Bí ẩn chùa Tiêu Sơn và những phát hiện kỳ thú

Gần bảy tháng sau khi được rước ra khỏi ngôi tháp cổ ngày 26-9, pho tượng di thể của thiền sư Như Trí đã được tu bổ, khôi phục xong. Nhưng chung quanh pho tượng táng (viên tịch nhưng thân xác không phân hủy) cực kỳ quý giá thứ tư được tìm thấy ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều bí ẩn.



Phát hiện đã... 60 năm

Ngày 5-3-2004, trước sự chứng kiến của hàng trăm nhà sư, phật tử và đại diện chính quyền địa phương, ngôi tháp cổ đã được khai mở. Và nhục thân Thiền sư Như Trí trong tư thế ngồi kiết già được rước ra, bị hư hỏng nặng: tay rụng, mắt trái thủng, toàn thân nứt nẻ. Nơi cất giữ tượng ẩm thấp, nước vẫn tiếp tục nhỏ xuống từ các mạch vữa lở lói. Trên tháp có tấm bia nhỏ ghi: Đây là "Viên Tuệ tháp" được đệ tử nối pháp của ngài là Tính Phong (cùng hàng môn nhân) dựng vào mùa xuân năm 1723 đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái thứ tư. Như vậy pho tượng và ngôi cổ tháp đã có ít nhất 281 năm tuổi.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên pho tượng được phát hiện. Theo nhà sư Đàm Chính trụ trì chùa Tiêu Sơn cách đây hơn 60 năm, đã có một người nhìn thấy hình pho tượng và lấy que chọc thủng mắt trái. Sau đó, lỗ hổng trên tháp được nhà chùa bít lại nhưng không ai nghĩ đó là di thể thật của một thiền sư.

Nhiều năm sau, dư luận được dịp sửng sốt vì sự phát hiện ra ba pho tượng táng của Thiền sư Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Khắc Trường ở Chùa Đậu, thiền sư Chuyết Tuyết ở chùa Phật Tích, nhưng vẫn không ai để ý đến câu chuyện pho tượng ở Tiêu Sơn tự, dù đây là ngôi chùa có lịch sử 1.000 năm, đã từng là Trung tâm thuyết giảng và đào tạo về Phật giáo lớn nhất Việt Nam, dưới thời quốc sư Lý Vạn Hạnh và một số đệ tử nối pháp trụ trì.

Mãi đến năm 1995, khi các nhà lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm có dịp về thăm chốn Tổ Tiêu Sơn, sự việc này được xới lại và chín năm sau, tháng 3-2004, pho tượng mới được rước ra khỏi tháp.

Kỳ công độc nhất vô nhị

Dự án tôn tạo, tu bổ tượng được PGS.TS Nguyễn Lân Cường, họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, với sự tham gia của Viện 69 , Viện Khoa học công nghệ Việt Nam... thực hiện trong bốn tháng.

Trong suốt quá trình đó, những nghiên cứu di cốt đã cho kết luận: Thiền sư Như Trí là một người đàn ông, cao xấp xỉ 1,65m, viên tịch trong độ tuổi từ 45 - 50.

Một vị chức sắc Phật giáo cho rằng ở cái tuổi đó mà thiền sư Như Trí đã luyện được cách khiến di thể bất hoại là một kỳ công độc nhất vô nhị.

Qua vị trí sắp xếp các xương; qua phương pháp phân tích phổ hồng ngoại, các nhà khoa học cũng nhận thấy: Thiền sư được phủ sơn ta (sơn mài truyền thống) và các phụ gia khác ngay sau khi viên tịch.

Một trong những phát hiện kỳ thú nhất là trong bụng nhục thân có một khối to hợp chất bằng quả bưởi . Hợp chất này, sau khi phân tích bằng phương pháp nhiễu xạ tia X, có thể khẳng định: đây là các chất vô cơ có cấu trúc tinh thể, và nó là các chất còn lại của phần phủ tạng trong bụng thiền sư.

Như vậy đây cũng là pho tượng táng cả ngũ tạng, đặc biệt hơn các xác ướp Ai Cập (để bảo vệ di thể không hư hoại, người Ai Cập phải mổ bụng, đưa hết lục phủ ngũ tạng, óc ra ngoài).

Việc chụp phim X - quang pho tượng đã cho thấy nhiều điều hết sức mới mẻ: Sau khi bồi lớp thứ nhất, người xưa đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng (chiều dài 65cm, rộng 15cm) và một tấm đồng trên ngực (rộng 22cm) thiền sư, rồi mới bồi thêm lớp nữa. Ngang và dọc trên đầu, cổ và bắp tay là những dải băng bằng đồng có các kích thước khác nhau từ 4 - 21mm.

Các nhà khoa học tuyên bố đây là hiện tượng lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam . Những tấm đồng này có khả năng giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng và có thể bảo vệ hộp sọ.

Từ các phát hiện trên, chứng tỏ phương thức táng tượng của Việt Nam rất độc đáo và đạt trình độ rất cao. Phương thức táng này cũng đã được phát hiện ở Trung Quốc với tên gọi "giáp trữ tất".

Công việc trùng tu sở dĩ kéo dài hơn dự kiến là vì pho tượng hư hại quá nặng và tính chất táng có nhiều điểm mới mẻ.

Đầu tiên, các nhà khoa học tiến hành phải tiến hành diệt khuẩn, nấm mốc và côn trùng. Sau đó quy trình được bảo đảm nghiêm ngặt: bọc vải, bó, hom, lót, thí... với 13 lớp sơn và thếp bạc.

Tu bổ hoàn thành, pho tượng nặng 34kg, chiều cao tư thế ngồi 78,5cm, được đặt trong một khám sơn son thếp vàng có hộp kính kín dày 10mm (do nhà máy kính Đáp Cầu đúc) chứa đầy khí ni tơ để bảo vệ, đặt ở nhà Tổ chùa Tiêu Sơn.

Một phiên bản khác của tượng được làm bằng composite và 10 lớp sơn, vải, mạt cưa nặng 55,5kg đặt trong thân ngôi tháp cổ để du khách và phật tử chiêm bái.

Các bậc chân tu và công năng đặc dị

Theo nhà Phật, người chết mà để lại những phần không bị tiêu huỷ sau khi hỏa táng thì gọi là xá lợi như cái lưỡi của ngài Duy Ma Cật, một vị thuyết pháp thời Đức Phật, hay như quả tim của ngài Thích Quảng Đức (tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ - ngụy). Theo truyền thuyết, Đức Phật sau khi tịch cũng để lại xá lợi là những viên ngọc ngũ sắc, ngay cả cho vào nhiệt độ rất cao cũng không thiêu huỷ được. Còn như ngài Như Trí là toàn thân xá lợi.

Nếu là những bậc chân tu, sau khi luyện được tâm thanh tịnh thì họ đạt được ngũ thông hoặc lục thông (công năng đặc dị): "Thiên nhĩ thông" tai có thể nghe được âm thanh nhỏ hoặc từ rất xa; "Thiên nhãn thông" mắt cũng nhìn được xa và vật cực nhỏ (Trong Kinh có ghi Đức Phật "thấy" được ngoài trái đất còn có hằng hà sa số tinh tú, "thấy" được trong nước có bát vạn tứ thiên trùng: vi trùng, vi khuẩn); "Tha tâm thông" đọc được tâm địa người khác... Nhiều sách nhà Phật cũng đã ghi lại khả năng thần thông của nhiều thiền sư như Nguyện Minh Không, Từ Đạo Hạnh do tu luyện mà thành.

Nhưng cái gốc của Phật giáo không phải là để đạt được ngũ thông, lục thông mà là để chuyển hóa cái tham, sân, si trong con người mình đến chỗ an nhiên thanh tịnh. Với nhà Phật thì việc tu hành là không có mục đích đạt đến và đối tượng đạt đến: dù mắt thấy sắc, mũi thấy mùi, tai nghe rõ... nhưng trong tâm không nảy sinh bất kỳ một ý niệm nào ưa thích hay ghét bỏ, phiền não. Nếu tu được đến mức độ như vậy thì thời gian quá khứ, hiện tại sẽ không còn ngăn cách nữa, và nhà tu hành có thể lưu và dung được trí tuệ quá khứ cũng như đoán định được tương lai.

Hòa thượng Thích Thanh Từ, đang ở tại thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, cũng đã đi được hai phần ba chặng đường nhập thất ba năm để tĩnh tu. Mục đích của việc nhập thất là để nêu gương cho đệ tử tu hành và chuẩn bị cho mình có thêm đạo lực, làm chủ được thân tâm (tâm không bấn loạn) trước khi ra đi, đồng thời cũng biết được ngày giờ ra đi. Nhập thất là suốt ngày trở về sống với nội tâm thanh tịnh của mình, không suy nghĩ và làm việc gì khác (không xem báo, không đọc kinh, không nghe đài, coi ti vi... ăn uống có người đem đến, ăn xong có người đem đi). Thiền sư Như Trí cũng đã thực hiện một dạng nhập thất nên ra đi hoàn toàn siêu thoát.

Theo Gia đình và Xã hội