Hà Nội xếp loại một số đường phố được gọi là “tuyến phố thuơng mại. Một trong những tuyến được coi là tiêu biểu nhất kéo dài từ Bờ Hồ cho đến Chợ Đồng Xuân. Đó là bốn trong “ba mươi sáu phố phường” cổ điển của Thăng Long-Hà Nội gồm: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và Đồng Xuân.

Tuyến phố này được đầu tư hạ tầng, cắm cột đèn loại tân cổ giao duyên và vài năm gần đây mỗi tuần có 2 buổi tối ngăn xe thành “phố đi bộ” và họp “chợ đêm”. Tuyến đường này cũng là một trục trung tâm của “không gian khu phố cổ” đang được bảo tồn và đang nuôi ý định đăng ký “di sản thế giới”(!?).

Nhưng giờ đây, đi trên tuyến phố này người ta chỉ cảm thấy giá trị của nó như sự nối dài của chợ Đồng Xuân. Sự sầm uất giống như những dẫy hàng xén nhiều hơn là một hàng phố của những nhà công thương. Cũng có một vài cửa hàng tỏ sự sang trọng bằng những mặt hàng có vẻ cao cấp, hay đầu tư vào nội thất…Nhưng quả thật, với những ai đã từng biết đến những đuờng phố này thời xưa thì thấy như đã mất đi nhiều giá trị vốn có, tạo nên một chốn vừa Kẻ Chợ lại vừa Kinh kỳ. Tìm đâu ra những thương hiệu gắn với những con người, những gia đình, dòng tộc tạo nên cả những tính cách của một lớp người Hà Nội xưa… Nhắc nhiều đến điều này có thể mang tiếng là người hoài cổ và làm chạnh lòng những cư dân đang sống và làm ăn phát đạt trên tuyến phố sầm uất và đắt giá nhất Thủ đô này.

Điều đáng phải nghĩ ngợi lại là chứng bệnh thực dụng làm lãng quên những giá trị văn hoá của cái không gian đã từng mang lại những nét đặc trưng nhất cho phẩm chất của con người Hà Nội qua những thử thách của lịch sử.

Ngày nay đi dọc tuyến phố này, người ta có thể nhận ra một vài điểm sáng về việc bảo tồn các di tích văn hoá - lịch sử. Đình làng Đồng Lạc của làng nghề làm yếm ở 38 Hàng Đào đã được trùng tu lại những dáng vẻ cổ xưa nhờ sự tài trợ của một thành phố nước ngoài kết nghĩa. Nhưng chỉ tiếc rằng nó lại biến thành công sở của cơ quan quản lý phố cổ. Chùa Cầu Đông ở 38 Hàng Đường đáng được coi là thành tựu điển hình của lãnh đạo Thủ đô quyết tâm đầu tư để giải toả các hộ dân ở bên trong và kể cả mặt tiền để sang sửa một trong những ngôi chùa nổi tiếng gắn với nơi đô hội nhất trong kinh kỳ xưa.

Nhưng, đáng nói hơn cả những di sản vật thể như (đình, chùa) chính là những di sản liên quan đến con nguời đã từng sống trên tuyến phố này. Ngay phía cuối phố Hàng Đào nhìn ra Bờ Hồ Hoàn Kiếm có một không gian rộng được đặt tên là Quảng trường “Đông Kinh Nghĩa Thục”. Sở dĩ chọn đặt tên ấy vì nó gắn với phố Hàng Đào nơi mở trường (nhà số 10) và nơi ở của một trong những gia đình tiêu biểu nhất của Thủ đô chúng ta mà tên tuổi vị “chủ hộ” là Cụ Cử Lương Văn Can (nhà số 4).

Phải tốn rất nhiều chữ mới giải thích được tầm vóc lịch sử của ngôi trường này và cái danh giá của một gia đình trí thức Hà Nội có cả nhà hiến thân cho nước. Ngày nay Lương Văn Can không chỉ được tôn vinh như vị thục trưởng (hiệu trưởng) của nghĩa thục, mà còn được giới doanh nhân tôn làm vị “tổ sư ” khai mở “đạo làm giàu”.

Không phải tự nhiên mà cái tuyến phố này cũng là nơi hội tụ những người giàu có về sản nghiệp (điều chưa chắc đã bằng thời nay) nhưng cũng lại là nơi hội tụ cái nghĩa khí ái quốc của giới công thương Hà Nội trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, đóng góp cho Ngày Độc Lập, Tuần Lễ Vàng và cả cuộc chiến đấu quyết tử 60 ngày đêm mở màn cuộc Kháng chiến toàn quốc.

Cái tinh thần lịch sử ấy ngày nay dường như bị đắm chìm trong sự bề bộn của hàng họ và hoạt động bán mua. Ngôi trường Đông Kinh nghĩa thục xưa vẫn nguyên vẹn dáng vẻ kiến trúc, nhưng nay được cơ quan nhà nước cho thuê làm cửa hàng thời trang tấm tầm. Ngôi nhà của gia đình danh tiếng họ Lương năm xưa từng là nơi trú ngụ và qua lại của nhiều tên tuổi danh tiếng trong lịch sử nay vẫn được hộ dân ở đó tận dụng khai thác mặt tiền cũng bán áo quần…

Tịnh chưa thấy ngành văn hoá Thủ đô có ý định gì để tôn vinh cái niềm tự hào nhất của Hà Nội là một trong những cái nôi của cuộc Đổi mới ở đầu thế kỷ trước. Đã có một doanh nhân Nhật Bản chạnh lòng với sự thờ ơ của người Hà Nội, đã xin với lãnh đạo Thủ đô cho được làm một tấm bia kỷ niệm tại cửa ngôi nhà vị Thục trưởng. Người bạn Nhật này biết rõ chuyện đất cát ở Hà Nội cao giá nên nhấn mạnh là chỉ cần một tấm bia khiêm nhường để người xưa khỏi tủi và người nay khỏi quên. Thành phố bàn lên bàn xuống rồi cũng xếp đấy, gây nỗi thất vọng cho người bạn nước ngoài tốt bụng (!?).

Năm nay là tròn một 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Ở tận bên Pháp, người ta vừa tổ chức hội thảo về sự kiện này, ở ta, một vài trường Đại học hay hội đoàn cũng ổ chức những cuộc hội thảo nhỏ. Nhưng chưa thấy ngành giáo dục và lãnh đạo Thủ đô nghĩ đến chuyện đứng ra tổ chức một cái gì tương xứng với tầm vóc của sự kiện. 100 năm Thăng Long đến nơi rồi. Nghĩa khí của Đông Kinh Nghĩa Thục có xứng đáng để tôn vinh hay cái danh giá của người Hà Nội chỉ có là “thương mại”?

Lại còn một di tích tầm cỡ quốc gia trên tuyến phố thương mại này, đó là ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cư ngụ và thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử. Đương nhiên cái giá trị hàng đầu của di tích này là dấu ấn của một vĩ nhân và sự ra đời một văn kiện lịch sử. Những có đáng tôn vinh hay không nghĩa khí của một gia đình Hà Nội đã cưu mang cách mạng mà trên tấm bia gắn ngoài cửa không nói rõ là nhà của ai, cứ như là Cụ Hồ làm việc ở nơi công sở chứ không phải ở một tư gia.

Có một câu hỏi rất hay cho những ai thích lịch sử, nhất là lịch sử Thủ đô: “Vì sao Cụ Hồ, một nhà cách mạng, một lãnh tụ cộng sản Việt Nam lần đầu đặt chân tới Hà Nội, lại chọn ngôi nhà của một trong những gia đình giàu nhất, tọa lạc tại khu phố giàu nhất để làm bản doanh đầu tiên của cuộc Cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc?”

Chắc chắn câu trả lời sẽ cho thấy giá trị của nhiều tuyến phố của Hà Nội không chỉ là “thương mại”.