PHẬT NÓI THƯỜNG CÙ LỢI ĐỘC NỮ ĐÀ RA NI THẦN CHÚ
Ngài Cù-đa Tam tạng dịch từ Phạn ra Hán văn
Việt dịch: Sa-môn Thích Viên Đức

Như thật tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại nước Xá-vệ, nơi rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc, cùng các vị Tỳ-khưu chúng, gồm có 1.250 người đều câu hội đầy đủ, các Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người và phi nhơn đều cùng chung trong hội thuyết pháp này. Phật vì khắp cùng chúng sanh khai môn tổng trì.

Ðức Như lai quán xem hết thảy các chúng sanh trong đời ác sau này, tam tai nối nhau sanh khởi, các ác độc xà, độc long hành mửa độc khí, phi hành trùng độc giết hại chúng sanh hằng vô số kể, ngoan xà phúc yết ngô công các loại, mãng xà, độc xà, các vật độc dữ, hoặc nơi rừng rậm núi cao, hoặc nơi ao nước đáy sông, thảy hay nhả độc xâm tổn chúng sanh.

Khi Bấy giờ đức Thế tôn khắp dạy đại chúng rằng: “Khi ta ở Tuyết Sơn, bên phía Bắc giữa Hương Sơn, nơi núi ấy thấy một đồng nữ, thân thể trang nghiêm trăm phước tướng hảo, quần áo da nai, dùng các độc xà làm chuỗi anh lạc, làm bạn đùa giỡn với các loại mãng xà bọ cạp rắn rết và các trùng độc dữ. Ðói ăn trái độc, khát uống nước độc. Nữ kia thấy ta bèn nói rằng ‘Nhơn giả cần nên lắng nghe, tôi Thường-cù-lợi có pháp môn hay diệt tất cả các độc ở thế gian.’ Liền nói chú rằng:

Ðát điệt tha Y lị mi đế Ðế lị mi đế Y lị dĩ Lý mi dĩ Nhuyễn mê nhuyễn ma Rị duệ nạp thử nạp Xoa rị duệ tra Yết ra noa phược Yết ra na ca Thấp mi lý ca Thấp mi la mục Kiết đế át kỳ nĩ át già nĩ át già ma già nĩ Y lị duệ át già duệ Át ba duệ Thấp phế đế thấp phế đa Ðốn noa a na nộ Lạc xoa Tóa ha.

Lúc ấy Thường-cù-lợi nói chú này rồi, giữa Tuyết Sơn kia có 5000 độc ác long xà, nghe tiếng chú này, thảy đều ngất xỉu, rồi bèn một phen đầu bị bể nát, vi vảy bốn phía thảy đều rời rã, răng các rắn độc cũng rụng rớt, da đầu nứt nẻ máu chảy thịt tan, tất cả tự trói không còn cử động.

Bấy giờ đức Thế tôn xem thấy các loài hàm thức bị chú độc này, ngài liền tuyên nói tâm chú giải độc rằng:

Ðát điệt tha Nhứt lị mi lị Nga ra mi lị Chước cu lô chước cu lô Nga ra mi mi Cu tra duệ cu tra duệ Ðế tố phổ tra duệ Ðế tố phổ tra duệ Ðế na nga lê Na ca chước ca lan Ðế lê nhứt xa vĩ lệ kê đát tra đát tra Tất đát tra tất đát tra tất đát tra Tóa ha.

Khi đức Thế tôn nói thần chú này rồi, tất cả độc long bọ cạp rắn rết, hết thảy sống lại bò chạy tứ tán, không còn bị các độc làm hại nữa.

“Vậy cho nên ta dạy các đệ tử, khi các ông trì thần chú của Thường-cù-lợi Ðộc nữ này, chớ nên đọc tụng lớn tiếng trước các loại long xà, vì long kia nghe thì quyết phải chết.”

Phật dạy tứ chúng: “Này các Thiện nam tử, nếu muốn cứu các độc chúng sanh trong thế giới, các ông hãy dùng trị độc thần chú của Thường-cù-lợi Ðộc nữ mà điều trị. Thường-cù-lợi này, tuy hiện thân nữ, chứ thật chẳng phải nữ. Thiện nam tử! Chư Phật Bồ-tát trí huệ thần thông, hay vì chúng sanh hiện các thứ thân, nhiếp hóa các độc, không khiến các độc xà nhiễu hại xâm tổn chúng sanh. Nếu người nào thường nghe Cù-lợi đại minh thần chú thì trải bảy năm sau không bị trùng độc làm tổn hại, cũng hay diệt sạch ác độc trong thân.”

Bấy giờ đức Thế tôn bảo Hàng oán điểu vương: “Các ông đồng lực quyến thuộc, sức mạnh quần cường, sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, cũng cần thu nhiếp các loại quần độc, điêu, điểu vương, hãy truy tìm kêu gọi mười ngàn chín vạn chúng, thay cỏ may hang hốc, nghe Thường-cù-lợi đại minh chú ta, đều phải tùy thuận tuân hành, trợ giúp sai khiến, phương tiện cứu hộ không được trái nghịch.”

Khi ấy đức Phật dạy tứ chúng rằng: “Thiện nam tử, thần chú của Thường-cù-lợi Ðộc nữ này có công năng trị tất cả vạn thứ độc của thế gian: mãng xà, rắn rết, bọ cạp, thú dữ, ghẻ chóc, lác, ung thư, đinh san, núi độc, nguồn độc, khe độc, suối độc, vàng độc, thuốc độc và các thứ trùng độc. Trì chú vào nước mà uống, trì chú vào nước rồi ngậm trong miệng, chú nguyện mà phun chỗ bị nhiễm độc, hoặc niệm chú ba lần vào chỗ ấy, mỗi lần niệm bảy biến thì tất cả gốc rễ của độc tự xuất, độc không thể hại. Nếu bị trúng độc từ khe suối, nên chú nước rửa thân, chú vào nước mà uống thì tất cả các khe độc thảy đều tiêu diệt. Nếu hay chí tâm cúng dường cung kính thọ trì thần chú này thì được vô lượng phước.”

Bấy giờ đức Thế tôn dạy khắp bốn chúng: “Nếu kẻ thiện nam nào có thể thực hành pháp này để cứu hộ, cần họa vẽ hình tượng vị đồng nữ Thường-cù-lợi, trăm phước tốt đẹp nghiêm thân, da nai làm áo, dưới mặc kiều xa y, mái tóc có đại thần xa luân. Tay mặt cầm hàng độc kiếm, tay trái nắm mộc ấn Quản độc. Khắp thân trang nghiêm bằng chuỗi anh lạc hình thành từ các loại độc xà quấn quanh như vòng xuyến, trước mặt độc xà vẽ một đồng tử mặc áo xanh, bưng chén nước và hương án có trăm thứ trái độc cùng các thứ nước độc. Chung quanh Thường-cù-lợi Ðộc nữ vẽ nhiều núi, hai bên núi vẽ cọp beo sư tử, rắn rết, độc long, bọ cạp, trăn, các độc xà chung quanh bốn phía trước mặt Thường-cù-lợi.

Ðàn pháp thì lớn nhỏ tùy ý một thước hai thước. Trên đàn để hình tượng, tụng chú cúng dường, trong đàn dùng phân trâu trắng ở Tuyết Sơn hòa chung với bột hương dẻo thoa khắp nơi, dưới đàn để năm mâm đồ ăn […] nấu nóng. Cúng dường xong, đem bỏ chỗ vắng thanh tịnh, thiêu đốt mạn-đà-la hương […] mà cúng dường.

Tụng chú 7000 biến, công đức hạng thượng căn. Hạng trung căn ba vạn biến, hạng hạ căn bảy vạn biến, tức là kiến hiệu. Có công năng cứu trị các độc trong thế gian. Chỉ chú trong nước uống trị cả độc.

Khi đức Thế tôn nói chú này rồi, trong hội có vô lượng chú tiên và các Dạ-xoa, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, người và phi nhơn …vv, nghe Phật ngài nói thần chú trị độc, hết thảy đều vui mừng, ấn khả, đảnh đới, thọ trì, làm lễ Phật mà trở về.


Phật nói Thường-cù-lợi độc nữ đà-ra-ni thần chú hành pháp (hết)

Ghi chú của người chép bản kinh này: Khi sinh thời, Sa-môn Thích Viên Ðức dịch Kinh rất thoát, rất nhanh, đôi khi là dịch miệng, các đệ tử lúc ấy tùy ý ghi chép. Bước đầu là để phổ biến trong nội tự, nội bộ, phục vụ yêu cầu tu tập của hàng đệ tử. Lâu sau đó, đến khi nào có điều kiện in ấn thì Sa-môn mới hiệu đính. Thậm chí có những bản kinh đến ba bốn năm sau mới được nhuận sắc.

Sau năm 1976 có rất nhiều bản dịch chưa được hiệu đính thì Sa-môn đã viên tịch. Di cảo lưu lạc trong hàng đệ tử mà chưa được sưu tập thành hệ thống. Có bản thì mất trang, bản thì bị nhoè mất chữ, bản khác lại bị dính hai tờ vào nhau, các đệ tử không thể (hoặc không dám) đoán xem phần bị mất đó là gì.

Bản dịch “Thường-cù-lợi độc nữ đà-ra-ni” này cũng có khả năng bị thiếu sót như thế. Vì vậy người chép kinh kính xin những bậc cao minh, các hàng đệ tử hoan hỉ bổ sung hoặc hiệu đính để bản kinh được trọn vẹn, nhất là những bản có mang dòng ghi chú là “chưa được hiệu đính”.

Ngoài ra, trong khi chép kinh và nhập liệu, người thực hiện có thể đánh máy sót và sai. Trong trường hợp này, người chép kinh xin đầu địa sám hối cùng Tam Bảo.