Lễ vía Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu cử hành vào ngày 5.5 âm lịch. Song Hội xuân ở núi Điện Bà thu hút đông đảo khách hành hương lại là 3 tháng đầu năm, mặc dù lễ hội chính là Rằm đến 18 tháng Giêng. Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng giêng...




Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân...


Năm 1901, theo lời mời của các bạn thơ ở Tây Ninh, bà Sương Nguyệt Anh (con gái cụ Đồ Chiểu và là chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên ở xứ ta là Nữ giới chung) cùng họ hành hương lên núi Điện Bà, nhân đó thưởng hoa bạch mai nở trắng rừng. Thừa hứng, bà đề vịnh bạch mai trên chùa núi và rồi, viết tiếp hai bài thơ thất ngôn chữ Hán để tặng càc thi hữu, tựa là Linh sơn nhất thụ mai. Ông Tô Ngọc Đường giữ thủ bút này mãi về sau như một kỷ niệm quí báu, đến những năm 1970 đưa cho ông Huỳnh Minh chụp ảnh công bố trong sách Tây Ninh xưa và nay...


Bản đồ núi Bà Đen trước năm 1975I.Câu chuyện văn chương còn dài xin gác lại. Ở đây, chúng ta thấy núi Điện Bà đến những năm đầu thế kỷ XX đã trở thành một địa điểm hành hương - du lịch, thu hút khách xa tận miệt Sài Gòn. Tây Ninh nói chung, núi Điện Bà nói riêng, bấy giờ là vùng “hậu bối” nguyên sơ của xứ đô hội phù hoa Sài Gòn - Gia Định, nơi đang diễn ra cuộc tranh thương gay cấn và sự va đập của phong hoá mới - cũ, với sự lấn lướt của lối sống tân thời. Tuồng như bấy giờ Tây Ninh là một tụ điểm của tầng lớp trung lưu hoài cổ. Võ Sâm biên soạn tuyển tập văn học cổ Thi phú văn từ và tập hợp quanh ông những danh sĩ địa phương để ngâm thơ xướng hoạ. Kế đó Quốc Biểu Nguyễn Cư Hiến thành lập Văn đàn Quốc Biểu (1923) hội họp nhau bàn luận văn chương và sáng tác hàng tuần vào mỗi chủ nhật ở Gò Chẹt... Tất thảy việc ngâm thơ xướng hoạ, lên núi thưởng hoa, vịnh thơ... nghe như đượm cái dư vị của tao đàn Chiêu Anh Các, của Bạch Mai/ Sơn Hội thi xã của một thời quá vãng. Lại cả Thiền sư Từ Phong từ Chợ Lớn cũng lên Tây Ninh lập chùa Từ Lâm ở Gò Kén và những thành viên của một tôn giáo mới với xu hướng trở về với nguồn cội Nho - Phật - Lão (qui nguyên tam giáo) đậm tính chất tiên đạo là đạo Cao Đài cũng chọn Tây Ninh làm nơi khai đạo và đặt trụ sở toà thánh... Một cái nhìn toàn cảnh như vậy là nhằm chỉ ra những tiền đề lịch sử - văn hoá của tín ngưỡng thờ Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu và xác lập thời điểm của mức độ phát triển vượt khỏi không gian văn hoá địa phương sở tại của địa điểm thiêng này là đầu thế kỷ XX, để đến năm Bảo Đại thứ 10 (1935), vị thần linh dân dã Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu đã có đủ uy linh và “thế lực” được sắc phong làm “Đức Bảo Trung hưng linh phù chi thần”.


II.


Núi Bà Đinh/ Bà Đen là ngọn núi duy nhất trong mục “sơn xuyên” của trấn Phiên An trong sách Gia Định thành thông chí (GĐTTC). Theo ghi chép này thì núi Bà Đinh: 1) trên núi có chùa Vân Sơn; 2) ở đó có “Thôn lạc của người Thượng (hiểu là các dân tộc ít người) và người Kinh sống nhờ vào khai thác lâm sản; 3) tương truyền: có khi “thấy cả chuông vàng trong hồ”, “những đêm trời tạnh thuyền rồng bơi lặn trong hồ” (1).


Các chi tiết của đoạn ghi chép này có mấy điều đáng lưu ý khi truy nguyên về tập tục thờ Bà Đen ở núi này.


1. Một là tên núi được ghi âm là Bà Đinh. Tên gọi này cũng thấy ghi chép tương tự trong Đại Nam liệt truyện tiền biên (biên soạn 1852), mục nói về Nguyễn Cư Trinh, năm 1755, đưa 5.000 dân Côn Man (Chăm) về đóng ở dưới chân Bà Đinh sơn (2). Điều này đã chỉ ra tên gọi Bà Đen của núi này (và về sau, là tên của vị nữ thần chính được thờ tự ở đây) đến thế kỷ XIX là chưa định danh. Nói cách khác, Bà Đinh/ Bà Đen là địa danh phiên âm chứ không phải địa danh có nghĩa, tức do nơi này đã là nơi thờ tự một nữ thần là Bà Đen nên được gọi tên là núi Bà Đen như cách hiểu về sau này. Do đó, việc truy cứu nguyên uỷ của vị nữ thần này buộc phải tìm tòi ở một hướng khác: các tư liệu lịch sử - văn hoá của các tộc người cộng cư với người Kinh ở khu vực này, tức cộng đồng mà tác giả GĐTTC gọi là cộng đồng man/ thượng/ mọi (tuỳ theo từng dịch giả) - mà cụ thể là người Khmer và người Chăm (tức những người Côn Man định cư ở đây từ 1755).


Trong kho tàngtruyện dân gian Khmer, có nhiều câu chuyện dựng theo môtip “trai gái thi nhau đắp núi”: phe nào đắp cao hơn (trong một đêm) thì giành phần thắng, buộc phe kia phải đi cưới. Dị bản nói về sự ra đời của núi Bà Đen kể rằng: bên phụ nữ đắp núi Bà Đen và bên nam giới đắp núi Cậu. Bên phụ nữ, do Mê Đêng/ Mê Đênh cầm đầu, đã cố công đắp ngọn núi. Còn bên nam giới ỷ lại, cứ lo vui chơi nên thua cuộc. Sáng ra, núi Câêu thấp hơn núi Bà và bên nam giới đã xui một con voi đến phá núi nhưng chưa kịp phá thì Mê Đeng làm phép, voi hoá thành đá. Chàng trai nọ lại xúi bầy heo rừng xộc đến ủi núi Bà cho sụp. Bầy heo bị nên nữ làm phép hoá thành một ngọn núi nhỏ - gọi là núi Heo và bên nam giới lại sai bầy gà đến bới núi Bà: cũng bị hoà thành một ngọn đồi. Cuối cùng chàng trai đích thân phá núi: hốt đất rải tứ tung. Do vậy, núi Bà Đen đến nay vẫn còn 3 ngọn núi, đồi nằm bên cạnh, được gọi là núi Tượng, núi Heo, núi Gà và những đồi thấp bên chân núi Bà Đen.


Theo sự tích này, Mê Đêng có thể được lấy tên chỉ định cho núi và có thể được tôn thờ và lưu truyền qua thời gian. Trường hợp có phần tương tự như ao Bà Om ở Trà Vinh. Cụ thể là Phnom Mê Đêng về sau âm là Bà Đinh/ Bà Đen và vị nữ thần được tôn thờ trên hang đá cũng được gọi là Bà Đen (3).


2. Tập tục thờ Bà Đen cũng có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng Khmer, mà phổ biến, vị nữ thần này được định danh là Dây Khmau/ Dì Đen (như tượng đồng đen thờ ở Sala chùa Sần-ke (xã Trường Khánh, Long Phú, Hậu Giang) hay phổ biến hơn là Arặc Khmau (Arặc Đen) của tín ngưỡng Arặc - nữ thần bảo hộ thị tộc, mang tính chất saman giáo/ đồng bóng. Thoạt tiên, vị nữ thần này được coi như bà tổ của một dòng họ và về sau được đồng nhất với các nữ thần Bà la môn giáo, một số được định danh bằng tên gọi các màu sắc: đen (khmau), đỏ (càhom), xanh (khiêu)... Hiển nhiên, tập tục thờ một nữ thần khmau/ đen là phổ biến trong tín ngưỡng Khmer, nhưng khả năng từ Arặc khmau/ Dây khmau có thể dịch nghĩa trở thành Bà Đen là đặc biệt hiếm, vì hầu như các trường hợp “Việt hoá” phổ biến là phiên âm. Hiểu là không dịch nghĩa. Chẳng hạn xứ Tưk khmau (nước đen) được gọi là Cà Mau hay xứ Mê So (Nàng Trắng) được gọi là Mỹ Tho, Sva Ton (khỉ níu) được gọi là Xoài Tón (Tri Tôn) v.v. Nói cách khác, chúng tôi vẫn thiên về ý kiến trình bày ở mục 1 trên đây hơn là trường hợp sau này. Tất nhiên, ở đây cũng cần lưu ý rằng việc gọi vị nữ thần ở núi Điện bà là Bà Đen, về mặt ngữ nghĩa, đã cho thấy sự xác định đây là một nữ thần gốc sắc tộc có màu da sậm/ đen.


3. Tác động của tín ngưỡng Chăm vào Bà Đen là một khả năng có thể có từ sự giao lưu văn hoá do quá trình cộng cư của cộng đồng Chăm/ Côn man từ giữa thế kỷ XVIII (kéo dài về sau). Ở vùng núi này, chúng ta có địa danh Hang Chàm (và ở gần chợ Tây Ninh có địa danh Cống Chàm): song rõ ràng đây là cách gọi của người Việt, tức không chỉ rõ hướng ảnh hưởng từ Chàm đến Việt. Biểu hiện rõ giao lưu văn hoá Chàm - Việt là việc gọi tên núi Bà Đen là núi Bà và ngọn núi phía Dầu Tiếng là núi Cậu. Bà-Cậu gốc từ tập tục tín ngưỡng Pô Inư Nagar (Mẹ Xứ Sở/ Chúa Xứ). Theo thần tích của nữ thần Mẹ Xứ Sở này, tức Thiên y Ana, thì bà có hai người con với Thái tử Bắc Hải: cậu Trài, cậu Quí - được thở phụng phổ biến ở Nam Bộ với danh hiệu Nhị vị công tử. Do đó, việc gọi núi Bà Đen là núi Bà trong tâm thức văn hoá tín ngưỡng Chăm/ Côn Man ở đây hẳn có sự đồng nhất vị thần trên núi Điện Bà với Mẹ Xứ Sở/ Pô Inư Nagar. Điều này cho thấy khả năng đồng nhất Bà Đen với nữ thần Muk Juk (hiểu là Mụ Đen) và mặt khác, chứng tích của tục thờ Cậu ở núi Điện Bà là ngôi miếu Cậu hiện tồn.


III.


Đối với người Việt, Bà Đen có hai thần tích: 1.Nàng Đênh và 2.Lý Thị Thiên Hương. Cả hai đều có mỹ hiệu là Linh Sơn Thánh Mẫu.


1. Cứ như GĐTTC (đầu thế kỷ XIX) đã ghi thì trên núi có chùa Vân Sơn và ở Đại Nam nhất thống chí (cuối thế kỷ XIX) thì gọi là chùa Linh Sơn. Về tự dạng hán tự, chữ Vân và chữ Linh có tự dạng giống nhau nên “Linh” có thể chép nhầm là Vân. Ngược với giả định chép lầm, chúng ta thấy thoạt đầu trên núi có một ngôi chùa với tên gọi là Vân Sơn có tính hiện thực: núi cao có mây phủ và mang màu sắc thoát tục của tiên đạo hơn là Phật giáo. Điều đó cũng hợp hơn những truyền thuyết về chuông vàng, rùa vàng và thuyền rồng bơi lượn múa hát - du dương mà tác giả GĐTTC đã chép. Rồi về sau mới đổi tên là Linh Sơn do là sự cải đổi theo quan niệm chính thống của Phật giáo mặc dù vẫn còn tồn tại tên gọi là Điện Bà Sơn (Đại Nam nhất thống chí). Linh Sơn (núi linh) chỉ ngọn núi có hình con ó (núi Kênh kênh) gần thành Vương Xá (Rajagriha); tên gọi theo âm Phạn là Kỳ Xà Quật (Garudhakuta) - dịch nghĩa theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền là Thứu Sơn, Linh Thứu Sơn, Kê Túc Sơn. Theo truyền thống Ấn Độ, Linh Sơn là ngọn núi thiêng, nơi các thiên thần thường hiện về. Khi Đức Phật tại thế, Phật đã thuyết pháp ở đây và về sau, núi Kênh Kênh trở thành một trong những thánh địa Phật giáo nổi tiếng. Theo đó, các xứ khác, như Trung Hoa, Việt Nam thường đặt tên các sơn tự là Linh Sơn tự, Thứu Sơn/ Thứu Lĩnh tự...


Theo lịch sử truyền thừa, thì chùa Linh Sơn trên núi Điện bà do Hoà thượng Thiện Hiếu - Đạo Trung, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời 36, khai sơn. Hoà thượng Thiện Hiếu là một cao tăng, có nhiều công đức lợi lạc quần sanh. Thiền sư rời chùa Linh Sơn về tu hành ở am cỏ xứ Bưng Đĩa (Thủ Dầu Một) - sau, nơi đây được tăng chúng dựng nên cảnh chùa, gọi là chùa Hưng Long. Vấn đề liên quan đến việc đang bàn là niên đại Hoà thượng Thiện Hiếu khai sơn chùa Linh Sơn vì chính niên đại khai sơn này có liên quan đến thời điểm Bà Đen được Phật giáo hoá thành Linh Sơn Thánh Mẫu.


Theo các cứ liệu thành văn, Hoà thượng Đạo Trung - Thiện Hiếu tịch ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi tại chùa Hưng Long và đồ chúng lập tháp thờ ở khuôn viên chùa (4). Tháng 12 Kỷ Mùi (có thể là 1800 hay 1860). Ở đây chúng tôi thiên về niên đại muộn 1860, vì có phần hợp lý hơn theo lịch sử truyền đăng của chùa Linh Sơn thì các trụ trì chùa Linh Sơn sau đó là: 1. Tánh Hiền - Quảng Thông (?), 2. Thanh Thọ - Phước Chí (tại vị 1871-1880), 3. Trừng Tùng - Chơn Thoại (1880-1910), 4. Tâm Hoà - Chánh Khâm (1910-1937), 5. Nguyên Cơ - Giác Phú (tại vị 11 tháng,1937), 6. Nguyên Bộ - Giác Ngọc (1946-1951), 7. Nguyên Chất - Giác Điền (1952-1957)... (5). Như vậy, Bà Đen được Phật giáo hoá thành Linh Sơn Thánh Mẫu từ khoảng giữa đến cuối thế kỷ XIX.


2. Công việc kế tiếp của bài viết này là qua hai thần tích về Bà Đen, chúng ta lần lượt tìm hiểu cách thức Phật giáo hoá/ Việt hoá tín ngưỡng này như thế nào.


2.1 Ở thần tích Nàng Đênh, chúng ta còn dấu ấn Khmer Mê Đêng/ Mê Đênh ở tên gọi Nàng Đênh và ở lý lịch của Nàng Đênh: “Tại vùng núi Tây Ninh có một viên quan trấn địa phương người Miên sinh hạ được hai con: một trai tuấn tú, một gái hiền thục gọi là Nàng Đênh” (6). Năm 13 tuổi, Nàng Đênh gặp được một thiền sư “người Tàu từ Bến Cát (Thủ Dầu Một)” và qui y. Lớn lên, cha nàng hứa gả nàng cho trưởng nam con một viên quan ở Trảng Bàng, nhưng “vì nàng đã phát nguyện xuất gia cầu đạo, không chấp nhận lập gia đình để gây mãi kiếp luân hồi khổ não. Một đêm, khi cha mẹ ngủ yên, nàng lẻn đi tìm đạo và biệt tích”. Nàng Đênh qua đời, và do lòng chí nguyện đã đắc quả và hiển linh nên dân chúng tôn thờ (7).


2.2 Ở thần tích thứ hai kề rằng: Bà Đen là hoá thân của cô gái Trảng Bàng, tên là Lý Thị Thiên Hương. Nàng là cô gái sùng mộ đạo Phật. Nàng có lòng yêu chàng trai văn hay võ giỏi trong làng là Lê Sĩ Triệt. Một hôm, tên con trai của quan huyện sai bọn côn đồ chặn đường bắt cóc Lý Thị Thiên Hương về làm thiếp. Giữa lúc đó, Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi tên côn đồ giải thoát cho nàng. Cha mẹ Lý Thị Thiên Hương hay chuyện, rất cảm kích đã hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Sau đó, Lê Sĩ Triệt có lệnh phải lên đường tòng quân, Lý Thị Thiên Hương ở quê nhà vò võ trông mong ngày đoàn tụ. Chẳng may, một hôm nàng lên núi Điện Bà lễ Phật lại bị bọn gia nô của tên con quan huyện vây bắt. Thế cô, nàng nhảy xuống hố trên núi tử tiết. Mấy hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa trên núi Điện Bà đang tụng kinh thì Lý Thị Thiên hương hiện hình “người con gái mặt đen nhưng rất duyên dáng” xưng tên là Lý Thị Thiên Hương và kể lại mọi việc. Hoà thượng theo lời mách bảo đi xuống núi tìm được xác dưới hố, đem về an táng. Từ đó, Lý Thị Thiên Hương hiển linh, giúp đỡ những người hoạn nạn và được vua sắc phong (?) là Linh Sơn Thánh Mẫu.


Nhìn chung, thần tích thứ nhất được khuôn đúc theo hướng đề cao sự phát tâm tu đạo, dựa vào môtíp có phần gần với sự tích Quan Âm/ Bà Chúa Ba ở Hương Tích (Nghệ Tĩnh); mà trong những thế kỷ XVII - XVIII, có nhiều dị bản ở Nam Bộ, tiêu biểu là truyện Tống Thị (Lương) ở Hà Tiên:


Tống Thị là con gái một nhà giàu ở Hà Tiên. Tuổi cập kê, rất giỏi nữ công, mai mối tới đầy nhà cũng không nhận lời một ai, nói “chờ lời Phật mới kết nhân duyên”, cha mẹ không hiểu nhưng miễn cưỡng chìu lòng. Gặp lúc nhà có sư lạ đi ngang qua cửa, thấy cái áo lót của nàng phơi ở sân, hớn hở vào cố xin cho bằng được, nói là để thoả nguyện cúng Phật. Cha mẹ nàng mắng nhiếc xua đuổi, nàng bước ra can ngăn, nhà sư cười một tiếng rồi bỏ đi. Từ đó nàng phát nguyện niệm Phật, xuống tóc làm ni cô để thờ Quan Âm đại sĩ. Cha mẹ can ngăn không được bèn xây am bên trái hòn Đại Kim (đảo nhỏ ở Hà Tiên) cho nàng tu hành. Nàng vui vẻ tu ở đó, giữ giới luật nghiêm cẩn, thêu một bức tranh Quan Âm to bằng người thật, cứ đâm một mũi kim lại niệm Phật một câu. Ba tháng thì xong, vẻ linh động như Phật sống, bèn xây chùa để thờ, đến nay di tích vẫn còn (8).


Ở thần tích thứ hai, câu chuyện được khuôn đúc theo cả hai chủ đề: lòng sùng đạo Phật và đề cao tiết hạnh Nho giáo. Ngoài ra, trong chừng mực nhất định, mối tình của Lý Thị Thiên Hương và Lê Sĩ Triệt cũng mang dáng dấp của lần “gặp gỡ đầu tiên” của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga (truyện thơ Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu). Nói chung, môtíp cơ bản của thần tích này, thấy rất nhiều trong hàng loạt các gương liệt nữ tiết hạnh thời Nguyễn. Ở đây, dẫn hai truyện để minh chứng.


- Sự tích núi Thị Vãi/ Nữ Tăng Sơn (Long Thành, Đồng Nai):


Xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng. Không được bao lâu chồng chết, bà thề không tái giá, nhưng lại bị kẻ cường hào cậy mai mối đến quấy nhiễu, bà bèn cạo đầu, lập am ở đỉnh núi, tự là thầy cả, cùng bọn đồng bộc giữ lòng tu trì, sau thành chánh quả. Người dân đó đặt tên núi (9).


- Liệt nữ Nguyễn Thị Liệu (Kiến Đăng, Định Tường):


Vào thời Thiệu Trị, Nguyễn Thị Liệu vừa 16 tuổi quê ở làng Mỹ Đông (Cai Lậy) cùng cha đi buôn ở Kompong Chàm, bị bọn thổ dân tên là Giao Áp bắt đem đi cưỡng hiếp. Cô giữ trinh tiết, đập đầu vào đá mà chết. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) ban biển vàng. Dân chúng ở làng Mỹ Đông lập ngôi miếu thờ Nguyễn Thị Liệu ở bờ rạch Trà Tân.


Tục truyền, Nguyễn Thị Liệu đã hiển linh trừng trị bọn cướp Giao Áp (có tên khác là Thạch Giao) bằng cách khiến bọn chúng điên loạn đâm chém lẫn nhau đến chết. Lại có lúc, cô hiện về báo tin cho quan trấn Châu Đốc về việc giặc chuẩn bị xâm phạm biên cảnh Tây Nam. Khi quân ta ra trận, Nguyễn Thị Liệu hiện ra con bướm trắng dẫn đường đến các nơi tụ quân của giặc, khiến quân ta đánh trận nào cũng thắng lớn (10).



Qua các dữ liệu đối chứng trên đây, chúng ta thấy rằng tiến trình biến đổi về nội dung tín lý của tập tục tín ngưỡng thờ Bà Đen là một chặng đường dài gồm nhiều quá trình tích hợp các tín lý và quan niệm có tính lịch sử. Trước hết là qúa trình Việt hoá theo tâm thức tín ngưỡng thờ nữ thần dân gian (bao gồm tín lý thờ nữ thần Chăm đã Việt hoá) và kế đó là quá trình Phật giáo hoá (thành Linh Sơn Thánh Mẫu), đồng thời được khuôn đúc theo quan niệm đạo đức tiết hạnh của Khổng giáo. Đây là một biểu hiện của thời kỳ “Nho - Thích song tồn” trong lịch sử văn hoá của xứ ta. Cũng như mọi hiện tượng văn hoá, tiến trình biến đổi của tín lý/ tập tục tín ngưỡng này đã và sẽ không là cố kết nhất thành bất biến.






Chú thích
(1) Bản dịch Tu Trai Nguyên Tạo, S, 1972, Tập thượng, tr.37.
(2) Bản dịch Cao Tự Thanh, Nxb KHXH, 1995, chú thích 11, tr.206.
(3) Về từ vựng Khmer, chúng tôi xin chú thích để bạn đọc tham khảo: Mê: thím; hoặc: chủ, người đứng đầu. Ví dụ MêSrôc: chủ sóc, Mê Khum: Xã trưởng; Đênh: đuổi bắt, khảy, đánh (đàn); còn Đen: xứ sở, lãnh thổ, vùng, khu vực. Như vậy Mê Đen: có thể hiểu là chủ/ chúa xứ (xem Hoàng Học: Tự điển Khmer-Việt, Nxb KHXH, H, 1979, tập 1, tr.503,505). Phnom (núi) + (Mê) Đênh/ Đen thường giản lược âm tiết thành Phnom + Đênh/ Đen: Bà Đênh (hay Bà Đen). Về từ Phnom (núi) được âm Việt hoá thành Bà thấy rất phổ biến. Chúng tôi sẽ bàn về hiện tượng này ở dịp khác.
(4) Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập II, Nxb TPHCM, 1995, tr.343-345.
(5) Tổng hợp tư liệu: Nguyễn Hiền Đức, sđd, và Huỳnh Minh: Tây Ninh xưa và nay, S, tác giả XB, 1972, tr.193-195. Cũng có ý kiến cho rằng Đạo Trung - Thiện Hiếu thuộc tông Liễu Quán, truyền theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo...”: Thiệt Diệu - Liễu Quán ---- Tế Hiển - Bửu Dương --- Đai Quang - Chí Thành --- Đạo Trung - Thiện Hiếu. Ở đây, tôi cho rằng Bà Đen biến thành Linh Sơn Thánh Mẫu bắt đầu từ lúc HT. Tế Giác - Quảng Châu (Hải Tịnh / 1788-1875) bắt đầu trang nghiêm ngôi chùa núi này.
(6). (7) Huỳnh Minh: sđd, tr.44.
(8) Đại Nam liệt truyện tiền biên/ Bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb KHXH, H, 1995, tr.265.
(9) Gia Định thành thông chí/ Bản dịch Nguyễn Tạo, S, 197, tập thượng, tr.16.
(10) Đại Nam nhất thống chí/ Tỉnh Định Tường/ Bản dịch Nguyên Tạo, Sài Gòn, 1973, tập trung, tr.32.- Huỳnh Minh: Định Tường xưa và nay. Tác giả xuất bản, S, k.n, tr 137-1397.

Huỳnh Ngọc Trảng (Theo Kiến Thức Ngày Nay 561)


_____________________________