẻ con và bảo đó là những đứa trẻ mồ côi mà nhà chùa đang chăm sóc nhưng không đủ tiền nên phải đi quyên góp. Tuy nhiên, khi chị Hạnh hỏi số điện thoại của chùa để gọi kiểm chứng thì nhóm “ni cô” này chuồn thẳng.



Theo Như Phú (NLĐ)