Bí mật về chai nước trong và bệnh điên kỳ dị

Cho đến tận bây giờ, tôi cũng chưa biết đích xác cha tôi chữa "bệnh điên" cho người ta ra làm sao, bằng cách gì, dùng phương thuốc đặc trị nào? Đó là một căn bệnh khó chữa vào hàng bậc nhất nhì từ xưa nay, cho dù đó chỉ là một thứ bệnh lí về tâm thần, mất năng lực tự chủ, và không kiềm chế được hành vi. Ở quê tôi, nhiều người mắc căn bệnh này đã vào viện, hoặc chuyên khoa tâm thần khám và điều trị. Nhưng mãi không khỏi. Họ đành quay lại tìm đến cha tôi.
Không chỉ chữa bệnh cho người, cha tôi còn có thể cầm máu, bắt giòi cho trâu bò. Khi chúng bị vắt rừng cắn, bị ngã xuống vực, đá đâm thủng ruột… Nếu không cứu chữa kịp thời, chỗ bị thương sẽ nhiễm trùng. Máu chảy mãi đến khi kiệt sức. Con giòi đục mãi vào thịt. Trâu bò sẽ lăn ra mà chết.




Phải có đến sáu bảy chục năm, dù cha tôi không chuyên hành nghề nhưng vẫn thường xuyên đi chữa bệnh. Những người dân truyền tin cho nhau về khả năng kỳ lạ này, ngày một lan rộng. Cha tôi sẵn lòng giúp mà không kèm theo bất cứ một đòi hỏi vật chất nào. Những người bị điên được cha tôi chữa đều khỏi hẳn. Hiện nay họ đã thành ông thành bà, đang có cuộc sống bình thường và yên ổn như mọi người dân khác. Và họ vẫn quan hệ thân tình với người nhà tôi, suốt từ mấy chục năm nay. Hầu hết mọi người đều nhận làm con nuôi của cha tôi.
Ngày cha tôi mất, khắp cánh đồng Bo Păn trước nhà tôi rợp một màu khăn tang trắng xóa. Người gánh gạo. Người gánh rượu. Người vác củi… nườm nượp mang đến giúp cho nhà tôi làm lễ tang cha. Một bầu không khí đau thương nặng nề trùm xuống. Nhưng bù lại, tình cảm mọi người dành cho chúng tôi thật thân tình, ấm áp. Nên nỗi buồn mất cha cũng dịu đi được phần nào.
Có thể nói đây là một đám tang kỳ lạ nhất mà tôi được chứng kiến (Tôi từng được cha cho đi theo đánh trống đám ma từ lúc lên tám tuổi). Có ba ông thày tào. Sáu bà bụt luông. Họ đều là những học trò xuất sắc và tin cẩn của cha tôi. Năm ngày bảy đêm tưng bừng nhảy múa và ca hát. Trống chiêng não bạt ầm vang. Tiếng sóoc nhạc. Tiếng pí lè. Tiếng con ốc cạn. Tiếng sừng trâu út út vọng vào vách núi, không lúc nào ngưng nghỉ. Làm át đi những tiếng khóc thương cha thống thiết não nùng. Cây cỏ trên rừng cũng dỏng lá lên nghe. Chim chóc đậu đầy trên nóc nhà. Chúng ngừng im tiếng hót. Đá trên núi ngồi buồn xám ngoét. Mây trên trời vần vũ đớn đau. Chiều kéo ngày đi lằng lặng tối. Người người đi lại trong màn đêm đen như keo đặc. Chốc chốc lại có người đòi mang thóc ra cho ngựa. Gọi là ngựa nhưng kỳ thực đó là một con hổ lông xám. Gọi chệch đi cho đỡ sợ. Phải là người nhẹ vía thì mới trông thấy. Nó nhai thóc rau ráu. Ăn xong hổ lên quả đồi sau lưng nhà tôi choãi chân nằm phủ phục. Nó hít hà hương khói. Lắc lắc cái đầu. Ve vẩy cái đuôi. Lim dim đôi mắt. Khi vầng dương ánh lên le lói, ông ba mươi lẹ làng tan biến vào làn sương mỏng. Làn sương bay lên trời, cuốn theo một con hổ đang biến hình.
Trong khi đó, các thày tào bà bụt vẫn miệt mài diễn tả lại toàn bộ cảnh sinh hoạt thường ngày khi cha tôi còn sống. Họ bắt chước ông giống y như thật. Từ giọng nói, tiếng cười, kiểu ngồi, dáng đi… đều là hình bóng cha tôi. Chứ không phải họ nhập vai theo một kịch bản nào.
Đây rồi. Lũ người điên bắt đầu xuất hiện. Có người nuốt cả một hòn than đang hồng rực vào trong cuống họng. Có người đi chân không trên lưỡi dao mài sắc. Thế mà không cứa đứt một giọt máu tươi. Có người ngồi trên một mâm gai nhọn. Trên gai nhọn có phủ một tờ giấy mỏng. Họ khoanh chân ngồi theo kiểu kiết dzà. Không những ngồi im mà họ còn nảy cong cả người lên, lấy đà rơi xuống. Phập! Lại có người nhảy ào một đống than lửa đang cháy rực. Dùng cả hai tay bới lửa lên tung tóe. Nhưng tuyệt nhiên trên người họ không hề có vết bỏng. Chỉ thấy trên tóc, trên vai áo có bụi tro và tàn lửa rơi lốm đốm. Khi người đóng vai cha tôi xuất hiện. Ông lừng lững bước vào khuôn cửa. Những người điên nhất loạt đứng đâu ở yên đó. Không ai dám ho he nhúc nhích. Cha tôi cất tiếng gọi từng người. Họ khoanh tay vâng dạ. Ba mươi phút sau, họ hoàn hồn. Thu hết thần cuốn hết vía. Các ông thày tào bà bụt lại ngồi đàng hoàng uống rượu, bỏm bẻm nhai trầu và nói chuyện mùa màng.
Lúc còn sống. Cả đời cha tôi chỉ biết thở và cười. Gặp ai cũng cười. Mở miệng là cười. Nuôi con từ bé đến lớn, ông không hề đánh mắng con cái. Không hề nặng lời với bất cứ ai. Ông bảo, ta được sống thảnh thơi ở trên đời này là một chữ phúc nhỏ. Được sống cùng với bao con người khác, giữa vạn vật và muôn loài, mới là chữ phúc to. Hãy biết quý rừng xanh mây trắng, sông suối hiền hòa. Bởi đó là nơi chốn đi về cả phần hồn lẫn thể xác. Hễ trông thấy đàn kiến đang đi, hãy nhường đường cho chúng. Mỗi con kiến là một sinh mạng. Thấy chữ rơi không được bước qua, mà phải thành kính cúi xuống nhặt lên và đem đốt đi. Chữ thánh hiền không được bỗ bã xúc phạm. Nhờ có chữ mà ta biết vì sao hạt thóc nhọn hai đầu. Trên đời này chỉ có hai thứ đen. Mắt người đen và chữ viết đen. Biết trọng chữ nghĩa mới là người có nhân cách. Thấy ai rách rưới, không được xem thường. Bởi vì chẳng may họ gặp vận hạn. Người ăn xin ăn mày đến nhà, phải mời người ta ở lại. Ta có gì thì cho họ ăn, cho họ uống và cho họ cái mặc. Ăn xin ăn mày cũng là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày. Ông nói rằng trên đời này không có ai là xấu. Chỉ có lòng tham, thói ích kỷ, sự hận thù là xấu. Hãy chuyển hóa những thứ đó thành phân, để bón tốt cho lúa đồng.
Đã có nhiều người hỏi ông chữa bệnh điên bằng gì? Cha tôi chỉ cười mà chưa bao giờ nói. Phù phép chăng? Ai cũng cho rằng ông chữa bằng phù phép. Tôi cũng nghĩ thế. Ông vẫn chỉ cười. Khi tôi đã lập gia đình và sinh hai cháu nhỏ. Có lần tôi hỏi dùng thuốc gì mà chữa được bệnh điên. Ông trầm ngâm, lặng đi một lúc lâu. “Con là người nóng tính. Ham hố nhiều như tóc. Riêng điều này con không thể học và làm được.” Ông giảng giải “Cha không chữa bằng thuốc. Mà bằng trái tim. Con hiểu không. Trái tim yêu thương con người. Trái tim phải rộng lớn mới mong làm được điều đó.” Thấy có vẻ sách vở lý thuyết và mông lung xa vời quá, tôi bèn thưa lại. “Mọi người vẫn cho rằng cha có phù phép. Hồi nhỏ cha được đi học với ông thầy Vườn Luông?” Cha nhỏ nhẹ. “ Đúng là có học. Học từ năm mười hai đến hai lăm tuổi cha mới về quê cưới mẹ con. Nhưng chỉ học chữ nho để về làm thày tào. Ông Vườn Luông là một ông thầy cao tay. Không chỉ giỏi chữ mà còn giỏi cả phù phép.” Tôi vội vàng. “Cha có học phù phép không?”. “Có! Nhưng phù phép chỉ để trừng trị yêu quái. Sao có thể chữa cho người được.”.
Tôi còn được nghe mẹ kể nhiều lần về ông thầy Vườn Luông. Đó là một người tài cao đức dày. Không mấy học trò theo được. Chỉ có cha tôi là người hiền lành nhất, trung thực nhất và rất sáng dạ. Nên ông Vườn Luông tin yêu cha tôi hơn cả trong đám học trò. Kể từ đấy ông Vườn Luông truyền hết bí mật ngón nghề cho riêng cha tôi.




Thuốc là một chai nước lã trong vắt.

Biết rằng tôi chưa tin chuyện đó là có thật. Một lần ông cho tôi xem cách bốc thuốc chữa bệnh. Thuốc là một chai nước lã trong vắt. Cha tôi múc từ dưới mỏ nước mang về. Rồi gọi người nhà đốt ba nén nhang mang lên cho ông. Ba nén nhang kẹp vào mang tai. Ông ngồi thẳng lưng thẳng cổ như kiểu ngồi tòa sen. Chỉ thấy ông nhắm hờ hai mắt, bất động toàn thân. Bây giờ tôi mới biết đó là tư thế ngồi Thiền. Tôi căng mắt theo dõi từ đầu. Không thấy ông bỏ bất cứ vật gì vào chai nước. Khoảng nửa tiếng sau, ba nén nhang cháy vừa hết, ông lấy hơi từ lồng ngực sẽ sàng thổi vào chai. Vẫn thế. Chỉ có chai nước trong suốt. Không màu. Không mùi. Không vị. Nhưng mang cho người điên uống, dăm ngày sau họ không còn quậy phá nữa. Nói năng từ tốn hơn. Cử chỉ hành tung trở lại bình thường.
Thật khó tin! Nhưng đó là điều có thật. Người điên uống vài ba chai nước là khỏi, nhưng sau đó chủ nhà còn phải sắm sửa một đêm cúng Trời Phật. Cha tôi ngồi hát từ mờ đêm đến sáng. Bài mo chỉ nói về hồ nước. Hồ nước đục. Vì sao hồ nước đục. Bây giờ ta phải làm cho hồ nước trong. Hãy giữ cho hồ nước trong. Hồ nước trong sẽ nhìn thấy đáy… Chẳng cần chạy chữa gì cả, vì tâm có sẵn ta rồi. Hãy buông bỏ mọi ham muốn buồn phiền. Hãy thảnh thơi vui tươi như hoa trái… Lời văn giản dị dễ hiểu. Đi liền với giai điệu, tiết tấu của tiếng chập cheng choong nào*. Trong ánh nến lung linh mờ ảo. Một không gian huyền bí mà cha tôi đưa người đời đi từ bờ ảo sang bến thực. Rõ ràng ông đã cảm hóa cái xấu bằng cái đẹp. Cảm hóa cái ác bằng cái thiện. Chuyển hóa cái rối tinh mù mịt bằng cái trật tự và lắng đọng. Chuyện rõ ràng như ban ngày, chẳng hề liên quan đến thần linh mê tín .
-----------
Hứa Hiếu Lễ

http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nhi...896/index.viet