Xây Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng tự đào mồ chôn mình? (Phần II)
Thứ hai, 4/8/2008, 07:00 GMT+7
Năm Thủy Hoàng thứ 32 (tức năm 215 TCN), khi Lư Sinh dâng câu sấm trong Lục đồ thư: “Làm nước Tần diệt vong là người Hồ vậy”, Tần Thủy Hoàng lại một lần nữa bị chấn động mạnh. Tần Thủy Hoàng cảm thấy thời cơ trổ tài đã đến, thời cơ trừ mối họa canh cánh của đế quốc Đại Tần đã đến. Trong cách nhìn của Tần Thủy Hoàng, nếu như không lập tức tấn công Hung Nô ở phương Bắc, nước Tần rất có thể có ngày sẽ bị mất bởi người Hồ ngày càng hùng mạnh. Ngay lập tức, Tần Thủy Hoàng phái Mông Điềm tướng quân dẫn 30 vạn tinh binh tổ chức tấn công Hung Nô, một lần thu phục cả vùng Hà Nam và Du Trung. Năm thứ hai thu phục Cao Khuyết rồi tiến thẳng đến Âm Sơn, Hà Sáo. Hung Nô không chỉ chống đỡ quyết liệt cuộc tấn công của Mông Điềm mà còn chia quân làm hai cánh tập kích, cuối cùng bỏ chạy lên vùng sa mạc phương Bắc.


>> Xây Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng tự đào mồ chôn mình? (Phần I)

Quân Tần đối với cuộc chiến này bề mặt là giành toàn thắng nhưng chính như lời Lý Tư đã chỉ ra, người Hồ không có chỗ ở cố định, không có địa bàn không thể rời bỏ giống như người Trung Nguyên, họ di cư theo thời gian mùa vụ, vì thế có thể nói thắng lợi của quân Tần hoàn toàn không có lợi ích về mặt thực tế, mà ngược lại tự tạo cho mình không ít phiền toái.






Một đoạn Vạn Lý Trường Thành



Cách đánh liên tục di chuyển thay đổi địa bàn của Hung Nô khiến cho quân Tần vô cùng điên đảo. Để chống lại sự quấy nhiễu của người Hung Nô, ngay sau đó, Tần Thủy Hoàng quyết định xây dựng Trường Thành. Một vùng bình nguyên rộng lớn rất thích hợp cho quân kỵ binh của Hung Nô hành động, xây dựng Trường Thành để hạn chế sở trường của họ là một biện pháp rất hữu hiệu.

Xây dựng Trường Thành không phải là sáng tạo của riêng Tần Thủy Hoàng. Ngay từ thế kỷ thứ VII TCN, các chư hầu đã xây dựng các bức tường thành cao bao quanh xung quanh lãnh địa của mình để phòng ngừa đối phương tấn công, những bức tường thành này được gọi là "trường thành". Vào khoảng thế kỷ thứ 4 TCN, Yến, Triệu, Tần và một số quốc gia để phòng chống sự quấy nhiễu của các dân tộc du mục phương bắc đã tiếp tục xây dựng trường thành.

Xây dựng trường thành đã là biện pháp có từ xưa hoàn toàn không có gì sáng tạo, qua nhiều lần xây dựng, tu sửa đã hình thành một Vạn Lý Trường Thành dài hơn 12000 dặm[1]. Tần Thủy Hoàng không chỉ xây dựng trường thành còn cho tu sửa các trực đạo (trên trường thành). Ý đồ của Tần Thủy Hoàng là trường thành có thể chống lại sự xâm lược từ phía bắc của người Hồ, bảo đảm rằng kẻ diệt nước Tần không phải là người Hồ. Còn việc tu sửa thành công trực đạo có thể giúp kỵ binh nước Tần trong ba ngày ba đêm có thể đến Âm Sơn, tấn công một đòn chí mạng đối với quân Hồ.

Theo cách nhìn ngày nay, Trường Thành là một kỳ tích nhưng trong thời kỳ mà lực lượng sản xuất còn chưa phát triển như thời Tần việc tu sửa trường thành thực sự là một tai vạ kiếp nạn chặt đầu chặt đuôi đối với lê dân bách tính. Tần Thủy Hoàng tu sửa trường thành để trừ mầm họa cuối cùng đối với đế quốc Tần nhưng thực tế lại không diễn ra như ông ta mong muốn. Sự oán hận trong dân chúng đối với công việc trường thành ngày một tăng lại chính là nguyên nhân dẫn đến không ít những cuộc khởi nghĩa thúc đẩy nhanh chóng sự diệt vong của đế chế Đại Tần hùng mạnh một thời. Những mong gìn giữ sự thống trị của đế chế đến vạn thế, nhưng phải chăng Tần Thủy Hoàng đã tự đào mồ chôn chính đế chế do một tay mình gây dựng?

Sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, con trai thứ của ông ta là Hồ Hợi cấu kết với Triệu Cao và Thừa tướng Lý Tư lập mưu giết con trưởng Phù Tô để đoạt ngôi vị, xưng là Tần Nhị Thế. Tần Nhị Thế nối ngôi, cai trị hà khắc, sưu cao thuế nặng, biến đổi gốc của nước, dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Đế chế Đại Tần cuối cùng bị diệt vong trong tay Hồ Hợi khiến mọi người nhớ tới câu sấm: “Vong Tần giả, Hồ dã”. Nhà Nho gia đời Hán là Trịnh Huyền từng chú giải câu sấm này, cho là chữ “Hồ” trong câu nói này không phải là chỉ người Hồ ở phương Bắc mà là chỉ Hồ Hợi. Cách nói theo đuôi này sẽ khiến chúng ta buồn cười nhưng cười xong ai cũng nghi hoặc, rốt cuộc đế chế Đại Tần vì sao bị diệt vong? Ai là người diệt đế chế Đại Tần hùng mạnh?

Công tội trường thành ngàn năm bàn luận, nước Tần rốt cuộc diệt vong vì đâu?

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong thời kỳ Trung Quốc chuyển từ xã hội nô lệ sang xã hội phong kiến, cũng là vị hoàng đế để lại cho đời sau không ít những tranh luận, nghi vấn. Ngay việc ông dốc sức xây Trường Thành cũng gây ra không ít tranh cãi kéo dài.





Tần Thủy Hoàng



Tôn Trung Sơn đánh giá rất cao vai trò của Vạn Lý Trường Thành. Trong cuốn Phương lược dựng nước, ông có chỉ ra rằng Tần Thủy Hoàng tuy chẳng ra sao nhưng công lao xây dựng Trường Thành so với việc trị thủy của vua Vũ cũng không kém chút nào. Nếu như không có Trường Thành bảo vệ Trung Nguyên, Trung Quốc không thể trụ được qua Tống, Minh mà ngay ở thời Hán Sở đã bị giặc phương Bắc xâm lược, càng không thể nói đến sự hưng thịnh thời Hán Đường. Ngay cả việc Hán hóa dân tộc Mông Cổ, Mãn Thanh cũng có thể quy về công lao của trường thành. Bởi vì sự tồn tại của trường thành khiến cho lực đồng hóa của Trung Hoa được củng cố một cách vững chắc, mới đủ để “tuy mất vào tay Mông Cổ, nhưng Mông Cổ đã bị người Hán đồng hóa; tuy vong vì người Mãn Châu nhưng người Mãn Châu đã bị người Hán đồng hóa”.

Tôn Trung Sơn tuy có xem trọng vai trò của Trường Thành nhưng các sử gia lại không hoàn toàn đồng ý như vậy. Họ rất sắc sảo chỉ ra rằng, việc nước Tần tấn công Hung Nô có vẻ như giải quyết được mối họa phương Bắc nhưng chiến thắng trên chiến trường chỉ là nhất thời. Cho đến cuối đời mình, Tần Thủy Hoàng vẫn chưa hề giải quyết được mối họa từ Hung Nô. Các dân tộc du mục tuy có lúc bị trấn áp nhưng tuyệt đối không bị khuất phục, “diệt Tần chính là người Hồ”, đó cũng là điều tâm niệm luôn đeo đẳng trong lòng những tộc người du mục. Tác dụng phòng ngự của trường thành cũng rất hạn chế. Sự hưng thịnh về văn hóa và sức mạnh quốc gia của Hán Đường hoàn toàn không thấy vai trò của Trường Thành. Triều Minh là triều đại tu sửa Trường Thành công phu nhất nhưng cuối cùng lại không tránh khỏi vận mệnh bị ngoại tộc xâm lược, mất nước vào tay ngoại tộc.

Trường Thành vốn dĩ không thể ngăn chặn được quân thiết kỵ của các dân tộc du mục phương bắc. Binh bộ thượng thư triều Minh là Lưu Đạo cảm nhận rất rõ điều này. Ông nói rằng tu sửa Trường Thành là biện pháp cuối cùng từ cổ đến nay. Tu sửa Trường Thành để phòng ngừa họa từ bên ngoài chính là một vòng luẩn quẩn. Công lao tu sửa Trường Thành càng lớn thì mối lo của mọi người về họa ngoại xâm lại càng mạnh mẽ, tiêu phí tiền tài của quốc gia cũng không ít, sức mạnh chiến đấu của quân đội cũng ngày càng yếu. Quốc gia không năm nào là không đầu tư rất lớn cho việc tu sửa Trường Thành nhưng công hiệu thực tế của nó thì vẫn chưa thấy đâu. Trường Thành tiêu phí một lượng tài lực rất lớn để xây dựng, nhưng vì phòng tuyến ngày càng lớn, tường thành ngày càng sa sút rất khó để chống đỡ địch quân tấn công đột ngột. Điểm yếu đó là rất dễ nhìn thấy.

Sau khi triều Thanh vào Trung Nguyên đã quyết định không tu sửa Trường Thành nữa. Thời Khang Hi, tổng binh biên phòng Thái Nguyên báo cáo về triều đình rằng Trường Thành có rất nhiều chỗ bị sụp hỏng, cần phải tiến hành bổ sung tu sửa. Khang Hi không nhiệt tình lắm với chuyện này, còn nói từ khi Tần xây dựng Trường Thành đến nay, từ Hán, Đường, Tống đều tu sửa rất tốt nhưng đều không vì thế mà trừ được họa nơi biên cương. Cuối đời Minh, Thanh Thái Tổ dẫn đại binh đánh thẳng vào, các đường đều tan nát không gì có thể đương nổi. Có thể thấy việc giữ nước không nhờ vào việc tu sửa Trường Thành mà là tu sửa đường cho dân chúng. Ông nói rằng: “Dân vui vẻ, hạnh phúc, gốc của nước bền vững thì biên cương cũng vững chắc. Đó chính là ý chí của dân chúng trở thành Trường Thành vậy”.

Trong bài phú lưu truyền thiên cổ của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường A Phòng cung phú có nói rất rõ rằng: “Diệt lục quốc giả, Lục quốc dã, phi Tần dã; Tộc Tần giả, Tần dã, phi thiên hạ dã” (Tiêu diệt sáu nước, chính là sáu nước, không phải nước Tần; Diệt nước Tần, chính là bản thân nước Tần, không phải là do thiên hạ vậy). Làm diệt vong nước Tần không phải là người Hồ, cũng không phải là thiên hạ, đó chính là do bản thân nước Tần. Sự phát triển và diệt vong của nó là tuân theo sự vận hành tất yếu của bánh xe lịch sử./.

Hy Văn (Vietimes) trích dịch từ Truy tìm chân tướng lịch sử, tác giả Trương Tú Phong, NXB Văn Nghệ Hà Nam, 2008.