Vào thời đại mà xã hội bấn loạn và điên cuồng như thế này, tốt nhất là cứ núp trong nhà, trùm chăn kín mít cho qua thời gian???

Vậy cũng không được. Như thế thì lãng phí cuộc sống quá.
Ừ. Thì cũng phải đi làm, kiếm tiền, đặng tồn tại, đặng còn tận hưởng cuộc sống chớ.

Người ta bon chen quá, giành giật quá, mình không chụp giật với người ta thì mình thua thiệt. Thua về công danh, sự nghiệp, tiền bạc cũng chưa sao, nhưng những thứ đó sẽ kéo theo chuyện mình sẽ ế là tất nhiên. Mình sẽ như 1 món mặt hàng, nằm im ỉm trong 1 góc xó xỉnh nào đó, và chờ sung rụng. Còn muốn nhiều người biết đến, thì có gì để khoe? Nếu có cái để khoe, thì hóa ra mình cũng đang chụp giật với người khác chứ có khác gì. Thôi, cũng phải có 1 cách nào chứ, cũng phải có 1 con đường nào đó để đi, chỉ vì mình chưa tìm ra mà thôi.
-------------------------

Một ngày như mọi ngày, khi bình minh ló dạng cũng là lúc Nam kết thúc một ngày làm việc của mình: trai bao. Nếu đó là một cái nghề, thì cũng là một nghề bị xã hội lên án, khinh bỉ và xem thường mỗi khi nhắc đến. Nó vẫn không được xem là một cái nghề, dẫu vẫn có hệ thống đào tạo phương thức bài bản, vẫn có những mưu mẹo, thủ đoạn riêng để thu hút khách, để nâng giá bản thân, hay ít nhất là tồn tại được với nghề. Nếu chỉ ở tầng lớp bình dân, nhàng nhàng như bao người khác trong nghề, thì cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng vấn đề sinh tồn sẽ trở nên khó khăn, khắc nghiệt hơn ở một tầng lớp mà Nam đang ở trong đó: trai bao cao cấp. Buồn cười nhỉ, cái nghề mà xã hội lên án, người người khinh khi mà cũng có tầng lớp cao thấp, cũng phân biệt giữa cao cấp và tầm thường. Và tất nhiên, giá cả, chất lượng, phong cách dịch vụ cũng khác nhau. Khách hàng thường là những quý bà lớn tuổi, và tất nhiên, có nhiều tiền. Khi người ta có nhiều tiền, người ta mới có nhu cầu hưởng thụ. Bạn sẽ chẳng có nhu cầu hưởng thụ, hoặc khi có nhu cầu cũng sẽ đè nén hoặc dìm chết nhu cầu ấy, khi mỗi ngày phải cố gắng kiếm từng bữa ăn mà vẫn không đảm bảo được sự chỉn chu, chu toàn trong bữa ăn đó.

Đôi khi, khách hàng cũng là những quý cô trẻ trung, xinh đẹp, do thất tình, do buồn chuyện gia đình, do quá nhàm chán với cuộc sống tẻ nhạt, muốn tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ, thú vị trong cuộc sống đã quá đơn điệu và lặp đi lặp lại, rồi một ngày bỗng nhiên nổi hứng, một kiếm cho mình 1 chàng tình nhân trẻ, không ràng buộc, không yêu đương, không gì đọng lại, chỉ đơn giản là bên nhau mỗi khi cần. Ngoài vẻ bảnh trai, trẻ trung, Nam còn sở hữu một giọng nói nhẹ nhàng, êm dịu, lối ứng xử thông minh, nhanh nhạy nên anh chàng khá nổi trong giới và được nhiều khách hàng yêu thích và lựa chọn mỗi khi cần, tất nhiên là trong vòng bí mật. Nhưng thật khó để có thể trụ vững trong giới, nếu Nam thiếu một cách ứng xử chân thành với mọi người xung quanh, và cũng tất nhiên là sự chân thành chỉ được giới hạn ở một chừng mực nào đó. Khi ai đó không biết điều, hoặc vô tình vượt qua những ranh giới, giới hạn đó, thì sự chân thành chỉ còn là một thứ xa xỉ, bởi những người đã làm nghề này, đều có một tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương, ẩn đằng sau vẻ bề ngoài gan góc, xù xì.

Nam thức dậy khi trời dần ló hoàng hôn, là lúc Nam chuẩn bị cho một ngày làm việc mới của mình. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, Nam chọn một chiếc áo sơ mi màu xám nhạt cùng chiếc quân tây au và đôi sandal da màu nâu già. Hôm nay Nam ăn mặc khá giản dị và đơn sơ, bởi điểm đến không phải là những quán Bar, sàn nhảy hay nhà hàng sang trọng, cũng không phải là một nơi tụ tập quen thuộc của Nam và bạn bè trong giới dùng để gặp gỡ các khách hàng. Hôm nay Nam đến chùa, một ngôi chùa nhỏ tọa lạc ở một vùng ven. Ở những nơi đó, có rất nhiều quý bà lắm tiền nhiều của, khi đã đến lúc xế chiều, bỗng muốn phát tâm từ bi để cứu vớt cuộc đời đã quá nhiều trống rỗng và vô vị, và cũng có những cô gái trẻ đẹp nhưng nhẹ dạ cả tin, yếu đuối còn mong muốn đi tìm một điều gì đó để dựa dẫm và hi vọng. Đó là những khách hàng ưa thích của Nam, dù đôi khi giá cả không được hấp dẫn lắm so với những khách hàng ở nơi khác, nhưng có một điều gì đó thôi thúc trong Nam, khiến Nam có một sự quan tâm đặc biệt đến họ. Dẫu sao, Nam vẫn là một chàng làm đĩ có lương tâm, khi nhận những đồng tiền của khách hàng, Nam vẫn luôn mong mỏi mang lại niềm vui nho nhỏ, sự tự do trong khoảnh khắc, bùng phát và sống trọn vẹn với chính mình, bởi những khách hàng của Nam, đều có cuộc sống với quá nhiều những bộ mặt giả tạo với gia đình, bạn bè, công việc và xã hội, bởi khi người ta sống thật với bản chất của mình, thực khó khăn để giữ được địa vị, danh vọng, sự thành công về tiền bạc cũng như hình ảnh hào nhoáng của mình. Nam không thường hỏi sâu vào đời sống riêng tư của họ, bởi đó là điều không nên đụng chạm đến, đó cũng là một trong những ưu điểm của Nam được nhiều khách hàng tin tưởng. Đó là một sự rành rỏi, tinh tế hay sự thấu hiểu đằng sau mọi lời nói, Nam không biết, và cũng không quan tâm. Chỉ cần khách hàng hài lòng, và Nam kiếm được tiền, mọi thứ đều tốt đẹp.

Khi Nam đến chùa thì đồng hồ điểm 7 giờ. Âm thanh xung quanh vẫn như thế, cứ im ắng, xen lẫn tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió thổi rì rầm. Bên trong phòng khách, thầy trụ trì Thích Sương Phong đang tiếp chuyện cùng 2 người đàn bà, 1 già 1 trẻ, phỏng chừng là 2 mẹ con. Cô gái trẻ chừng 26,27 tuổi, yêu một chàng sở khanh và nay đang mang bụng bầu gần 2 tháng. Người mẹ giấu chồng, mang cô đến đây gửi trong chùa chờ đến ngày sinh nở. Vào thời đại internet bùng nổ, xã hội đã có sự pha trộn và hòa nhập giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây, việc cô gái không chồng mà có chửa cũng không còn là vấn đề gì đó bị lên án quá gay gắt và tiêu cực như vài chục năm trước. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, bố cô là một lãnh đạo trong bộ giáo dục, và mẹ cô là lãnh đạo bên ngân hàng. Việc cô gây ra chuyện tày đình như thế sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến chiếc ghế của bố cô, cũng như hình ảnh và các mối quan hệ làm ăn của bà. Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ với quyền lực, địa vị và giàu có như thế, lẽ ra cô phải có một cuộc sống tự do, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, đón nhận bao sự ghen tỵ của bạn bè cùng lứa, nhưng cô hiểu rõ nhất, cô chưa từng có một ngày được tự do sống theo ý thích của mình, khi mọi điều cô làm đều phải suy xét kĩ lưỡng trong bộ óc của những người lớn, khi đó khó có thể vô tư và hồn nhiên được. Cô không trách móc hay oán hận cha mẹ cô và xã hội, bởi họ đã cho cô quá nhiều thứ, mà có khi những điều đó cô cũng chẳng cần, nhưng cô thương cha mẹ, và cam chịu mọi điều mà cha mẹ cô áp đặt, gặm nhấm từng nỗi đau trong tim cô mà mọi người gọi là sai trái, tội lỗi. Cô đến chùa, như tìm một chút gì đó thanh thản, một chút bình yên, một chút tự do trong tâm hồn.

Khi Nam bước vào phòng khách, 2 mẹ con có ý thoái lui do e thẹn, nhưng thầy trụ trì đã khoác tay bảo mẹ con cô cứ ngồi lại, rồi với tay kêu Nam vào ngồi cùng bàn. Trên bàn là một ấm trà, loại trà xanh có màu xanh vàng nhạt, hương vị cũng không có gì đặc biệt. Đây là loại trà mà thầy trụ trì được một sư thầy bên Tây Tạng đem từ bên đó sang tặng khi ghé thăm thầy bên đây. Điều đặc biệt của trà, không phải là màu sắc, cũng không phải hương vị của trà, mà vì vị sư thầy Tây Tạng sau khi tặng trà cho thầy trụ trì Thích Sương Phong được 2 tháng thì thầy mất khi đi công tác từ thiện bên Sudan. Thời điểm đó, có nhiều tổ chức nổi dậy giành chính quyền, nhân dân khắp Sudan vô cùng thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm. Vị sư thầy Tây Tạng sang bên đó trong 1 lần tiếp tế như yếu phẩm cho nhân dân Sudan và mất trong 1 lần quân Cộng Hòa cho ném bom quân nổi dậy. Sở dĩ Nam biết điều này, bởi lần trước khi vị sư thầy Tây Tạng ghé thăm chùa, Nam cũng có mặt ở đó và được sư thầy kể nhiều câu chuyện về nhiều nơi trên thế giới. Dẫu sao, đó cũng là một người, từng ghé thăm đời Nam.

Nam ngồi xuống bàn, khẽ chào 2 mẹ con, rồi tự tay rót cho mình 1 chén trà xanh vàng nhạt, uống một ngụm, nhắm nghiền mắt và cố gắng thưởng thức chút hương vị nào đó nếu có nhưng vẫn không sao tìm ra được chút thơm ngon nào. Nam khẽ nhíu mày có ý trách móc quay sang thầy trụ trì Thích Sương Phong lúc này đang mỉm cười đầy ý vị. Chợt thầy cất lời:
- Thưởng trà, không phải là đi tìm cái vị của trà, hay những điều đặc sắc của trà, không phải đi tìm những thứ thơm ngon, như ý của mình. Uống trà, là sống trong trà. Khi ta sống trong trà rồi, mới có thể cảm nhận được hết những độc đáo của trà.

- Lạy cụ! - Nam buông giọng ngang như cua, như một phần bản chất của Nam. Tui không khoái trà, cũng không muốn thưởng trà, sống trong trà. Cuộc đời tui chỉ chìm đắm trong bia, rượu và sống cùng nó. Nếu có thể chìm đắm trong bia rượu, mặc mọi lời khen chê của người đời, thì cũng có thể cảm nhận những tinh hoa, tinh túy của bia rượu. Người đời vốn xem trà là một loại cao cấp, trân quý và tao nhã, xem thường bia rượu, nhưng hỏi thế gian có mấy người đã từng cảm nhận bia rượu trong 1 sự thấu hiểu sâu tận? Uống trà thì dễ, được người người khen ngợi và ngưỡng mộ. Nhưng uống bia, rượu, phải chịu sự kì thị của người đời mới thực khó, có thể cảm nhận những tinh túy của nó lại càng khó hơn.

Thầy Thích Sương Phong vẫn nở nụ cười nhẹ nhàng thường trực trên môi, khẽ tiếp lời: "Sự phân biệt giữa trà và rượu, bia cũng bởi do trí não của con người. Phàm có thể cảm nhận bất cứ điều gì dù tốt đẹp hay xấu xí, dù cao cả hay tầm thường, thì đều đáng quý".

Thực ra, thầy trụ trì và Nam có một mối giao hảo lâu năm, cũng không có thói quen tranh luận nhiều với nhau. Sở dĩ hôm nay tranh luận về trà và rượu, cũng là cố tình để 2 mẹ con nghe. Hoa rơi hữu ý, nước trôi vô tình. Hiểu hay không, là tùy duyên của 2 mẹ con họ. Đó không còn là vấn đề mà thầy trụ trì và Nam bận tâm. Thầy trụ trì thì có thể, nhưng Nam thì vốn không quen sống với lòng trắc ẩn. Có sự ngoại lệ hôm nay, có lẽ, Nam động lòng trước vẻ đẹp của cô gái. Nam yêu phụ nữ đẹp. Phụ nữ đẹp, lại trẻ trung, thì Nam lại càng yêu. Nam không muốn những nét buồn thoáng qua trên những khuôn mặt đẹp ấy, dù chỉ là khoảnh khắc. Thế nhưng, với khả năng của một con người bé nhỏ như Nam, chẳng thể làm gì trước sự xoay vần của Tạo Hóa, và ở một khía cạnh nào đó, những niềm đau, những nỗi buồn, những đau thương cũng là những nét đẹp của cuộc sống. Nam trân trọng điều đó và không hề có ý định can thiệp vào dòng chuyển động đó. Nhưng Nam có thể xoa dịu cuộc sống để bớt chút đau thương.

- Hôm nay Nam không đi làm sao? Tiếng thầy trụ trì phá tan bầu im lặng đang ngự trị xung quanh.

- Lúc đến đây thì có, nhưng bây giờ thì không. Đêm nay tui ngủ lại ở đây được không? - Nam đáp.

- Được chứ. Đây vẫn luôn là nhà của Nam mà. Ở trong phòng thầy còn 1 chai rượu tây, Nam xuống phòng bếp làm chút mồi mà nhâm nhi. Đêm tĩnh lặng như thế này, e là không quen với một người thích náo nhiệt như Nam.

- Hai người cũng uống chứ? - Nam quay sang hỏi 2 mẹ con người phụ nữ.

- Thưa thầy...Tiếng cô gái trẻ ấp úng. Thầy cũng uống rượu ạ?

- Thầy từng uống một lần, nhưng không thích nên thầy bỏ hẳn. Giờ thầy chỉ uống trà thôi. Còn rượu thầy cất trong phòng là để dành cho Nam. Nam thì thích rượu chứ không khoái trà.

Rồi Thầy tiếp lời, như để giải tỏa nỗi thắc mắc của 2 mẹ con. "Trước đây Nam từng là học trò của thầy. Nam từng yêu một người sư tỷ, nhưng người sư tỷ ấy không muốn vương vấn chuyện yêu đương nam nữ. Rồi một ngày, Nam bỏ đi. Nhân duyên của Nam là thế thì Nam phải thế, thầy không can thiệp. Nhưng Nam mãi mãi là học trò của thầy, là đứa mà thầy cưng nhất".

"Thế thì cụ vẫn còn là người phàm, vẫn còn phân biệt mỗi người hơn thua khác nhau nhé". Tiếng Nam chanh chua.

-"Ừm, thì thầy vẫn là người phàm mà, hì hì". Tiếng thầy nhẹ nhàng, ôn nhu.

-"Vậy để con xuống bếp làm chút thức ăn đặng mọi người dùng." Tiếng cô gái thỏ thẻ.

- "Để anh xuống phụ em". Tiếng Nam hí hửng.

Nói xong, 2 người, 1 nam 1 nữ cùng nhau xuống bếp làm thức ăn. Trong phòng khách chỉ còn lại thầy trụ trì và người mẹ. Người mẹ chợt lên tiếng hỏi:

- Thưa thầy, vậy bây giờ Nam làm nghề gì ạ? Đã có vợ con gì chưa ạ?

- Nam làm trai bao. Thầy đáp ngắn gọn.

- What the hell? Tiếng người mẹ thốt lên, cũng là lúc kết thúc câu chuyện.