Gà 9 cựa sắp tuyệt chủng

Bản Cỏi (Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ) gồm 77 hộ người Dao, đang nắm giữ "báu vật" được cho là có từ thời vua Hùng: giống gà 9 cựa. Tuy nhiên, giống gà này đang ngày một vắng bóng.
> Người dân hiếu kỳ với gà nhiều cựa

Trưởng bản Cỏi, ông Đặng Vĩnh Phúc, khẳng định nếu không có giống gà nhiều cựa, chẳng ai biết đến bản Cỏi nghèo khó. Giống gà này của người Dao, có từ xa xưa, khi ông lớn lên đã thấy. "Trước đây, nhà nào cũng nuôi, ít thì chục con, nhiều vài ba chục. Nhưng hình như tôi thấy chỉ có 6-8 cựa thôi, hiếm khi thấy gà 9 cựa lắm", ông Phúc kể.

Nhiều người dân cho biết gà 9 cựa thường thì vài năm mới thấy xuất hiện một con. Giống này lạ lắm, muốn nhân rộng ra để nuôi nhiều hơn cũng không được, nhưng chúng cũng chẳng tự nhiên mất đi, tồn tại bao đời nay rồi. "Chỉ gà bố mẹ nhiều cựa thì mới sinh ra gà con nhiều cựa. Nhiều người dưới xuôi lên xin giống mang đi nơi khác, nhưng hoặc là gà chóng chết, hoặc là đẻ trứng ra, cho ấp nở thì gà con chẳng thấy có nhiều cựa", một người dân kể.


Gà nhiều cựa ở bản Cỏi. Ảnh: Công an Nhân dân.

Trưởng bản Phúc bảo năm nay gà nhiều cựa hiếm rồi, bởi chúng đồng loạt lăn ra chết vào tháng 7 năm ngoái. Có người tiếc của đem chọn mấy con to làm thịt, còn thì vứt hết ngoài bìa rừng. Hết dịch, ông Phúc đi kiểm tra thì cả bản Cỏi chỉ còn chưa tới 50 con nhiều cựa. Cách đây vài tháng, đám gà còn lại lăn ra chết. Hiện số gà nhiều cựa trong bản Cỏi chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trước đó, các cán bộ của Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) từng vào bản mua gà nhiều cựa về nuôi. Ông Trần Đăng Lâu, Giám đốc Vườn cho biết, chưa nghiên cứu tường tận được tại sao giống gà 9 cựa lại có nhiều ở bản Cỏi, mà không thấy xuất hiện ở các vùng khác.

"Đây là sự ngẫu nhiên hay có những bí ẩn nào khác mà chúng ta chưa biết? Có thể bản Cỏi nằm liền kề với một khu rừng nứa thuộc họ cỏ, là nguồn thức ăn lý tưởng cho gà 9 cựa mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó, nguồn nước ở Bản Cỏi từ trong núi đá vôi hàm lượng canxi lớn chảy ra, rất sạch, phải chăng tạo nên những sự đột biến về xương (cựa gà) đó?", ông Lâu nghi vấn.

Ông Lâu cho biết thêm cách đây chừng 10 năm, khi phát hiện ra giống gà nhiều cựa, Vườn đã nghĩ ngay đến truyền thuyết "Hùng Vương thứ 18 kén rể", nên cũng để tâm nghiên cứu. Nhưng nay nhiều người từ xa tìm đến tận bản Cỏi tìm mua gà nhiều cựa, họ trả giá cao, thậm chí là tiền triệu để mua bằng được, nên gà cứ thưa thớt dần đi.

"Cộng với dịch bệnh, nguy cơ mất đi giống gà quý này là rất cao. Chúng tôi đã bí mật sưu tầm được một số cá thể gà nhiều cựa, tìm cách bảo tồn để nhân giống và thử nghiệm nuôi ở một vùng sinh thái khác...", Giám đốc Vườn nói.

(Theo Công an Nhân dân
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/08/3BA052B2/

XÃ HỘIThứ sáu, 1/8/2008, 16:46 GMT+7 E-mail Bản In Người dân hiếu kỳ với gà nhiều cựa

Sáng nay, tại phiên chợ giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức ở Hà Nội, nhiều khách tham quan đã tò mò với chiếc lồng nhỏ nhắn chứa những con gà nhiều cựa. Con nhiều nhất có 6 cựa.

Chúng được Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ mang từ khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, đến hội chợ. Mỗi khi có khách tham quan, nhân viên của Trung tâm lại hồ hởi khoe: "Gà tiến vua đó" và nhất định không bán, mặc dù nhiều người năn nỉ trả giá cao.


Ngoài 3 ngón chân thông thường, phía sau còn có 2-3 cựa giống như ngón chân. Ảnh: H.K.

Thông thường gà sống trưởng thành mới có cựa (hai chân mới có 1 cựa), nhưng tất cả gà mái mang đến hội chợ đều có. Con nhỏ nhất chỉ 3 lạng, nhưng tới 6 cựa, tính cả hai chân. Các cựa giống như ngón chân gà, cũng có móc sắc, mọc cao hơn 3 ngón còn lại chừng một cm và chĩa ra đằng sau.

Ông Từ Anh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Phú Thọ, cho biết, giống gà nhiều cựa được Trung tâm phát hiện vào năm 2004 và chỉ có tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng của huyện miền núi Tân Sơn. Tại đây, người dân đã ghi nhận có gà 9 cựa, nhưng rất hiếm. Phần lớn là gà 4-8 cựa.

"Thực ra các cựa chính là ngón chân gà và có lẽ do yếu tố di truyền nên khi ấp nở chúng đã có nhiều ngón như vậy. Hiện ở huyện Tân Sơn chỉ còn 250-300 gà loại này. Chúng sinh sản rất tốt, nhưng có điều lạ là bắt đi nuôi ở nơi khác thì một là chết, hai là không đẻ được", ông Sơn nói.


Chiếc lồng gà xinh xắn này trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của những khách hiếu kỳ. Ảnh: H.K.

Phó giám đốc Sơn cho biết thịt gà nhiều cựa rất chắc và thơm ngon, trọng lượng mỗi con 1,2-1,7 kg. Tuy nhiên, chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi đồng bào dân tộc ở các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng chỉ nuôi kiểu hoang dã (thả ra rừng) để thịt ăn, không nuôi bán.

Trung tâm khuyến nông Phú Thọ đang có ý tưởng nghiên cứu khả năng thích nghi (độ ẩm, không khí, thổ nhưỡng...) của giống gà nhiều cựa. Trên cơ sở đó mới tính đến khả năng nhân rộng giống gà qúy hiếm này.

Trong truyền thuyết, để được cưới Mỵ Nương, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh phải nộp đủ lễ vật thách cưới do vua Hùng đặt ra là “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Nhiều người nghĩ rằng đó là vật chỉ có trong truyện cổ.

Hồng Khánh
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/08/3BA05119/