Nguyên nhân nào khiến luật pháp ít quan tâm đến quyền của người đi bộ? Thực ra, còn có một nghịch khác lý ở xứ ta là người đi phương tiện cơ giới cũng lại rất sợ người đi bộ. Cứ thử đụng vào người đi bộ xem, lẽ phải dường như luôn thuộc về người đi bộ…

Người không đọc sử ít biết rằng cho đến trước khi Tây sang (giữa thế kỷ XIX) người nước ta chưa biết đến cái xe có hai bánh xếp ngang. Xe có bánh duy chỉ có cái xe cút kít bánh gỗ. Loại phương tiện này trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ còn trưng bày như một trong những phương tiện tham gia vận lương cho chiến dịch cách đây hơn nửa thế kỷ.

Đường cái quan, hay đường thiên lý, huyết mạch giao thông của quốc gia cũng chỉ là những con đường mòn bị đứt đoạn bởi nhiều dòng sông và được kết hợp với các bến đò ngang. Trên bộ phương tiện chủ yếu là võng hay kiệu… phương thức phổ biến là gánh, vác, đội… hoặc sang nhất là cưỡi một vài thứ súc vật như ngựa hay lừa và đôi khi là những ông voi… Còn mọi nhu cầu vận chuyển đều theo đường sông nước cả.

Có thể vì thế mà trong trường kỳ chống chọi với các đạo quân đến từ Trung Hoa, một nước ngay từ thời Tần vẫn lấy tiêu chí cho sự thống nhất quốc gia là “thư đồng văn-xa đồng quỹ” (một thứ văn tự, một khoảng cách giữa hai bánh xe), quân dân ta luôn “đón lõng” ở cửa sông Bạch Đằng để đánh phá các chuyến tàu tiếp tế quân lương của địch mà giành chiến thắng cuối cùng. Bởi lẽ nếu theo đường bộ đến nước ta thì không những chỉ gặp núi non hiểm trở mà chẳng có đường xá cho xe cộ lăn bánh.

Thế mới có chuyện truyền khẩu rằng khi cụ Thượng Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết, lần đầu thấy cái xe “bánh lại xếp dọc, dựng đứng thì đổ, ngồi lên đạp thì nhanh như ta chạy vậy” cùng với cái đèn “dốc ngược mà dàu không đổ” đã thấy làm lạ đến mức phải bật thành thơ rằng “Từ ngày đi sứ đến Tây kinh -Thấy chuyện châu Âu phải giật mình!”.

Sử cũng chép rằng mãi đến thời Tây đã vào thành Thăng Long rồi mới có mấy cái xe tay (dùng người kéo- pousse-pousse) nhập từ Hong Kong hay từ Nhật Bản sang và đường xá Hà Nội mới dần mở mang có rải đá, rải nhựa rồi có vỉa hè, cống rãnh, rồi có đèn đường…

Còn trước đó, cứ theo mô tả của những người nước ngoài từng đến thành Hà Nội thời Nguyễn, đều mô tả hệ thống đường xá vẫn tựa như đường làng, chủ yếu là lát gạch... Nhà hai bên đường thường “vẩy” thêm những chái phía trước chỉ chừa một chút không gian còn lại. Trong nội đô, ngoài các con sông còn rất nhiều ao, hồ là thứ hạ tầng tự nhiên cấp và thoát nước cho đô thị. Dân cư họp chợ ngay ở khoảng trống giữa hai dãy nhà hai bên, chật hẹp đến mức khi có các quan chức tiền hô hậu ủng đi qua là kẻ buôn người bán ôm hàng tán loạn dạt sang hai bên để mở đuờng, có người phải lội ào xuống cả ao hồ. Cái thói “chợ cóc” và “vẩy” chái nhà lấn chiếm không gian đến nay vẫn còn như một tập quán khó gạt bỏ trong đời sống đô thị hiện đại…

Đọc các bộ luật cổ, liên quan giao thông trên bộ thì chỉ thấy điều chỉnh khoản cuỡi ngựa mà thôi. Do vậy mà luật nhà Lê có quy định cách đi đứng của người cưỡi ngựa ở chốn kinh thành. Còn sử nhà Nguyễn thì chép chuyện con vua Minh Mệnh a dua theo bạn phóng ngựa ẩu gây tai nạn bị vua cha đích thân ra án nặng…

Như thế là phải đến khi Tây sang, quy hoạch lại thuộc địa mới bắt đầu hình thành những đô thị theo kiểu hiện đại, phát triển đường bộ với các phương tiện di chuyển như xe kéo, rồi xe ngựa, xe hơi, tiếp đó đến tàu điện, xe hoả rồi xe đạp, xích lô và các loại xe máy. Đến khi đó mới thấy có chuyện xe đụng xe hay xe đụng người …Đến khi đó đô thị mới có vỉa hè và giao thông nội đô, đường xá mới chia ô, có đường rồi có luật lệ.

Nói như vậy để thấy, cái truyền thống giao thông trên bộ của ta còn ngắn lắm so với thiên hạ. Lại nữa, hồi mới hình thành nếp sống đô thị, nẩy sinh hình tượng 2 nhân vật Lý Toét và Xã Xệ của mấy tờ báo trào lộng chuyên phê phán “anh nhà quê ra tỉnh”. Ngữ người này trước tiên là hay mắc cái tội “đái bậy” vì ở quê nhà giải quyết việc ấy ở đâu chẳng được. Sau nữa là lúng túng với đường đi lối lại ở chốn thị thành. Cái bài hát của một nhạc sĩ danh tiếng có câu “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày” có thể là nói về chuyện khác nhưng cứ được người ta vận vào cái tính ưa tự do một cách hồn nhiên của dân ta không quen với sự nền nếp của luật pháp.

Như thế thì có thể thấy rằng tuy chúng ta đều là “người khôn ngoan” (homo sapiens) cả, đi bộ là việc đương nhiên từ thời thượng cổ, nhưng cái truyền thống đi bộ có luật lệ thi e chừng muộn hơn thiên hạ cả nhiều thế kỷ. Xa xưa chỉ có người đi bộ với nhau nên cũng ít có sự đụng độ để phải có luật lệ điều chỉnh. Hương ước trong làng chỉ bàn việc nộp “cheo” để “xã hội hoá” việc tu bổ đuờng làng… Xe cộ thì mới có cách đây hơn một thế kỷ, đô thị cũng vậy. Phải chăng vì thế mà cái nếp đi đứng cho đúng luật lệ chưa có trong não trạng người mình?!